Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh
GIỜ THỨ BA, GIỜ THỨ SÁU,…
GIỜ THỨ MƯỜI MỘT
THỜI KHẮC TRONG KINH THÁNH
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm A sắp tới, Đức Giê-su kể dụ ngôn những người thợ làm vườn nho, được ông chủ mướn vào các thời khắc khác nhau trong ngày: từ tảng sáng, đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, và cả giờ thứ mười một nữa.
Cách tính thời gian trong dụ ngôn này có giống như chúng ta ngày nay không? Chúng ta sẽ tìm câu trả lời trong bài học hỏi hôm nay về niên lịch và các thời khắc theo cách tính thời gian của người Do-thái cũng như được Kinh Thánh nói đến.
Người Ít-ra-en xưa dùng hai loại niên lịch là Lịch dân sự và Lịch đạo, tương tự như Ki-tô giáo chúng ta dùng Dương lịch và Lịch phụng vụ vậy. Niên lịch dân sự bắt đầu năm mới vào khoảng tháng 9-10 dương lịch trong khi Lịch đạo lại khởi đầu năm mới vào khoảng tháng 3-4 dương lịch. Như vậy hai loại lịch này chênh nhau đến sáu tháng.
1. Tháng
Lịch Do-thái cũng có 12 tháng theo chu kỳ của mặt trăng. Mỗi tháng bắt đầu vào ngày trăng mới, tức là ngày mồng một của tháng.
Tháng đầu tiên theo lịch đạo Do-thái là tháng Ni-xan, cũng gọi là tháng A-víp, rơi vào khoảng thời gian tháng 3-4 dương lịch. Vì lễ Vượt Qua của người Do-thái cử hành vào ngày 14 tháng Ni-xan nên chúng ta cũng mừng lễ Phục sinh vào khoảng thời gian tháng 3-4 dương lịch.
Sách Xuất hành ghi lại chỉ thị của Chúa về việc cử hành lễ Vượt Qua như sau : “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en : Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con […] Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng” (Xh 12,2-8).
Tuy nhiên, lịch dân sự Do-thái lại bắt đầu năm mới với tháng Tít-ri, cũng gọi là tháng Ê-tha-nim, tức là tháng thứ bảy của lịch Do-thái giáo (x. 1 V 8,2), tương đương với tháng 9-10 dương lịch. Sách Lê-vi còn ghi lại việc mừng lễ đầu năm mới vào tháng này : “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Tháng thứ bảy, ngày mồng một, đối với các ngươi sẽ là một ngày nghỉ, một ngày tưởng niệm giữa tiếng reo hò, và họp nhau để thờ phượng Ta” (Lv 23,24). Ngày lễ này được gọi là Rốt Ha-sa-na (רֹאשׁ הַשָּׁנָה) nghĩa là Đầu Năm hay cũng gọi là Ngày Reo Hò (x. Ds 29,1)
Tháng cuối cùng (tháng 12) của lịch Do-thái giáo là tháng A-đa, rơi vào khoảng tháng 2-3 dương lịch, trong khi tháng cuối cùng theo lịch dân sự lại là tháng Ê-lun (x. Nkm 6,15) tương đương với tháng 8-9 dương lịch.
2. Tuần
Lịch Do-thái cũng có tuần lễ gồm 7 ngày như được nói đến ở đầu sách Sáng Thế. Sáu ngày đầu tuần được gọi đơn giản theo thứ tự từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu. Riêng ngày thứ bảy thì được gọi cách linh thánh là ngày Sa-bát, tiếng Híp-ri là sab-bat (שַׁבָּת) hoặc sab-ba-tôn (שַׁבָּתוֹן), phiên tự qua tiếng Hy-lạp cũng là sab-ba-tôn (σάββατον) nghĩa là ngưng, nghỉ.
Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là một ngày sa-bát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Đức Chúa : kẻ nào làm việc trong ngày sa-bát sẽ bị xử tử. (Xh 31,15)
3. Ngày
Theo cách tính thời gian của chúng ta hiện nay, ngày là khoảng thời gian 24 giờ bắt đầu từ lúc nửa đêm. Nhưng theo cách tính của người Do-thái thì ngày là khoảng thời gian giữa hai buổi hoàng hôn. Do đó, ngày của người Do-thái bắt đầu vào buổi chiều và kết thúc vào buổi sáng hôm sau, như được nhắc đi nhắc lại trong suốt trình thuật sáng tạo : “Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất, … ngày thứ hai, … ngày thứ ba, … v.v.” (x. St 1,5tt).
Để biết lúc nào bắt đầu một ngày, người Do-thái xác định rằng hoàng hôn không phải là lúc mặt trời lặn mà là lúc ba ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời trong đó Sao Hôm (Kim Tinh) là sáng nhất.
Sao Hôm trên bầu trời hoàng hôn
Như vậy, nếu mặt trời đã lặn mà Sao Hôm chưa xuất hiện trên bầu trời thì vẫn còn là ngày hôm trước.
Dấu vết của cách tính ngày mới này vẫn còn thấy trong phụng vụ Ki-tô giáo khi chúng ta cử hành Lễ Vọng của một số lễ trọng, Kinh Chiều I của các lễ trọng và Chúa nhật, cũng như cử hành thánh lễ Chúa nhật vào chiều hôm trước.
4. Canh
Chúng ta thường nói “đêm năm canh, ngày sáu khắc”, nhưng đêm của người Do-thái không nhiều đến năm canh.
Dân Ít-ra-en thời xưa chia đêm thành ba canh gồm canh đầu hôm vào lúc chập tối (x Ac 2,19), canh hai vào lúc nửa đêm (x. Tl 7,19) và canh sáng vào lúc trời gần sáng (x. Xh 14,24)
Sau này, người Do-thái theo lịch Rô-ma chia đêm thành bốn canh, mỗi canh khoảng ba tiếng đồng hồ.
Canh một bắt đầu từ lúc hoàng hôn đến 9 giờ tối;
Canh hai từ 9 giờ tối đến nửa đêm;
Canh ba từ nửa đêm đến 3 giờ sáng;
Canh tư từ 3 giờ sáng đến lúc mặt trời mọc.
Tân Ước đã nhắc đến đơn vị thời gian này.
Đức Giê-su nói : “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy các đầy tớ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ” (Lc 12,38)
“Vào khoảng canh tư, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14,25)
Một kiểu nói khác cũng diễn tả bốn canh của ban đêm như khi Đức Giê-su căn dặn các môn đệ rằng : “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (Mc 13,35).
Chập tối để chỉ canh một, nửa đêm để chỉ canh hai, lúc gà gáy để chỉ canh ba, và tảng sáng để chỉ canh tư.
5. Giờ
Theo lịch Do-thái, giờ là đơn vị tính thời gian vào ban ngày và không phải là khoảng thời gian nhất định 60 phút đồng hồ mà là 1/12 của khoảng thời gian giữa lúc mặt trời mọc và lúc mặt trời lặn. Vào mùa đông vì ngày ngắn hơn đêm cho nên một giờ Do-thái ngắn hơn 60 phút. Ngược lại, vào mùa hè vì ngày dài hơn đêm cho nên một giờ Do-thái dài hơn 60 phút.
Như vậy, giờ thứ nhất là khoảng 6 giờ sáng, giờ thứ ba là khoảng 9 giờ sáng, giờ thứ sáu là khoảng 12 giờ trưa, giờ thứ chín là khoảng 3 giờ chiều và giờ thứ mười một là khoảng 5 giờ chiều, như chúng ta nghe trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này khi ông chủ vườn nho ra mướn thợ vào làm từ “lúc vừa tảng sáng” (giờ thứ nhất), rồi vào khoảng các giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một (x. Mt 20,1.3.5.6)
Các sách Tân Ước ghi lại nhiều thời khắc trong ngày theo cách tính thời gian của người Do-thái, như một vài ví dụ sau đây :
Hai môn đệ thánh Gio-an Tẩy giả đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, “và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”. (Ga 1,39)
Quân lính đã đóng đinh Đức Giê-su vào giờ thứ ba (x. Mc 15,25). “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng” (Mc 15,33-37).
