Mái ấm Thiên Ân

Mái ấm Thiên Ân

MÁI ẤM THIÊN ÂN
NƠI NƯƠNG NÁU CỦA CÁC CỤ GIÀ



Ai đền ơn đáp nghĩa là biết lo xa, lúc sa cơ,
người ấy sẽ tìm được nơi nương tựa. (Hc 3, 31)

 

Mái Ấm Thiên Ân, trung tâm bảo trợ người già neo đơn, tọa lạc tại số 93/6 đường số 8, khu phố 5, phường Tam Phú, quận Thủ Đức. TP. HCM, do các nữ tu Dòng Trinh Vương Mẫu Tâm phụ trách. Ngày 21.010.2017 vừa qua, lúc 8 giờ 30, Học Viện Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn đã tổ chức cho 26 học viên trong các khóa học Truyền thông, Tâm lý, Thánh nhạc, Anh ngữ và Thực hành Cầu nguyện một chuyến đi đến Mái Ấm này. Đây là một hoạt động của Học Viện TTMV theo hình thức đào tạo của Học Viện Đông Á, Malila, Philippine.

Trước lúc lên đường Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc và Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn đã gặp gỡ chia sẻ cho học viên về mục đích và ý nghĩa của chuyến đi. Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn đã đồng hành cùng các học viên trong chuyến đi này. Đây là lần thứ 3.

Lần 1 đã đến với các cha nhà hưu dưỡng Chí Hòa, lần 2 đã đến với các trẻ tự kỷ, dự kiến lần 4 vào thời gian học kỳ 2 năm nay sẽ đến với các em nhiễm HIV ở Mái Ấm Mai Tâm, Bình Triệu. 

Mục đích của chuyến đi này nhằm giúp cho các học viên sống ý nghĩa của mầu nhiệm thăm viếng giữa Đức Maria và bà Elizabeth. Ngoài ra, chuyến đi này còn mang một ý nghĩa khác là mừng Bổn mạng Học Viện Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm đúng 14 năm Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được chọn làm Hồng y trong Hồng Y đoàn do Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn. Hôm nay là ngày đi ra để đến với người nghèo, người vô thần và những người thuộc các tôn giáo bạn. Món quà của chuyến đi này mỗi người mang theo là tâm tình của mầu nhiệm thăm viếng.

Lúc 9 giờ, mọi người đã qui tụ đầy đủ tại Mái Ấm, điều hành Mái Ấm là Sr Anna Nguyễn Thị Kim Thanh, hiện nay sức khỏe yếu đang dưỡng bệnh tại đây, Sr Maria Nguyễn Thị Kim Chi, phụ tá, đã thay mặt tiếp đoàn. Sr đã giới thiệu đôi nét về Mái Ấm, hiện nay có 12 Seour đảm nhận công việc chăm sóc cho 146 cụ già đang được nuôi dưỡng tại đây, trong đó có 12 cụ bị khiếm thị và 40 cụ bị liệt, rất cần được chăm sóc đặc biệt về nhu cầu ăn uống và vệ sinh.

Sr Cường và Sr Phùng đã hướng dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn, nơi nghỉ của các cụ.


Chứng kiến tận mắt nơi ăn ở của các cụ, chúng tôi mới cảm nhận thấy nỗi vất vả hy sinh thầm lặng của các Soeur, tất bật, cật lực lo cho các cụ nhưng vẫn không thể chu toàn hết được những nhu cầu của các cụ, đặc biệt 40 cụ nằm liệt rất cần sự chăm sóc đặc biệt. Các cụ vào đây đủ mọi thành phần, đủ mọi hoàn cảnh, nhưng các cụ có chung một mẫu số là “bị bỏ rơi”. Thăm hỏi các cụ và được nghe các cụ chia sẻ, chúng tôi cảm thấy một nỗi xót xa. Các cụ cũng đã từng có một mái ấm gia đình, cũng từng vất vả hy sinh, lo toan cho mái ấm của mình, đến hôm nay, mái ấm gia đình đó đã rời xa khỏi tầm tay các cụ và phải tìm đến nương thân nơi này.

Mái Ấm có một nhà nguyện luôn mở của để các cụ có những giây phút thầm lặng bên Chúa. 

Có một phòng ăn cho các cụ còn đi được tập trung ăn uống cùng trò chuyện với nhau, những cụ không đến phòng ăn được thì có người mang đến phục vụ tận giường.

10 giờ 30, chúng tôi tham quan giờ ăn trưa của các cụ, cha Giuse Vương Sĩ Tuấn chia sẻ và hát những bài hát sinh hoạt, các cụ rất vui, tham gia hát theo vỗ tay rất hào hứng.

10 giờ 45 chúng tôi tập trung tại nhà nguyện để cảm nghiệm, suy tư và cầu nguyện cho các cụ và các Seour.

11 giờ 30, chúng tôi đúc kết chuyến thăm viếng và mỗi người tự hỏi: Mầu nhiệm thăm viếng có ý nghĩa gì với cuộc sống của mỗi người?
Tôi thầm nghĩ, sự thăm viếng chỉ thực sự có ý nghĩa khi sự gặp gỡ đó tạo nên niềm vui cho nhau và cùng nhau bước đi trong đức tin và tình yêu.

12 giờ, chúng tôi ghé vào nhà lưu giữ hài cốt, tĩnh lặng ít phút và dâng lời kinh cầu nguyện cho những người đã khuất, trước lúc chia tay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top