Xuân Bích ở Việt Nam (2)

Xuân Bích ở Việt Nam (2)

 Phần Một

NGUỒN GỐC VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU
THEO VĂN KHỐ CỦA HỘI
(1929-1930)

 

1. Một chút lịch sử
 
Theo những tư liệu đã được in thành sách, thì vào trước năm 1630, ở Kẻ Chợ Đàng Ngoài, (Thăng Long thời Lý-Trần, Hà Nội ngày nay), lúc đó chưa có linh mục Việt Nam, nhưng đã có tổ chức các thày giảng, tiền thân của thày cả hay linh mục. Tổ chức thày giảng là tổ chức tư, do giáo sĩ Đắc Lộ khởi sắc, chưa có qui định được Tòa Thánh chấp nhận, nhưng cũng gồm có ba lời tuyên thệ chính yếu. Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài viết:
 
   “Một điều làm chúng tôi áy náy, chính các thầy giảng cũng bàn với chúng tôi. Số là có giáo dân mong cho các thày lấy vợ trong gia đình mình, tưởng rằng qua sự thông gia với những người có khả năng dạy dỗ người khác, thì một của đáng lý phải thuộc của chung hết các giáo dân, sẽ thành của riêng trong gia đình mình”.
 
   “Vì muốn làm tan ý định đưa tới sự đổ vỡ giáo đoàn xứ này mà chúng tôi tìm một phương kế đưa ra thi hành đối với các thày giảng, đó là bắt các thày phải thề, thứ nhất  không được lấy vợ, ít ra cho tới khi có một số các cha tới xứ này để nâng đỡ giáo đoàn và săn sóc giáo dân… Thứ hai, các thày không được giữ tiền bạc hay của cải riêng nào cho mình, những của bố thí giáo dân cúng thì phải để làm của chung. Thứ ba, các thày phải vâng lời người chúng tôi đặt làm bề trên cho tới khi các cha tới(4). Thật rõ ràng là ba nhân đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời. Đó là ở Đàng Ngoài.
 
Còn ở Đàng Trong thì vào trước năm 1645, cha Đắc Lộ cũng bắt các thày giảng khấn giữ các điều như trên. “Tôi đồng ý và trước khi ra đi, tôi nghĩ nên gắn bó mười thày giảng bằng một lời tuyên thệ, cũng như tôi đã làm ở Đàng Ngoài khi tôi rời bỏ họ. Chúng tôi đã chọn ngày lễ thánh tổ phụ I-nhã (5) để cử hành nghi lễ. Cả mười đầy tớ Chúa công khai đến nhà thờ, có mặt toàn thể giáo dân. Họ cầm nến trắng trong tay, phục trước bàn thờ, rồi thề sẽ phụng sự Giáo Hội, không lập gia đình và vâng lời các cha dòng đến giảng ở đất nước này hoặc những vị thay thế các ngài(6).
 
Như vậy là vào thời các cha Dòng Tên (1615-1663), không có chủng viện để đào tạo thầy cả. Chỉ mới có tổ chức các thầy giảng, được đào tạo tại chỗ. Khi cha Deydier thuộc Hội Truyền Giáo tới Thăng Long năm 1666, cha đã làm một sổ kê khai danh sách mấy thầy giảng, trong đó có thày tinh thông tiếng Bồ, có thày biết tiếng Đàng Ngoài, tức chữ nôm, chữ hán và hẳn có cả chữ quốc ngữ, nhưng không thấy nói tới chữ latinh. Những thày giảng này tỏ ra trung thành với Dòng Tên.
 
Thế nhưng việc cấp bách phải làm, cha Deydier đã làm ngay. Được ông Raphael Rhodes (7) cho vay tiền mua một chiếc thuyền đinh dùng làm chủng viện nổi trên sông Hồng, cha đã bắt tay vào việc đào tạo, một thứ lớp cấp tốc. Chỉ có chừng 8 thày có trình độ, còn chừng 45 hay 50 chỉ là người phục dịch, 15 có thể làm chủng sinh. Năm 1668, cha gửi đi Thái Lan hai thầy Bentô Hiền và Gioan Huệ. Mấy tháng sau, hai thày đã trở về và là hai linh mục tiên khởi Đàng Ngoài.
 
Năm 1670, Đức Cha Lambert de la Motte tới Đàng Ngoài và đã truyền chức linh mục cho 7 thày giảng, đó là Martin Mật 68 tuổi, Antôn Quế 56, Philíp Khấn 52, Simon Kiên 60, Giacôbê Chiểu 46, Lêôn Trí 46 và Vitô Tri 30, trẻ hơn tất cả (8).
 
Từ năm 1659 cho tới nay vẫn chỉ có một địa phận Đàng Ngoài. Năm 1679, Đàng Ngoài chia làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài. Vì chưa khảo cứu tường tận, nên chúng tôi chưa biết việc thiết lập chủng viện được tiến hành thế nào trong các địa phận, nhưng chắc chắn là đã có tổ chức các tiểu chủng viện rải rác ở nhiều nơi. Còn đại chủng viện thì ở Vĩnh Trị cũng là thủ phủ địa phận.
 
