Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng

TGPSG -- “Huynh Trưởng - Giáo lý viên cần được đào tạo để có khả năng thấm nhuần sâu xa chân lý đức tin, sống đức tin, hiểu biết đức tin, có khả năng truyền đạt cho các thiếu nhi…”

Đó là lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng với các Tuyên úy (TU) và các huynh trưởng (HT) khi đến thăm Hội Nghị Toàn Quốc Tuyên úy - Huynh trưởng  diễn ra từ 17g00 ngày 08 tháng 01 đến 17g00 ngày 10 tháng 01 năm 2024 tại giáo xứ Hạnh Thông Tây.

Thành phần tham dự: 101 tham dự viên, 35 TU, 10 Trợ úy, 56 HT thuộc 23/27 Liên Đoàn. Vắng các liên đoàn: Phát Diệm, Phan Thiết, Bà Rịa, Buôn Ma Thuột. 

Sáng 9g30 ngày 09/01/2024, Hội nghị được hân hạnh đón tiếp Đức TGM Giuse đến thăm. Ngài bày tỏ niềm vui khi gặp các tham dự viên đến từ ba miền. Thật đơn sơ, ngài xác định rằng ngài chỉ đến thăm gặp mặt các tham dự viên và chia sẻ đôi điều cảm nhận của ngài chứ không phải là một bài huấn dụ. Tuy nói vậy chứ điều ngài chia sẻ rất quan trọng đối với sứ mạng của Huynh Trưởng - Giáo lý viên (HT - GLV)

Ngài khẳng định: Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) là một đoàn thể Công Giáo Tiến Hành (CGTH), đoàn thể của Hội Thánh, làm tông đồ trong giới của mình như giới Lao động, Nhạc sĩ, Công nhân… Mỗi ngành nghề có kiểu làm tông đồ khác nhau như lo việc nên thánh, tông đồ, truyền giáo, bác ái...

Riêng TNTT là đoàn thể CGTH lo cho giới trẻ-thiếu nhi, được thực hiện bởi thiếu nhi và cho thiếu nhi. Vì thế HT-GLV cần ý thức về sứ mạng của mình. Ngài nhận xét: Có một đôi nơi mải lo sinh hoạt mà Giáo lý bị lu mờ. Có đoàn thể thì tốt hơn, nhấn mạnh về giáo lý, nhưng chưa thực hiện đúng đầy đủ các mục tiêu mà mục đích, tôn chỉ đoàn TNTT đặt ra.

  1. Đa số tại các giáo phận, huynh trưởng (HT) cũng là giáo lý viên (GLV) và GLV thường là HT. Vì thế điều ngài quan tâm là: cần có khóa huấn luyện, sao cho HT- GLV có khả năng truyền đạt giáo lý, tâm hồn đức tin cho giới trẻ một cách hiệu quả.

Ngài kể: Người nước ngoài rất lạ lẫm về con số rất đông HT- GLV tại các giáo phận, đông ngoài sức tưởng tượng của họ. Vì ở nước ngoài, GLV là những GLV chuyên nghiệp, Đức Thánh Cha gọi “Thừa tác vụ giáo lý viên” được đào tạo bài bản. Ngài cũng băn khoăn tự hỏi: không biết GLV trẻ 18 tuổi, có khả năng dạy giáo lý cho thiếu nhi không? Thật  ra, có thể GLV chỉ dạy giáo lý dựa trên bình diện kiến thức thôi. Điều cần thiết là: GLV phải  thấm nhuần sâu xa chân lý đức tin, sống đức tin, hiểu biết đức tin, có khả năng truyền đạt cho các em theo kiểu của các em. Việc này vô cùng khó, vì chính bản thân GLV hiểu được đã khó rồi nhưng còn phải truyền đạt theo tâm thức, theo não trạng, theo trình độ, theo cảm nhận các em càng khó hơn.

Ngài kể: Lúc mới đến, các HT khoe hình logo xe lửa, ngài cười vui nói: trông vui vui, chứ cũng khó. Ngài gợi lại: Khi được mời nói chuyện với các HT trong ngày kỷ niệm 20 năm Tái thành lập TNTT, ngài cũng đã suy nghĩ, tự hỏi không biết nói sao để các bạn hiểu vai trò của HT-GLV và làm thế nào để hướng tới kỷ niệm 100 năm TNTT hiện diện và phát triển tại Việt Nam. Và điều khó khăn hơn là phải nói với 4000 bạn trẻ trong sân rộng lớn, làm sao giữ im lặng được, cùng với những sinh hoạt ca múa. Mấy ngày sau ngài mới tìm ra hình ảnh kèm bài hát “Đi tàu lửa” mà ai cũng cảm nhận được, vì các bạn đã từng sinh hoạt, từng chơi… Và qua đó ngài đã lồng được sứ điệp quan trọng mà ngài muốn nói.

GLV có kiến thức giáo lý, nhưng làm sao để truyền đạt, để các em hấp thụ được, để các em cảm nhận được thì không dễ. Đôi lúc ngay cả các tiến sĩ Thánh kinh… cũng thua.

Cần phải đầu tư suy nghĩ, đưa ra hình ảnh thích hợp. Có bao giờ các HT tự hỏi: Sau giờ giáo lý các thiếu nhi nghĩ sao? Có phải các em cảm thấy vừa thoát được một giờ tù đày? Hay các em mang về một tâm tư, một cảm xúc nào đó về bài giáo lý? Các HT cần tìm hiểu kết quả của giờ dạy giáo lý của mình như thế nào.

Các giáo phận, các đoàn đều có lớp đào tạo GLV-HT như ở Tổng giáo phận Sài gòn, từ 2 giờ trưa có các lớp tại Tòa Giám mục, Đại chủng viện và Trung tâm mục vụ.

Phải canh tân cách dạy, giúp các HT thấm nhuần chân lý đức tin sâu xa để các HT truyền đạt lại. Việc này khó nhưng phải thực hiện. Nếu không thực hiện, đức tin sẽ rất hời hợt.

  1.  Sứ mạng của TNTT trong giai đoạn hiện tại. Những điều này đã có trong Nội quy, trong Tôn chỉ, mục đích của TNTT. Trách nhiệm của TNTT cũng là trách nhiệm của các linh mục. Cần nhận định đức tin giới trẻ trong xã hội ngày nay để trong vai trò TU và HT, các vị góp phần đào tạo nên con người trẻ với những đức tính nhân bản cần thiết.

Ngày nay, xã hội Việt Nam, không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà còn đang lưu ý nhiều hơn về vấn đề văn hóa. Lối sống của người trẻ có biết bao vấn đề: bạo lực học đường, ra đường va quẹt xe chút xíu là đánh nhau… Vì thế phải nhấn mạnh đến văn hóa.  Khi nói đến văn hóa không phải là một vài tổ chức hội nghị văn hóa, biểu diễn nghệ thuật... Văn hóa bao trùm cả khía cạnh đạo đức, đạo đức cá nhân, đạo đức làm người. Trên nguyên tắc, đó là chuyện của của gia đình, của học đường. Nhưng may thay, Công giáo có cơ hội, có lợi thế tốt, hàng tuần quy tụ các em. 

  • HT đào tạo các em thành người nhẫn nại, nhân từ, biết nhịn nhục biết tha thứ, chịu đựng
  • HT dạy các em chân thật không gian đối,  không lấy của người khác thành của mình, biết hy sinh cho nhau, có  tinh thần đồng đội. Những điều xem ra thường, nhưng rất quan trọng trong đời sống làm người.

Các TU và HT cần triển khai chủ đề. Làm cách nào để qua sinh hoạt, qua các bài học rèn luyện con người tốt cho gia đình, cho xã hội. Bắt đầu từ TNTT và có thể lan ra. Điều đó có thể tác động đến xã hội. Đó là sứ mạng của HT.

Sứ mạng của HT không phải dạy giáo lý  để các em lên thiên đàng. Sứ mạng của HT là để thánh hóa môi trường phục vụ xã hội, thế giới. Một Giáo hội Hiệp hành, Tham gia, Sứ vụ trong xã hội, trong cả thế giới.

Trong nội dung họp có thống nhất về đường lối sinh hoạt… ngài góp ý:

  • Các nghi thức của TNTT như tuyên hứa - không cử hành trong thánh lễ, mà là trước thánh lễ sau bài ca nhập lễ, vì phụng vụ là sinh hoạt thánh thiêng. Sau bài giảng chỉ có cử hành các bí tích hay á bí tích.
  • Các TU không đeo khăn trong Thánh lễ vì trong phụng vụ có những phẩm phục phụng vụ.

Trước khi kết thúc, ngài chia sẻ: Sở dĩ có nhiều ơn gọi linh mục là nhờ hai yếu tố gia đình và giáo xứ. Nơi gia đình, bố mẹ chăm sóc, giáo dục con từ bé. Nơi giáo xứ, TNTT đóng vai trò quan trọng đào tạo các em thiếu nhi, trong bầu khí yêu thương, sinh hoạt chung. Các lễ sinh, các ca viên trong ca đoàn, các đoàn thể cũng có nhiều ơn gọi…

Ngài cám ơn các TU và các HT đã góp phần vào việc giáo dục đức tin cho thiếu nhi. Ngài chúc cho mọi người đầy thần khí, nhiệt thành đem lửa sốt mến cho các thiếu nhi để có nhiều  ơn gọi linh mục, tu sĩ cho Giáo hội.

Ngài ân cần chào hỏi bắt tay từ giã các TU, chụp hình hưu niệm với các tham dự viên.

Trước sự quan tâm chăm sóc của vị Chủ Chăn, các tham dự viên quyết tâm ghi nhớ những lời khuyên của ngài, suy nghĩ, đem ra thực hành.

Bài: Xuân Nguyên (TGPSG
Ảnh: Ban Truyền Thông Hội Nghị

 

Top