Sau lời rao giảng của các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, có kẻ nói rằng : “Mấy ông này say bứ rồi” (Cv 2,13). Nhưng thánh Phê-rô đã phủ nhận và bảo họ rằng : “Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba” (Cv 2,15).
Hai ý nghĩa của thời gian
Tân Ước dùng hai hạn từ chỉ thời gian mang ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất, hạn từ Hy-lạp chronos (χρόνος) tương đương với từ Híp-ri là eth (עֵת) để chỉ thời gian nói chung, không xác định mà ta có thể gọi là thời gian lượng số. Đó là thời gian có trường độ, được tính theo giây phút, ngày giờ, tháng năm… đắp đổi tiếp nối nhau.
Chúa phán với ông Áp-ra-ham : “Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và bà Xa-ra sẽ có một con trai” (St 18,14)
“ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-suê : ‘Đừng sợ chúng, vì ngày mai cũng vào giờ này, Ta sẽ nộp thây của tất cả bọn chúng cho Ít-ra-en’” (Gs 11,6)
Trở lại với bài Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm A, ông chủ vườn nho đã 5 lần trong ngày ra mướn thợ vào làm vườn nho cho ông, vào lúc tảng sáng (tương đương với giờ thứ nhất), rồi giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín và giờ thứ mười một. Đó là những thời khắc tính theo đồng hồ, tương đương với 6 giờ sáng, 9 giờ, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều, và 5 giờ chiều, giờ này đến sau giờ kia theo thứ tự thời gian.
Đức Giê-su nói với người Do-thái : “Tôi còn ở lại với các ông ít thời gian nữa thôi.” (Ga 7,33)
“Trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã dưỡng nuôi họ trong sa mạc” (Cv 13,18)
Hạn từ thứ hai là kai-ros (καιρός), tương đương trong tiếng Híp-ri là ze-mân (זְמָן) và mang ý nghĩa là thời buổi, cơ hội, thời cơ mà ta có thể gọi là thời gian phẩm tính. Ví dụ khi ma quỷ kêu với Đức Giê-su rằng : “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao ?” (Mt 8,29); hay như thánh Phao-lô xác quyết rằng : “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6,2)
Dĩ nhiên không phải có 2 thứ thời gian nhưng là 2 cách diễn tả thời gian: một loại để đo đếm theo số lượng và loại kia hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt.
Trở lại với bài Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm A, ông chủ vườn nho đã 5 lần trong ngày ra mướn thợ vào làm vườn nho cho ông, vào lúc tảng sáng (tương đương với giờ thứ nhất), rồi giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín và giờ thứ mười một. Đó là những thời khắc tính theo đồng hồ, tương đương với 6 giờ sáng, 9 giờ, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều, và 5 giờ chiều, giờ này đến sau giờ kia theo thứ tự thời gian.
Đến cuối ngày làm việc, ông chủ trả công cho mỗi người một đồng bất kể họ được mướn vào giờ nào, và khó hiểu hơn nữa là người vào làm cuối cùng, lúc đã 5 giờ chiều, cũng lãnh được một đồng và còn được nhận trước những người khác.
Như thế, ý nghĩa của thời gian đã thay đổi từ số lượng nhiều ít thành cơ hội cho mọi người có thể vào làm vườn nho và được nhận phần lương bổng do lòng nhân hậu của ông chủ vườn nho.
Thời gian là hồng ân Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta và muốn cho thời gian ấy trở thành những cơ may cho chúng ta được cứu độ, như lời nhắn nhủ của thánh Phao-lô : “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6,2)
Cầu nguyện
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. (Tv 90)
bài liên quan mới nhất
- Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai