Gx. Bình An: Chúa nhật 28 Thường niên – Năm A

Gx. Bình An: Chúa nhật 28 Thường niên – Năm A

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước trời cũng giống như chuyện một ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai các đầy tớ khác đi, và dặn rằng: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”.

Nhưng quan khách không đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn; còn những người khác lại bắt các đầy tớ vua mà hành hạ và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp ai cũng mời vào tiệc cưới”. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, và thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, mà được chọn thì ít”.

Bài chia sẻ: Dụ Ngôn Tiệc Cưới

Nước Trời được diễn tả như một bữa tiệc của Đấng Messia. Hình ảnh này cũng đã được Isaia loan báo khi nói về bữa tiệc cánh chung:

“Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc. Tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm khăn trùm lên muôn nước.” ( Is 25,6-7)

Như Isaia đã loan báo , bữa tiệc cánh chung là bữa tiệc Thiên Chúa thiết đãi muôn dân, chứ chẳng dành riêng cho một dân nào. Nước Trời được diễn tả như một bữa tiệc và Thiên Chúa sai các đầy tớ tức các tổ phụ, các tiên tri đến thông báo lời mời gọi. Sự kiện này nói lên hai điều:

- Lời mời gọi này là một hồng ân nhưng không của lòng yêu thương Thiên Chúa. Ngài không bị bó buộc phải mời ai.

- Sự tự nguyện đáp lời của con người để xứng đáng nhận được hồng ân nhưng không phải là Nước Trời. Chốn khóc lóc nghiến răng là chỗ họ tự do phóng vào chứ không phải Thiên Chúa thiếu tình thương.

Phải, Nước Trời là phần thưởng chứ không phải là phần công. Điều này đã được nói rõ trong dụ ngôn thợ làm vườn nho. Thánh Phao-lô còn cho đây là hệ quả của những ai có liên đới với Đức Kitô:

“Đức Kitô đã trổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người (Đức Kitô) mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, vì mọi người đã liên đới với A-Đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: Mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Đức Kitô (1Cor 15,20-23). Hãy đáp lại lời mời của Thiên Chúa để chúng ta được liên đới và thuộc về đức Kitô.

"Này cổ bàn ta đã dọn xong, bò tơ thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quí vị đến dư tiệc cưới ! Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi…” Suy mấy câu này chúng ta ghi được hai điều:

- Tính cấp bách của lời mời gọi và lẽ ra khách mời không được khoan giãn vì mọi sự đã sẵn sàng.

- Sự hững hờ từ chối đến nhẫn tâm sỉ nhục và giết hại đầy tớ của chủ tiệc là một xúc phạm nặng nề.

Tình huống ấy đã đẩy tới cái cảnh chủ đi tru diệt bọn khách và phá hủy thành phố của chúng. Cảnh này xem ra đã phá vỡ cái bố cục của câu chuyện. Dụng ý của Mathêu ở đây là muốn ám chỉ đến việc quân La Mã đánh chiếm Gierusalem năm 70 để dụ ngôn này mang tính lịch sử.

Cũng chính vì cái tình huống căng thẳng đến tột độ ấy mà Mát-thêu đã làm cho ông chủ tiệc cưới bước ra khỏi cái vỏ sò Do Thái coi mình là dân riêng của Gia-vê, dẹp được bức màn kiêu căng tự phụ của các thượng tế và đầu mục Do Thái khinh khi người thu thuế và tội lỗi, để đón nhận tất cả mọi người không phân biệt xấu tốt từ các ngã đường. Tính phổ cập và chiều kích yêu thương vô biên của lời mời gọi của Thiên Chúa đã rõ ra.

Phòng cưới chật ních khách dự tiệc. Phải, Thiên Chúa không chỉ kêu gọi người công chính mà còn gọi cả người tội lỗi. Giáo hội lữ thứ trần gian không phải chỉ gồm toàn những người thánh mà có rất nhiều kẻ tội lỗi. Nhưng Giáo hội vẫn luôn luôn thánh thiện vì Giáo hội là chính Chúa Kitô. Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Con người chúng ta khi được tẩy sạch tội lỗi và sống trong ân sủng thì được điều kết làm nên thân thể hữu hình của Đức Kitô.

