Bánh Tét “nhà làm”
TGPSG -- Bánh Tét - một loại bánh truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là người miền Tây Nam bộ thường gói bánh Tét thay vì làm bánh Chưng mỗi độ tết đến. Bánh Tét là một từ đọc chại đi của bánh Tết vì cứ độ tết về thì thứ bánh này luôn được đặt trong mâm cơm của người miền Nam cho dù người trong nhà thích hay không thích ăn thì họ vẫn làm vì khi có món bánh này trong gia đình họ cảm thấy cái tết đầm ấm và đủ đầy hương vị ngày tết hơn. Ngày xưa thì đến tết mới nhìn thấy món bánh này nhưng ngày nay thì người ta làm mọi ngày trong năm cứ muốn ăn thì ra chợ hay đặt hàng trên mạng lúc nào cũng có nên một số gia đình bây giờ không còn giữ thói quen nấu bánh chưng, bánh tét trong ngày tết nữa nhất là ở thành phố.
Khi mà con người luôn bận rộn với bao chuyện khác thì dường như việc cặm cụi chăm chỉ làm bánh Tét không còn truyền thống đẹp nữa mà như một hình thức kinh doanh cho những người làm bánh mỗi khi tết về
Thế nhưng đâu đó những cặp bánh Tét vẫn được giữ nguyên hương vị của cái Tết đoàn viên, của những gia đình vùng thôn quê chúng tôi. Ba mẹ tôi vẫn còn làm bánh Tét và ngồi canh bánh Tét đón giao thừa cùng với các con trong gia đình.
Cứ đến gần 30 Tết là mẹ tôi chuẩn bị lá để gói bánh Tét, thường là lá chuối có sẵn trong vườn hay mấy bụi chuối mọc sau hè. Mẹ cắt lá, rửa sạch rồi sau đó cột thành từng cuộn, để lá vừa ráo vừa giữ lá thẳng cho dễ gói. Tiếp đó là mua gạo nếp, phải tìm để mua được loại gạo nếp dẻo và ngon. Mẹ ngâm nếp với chút muối khoảng bốn đến sáu giờ đồng hồ. Chuẩn bị đậu xanh đã sạch vỏ, rồi ngâm đậu xanh khoảng 2 tiếng. Sau đó mẹ vớt đậu xanh ra và cho vào nồi, đổ ngập nước và nấu với lửa nhỏ. Khi đậu đã chín thì tắt bếp, nêm thêm một thìa muối, một thìa đường vào và trộn đều. Thịt ba chỉ được mẹ cắt thành những miếng dài bằng nhau. Tiếp đó, mẹ đem thịt ướp với gia vị như hạt tiêu, thảo quả và hành tím bằm nhỏ, rồi đợi khoảng 30 phút cho thịt ngấm gia vị.
Sau đó ba sẽ giúp mẹ chẻ lạt, lạt phải thật mềm thì cột mới chặt được. Khi đã chuẩn bị xong những thứ cần thiết cho việc gói bánh thì ba mẹ tôi bắt tay vào việc gói bánh. Phải nói trong gia đình, ba tôi là người gói bánh đẹp nhất. Các anh chị em và tôi cũng biết gói bánh nhưng chỉ là mỗi người gói một cái cho riêng mình. Và cái bánh mà chúng tôi gói thì mỗi người một kiểu, chẳng ai giống ai, nhiều hình dạng.
Ba là người gói chính. Ba trải lá ra mâm đựng, cho nếp vào, dàn mỏng, sau đó đặt nhân vào giữa. Gấp 2 mí lá ngoài lại với nhau, cuốn tròn, dùng dây lạt cột ở giữa. Tiếp đến bẻ một đầu lá dằn xuống cho dẻ nếp, dùng kéo cắt bớt lá dư. Gấp đầu lá thành hình vuông, đặt hai miếng lá bịt đầu chéo nhau. Dùng dây lạt buộc lại cho chặt, đầu còn lại làm tương tự. Tiếp tục dùng dây lạt buộc giống đầu đòn bánh, tức buộc 2 đầu chéo nhau theo chiều dọc đòn bánh để giữ cho lá 2 đầu không bung rách. Dùng dây lạt buộc từ 6 đến 8 vòng ngang. Phần dây còn thừa xoắn cho dây cuộn lại. Khi đã hoàn thành xong chiếc bánh mẫu đầu tiên thì những cái bánh sau đó việc dùng dây lạt buộc từ 6 đến 8 vòng ngang tiếp theo là phần của mẹ.
Tôi vẫn thích nhất phần gói bánh. Cả nhà cùng ngồi xung quanh chiếc chiếu đã trải sẵn. Ba kiên nhẫn chỉ cho các anh chị em tôi cách làm. Mọi người hì hục bắt chước cách gói của ba. Khi anh hai gói xong liền chỉ lại cho tôi và em tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành cái bánh của riêng mình. Nhìn có vẻ không hoàn hảo nhưng chúng tôi rất vui vì chính mình được gói và sau khi gói chúng tôi làm dấu cái bánh của mình để khi bánh chín sẽ nhận ra bánh của ai là ngon và đẹp nhất.