Rất sơ lược, thời đức cha Bourges, năm 1686, đã có tới 12 linh mục; năm 1689 được 17 linh mục nhưng đã chết mất 5, còn 12. Tới năm 1830, thời Đức cha Longer, đã thấy ghi có 80 linh mục, một đại chủng viện và 20 đại chủng sinh. Năm 1842, có 80 linh mục, 40 đại chủng sinh.
 
Năm 1846, có 93 linh mục, 323 chủng sinh, nhưng sau đó khi chia địa phận thì chỉ còn 58 linh mục, 254 chủng sinh. Con số lớn về chủng sinh có thể hiểu cả trường nhỏ và trường lớn nữa chăng?
 
Từ khá lâu về trước, ít nhất là trước năm 1719, Vĩnh Trị đã là thủ phủ của địa phận và cũng đã thiết lập đại chủng viện ở đây. Đức cha Néez (1680-1764) đã soạn một cuốn sách danh tiếng nhan đề Những linh mục bản xứ tiên khởi của Giáo Hội Đàng Ngoài.
 
Cho tới năm 1860, chủng viện đã được rời từ Kẻ Vĩnh về Kẻ Sở, đức cha Phước đã cho thiết lập thủ phủ địa phận ở Kẻ Sở và cho xây cất ngôi thánh đường nguy nga theo kiểu gô-tíc Âu châu ở đây.
 
Đại chủng viện là từ ngữ mới, còn thời xưa gọi là Trường Lý đoán. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi như thế. Tự vị Việt Pháp của Génibrel, Saigon, nhà in Tân Định, 1898, cho hai nghĩa của từ này : Lý đoán là phán đoán (sentence), là phán quyết (décision), và Lý đoán là thần học (théologie). Nếu muốn phân biệt cho rõ thêm thì nói : trường philô (triết học) và trường lý đoán (thần học). Nhưng thường thường khi nói trường Lý đoán thì bao gồm cả hai.
 
Tự vị La Việt của Ravier, Ninh Phú (Kẻ Sở) 1880, ghi: theologia là sách lý đoán, theologia dogmatica là phần phép đoán dạy các điều phải tin, theologia moralis, phần phép đoán dạy các điều phải giữ. Còn philosophia là sự mộ đức khôn ngoan, đạo quân tử, phép cách vật.
 
Thế là Trường Lý đoán của địa phận Tây Đàng Ngoài, rồi địa phận Hà Nội, đã được đặt ở Vĩnh Trị, cho tới năm 1860 thì chuyển về Kẻ Sở, thuộc Ninh Bình. Lúc đầu cũng chỉ là những khu nhà lợp tranh, sau mới được xây gạch khang trang. Rất nhiều lớp linh mục đã được đào tạo tại đây, nhiều giáo sư danh tiếng cũng đã dạy học ở đây và nhiều sách thần học, triết học, luân lý, giáo luật, tu đức, lịch sử Giáo Hội, phụng vụ cũng đã được soạn thảo bằng tiếng việt. Thư viện tổng giáo phận Hà Nội ngày nay còn giữ được một số.
 
Cố chính Linh (Albert Schlicklin) : Thần học tín lý, Thần học luân lý (1908-1911); Công giáo luân lý khoa (1919); dịch toàn bộ Kinh Thánh theo bản Vulgata (1910) ; Triết học khoa, Phép mộ sự khôn ngoan (1917).
 
Chưa rõ soạn giả : Công giáo luân lý học khoa (Kẻ Sở, 1929), bộ sách đồ sộ hơn 1.000 trang.
 
Cha Khánh (P. Ravier) : Sử ký Hội Thánh (ba tập, 1892-1895).
 
Cha Huy (P. Vuillard) : Giáo luật hệ trợ (hai quyển, Hà Nội, 1934).
 
Cố chính Trung (M. Sérard) : Sách dạy tập đi đàng nhân đức trọn lành (Kẻ Sở, 1897, 1900).
 
Trở lại đại chủng viện Kẻ Sở được di về đây năm 1860, các giáo sĩ Hội Truyền giáo Nước Ngoài Paris (MEP) đã điều khiển, trong số đó đã có nhiều người danh tiếng soạn sách bằng tiếng việt như vừa nói.
 
Vào năm nào chúng tôi không biết lắm, có hai cha Việt Nam đi du học Rôma về với khá đầy đủ bằng cấp : cha Huân và cha Trực (9). Thế nhưng hình như không được lâu, hai cha lại ra giáo xứ làm công việc mục vụ.
 
Cho tới năm 1929, khi có toan tính mở chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội, thì Trường lý đoán Kẻ Sở vẫn tiếp tục làm cho xong những lớp cuối cùng của mình, không lấy chủng sinh triết học mới nữa. Một giai đoạn mới đã khởi đầu.
 
