Gia đình Giáo lý viên
TGPSG -- Máu phục vụ tràn về, lòng yêu Chúa qua các em thiếu nhi chưa thôi chấm dứt, nên quyết định trở lại giáo lý viên của cả hai vợ chồng đã “lợi hại hơn xưa”…
Tôi sinh ra ở một gia đình mà mọi người thường gọi là “Đạo gốc”. Nhờ “gốc” ấy mà ngay từ thủa ấu thơ, chắc tầm 12 tuổi, là tôi đã tham dự Thánh lễ cực kỳ siêng năng.
Tôi có 2 người bạn thân cùng rủ nhau đi lễ hằng ngày và cách gọi nhau cũng chẳng giống ai - đó là cứ vỗ tay thật to, thì cho dù có ngủ say đến mấy cũng bật dậy rửa mặt và “oánh răng” cấp tốc, rồi cùng nhau huyên thuyên trên đường đến nhà thờ.
Lớn hơn một chút, tôi hăng say trong việc học hỏi giáo lý - được mời gọi trong ơn gọi Giáo lý viên, được đào tạo thành Giáo lý viên ở tuổi đời rất trẻ: 17 tuổi đã học xong chương trình đào tạo Giáo lý viên cấp 1 bộ giáo trình ‘Hồng ân huấn giáo’ còn mới toanh của Giáo Phận Xuân Lộc
Năm 1996, tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, tôi lên Sài Gòn học tiếp đại học. Lòng hăng say phục vụ còn nóng hôi hổi, tôi xin học đàn ở Giáo xứ Chợ Cầu vì được học... miễn phí chứ chẳng có khiếu chút nào. Nhưng chắc do Cha sở, nhờ ơn Chúa đã nhìn thấy cả tâm can của thằng sinh viên muốn học mà chả biết mục đích để làm gì, tôi bị từ chối cách thẳng thừng. Tôi buồn có, tự ái có, nhưng không bỏ cuộc.
Thời gian sau, tôi xin phục vụ trong vai trò giáo lý viên. Tôi đi cùng người bạn, có lẽ Cha sở còn nhớ tôi, ngài chỉ anh bạn tôi và nói “nhận” - còn tôi, ngài im lặng! Tôi sốc thật sự, chẳng lẽ nhiệt huyết mà bị từ chối… Tôi tự ái, chuyển qua Giáo xứ bên cạnh và muốn xin phục vụ ở đó. Tuy nhiên Giáo xứ này được tổ chức rất tốt: trật tự, lớp lang nghiêm chỉnh, trong khi Giáo xứ mình tá túc thì thiếu nhi lộn xộn, giáo lý viên ít ỏi…
Bỏ qua tự ái cá nhân, tôi cứ lủi vào đội ngũ giáo lý viên và sinh hoạt tại đó. Một thời gian sau, Cha sở đã có cái nhìn khác về tôi: tôi sôi nổi, học giáo lý từ nhỏ nên những câu hỏi trong giờ lễ thiếu nhi, tôi dễ dàng vượt qua và trở thanh nhà “thông thái” lúc nào không hay. Nhờ vậy mà tôi ghi điểm trong mắt nàng - một giáo lý viên mà sau này trở thành “bà xã” của tôi.
Chúng tôi về cùng một nhà sau 5 năm phục vụ Chúa qua các em thiếu nhi. Sau đó chúng tôi nghỉ ngơi và thành cha mẹ của 2 đứa trẻ.
Sáu năm trước, cha sở Trần Thanh Công mời gọi trở lại Giáo lý viên. Máu phục vụ tràn về, lòng yêu Chúa qua các em thiếu nhi chưa thôi chấm dứt, nên quyết định trở lại giáo lý viên của cả hai vợ chồng đã “lợi hại hơn xưa”. Chúng tôi bổ sung thêm kiến thức qua lớp Thừa tác viên Tin mừng khóa 1.
Ròng rã hai năm, để sắp xếp được chuyện lũ trẻ ở nhà, chúng tôi học lệch ngày. Cũng may khóa học có ngày chẵn ngày lẻ. Tốt nghiệp, chúng tôi tiếp tục học các khóa lẻ để cập nhật một công đôi việc giáo dục thiếu nhi và con cái trong gia đình.
Chúng tôi thường nói với nhau: tất cả là hồng ân, Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của mình và may mắn thay, chúng tôi luôn có Chúa đồng hành.
Tôi thì từ nhỏ đọc được câu Thánh vịnh: “Bạn có thức khuya, dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công; còn kẻ Chúa thương, dù có ngủ, Ngài vẫn ban cho đủ tiêu dùng”. Nhờ vậy chúng tôi nay 43 xuân xanh, 18 năm chung sống hạnh phúc trong ơn Chúa. Nay các em nhỏ gọi mình: nào là “sư tổ”, nào là “thiếu nhi lớn tuổi”..., tôi cảm thấy vui - vui vì được phục vụ.
Cuối cùng, trong niềm vui tạ ơn Chúa vì tất cả, gia đình tôi xin chia sẻ - coi như là bí kíp sống hạnh phúc cho gia đình tôi - đó là: “Ăn chung, ngủ chung, và đọc kinh chung”...
Nguyễn Xuân Huy (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ -
25 năm con biết Chúa