Ký sự: Vương quốc Nhân Ái
TGPSG -- Bệnh viện Nhân Ái tọa lạc tại xã Phú Văn – huyện Bù Gia Mập – tỉnh Bình Phước là một bệnh viện trực thuộc Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 31-10-2006 theo Quyết định số 4856/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Đây là nơi điều trị và chăm sóc toàn diện, hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS và cũng chính là nơi tiên phong trong việc chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm bệnh, mà trước đây, nhất là khoảng thập niên 1980 – 1990, đã từng bị nhân loại xa lánh, gọi là “căn bệnh của thế kỷ”, và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng, trở thành gánh nặng của xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, đã có những tu sĩ không ngại khó khăn gian nguy, có thể nguy hiểm đến tính mạng, tình nguyện đi đến vùng đất xa xôi hẻo lánh này để dấn thân phụng vụ.
Trong số những tu sĩ đang làm việc tại đây, chúng tôi đã được gặp nữ tu Maria Cao Thị Thanh Thúy (Trưởng Cộng đoàn) thuộc hội Dòng Mến Thánh Gía Nha Trang. Nhìn gương mặt thanh tú và nụ cười nhân hậu, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn như một cô bé sinh viên mới ra trường, không ai đoán đúng được tuổi thật của Sơ là đã ngoài 50. Sơ Maria Thúy đang đảm nhiệm công việc của một nhân viên Điều dưỡng khoa Nội C (Khoa săn sóc đặc biệt). Hằng ngày bận rộn với công việc như thế, nhưng Sơ Maria vẫn theo học lớp Thạc sĩ ngành Điều dưỡng và chuẩn bị bảo vệ luận án tốt nghiệp vào năm 2024.
Cùng khoa với Sơ Maria Thúy là Sơ Cecilia Trần Thị Điều - Dòng Mến Thánh Gía Gò Vấp, cũng là một nhân viên Điều dưỡng rất tận tâm với nghề.
Một nữ tu chuyên phụ trách nấu ăn gởi cho bệnh nhân hoàn toàn miễn phí, đó là Sơ Maria Vũ Thị Bích Liên - thuộc Dòng Đa minh Gò Vấp. Với nụ cười hiền lành, Sơ chia sẻ với chúng tôi: “Cứ hễ nhận được tài trợ thực phẩm khắp nơi gởi tới, là sơ chế biến, nấu những món ăn thật ngon, đem hết vào cho bệnh nhân. Nhìn bệnh nhân ăn thấy thương lắm!” Các mạnh thường quân thường là người Công giáo, và có cả người không cùng tôn giáo, nhưng đều chung một tấm lòng bác ái.
Theo chân các nữ tu về nhà nghỉ dành cho cán bộ - công nhân viên, chúng tôi được dịp nghe kể những câu chuyện của những bệnh nhân HIV trong giai đoạn cuối. Mấy ai nghe về những hoàn cảnh này mà không rơi nước mắt!?
Số bệnh nhân lưu trú tại bệnh viện là 580 người. Đa số những bệnh nhân mới đến đây đều có cùng một tâm trạng mặc cảm, vì bị gia đình bỏ rơi hoặc chối bỏ, không còn nơi nương tựa.
Em H. khoảng 25 tuổi. Em là con của một gia đình khá giả, bố mẹ đều là dân trí thức, có vị trí trong xã hội. Vì chứng kiến cảnh bố có nhân tình, cặp bồ với cô học trò cũng là bạn học của con mình, còn mẹ của H. thấy chồng mình như thế, cũng theo trào lưu “ông ăn chả, bà ăn nem” đi suốt ngày không ngó ngàng gì đến gia đình, nên H theo nhóm bạn xấu và đã sa ngã vào con đường hút chích lúc nào không hay. Đau lòng ở chỗ, H. có một đứa em gái đang bước vào tuổi dậy thì, tuổi xuân phơi phới cũng bị H. rủ đi vào con đường này! Một thời gian chìm đắm trong u mê không có tương lai như thế, sử dụng chung kim chích và kết quả là cả hai anh em đều nhiễm bệnh. Các em được nhập viện sau một lần bị sốc thuốc và đã được điều trị ở bệnh viện Nhân Ái. Với vẻ mặt chán đời vì hằn thù gia đình, em H. trông già hẳn so với tuổi. Người anh trai hay tâm sự, trải lòng mình với sơ Thúy. Sơ đã quan tâm động viên, dành nhiều thời gian chuyện trò với hai anh em H. giúp họ cảm nhận được rằng, nơi đây vẫn còn có sự hiện diện của tình yêu thương, vẫn dang tay rộng mở chào đón các em, tạo cho các em một cảm giác bình an, ấm cúng mà các em đã đánh mất từ lâu lắm rồi… Nhờ tấm lòng dịu dàng săn sóc của các sơ, nhờ sự nỗ lực kiên trì trong cách điều trị của đội ngũ bác sĩ, cô em gái của H đã hết bệnh trước và trở về hòa nhập với đời thường.
Em B. sinh năm 1989. Là anh cả sinh ra trong một gia đình ba mẹ không hạnh phúc đã ly dị khi B còn học cấp II. Các anh em được giao về cho bà ngoại đã có tuổi nuôi nấng, chăm sóc. Thỉnh thoảng, B. cũng được ba của mình cho về chơi ở nhà riêng của ba sống với người vợ mới. Còn mẹ của B cũng đi lấy chồng nhưng không có về thăm B. Mỗi lần nhìn thấy ba mẹ của các bạn đến đón ở trường, hay bắt gặp cảnh đầm ấm của bữa cơm gia đình hàng xóm, là B. lại thấy tủi thân, và cô đơn vô cùng! Em tìm đến ma túy như là nơi trú ngụ, đem lại cho em sự êm đềm trong phút chốc.