2. Những dự trù (1929-1930)
 
Cho tới nay, chúng tôi cũng chưa biết vì lý do nào, đức giám mục địa phận lại có ý trao chủng viện cho Hội Xuân Bích, bởi vì cho tới nay, trường Lý đoán Kẻ Sở đã và còn đang làm được công việc đào tạo và giáo huấn các linh mục tương lai. Như trên chúng tôi cũng đã thử xem, trường Lý đoán đã làm được những gì về vấn đề sách giáo khoa bằng tiếng việt, thì thực ra phải công nhận là đã có cố gắng lớn và cũng đã có nhiều người tinh thông tiếng việt. Ở thời đại đó, làm được những công việc đó thì không thể không thán phục.
Chúng tôi thấy có ba lý do:
 
   Thứ nhất, về nhân sự. Có thể vì không tiếp tục cung cấp cho chủng viện những người có khả năng, theo đòi hỏi của thời đại mới, Đức Giám mục đã cho người đi du học, họ đã đem bằng cấp trở về, nhưng lại không thể cộng tác với nhóm giáo sư của Hội, như đã nói qua ở trên.
 
   Thứ hai, về khả năng. Không phải là không có người có khả năng. Có, nhưng không đủ con số cần thiết cho một chủng viện. Như trên đã thấy, đã có những công trình xuất sắc của những người như một cố Chính Linh, một cố Chính Thịnh (10) , sau này làm giám mục… nhất là những công trình được soạn bằng tiếng việt. Các cha thừa sai có nhiều việc phải làm về mục vụ, về truyền giáo, như truyền giáo cho các dân tộc thiểu số chẳng hạn…
 
   Thứ ba, về tâm linh. Vẫn biết, các khoa chuyên môn thuộc thần học và các môn thuộc giáo luật, Kinh thánh .v.v.. là cần thiết và phải có người chuyên môn giảng dạy. Thế nhưng, chính yếu là môn tu đức, thuộc tâm linh, thuộc sinh hoạt tâm linh của linh mục, thì Xuân Bích có thể cung cấp đầy đủ và hoàn toàn hơn. Hội Xuân Bích là hội chuyên về đào tạo và huấn luyện các linh mục tương lai.
 
Thế cho nên, chúng tôi thiết nghĩ, đức giám mục địa phận Hà Nội đã tính đến chuyện trao chủng viện cho Xuân Bích. Và cũng là công việc đúng thời đúng lúc, tình hình chung đòi hỏi phải có đổi mới, có tân tiến.
 
Ngày 9 tháng 4 năm 1929 đã có cuộc họp đại hội nghị của Hội. Chủ trì trong buổi hội, về phía Xuân Bích có cha phó bề trên cả Boisard và cha cố vấn Labauche. Về hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP) thì đặc biệt có đức cha De Guébriant và mấy người khác.
 
Đức cha cho biết là các Giám mục Bắc kỳ, trừ các địa phận bên dòng Đa minh Tây ban nha – lúc này toàn là người Pháp – nhất là Đức Giám mục Hà Nội, đức cha chính Gendreau (Đông), Đức cha phó Chaize (Thịnh) – đã quyết định mở một Chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội. Dĩ nhiên đã phải có sự bàn bạc và thỏa thuận của đức Khâm sứ Tòa Thánh (11).
 
Chủng viện này phải được coi như một Chủng viện Trung ương (Séminaire Central) các chủng viện khác có thể gửi các chủng sinh ưu tú tới. Vì thế cũng có chỗ nói là Chủng viện Đông Dương (Séminaire d’Indochine) (12).
 
Dần dà với cuộc thảo luận, hội nghị cho biết Chủng viện Đông Dương này không phải là Chủng viện Trung Ương, nơi nhận những chủng sinh ưu tú của các địa phận, mà là Chủng viện địa hạt (Séminaire régional), các giám mục thuộc một miền, một khu vực, một địa bàn có thể gửi các chủng sinh xuất sắc của địa phận.
 
Như vậy có nghĩa là, riêng Hà Nội thì nhận hết các chủng sinh, không phân biệt, còn các địa phận khác thì chỉ gửi các chủng sinh “lỗi lạc” (13)?
 
Với đại hội nghị này, người ta còn được biết, đã có những người tình nguyện đi Hà Nội. Như vậy những người này, thường là những giám đốc chủng viện ở Pháp, cũng được mời dự hội nghị để bàn về việc mở trường chủng viện này ở Hà Nội. Đó là các cha Uzureau ở Limoges, Durdaillon ở Nimes, Paliard ở Lyon được giới thiệu như giám đốc chủng viện tương lai. Paliard thực ra sau này là giám đốc tiên khởi với tên Việt là Đoán và Uzureau, phó giám đốc với tên Việt là Lý. Một cha nữa cũng tình nguyện đi Hà Nội, đó là cha Leblanc. Không biết gì thêm về cha Leblanc này.
 
Đại hội nghị đã kết thúc và một bản tường trình vắn tắt đã được ghi vào hồ sơ của Hội.
 
Tới ngày 26 tháng 9 cùng năm, nghĩa là 1929, một hội nghị thứ hai được tổ chức. Công việc như vậy đã được xúc tiến khá nhanh. Bởi vì trong đại hội nghị này, đã bàn tới hành trình của những người tình nguyện đi Hà Nội.
 
Hai cha Paliard và Uzureau sẽ lên đường đi Hà Nội vào ngày mồng 4 tháng 10 tới này. Phí tổn hành trình do Hội Truyền Giáo đài thọ, hay bỏ tiền ra trước, có sự hỗ trợ của các đồng sự Mỹ. Có lẽ vì là nước giàu có, nên việc viện trợ cũng là việc thông thường.
 
