Bài 23: Người Lành và Kẻ Dữ | Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa nhật 16 Thường niên Năm A

Bài 23: Người Lành và Kẻ Dữ | Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa nhật 16 Thường niên Năm A

 NGƯỜI LÀNH VÀ KẺ DỮ -

“CỨ ĐỂ CẢ HAI CÙNG LỚN LÊN CHO TỚI MÙA GẶT” (Mt 13,30)

 

Có thể nói ngay rằng Thiên Chúa dựng nên con người không phải để huỷ diệt mà là để Thiên Chúa chia sẻ sự sống và hạnh phúc cho con người. Điều này được tác giả sách Sáng Thế trình bày qua việc Thiên Chúa sau khi tạo dựng nên con người, Ngài đã chúc phúc cho con người, rồi Ngài đem con người đặt vào trong khu vườn Ê-đen xinh đẹp, trù phú, và ban cho con người mọi thứ để hưởng dùng (x. St 1,28-30).

Theo đó, thuở ban đầu con người là “người lành” và là “phúc nhân”. Chuyện không may là những “người lành” đó đã để cho Sự Dữ mê hoặc và rơi vào bẫy của nó khiến họ không còn là những “người lành” nữa, mà trở thành “kẻ dữ”, tức là những kẻ nổi loạn chống lại Thiên Chúa, chống lại Sự Thiện. Kể từ đó, con người đã dùng tự do của mình để chọn lựa hoặc đứng về phía Thiên Chúa hoặc đứng về phía Xa-tan. Những ai đứng về phía Thiên Chúa, tức là về phía Sự Thiện thì được gọi là “kẻ lành”, và ngược lại, những ai đứng về phía Xa-tan, tức là đứng về phía Sự Dữ, thì bị gọi là “kẻ dữ”. Và dĩ nhiên số phận mỗi bên mỗi khác. Điều này chúng ta có thể thấy qua các câu chuyện Kinh Thánh, như chuyện tổ phụ Áp-ra-ham “mặc cả” với Thiên Chúa về số phận của dân thành Xơ-đôm, khi ông thưa với Chúa :

Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? (St 18,23b-24)

Hoặc trước khi thanh tẩy mặt đất bằng trận đại Hồng Thuỷ, Thiên Chúa đã nói với ông Nô-ê rằng: “Ta chỉ thấy ngươi là “người công chính” trước nhan Ta trong thế hệ này” (St 7,1). Kết quả là mọi “kẻ dữ” bị quét sạch khỏi mặt đất, ngoại trừ ông Nô-ê - “người công chính” - và gia đình của ông được sống.

1. Thế nào là “người công chính” ?

Kinh Thánh Cựu Ước dùng từ ṣaddîq [צַדִּיק] trong tiếng Híp-ri, còn Kinh Thánh Tân Ước thì dùng từ Hy-lạp dikaios [δίκαιος] để chỉ “người lành” hay “người công chính”, tức là người chính trực và công minh, người tuân thủ lề luật và vô tội, chẳng hạn như thánh Giu-se được gọi là “người công chính” (Mt 1,9) hay ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét “đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa” (Lc 1,6).

Tính từ công chính ở đây được dùng để xác định phẩm chất của mối tương quan đúng đắn, chính trực, tốt lành giữa con người với Thiên Chúa, như lời tác giả thư Híp-ri :

Ông A-ben đã được chứng nhận là người công chính, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận những lễ phẩm ông dâng (Hr 11,4b).

Hoặc như lời khẳng định của tác giả thư thứ nhất Gio-an :

Nếu anh em biết Thiên Chúa là Đấng Công Chính, anh em cũng phải biết rằng : phàm ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra (1 Ga 2,29).

Ngoài ra, tính từ công chính cũng được dùng để xác định phẩm chất trong mối tương với tha nhân, chẳng hạn như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a :

ĐỨC CHÚA phán như sau : ‘Hãy thực thi lẽ công minh và điều chính trực ; hãy giải thoát người bị bóc lột khỏi tay kẻ áp bức ; đừng ngược đãi ngoại kiều, trẻ mồ côi và người goá bụa ; đừng cưỡng bức và đổ máu người vô tội ở nơi đây’ (Gr 22,3).

