Giáo xứ Bình An: Chúa nhật 32 Thường niên - Năm A

Giáo xứ Bình An: Chúa nhật 32 Thường niên - Năm A

Chúa Nhật 32 Thường Niên – Năm A
(Mt 25,1-13)

DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ

“Hôm ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: "Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi !". Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!". Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!" Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!". Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

------------------------------

Bài chia sẻ

Dụ Ngôn Mười Trinh Nữ

Bắt đầu từ đoạn 24 trong Tin Mừng Matthêu, thời thế mạt, ngày cánh chung là trọng tâm trong việc giảng dạy của Chúa Giêsu.

“Khi Đức Giêsu từ trong Đền Thờ đi ra, thì các môn đệ của Người lại gần chỉ cho Người xem công trình kiến trúc Đền Thờ. Nhưng Người nói: "Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ". Sau đó, lúc Người ngồi trên núi Ô-liu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: "Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế?" (Mt 24,1-3)

Chúa Giêsu cặn kẽ báo trước cho các môn đệ những khắc nghiệt và những mối nguy trong thời gian đợi chờ:

- “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: Chính Ta đây là Đấng Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người” (Mt 24,4-5).

- “Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: "Này, Đấng Kitô ở đây" hoặc "ở đó", thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24,23-25)

- Sẽ có chiến tranh và đói kém (Mt 24,7).

- Sẽ có bách hại (Mt 24,9).

- Sẽ có những khốn khổ chưa từng có (Mt 24,21).

- Sẽ có những hiện tượng kinh hoàng trong trời đất (Mt 24,29).

Trước tất cả các nghịch cảnh ấy, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát (Mt 24,13). Để dạy các môn đệ và mọi người luôn phải bền đỗ và sẵn sàng, Chúa Giêsu đưa ra 3 dụ ngôn:

- Dụ ngôn Người tôi tớ trung tín (Mt 24,45-51).

- Dụ ngôn Mười trinh nữ (Mt 25,1-13).

- Dụ ngôn Những yến bạc (Mt 25,14-30).

Chúa nhật 32 Thường niên năm A hôm nay, chúng ta được nghe dụ ngôn Mười trinh nữ.

Phải công nhận điều này là dụ ngôn Mười trinh nữ là dụ ngôn tinh tế và hay nhất trong 3 dụ ngôn. Nó hay, nó tinh tế và sôi động vì Chúa Giêsu dựa vào một sinh hoạt rất gần gũi với đời thường của người Do Thái là đám cưới để bật lên những tín hiệu chuyển cho thính giả những thông điệp khẩn thiết và cấp bách.

Đưa ra hình ảnh tiệc cưới mà nhiều chi tiết không được dàn dựng một cách chi li: đó là dụng ý của Chúa Giêsu. Nói đến mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể mà chẳng thấy nhắc gì đến cô dâu. Mười trinh nữ ở đây muốn ám chỉ các môn đệ và tất cả những người nghe các ông giảng mà tin vào Đức Kitô. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều thánh Phaolô quả quyết ở 2 Cr 11,2: “Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”.

Điều đáng buồn là trong số mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể thì chỉ có 5 cô khôn ngoan, còn lại 5 cô là khờ dại. Căn cứ vào tiêu chuẩn nào để phân biệt khờ dại với khôn ngoan? Ở đám cưới Do Thái thì người mang đèn đi đón chàng rể mà đem bình dầu theo phòng khi chàng rể đến chậm thì được coi là khôn, ngược lại là khờ dại; còn người chờ để vào phòng tiệc cánh chung với Đức Kitô thì sao? Chúng ta hay nghe Chúa Giêsu dạy:

- Khôn ngoan là nghe và thực hành Lời Chúa:

“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7,24-27).

- Khôn mà phải ngoan tức là phải có đủ hai yếu tố: trí và tâm:

“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).

Rắn được coi là khôn mà thiếu ngoan vì đã quyến rũ Ađam, Evà phạm tội. Chúng ta phải học với rắn cái khôn mà không được theo cái xảo quyệt của rắn. Bồ câu hiền ngoan ai mà chẳng biết. Cũng chính vì thế mà bồ câu còn được coi là sứ giả của hòa bình đấy. Hơn thế nữa, bồ câu còn là biểu tượng của Chúa Thánh Thần.

Đám cưới của người Do Thái được tổ chức vào ban đêm. Khi có đám cưới thì tối đến cả làng chong đèn chờ đón chàng rể đưa vào nhà cô dâu. Cái độc là lúc nào chàng rể đến thì không ai biết. Ngày cánh chung cũng vậy:

“Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36).

Chàng rể đến chậm nên cô dâu phải tỉnh thức. Bất chợt có tiếng hô to: Chàng rể đến, hãy ra đón mà lại gặp lúc cô dâu đang ngủ thì thật là cảnh dở khóc dở cười. Khi chờ đợi ngày cánh chung, ngày Chúa đến, chúng ta cũng phải đề phòng đừng để cho tình yêu của mình ra sơ cứng:

“Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,12-13).

Khi chàng rể đến, những người có đèn cháy sáng được cùng vào tiệc cưới và cửa đóng lại. Chúng ta là những người đã được thắp sáng bằng chính ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh. Đèn của chúng ta phải sáng liên lỉ vì Chúa đến vào lúc chúng ta không ngờ vào giờ chúng ta không biết. Muốn đèn sáng luôn mãi thì phải có nhiều dầu. Dầu đây là các nhân đức Tin Cậy Mến và các việc lành phúc đức. Đây là thứ dầu mà chẳng thể đi vay mượn ai được, mua đâu cũng chẳng có.

Tướng quân Mạnh Thường có người tôi trung khôn ngoan là Phùng Khoan. Hằng năm, Mạnh Thường sai Phùng Khoan về quê hương Đất Kiết thu tiền nợ. Năm ấy, tướng quân cũng sai Phùng Khoan về Đất Kiết với lời dặn: Khi thu được tiền, ngươi thấy nhà cần gì thì cứ mua. Về đến quê, Phùng Khoan gom tất cả các giấy nợ xé ra và tuyên bố: Tướng quân tha nợ cho mọi người. Khi trở về, Phùng Khoan chỉ nói vỏn vẹn mấy tiếng: tiền thu được tôi đã mua “nghĩa” cho tướng quân cả rồi. Nghe thế, tướng quân cũng chỉ im lặng.
Năm sau, vì tuổi già sức yếu, tướng quân về hưu. Khi về gần đến Đất Kiết, tướng quân thấy cả làng cờ trống ra đón. Lúc ấy, tướng quân quay sang Phùng Khoan nói: “Trước kia nhà ngươi bảo tiền nợ thu được đã mua “nghĩa” cho ta cả rồi, ta chẳng thấy gì nhưng hôm nay ta đã thấy”.

Ngày mà chúng ta trình diện trước Nhan thánh Chúa nếu được thấy cảnh như tướng quân Mạnh Thường lúc về hưu thì thật là có phúc.

Linh Mục Chánh Xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn

 

 

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top