B. kể cho sơ Maria nghe về cuộc đời của em, về sự hận đời, hận mẹ của mình đã bỏ mặc không ghé thăm em kể từ khi bà ta đi lấy chồng khác. Nỗi uất hận trong lòng của B bị đẩy lên tột cùng nhất khi bà không muốn em về tham dự tiệc cưới của cô em gái đi lấy chồng, vì bà sợ mất mặt và muốn giấu người chồng kế là có đứa con trai bị nhiễm bệnh HIV!
Nhờ sự dịu dàng vốn dĩ sẵn có ở các nữ tu, hằng ngày nhẹ nhàng khuyên nhủ với tấm lòng nhân hậu, nâng đỡ tinh thần cho em, dần dà B. cũng đã được cảm hóa, thông cảm cho người mẹ của mình…
Và niềm vui lớn nhất là, B. mong muốn được rửa tội theo đạo, được trở thành con cái của Chúa.
Bệnh nhân Nguyễn Văn M. đã trên 40 tuổi, nhà ở TPHCM. Do biến chứng của bệnh vào thời kỳ cuối mà mắt của anh bị mù không còn thấy đường. Anh đã được đưa lên bệnh viện Nhân Ái để điều trị trong sự bảo bọc yêu thương của đội ngũ nhân viên y tế ở đây, và anh cũng xin vào đạo…
Nhìn thấy ngay trung tâm khuôn viên bệnh viện có đặt một bức tượng Đức Mẹ Maria, đang chấp tay nguyện cầu bình an cho nhân loại, chúng tôi cảm nghiệm được đức tin mãnh liệt và nghị lực phi thường đã khiến các linh mục, tu sĩ dám hy sinh hạnh phúc cá nhân để lên tận nơi đây chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS và tạo ra một cộng đồng sống yêu thương, một “Vương quốc Nhân ái” đầy tình người! Thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục biết bao!
Xa xa, khuất sau bệnh viện có một lò thiêu, để những bệnh nhân lang thang, vô gia cư, không người thân tử vong tại bệnh viện được bệnh viện thay mặt người thân tổ chức tang lễ và hỏa táng; tro cốt được đưa vào nhà lưu cốt để làm giảm đi sự cô đơn, lạnh lẽo, kỳ thị của người đời.
Bên cạnh đó, bệnh viện có một nhà giữ trẻ, do nữ tu Anna Maria Phạm Thị Kết - Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương - đảm nhiệm chính, cùng với 3 nữ tu khác phụ tá (Sr. Vui, Sr. Trang, Sr. Tuyết cùng thuộc Dòng Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương) nhận hỗ trợ giữ trẻ cho đội ngũ y bác sĩ yên tâm làm việc.
Để cải thiện bữa ăn cho các em, các nữ tu trồng thêm nhiều rau xanh, cây ăn trái ở vườn bên cạnh nhà trẻ.
Ngoài giờ làm việc, các nữ tu không quên chăm lo cho đời sống thiêng liêng như đã tuyên khấn. Chúng tôi lên thăm vào ngày thứ Bảy 25/11/2023, ngay dịp các nữ tu có buổi cầu nguyện và chuẩn bị cho Thánh lễ trọng đại Chủ nhật 34 mùa Thường niên: Lễ Chúa Ki tô -Vua Vũ trụ.
Vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, Tòa Tổng Gíam mục Sài Gòn có cử một linh mục lên dâng lễ cho hội dòng vào lúc 15g30. Đây là một niềm khích lệ rất lớn đối với giới tu sĩ tình nguyện.
Cha Giuse Đỗ Duy Châu - Dòng Đức Mẹ Người Nghèo (ĐMNN), là một trong bốn vị Linh mục tình nguyện dâng lễ Chúa nhật hàng tuần - chia sẻ trong bài giảng: “…Tiêu chuẩn để Vua Kitô phán xét là Đức Ái. Vấn nạn hiện nay của con người là lạnh lùng vô cảm trước những nổi đau của tha nhân….”
Được biết, Cha Giuse Châu cũng đã hỗ trợ các trung tâm cai nghiện ma túy trong việc điều trị cắt cơn nghiện, giúp cho hàng trăm các em thanh thiếu niên này trở về sống hòa nhập với cộng đồng suốt 20 năm qua. Việc làm thầm lặng của Cha chính là thực hiện theo sứ mạng của Dòng ĐMNN: “Theo gương Mẹ Maria sống đơn sơ, khó nghèo, khiêm hạ, anh em làm chứng cho Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống hy sinh, ưu tiên phục vụ những người nghèo, bất hạnh hơn hết.”
Ngày 01/12 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS. Mặc dù ngày nay, người ta không còn hoảng sợ khi nghe đến căn bệnh HIV/AIDS như trước đây, bởi y học ngày càng có nhiều phương pháp tiến bộ để khống chế, kéo dài thời gian sống của người bệnh. Tuy nhiên, xã hội vẫn rất cần đến tất cả chúng ta cùng chung tay góp sức, không những hỗ trợ tinh thần mà còn giảm thiểu khó khăn gánh nặng về vật chất, để Việt Nam tiến tới kết thúc đại dịch trong tương lai.
“Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi, Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25.35)
Têrêsa Minh Hà (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi...
-
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi -
Và con tim đã vui trở lại -
Hãy ký thác đường đời cho Chúa -
Có Chúa dẫn đưa -
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Phóng sự: 10 năm bác ái yêu thương -
Tôn vinh Mẹ Maria giữa mùa Hè -
Tìm lại bình an trong Chúa