Sau khi làm xong thì những chiếc bánh được xếp gọn vào nồi to. Mẹ xếp những cái bánh lớn ở dưới đáy nồi còn những cái bánh của anh em chúng tôi được xếp trên cùng vì chúng nhỏ và nhiều hình dạng. Rồi anh hai đi lấy những thanh củi to xếp ra chỗ sân sau nhà để nấu bánh. Lần lượt cả gia đình sẽ ngồi xung quanh nồi bánh chia sẻ những câu chuyện và cắn hạt dưa, kể lại những kỷ niệm vui buồn trong năm qua. Anh chị em chúng tôi năm nào cũng hỏi ba mẹ: sao ngày xưa ba mẹ quen nhau ở xa thế ba là người miền tây má tôi là người Tây nguyên? Những câu hỏi đầy tò mò của anh chị em chúng tôi không có câu trả lời chỉ thấy mẹ khẽ nhìn ba với nụ cười hiền hậu còn ba chỉ cười.
Sau thì chia phiên canh bánh. Thằng út được miễn canh nồi bánh vì khi nồi bánh sôi lâu và cạn nước thì phải thay nước nếu không bánh sẽ cháy và việc thay nước thì nhóc út nhỏ không đủ sức để làm. Ba anh chị em tôi thay nhau canh nồi bánh. Đối với tôi, đó quả là một ký ức thật đẹp bên nồi bánh tét tiếng củi nổ đôm đốp vẫn còn vang vọng mãi trong tôi khi tôi đã trưởng thành.
Sáng sớm hôm sau là khoảng thời gian được chờ đợi nhất, chúng tôi háo hức chờ đợi giây phút bánh chín được vớt ra từng cái cách cẩn thận. Sau khi vớt ra mẹ để từng cái bánh vào nước lạnh, rồi chị tôi đặt bánh trên cái rổ dài lăn đi lăn lại cho cái bánh chắc rồi treo lên cho ráo nước. Giây phút anh chị em tôi nhìn thấy cái bánh của mỗi người được vớt ra thì ai cũng vui và muốn ăn ngay xem cái bánh của mình thế nào. Dù bề ngoài những cái bánh không được như tiệm bán nhưng ai cũng nâng niu và ngắm nghía nó cách thích thú.
Chiếc bánh Tét đi vào cuộc sống của gia đình tôi là hình ảnh yêu thương vì nó làm cho gia đình chúng tôi nối kết, gắn bó với nhau. Bánh làm cho chúng tôi no, bánh làm chúng tôi hạnh phúc. Mẹ lấy chiếc bánh của đứa em út tét bằng dây rồi đưa cho chúng tôi mỗi người một miếng. Bánh Tét ăn kèm với dưa món hoặc chấm mật mía cũng tuyệt. Chúng tôi chẳng ai chê dù nó có ngon hay không. Ai cũng vui vẻ và ăn ngon lành. Rồi từng người thử chiếc bánh của nhau dù mùi vị giống nhau nhưng trong mỗi cái bánh của từng đứa con trong đình đều đánh dấu sự lớn lên là trưởng thành của mỗi cái Tết đang về.
Chiếc bánh Tét do công khó nhọc mà mẹ chuẩn bị khi ngâm nếp, nấu đậu, chuẩn bị lá và ba kiên nhẫn gói với tất cả tình yêu, rồi ai ăn cũng thấy ngon và thích thú. Bánh - đó là một biểu tượng của hạnh phúc, niềm vui sau tết khi anh chị em tôi xa nhà đi làm ăn đứa trở về trường học và tôi trở về nhà dòng. Mẹ vẫn gói và gửi cho chúng tôi làm quà.
Cái bánh có sẵn đó với những vật liệu cụ thể như nếp, đậu, muối, thịt, tiêu, hành… Cái linh thánh được ẩn chứa trong cái thường ngày mà chúng ta vẫn thường thấy.Với những sự vật, chất liệu bình thường mà ai làm bánh cũng biết đã tạo nên cái bánh như nếp, đậu, thịt...nhưng ai cũng có thể thấy trong đó một sự hiện diện lớn hơn của tình yêu cha mẹ, của anh chị em và trên hết là của chính Thiên Chúa là tình yêu. Việc chuẩn bị lá, nếp, đậu, dây cột... thể hiện sự chu đáo, tỉ mỉ của mẹ. Cách gói bánh và hướng dẫn của bố nói lên vai trò chủ trì, trụ cột của người bố trong gia đình. Bánh “nhà làm” thực sự nói lên tình yêu thương gia đình và không thể nào có thể so sánh với bánh mua ở chợ hay ở tiệm.
Bánh nhà làm đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi qua năm tháng. Khi tôi nhìn lại những giây phút mà gia đình tôi cùng nhau hoàn thành cái bánh, tôi nhận ra những điều tốt lành Chúa ban và tạ ơn Ngài như Thánh Phao lô trong thư gửi tín hữu Thexalonica rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1Tx 5,18) thông qua chuyện làm bánh. Bầu khí gia đình những ngày sắp tết cũng đã ghi dấu vết sâu đậm để rồi khi đi xa nhà, gia đình luôn là chốn bình yên tôi tìm về.
Maria Hồng Hà - CMR (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