Điều lạ là toàn bộ khách trong phòng tiệc là những người không được mời trước mà chỉ được kêu một cách đột xuất từ các ngã đường, thế mà khi chủ đi thăm tiệc lại chỉ thấy có một người không mặc y phục lễ cưới. Dự đám cưới bình thường thì chúng ta phải trang phục tề chỉnh : đó là quần áo, dự tiệc cưới cánh chung thì dứt khoát chúng ta phải có một bộ áo khác : đó là tâm hồn trong sạch, kẻ tội lỗi muốn được vào đó phải sám hối ăn năn. Nghi thức trao áo trắng trong phụng vụ Bí tích rửa tội nói lên điều ấy : “Anh chị đã trở nên người mới, anh chị hãy nhận lấy chiếc áo trắng này, hãy mang lấy và gìn giữ nó trắng sạch mãi, nghĩa là giữ tâm hồn trắng sạch mãi cho đến ngày ra đón nhận Chúa Kitô để anh chị được sống muôn đời”. Không có chiếc áo trắng là tâm hồn trong sạch, chúng ta sẽ bị loại mà thôi.

Câu kết luận của dụ ngôn: “ Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít ” làm cho nhiều người bi quan. Thánh sử Mathêu muốn phân biệt lời mời gọi ban đầu với cuộc tuyển lựa cuối cùng (cánh chung) và phần dư tồn là những người được chọn.

Nếu áp dụng câu nói trên cho lớp khách mời Do thái (ám chỉ các thượng tế và đầu mục) thì thật đáng buồn vì chẳng ai được chọn cả!

Nếu áp dụng câu nói ấy vào lớp khách từ các ngã đường thì thật phấn khởi vì kẻ bị loại rất ít. Phải chăng Thánh sử Mathêu muốn cảnh cáo những người được mời từ ban đầu chớ có tự đắc, hững hờ mà sa vào số không được chọn, muốn căn dặn lớp người được mời sau (và cả chúng ta nữa) đừng nghĩ rằng mình là thành phần đương nhiên để thiếu lòng sám hối mà mắc vào thân phận kẻ bị trói , ném vào chốn khóc lóc nghiến răng.

Công tước D’Ossome, phó vương xứ Napoli nước Ý đầu thế kỷ 17, một hôm đi thị sát chiến thuyền Galère, một loại thuyền được chèo chống bởi một đội quân tù nhân. Ngài xuống lòng tàu hỏi han từng người tù về lý do nào mà bị gắn chặt với mái chèo của thuyền này và phải xiềng cổ chân khổ sở như thế. Tất cả đều kêu oan : “Tôi vô tội”, duy chỉ có một người ngồi phía đuôi thuyền cúi gầm mặt không nói. Công Tước thấy lạ tiến lại gần dịu dàng hỏi mãi anh ta mới cất tiếng: “Thưa Ngài, tôi chẳng có gì để bào chữa, tôi thật xứng với tội lỗi tôi đã phạm trước đây.”

Công Tước liền quay ra nói lớn tiếng: “A, đây mới đúng là một tên tội phạm, một kẻ chẳng ra gì. Hắn thật không xứng đáng ngồi ở đây, chung đụng với những con người vô tội này. Ta ra lệnh trục xuất ngay hắn ra khỏi đây“.

Nhờ vào lòng chân thành biết nhận lỗi, chấp nhận hình phạt để đền bù tội ác đã phạm mà người tù được giải thoát khỏi kiếp nô lệ khổ sai. Theo quyết định của Công tước sáng suốt nhân hậu, anh tù được chuyển đến một trại lao động và chỉ ít lâu sau, anh được trả tự do trở về với cuộc sống hoàn lương.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top