Nhân tiện cũng nên nói thêm rằng, Xuân Bích ở Mỹ khá thịnh vượng cũng như ở Canada. Xuân Bích ở Mỹ dễ dàng cộng tác về kinh tài và về nhân sự, thế nhưng theo một văn bản, chúng tôi biết cộng tác về kinh tài thì dễ được công nhận hơn cộng tác về nhân sự. Bởi lẽ, giữa những người cùng một quốc tịch thì dễ làm việc chung với nhau hơn, về nội bộ cũng như về ngoại giao (lúc này Việt Nam còn ở dưới chế độ Bảo hộ và Thuộc địa Pháp).
 
Cho nên, theo nguyên văn ghi trong biên bản hội nghị, thì cha Leblanc thuộc chủng viện Baltimore (Mỹ) có thể khởi hành vào năm sau. Nhưng năm sau và những năm sau nữa, cha Leblanc không có tên trong danh sách đi Hà Nội.
 
Theo dự tính thì khi tới Việt Nam, các cha sẽ được đức cha Phát Diệm, lúc này là Đức cha Thành (Marcou) tiếp đón. Tại sao trong hội nghị lại nói tới việc tiếp đón này? Có thể là vì thanh thế của Đức cha Phát Diệm lúc này hay vì muốn cho một đệ tam nhân khác với Hà Nội, trình bày công việc khách quan hơn, dễ thuyết phục hơn chăng?
 
Hội nghị cũng bàn tới những việc đầu tiên phái đoàn phải làm:
 
   - Quan sát và học hỏi,
 
   - Tìm đất để xây dựng chủng viện, chủng viện sẽ là tài sản của Xuân Bích,
 
Về tinh thần thì phái đoàn phải:
 
   - Chuyên cần lo việc chủng viện,
 
   - Sống chung với các chủng sinh,
 
   - Áp dụng qui chế chủng viện, qui chế đem theo từ Pháp, để thích nghi về sau,
 
   - Tiền đem theo là 50.000 quan pháp. Hẳn đây là tiền hành trình và tiền tiêu trong thời gian mới tới Hà Nội cho hai người, chứ chưa thể là tiền chuẩn bị mua đất và xây cất nhà cửa. Tiền này lấy từ quĩ “vestiaire” của Paris và để dùng làm “của ăn đàng” (viatique) (14).
 
3. Hành trình từ Pháp tới Sài Gòn, Hà Nội
 
Trong văn khố của Hội còn lưu trữ cuốn nhật ký Hành trình từ Marseille tới Sài gòn, Hà nội, bản chép tay do cha Paliard viết. Thật là thích thú khi đọc nhật ký hành trình bé nhỏ này. Bởi lẽ có thể nói hành trình từ Âu Châu tới Đàng Trong đã được cha Đắc Lộ viết và cho ấn hành năm 1653. Ông bỏ Rôma năm 1618, tới Lisbonne thủ đô Bồ, rồi năm 1619 lấy tàu đi đường biển qua mũi Hảo Vọng thuộc miền cực nam Châu Phi, để rồi qua Ấn Độ dương và sau cùng tới Macao ngày 29 tháng 5 năm 1623. Năm 1624, cha Đắc Lộ được phái tới Đà Nẵng Hội An. Đó là lộ trình đầu thế kỷ 17 (15).
 
Tới gần cuối thế kỷ này, năm 1666, từ Âu Châu, đã có lộ trình đường bộ: từ Âu Châu đi đường biển tới Thổ Nhĩ Kỳ, qua Ba Tư, Ấn Độ để rồi tới Thái Lan, và từ Thái Lan tới Việt Nam. Đó là lộ trình của các cha thừa sai Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP), do Jacques de Bourges viết (16).
 
Thế nhưng vào thế kỷ mới này, thế kỷ 20, đã có kênh Suez và lộ trình vừa ngắn gọn vừa mất ít thời gian. Cha Paliard và Uzureau đã theo lộ trình đường biển mới này, từ Marseille qua Địa Trung Hải tới kênh Suez rồi qua Ấn độ dương tới Malaisia và từ Singapore tới Sàigòn. Thời gian chỉ mất ba tuần lễ, trên dưới hai mươi mốt ngày.
 
Không như Đắc Lộ và Bourges, cha Paliard chỉ ghi rất vắn tắt những nơi, những miền đã đi qua. Và đây là nhật ký của ngài.
 
Chiếc tàu của hãng Les Messageries Maritimes của Pháp có tên Le Chenonceau (17), kích thước 172m x 20m, trọng tải 10.159 tấn, mã lực 9.380 ngựa.
 
Ngày khởi hành thứ sáu 4 tháng 10 năm 1929, với 350 hành khách và gần như ngần ấy nhân viên, người làm(?).
 
Trong hành khách, có mấy nhóm tu sĩ nam nữ cùng đi. Có 5 tu sĩ dòng Phan sinh đi Trung quốc, 4 nữ tu đi Colombo, 3 nữ tu Chúa Quan Phòng và 7 Maristes đi Trung quốc. Như vậy vấn đề truyền giáo ở Đông Nam Á xem ra vẫn còn thịnh hành.
 