Nhờ phẩm chất tốt lành trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, “người công chính” sẽ được Thiên Chúa cho “đồng thừa kế với Đức Ki-tô”“cùng được hưởng vinh quang với Đức Ki-tô” (Rm 8,30).

Ấy là chân dung và hậu vận của “người công chính”, tức là “người lành” ; còn “kẻ dữ” thì sao?

2. “Kẻ dữ” là ai?

Như đã đề cập ở trên, “kẻ dữ” hiểu là những người đứng về phía Xa-tan, tức là đứng về phía Sự Dữ. Tuy nhiên, chúng ta hãy dựa vào một số lời Kinh Thánh để có một góc nhìn rõ hơn về chân diện “kẻ dữ”.

Trước hết, Cựu Ước thường dùng từ Híp-ri rasha [רָשָׁע] (x. St 18,23 ; G 9,24) và Tân Ước dùng từ Hy-lạp adikos [ἄδικος], hoặc anomos [ἄνομος] hoặc asêbes [ἀσεβής] (x. Mt 5,45 ; Lc 16,10 ; Rm 5,6 ; 2 Pr 2,9 ; 1 Tm 1,9) để chỉ đến những kẻ gian ác, vô đạo, vô pháp vô thiên, bất lương, bất chính. Một cách cụ thể, đó là những kẻ : “ưa thích bạo tàn” (Tv 11,5), “không kính sợ Chúa” (Tv 36,2), và là những kẻ ưa áp bức, bóc lột người nghèo khổ, tôn thờ bản thân, chối bỏ Thiên Chúa, và huênh hoang cho mình là bất khả chiến bại (Tv 10,3-4). Ngoài ra, “kẻ dữ” còn là những kẻ miệng lưỡi độc địa, trái tim vô cảm, ích kỷ, dửng dưng và không có lòng thương xót (Tv 10,7-8; Rm 3,13-14).

3. Thiên Chúa có cứu độ “kẻ dữ” không?

Đây là thắc mắc mà có lẽ hầu hết chúng ta đều hiếu kỳ muốn biết. Để trả lời, chúng ta cùng tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì.

Trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa sai ông Giô-na đến kêu gọi dân thành Ni-ni-vê ăn năn sám hối để được sống, thì ngôn sứ Giô-na nhất quyết phản đối và không cộng tác với Thiên Chúa, điều này phản ánh quan điểm “kẻ dữ”, tức là những người tội lỗi, thì đáng bị huỷ diệt. Ngoài ra, nhiều tác giả Cựu Ước khác cũng trình bày lập trường quyết liệt về việc “kẻ dữ” phải bị loại trừ, như:

+ “Bao đau khổ sẵn chờ kẻ dữ, còn ai tin cậy CHÚA, luôn được Người ấp ủ thương yêu” (Tv 32,10)

+ “Quân gian ác chết vì tội ác, kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân” (Tv 34,22)

+ “Ơn cứu độ ở xa kẻ dữ, bởi chúng không tìm kiếm thánh chỉ Ngài” (Tv 119,155)

+ “ĐỨC CHÚA không để kẻ dữ thoát khỏi hình phạt” (Nk 1,3).

Quan niệm “kẻ dữ sẽ bị Thiên Chúa diệt trừ”, nhìn chung phản ánh “quan niệm nhân quả” với một sự trả báo sòng phẳng kiểu “ác giả ác báo”, và cách nào đó, quan niệm trả báo kiểu như thế mới thoả mãn tâm lý “trả thù” của con người.

Thực tế, “tư tưởng của con người không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”, vì thế có lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en rằng: 

Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống (Ed 33,11a).   

Còn tác giả Tin Mừng Gio-an thì viết:

Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3,17).

Và tác giả thư 2 Pr 3,9 thì cho biết:

 Thiên Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải (2 Pr 3,9).

Theo đó, thưa quý ông bà và anh chị em, Thiên Chúa luôn cho mọi người, bao gồm cả những “kẻ dữ”, cơ hội để được cứu và hưởng ơn độ nếu biết sám hối ăn năn. Vì thế, khi đến thế gian Chúa Giê-su đã công khai tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Đó chính là sứ điệp mang niềm hy vọng cho chúng ta, những kẻ không nhiều thì ít đã “nhuốn màu” sự dữ, và nhờ đó chúng ta có thể mạnh dạn thưa với Chúa rằng:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê (Tv 51,3-4.19). 

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top