Mồng 9 tháng 10 khởi hành đi Port Saðd, cửa biển thuộc Địa Trung Hải để vào kênh Suez. Khi còn ở Marseille, thì có một việc khá “lạ” đối với độc giả ngày nay. Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu. Đó là trong buổi tiễn biệt hay được coi như thế, có cha Thục (Ngô Đình Thục), đã lâu năm du học Âu Châu. Tác giả tập Nhật ký không nói tới ba bằng tiến sĩ Triết học, Thần học và Giáo luật mà cha Thục đã hoàn thành ở Rôma, nhưng chỉ nói là đã thi xong Tú tài và Cử nhân Văn chương ở Paris. Sự hiện diện của cha Thục đã là một việc chưa được giải thích, nhưng sự hiện diện của Bảo Đại còn khó cắt nghĩa hơn. Chỉ biết rằng Bảo Đại đã được đưa qua Pháp du học và người Pháp cũng thu xếp cho ông giao du với một số người pháp và người việt phần nhiều là công giáo, trong số đó hẳn có bà Nam Phương, có cha Thục đang du học Rôma và Paris. Cha Thục cũng là con “quan đại thần” Ngô Đình Khả trong triều đình Huế thời đó. Bảo Đại lúc này cũng ở biệt thự nào đó ở Cannes hay Nice. Nhưng việc hai “danh nhân” tiễn biệt tiểu phái đoàn Xuân Bích đi Việt nam hẳn có thể coi như một sắp xếp không thường. Nhân tiện cũng nhắc lại rằng, vì bà Nam Phương đã du học ở Trường Chim Trắng nên sau này khi về nước, bà đã vận động đưa dòng này về Việt nam. Dầu sao, tiễn đưa tiểu phái đoàn Xuân Bích đi Việt nam năm 1929, có cha Thục (sau này làm giám mục Vĩnh Long) và Bảo Đại.
 
Nhật ký tiếp tục ghi cuộc hành trình qua kênh Suez danh tiếng. Kênh này được đào để tàu bè đi Á Châu không phải theo đường biển qua mũi Hảo Vọng như vào thế kỷ 17 nữa. Nhật ký chỉ ghi tên chứ không tả phong cảnh, tả tình người hay phong tục ở các nơi đó, như Djibouti, Aden, Ceylan – có món cari danh tiếng – rồi Singapore.
 
Ngày 30 tháng 10 tới Vũng Tàu, lúc này gọi là Cap Saint Jacques. Từ Vũng Tàu có chiếc tàu Compiègne chở vào tới Sài Gòn (18).
 
Sài Gòn vào những năm 1929-30 này hẳn chưa có nhiều phương tiện di chuyển, cho nên đoàn đã thuê 13 chiếc “xe kéo” (xe do “người kéo” chứ chưa phải như “xích lô” là xe do “người đạp” như ngày nay).
 
4. Thăm dò đường
 
Tới Sài Gòn, hai cha Paliard và Uzureau bắt đầu tìm hiểu để nắm vững tình hình. Vắn tắt, phái đoàn (19) tới thăm Đức cha Dumortier, thăm đại chủng viện, trường trung học Pháp đệ nhất cấp, tức trường Taberd (20). Trường sinh hoạt khá phồn thịnh, có 40 thày và 1.400 trò.
 
Vào đầu tháng 11, phái đoàn lên đường đi Nam Vang, thăm đại chủng viện (21). Rồi từ đó qua Thái Lan, đi thăm Bangkok và nhất là Pénang (22).
 
Tới mồng 9 cùng tháng, trở về Sài Gòn, phái đoàn đi thăm trường trung học Petrus Ký, đi Đà Lạt, rồi bắt đầu chuyến ra Bắc tới Nha Trang, thăm Hải học viện, đi Qui Nhơn, nơi có phong cảnh non nước hữu tình.
 
Ngày 21 cùng tháng, phái đoàn được tin Đức cha Verdier (thuộc Xuân Bích?) được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Paris.
 
Ngày 25 tới Quảng Ngãi. Ở đây phái đoàn được gặp một viên quan lại là anh cha Thục. Đó là ông Ngô Đình Diệm, lúc này ông làm quan ở Quảng Ngãi, nhưng ông thường về Huế. Những buổi tiếp xúc và trao đổi, phái đoàn không nói trong Nhật ký. Vì gia đình họ Ngô theo công giáo và có người đi du học Âu châu, nên hẳn cũng có trao đổi về việc đào tạo linh mục bản quốc.
 
Chặng đường ra Bắc được đánh dấu bằng những ngày dừng ở Huế. Huế không những là kinh đô nhà vua và thủ phủ của viên thống đốc người Pháp, mà còn có tòa Khâm sứ Tòa Thánh. Phái đoàn đã đến trình diện đức cha Allys (Lý), thăm đại chủng viện, Dòng Kín, các nữ tu Saint Paul de Chartres, Dòng Mến Thánh Giá, xin ra mắt đức khâm mạng Tòa Thánh Dreyer, người Pháp, thăm Dòng Chúa Cứu Thế. Dĩ nhiên không quên đi viếng các lăng tẩm.
 
Cũng ở Huế, phái đoàn đã được tiếp kiến quan thượng thư người công giáo (sau này hay lúc đó) có con gái làm bề trên Nhà Kín Huế, đó là cụ Nguyễn Hữu Bài. Quan thượng thư cũng có đôi lời góp ý về việc đào tạo các linh mục Việt Nam, nhưng không biết là những ý thế nào, bản văn trong Nhật ký không tiết lộ.
 
Ngày mồng 1 tháng 12, phái đoàn đi thăm nhà dòng Phước Lý có cha Denis làm Bề trên. Đây là chi nhánh của dòng Lérins, tên một hòn đảo danh tiếng trong Đại Trung Hải thuộc Pháp. Từ nhà dòng này, về sau có dòng Châu Sơn thuộc Ninh Bình có cha Lê Hữu Từ sau này làm giám mục Phát Diệm. Phước Sơn lúc này cũng khá thịnh vượng vì có trên dưới năm chục thầy.
 
Ngày 3 tháng 12 tới Vinh, thường được gọi theo tiếng nhà đạo là Xã Đoài (xứ Đoài, về phương Tây). Địa phận được thành lập từ năm 1846, tức địa phận Nam Đàng Ngoài (địa phận Vinh). Nhật ký cho biết địa phận có chừng hai triệu dân, 142.000 người công giáo, có 27 thừa sai Pháp, 165 linh mục Việt Nam. Đại chủng viện có 3 cha người Pháp và chừng 35 chủng sinh.
 
Lần đầu tiên trong Nhật ký, có nói tới một điểm khá xa lạ đối với chúng ta ngày nay. Một trong những cản trở không cho người lương theo kitô giáo, đó là việc thờ kính tổ tiên.
 
Ngày 11 tháng 12 tới Phát Diệm. Địa phận có chừng 2 triệu dân, với chừng 130.000 giáo dân, có đại chủng viện với 3 thày và 50 trò. Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (23) có chừng 120 trò. Toàn địa phận có 130 linh mục. Ở Phát Diệm, lúc này đức cha Marcou (Thành) đã bắt đầu có một chương trình cho phái đoàn, nếu phái đoàn dự tính ở đây một thời gian. Việc chính yếu là học tiếng, sau là giúp dạy mấy môn như pháp văn, khoa học, lịch sử…
 
Ngày 14, đi Hà Nội. Lúc này, Đức cha Gendreau, còn được gọi là đức cha Già Đông vì tuổi cao của ngài, đã ngoài 80, còn đức cha phó Chaize (Thịnh) thì mới có 48 tuổi.
 
Hình như phái đoàn đã đi Hưng Hóa ngay sau đó, một địa phận được thành lập năm 1895, địa phận Cao nguyên Đàng Ngoài, lúc này có chừng 43.500 giáo dân, 24 thừa sai Pháp, 34 linh mục Việt Nam. Tiểu chủng viện có 60 trò, còn đại chủng sinh thì được gửi học ở Kẻ Sở có đại chủng viện của địa phận.
 
Trong mấy ngày đầu tới Hà Nội, phái đoàn đã làm thủ tục đi thăm hỏi mấy nhân vật chủ chốt, đặc biệt là đến yết kiến quan Toàn Quyền Đông Dương lúc này là Pasquier ở phủ Toàn Quyền, ngày nay là phủ Chủ tịch nước CHXHCNVN. Có thể chỉ theo phép xã giao hay còn có trao đổi gì về việc đào tạo linh mục bản quốc mà Xuân Bích nhận trọng trách ? Pasquier thường được coi như nhân vật ít có cảm tình với Kitô giáo, vì theo Tam Điểm (24).
 
Ngày 23, phái đoàn đi Kẻ Sở qua Hoàng Nguyên có tiểu chủng viện với 130 trò. Kẻ Sở lúc này vẫn còn duy trì đại chủng viện để cho chủng sinh theo hết khóa học. Đại chủng viện có 4 giáo sư: ba người Pháp và một người Việt, 74 chủng sinh được phân phối như sau: Hà Nội 56, Hưng Hóa 14…
 
Đặc biệt cha Cadro (cố Lương) đã 85 tuổi, ngài nằm chiếu trải dưới đất, chứ không nằm trên giường, vì nóng bức hay vì muốn bắt chước thánh Phan Sinh – khi biết mình sắp chết, đã xin được nằm trần trụi trên đất – theo truyền thuyết. Cha Cadro là một nhân vật lỗi lạc, viết trên dưới ba chục cuốn sách bằng tiếng Việt, đủ loại, là người say mê sách vở và nhiệt tình truyền giáo, hy sinh trọn đời mình cho sách vở.
 
Ngày 27, phái đoàn trở về Phủ Lý. Tới đây chấm hết cuốn Nhật ký.
 
Phái đoàn thực ra đã làm một công việc thiết yếu cho dự tính mở chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội. Không viết trên trang giấy, thế nhưng phái đoàn đã nắm được trong tay nhiều dữ kiện quí. Từ Nam ra Bắc, phái đoàn đã gặp nhiều nhân vật trọng yếu, giám mục và linh mục, quan lại triều đình Huế cũng như viên Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương. Phái đoàn đã đi thăm các tổ chức dòng tu, nhất là các chủng viện, để hiểu biết đòi hỏi và nguyện vọng. Phái đoàn như một máy vi tính đã thu nhập tất cả, tích trữ vào kho trí óc, kho trí nhớ, để rồi có thể làm việc hữu ích khi cần tới.
 
5. Hội nghị năm 1930
 
Một đại hội nghị, hội nghị thứ ba, bàn về chủng viện Xuân Bích Hà Nội đã được nhóm họp tại Paris. Cha Paliard đã gửi về Hội nhiều bản tường trình kể lại các công việc. Các Đại diện Tông tòa đều đồng ý coi chủng viện Xuân Bích là một Chủng viện Trung Ương (Séminaire central) một chủng viện dành cho các chủng sinh ưu tú. Các ngài muốn duy trì chủng viện riêng của mình.
 
Ban đầu có dự tính mua đất ở Kẻ Sở, khu vực Nhà Chung. Kẻ Sở đã có nhiều cơ sở của địa phận, nhất là có đại chủng viện cũ. Thế nhưng có hai cái khó: một là ở Kẻ Sở hiện vẫn còn chủng viện cũ và chủng viện này còn sinh hoạt cho mấy lớp sau cùng ; hai là Kẻ Sở thuộc về miền thôn quê, xa thành thị, như Hà Nội (25). Kể từ đức cha Phước (Puginier), ngài đã bỏ Kẻ Sở và lấy Hà Nội làm thủ phủ mới. Hà Nội từ nay là thành phố lớn, thủ đô của chính quyền Pháp, có Toàn quyền Đông dương và các cơ quan hành chánh lớn.
 
Về tài chính, phải dự trù tới chừng một triệu quan Pháp thời đó. Hội Xuân Bích không có khả năng thực hiện, cho nên phải cậy nhờ Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP) giúp một tay, bởi vì thực ra lúc này các địa phận đều do Hội điều khiển. Sau này Xuân Bích khi có tiền thì sẽ mua lại. Để có thể xây cất, đã bắt đầu mua khu đất – không ở Kẻ Sở thuộc miền quê, xa thành phố và thủ đô Hà Nội – ở khu vực ngoại ô Hà Nội. Hội đã vay số tiền một triệu quan Pháp và sẽ tính trả dần với ngân quĩ của Hội.
 
Dẫu sao cha Boisard đã ra lệnh đem số tiền dự trữ ở Montréal (Canada) về. Số tiền này vào ngày 10 tháng 6 năm 1929 dự tính là 60.000 $. Như vậy chương trình dự tính định thực hiện ở bên kia bờ Đại Tây dương đã được chuyển về để thực hiện dự tính ở miền Cực Đông Nam Á.
 
Đây là theo tư liệu lấy ra từ văn khố của Hội. Còn theo cha bề trên Tín, xem bài tiếp theo đây, thì chính Hội đã bỏ tiền ra mua đất trị giá 300.000 đồng bạc Việt nam thời đó, tương đương với 3 triệu quan Pháp. Viên đá đầu tiên đã được đức cha De Guébriant (26) làm phép ngày 4 tháng 02 năm 1932. Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam là đức cha Dreyer chủ tọa lễ khánh thành ngày 05 tháng 6 năm 1933. Như vậy toàn thể khu chủng viện được hoàn tất sau một năm xây cất.
 
Chủng viện mở cửa ngày mồng 1 tháng 9 năm 1933 (27), chỉ nhận ban Triết năm đầu. Tất cả có 31 chủng sinh đến từ các nơi như sau : Hà Nội 8, Hưng Hóa 3, Phát Diệm 14, Thanh Hóa 4, Vinh 2. Năm địa phận này do Hội Truyền Giáo Nước Ngoài MEP điều khiển (28).
 
——————
(4) Đắc Lộ, Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Lyon, 1651, ; bản Việt ngữ Hồng Nhuệ, TP Hồ Chí Minh, 1994, tr. 164-165.
(5) Theo lịch phụng vụ, ngày lễ kính thành I-Nhã sáng lập Dòng Tên là ngày 31 tháng 7.
(6) Đắc Lộ, Hành Trình và Truyền Giáo, Paris, 1653, bản Việt ngữ Hồng Nhuệ, TP Hồ Chí Minh, 1994, tr. 120.
(7) Tên cậu bé người Đàng Trong đã dạy cho cha Đắc Lộ năm 1624-1626 ở Hội An, Đà Nẵng và bây giờ đã lập gia đình ở Kẻ Chợ, Thăng Long, làm việc cho công ty Hà Lan ở đây. Ông mất năm 1687 ở Kẻ Chợ.
(8) Xin coi thêm tác phẩm rất đặc biệt: Marillier, Cha ông chúng ta trong đức tin (Nos pères dans la foi), Paris, 1996.
(9) Cha Phạm Bá Trực, sau này được Đức Cha Chaize, giám mục địa phận, cho phép tham gia hoạt động chính trị. Cha làm đại biểu quốc hội, mất năm 1954.
(10) Ngoài bộ sách Cốt yếu bài giảng, 1925, 608 tr, ngài còn soạn Địa cầu vạn vật luận, nhân loại, thân thể, Hương Cảng, 1919. Bộ sách này đã được Tạp chí Nam Phong giới thiệu trong số tháng 2 năm 1919.
(11) Như đã nói, chúng tôi chưa có dịp tìm tài liệu trong văn khố Tòa Khâm Sứ này.
(12) Vì thế sau này, chúng tôi thấy có chủng sinh từ Sàigòn, Kampuchia, ra Hà Nội học.
(13) Thực ra, vào những năm đầu, thí dụ Sàigòn và Kampuchia chỉ gởi một số ra Hà Nội mà thôi, còn thì đã có chủng viện địa phận Sàigòn đảm nhận.
(14) Vestiaire có nghĩa là phí tổn về áo quần tu sĩ, viatique: lộ phí.
(15) A. de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris, 1653, bản Việt ngữ Hồng Nhuệ, TP Hồ Chí Minh, 1994.
(16) Jacques de Bourges, Relation du Voyage de Mgr De Béryte, Paris, 1666, tái bản lần thứ ba, 1683.
(17) Một địa danh ở vùng sông Loire, có một lâu đài (château) có tiếng. Vào những năm sau, 1958-1964, hãng chuyên chở đường biển này của Pháp đã sống những năm cuối cùng với ba chiếc tàu biển mang tên Le Vietnam, Le Cambodge và Le Laos. Khi ảnh hưởng của Pháp không còn, thì việc thông thương buốn bán cũng suy giảm rồi ngưng. Đường biển đi Âu Châu và Pháp cũng không còn.
(18) Vào những năm 1958-1964 và sau nữa chúng tôi không nhớ rõ, tàu của hãng Messageries Maritimes đưa khách thẳng tới bến Sàigòn cũng như lấy khách từ bến Sàigòn đi Marseilles. Như vậy, vào năm 1929 này chưa nạo vét sông Sàigòn để cho tàu lớn thẳng bến Sàigòn.
(19) Chúng tôi gọi là “phái đoàn” hai cha Xuân Bích tới Việt Nam: cha Paliard (Đoán) và Uzureau (Lý).
(20) Các Sư huynh La Salle tới Sài gòn khá sớm, từ năm 1865, chính quyền Pháp cần một số người Việt biết tiếng Pháp để giao dịch và cai trị. Sự việc không xuôi, các thày đã ra đi để tới năm 1890 mới trở lại. Coi : Lược sử địa phận Hà nội, khổ lớn, 1994, tr. 238. Các Sư huynh chỉ tới Hà nội vào thời đức cha Gendreau (Đông) năm 1894, trường này lấy tên là Trường Puginier, một trường Trung học Phổ thông Pháp và một trường tiểu học Pháp Việt, mở cho tới năm 1954.
(21)  Có thể chỉ là tiểu chủng viện chăng, bởi lẽ chủng sinh Kampuchia thường theo học ở đại chủng viện Sàigòn. Số chủng sinh người Kampuchia cũng rất ít.
(22)  Nhà bác học Trương Vĩnh Ký xuất thân từ trường danh tiếng này, vào những năm 1851-1858.
(23) Trong bản văn, nói tới Phúc Nhạc – Ba Làng, như thể là một. Thực ra, Phúc Nhạc thuộc Phát Diệm, còn Ba Làng thuộc Thanh Hóa, sau này Ba Làng tách biệt ra, thuộc địa phận Thanh Hóa.
(24) Hội Tam Điểm là hội bí mật mà mục đích là sự tương trợ lẫn nhau giữa các hội viên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Giải nghĩa theo Đào Đăng Vỹ, Từ Điển Pháp Việt, 1924, Tp. HCM.
(25) Thời các cha Dòng Tên, Thăng Long là nơi hoạt động đắc lực. Nhưng kể từ khi các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Nước Ngoài tới, thì thủ phủ địa phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài được đặt ở Phố Hiến. Sau thời đức cha Bourges (1679-1715), các Đại diện Tông tòa di chuyển và cư trú xa kinh thành, không có thủ phủ cố định. Sau này lấy Kẻ Vĩnh làm thủ phủ, có chủng viện. Cho tới năm 1860, đức cha Puginier rời về Kẻ Sở, rồi về Hà Nội cho tới ngày nay. Ở Kẻ Vĩnh đã dự trù đường đi nước bước khi có bắt bớ thì dễ dàng lẩn tránh. Kẻ Sở ở gần con sông Đáy, bên kia có Lan Mát và núi non hiểm trở. Tóm lại, Hà Nội chỉ là thủ phủ với nền đô hộ của Pháp.
(26) Bề trên Cả Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP).
(27) Như đã nói ở trên, chủng viện cũ vẫn tiếp tục với 31 chủng sinh thần học, trong đó có 17 Hưng Hóa. Còn chủng viện mới thì bắt đầu chỉ lấy từ năm Triết một. Giáo sư chủng viện cũ gồm các cha Vuillard (Huy), Glouton, Buttin (Thiện) và Phạm Bá Trực.
(28)   Đức cha Tòng về làm giám mục phó địa phận Phát Diệm 1933-1935. Năm 1933, đức cha Thành (Marcou) vẫn còn là giám mục chính. Năm 1935, ngài trao quyền cho đức cha Tòng và đi nghỉ hưu ở Thanh Hóa. Ngài mất ở đây năm 1939, thi hài được đưa về chôn cất ở nhà thờ chính tòa Phát Diệm
Hồng Nhuệ
NGUYỄN KHẮC XUYÊN

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top