Bài 125: Ngự bên hữu Thiên Chúa I Dưới ánh sáng Lời Chúa
Dẫn nhập
Mừng lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta đã có dịp tìm hiểu các chủ đề liên quan như : Chúa Giê-su được đưa lên trời” (bài 14) hay “Cõi trời theo Kinh Thánh” (bài 67) trong chuyên mục “Dưới ánh sáng Lời Chúa” này. Chúng ta đã giải thích các thắc mắc như : lên trời là lên chỗ nào, có phải đó là cõi trời hiểu theo nghĩa vũ trụ vật chất hay không ? hoặc cõi trời hiểu theo nghĩa Kinh Thánh là gì ? đâu là ý nghĩa của biến cố Chúa thăng thiên đối với người Ki-tô hữu chúng ta ? Trong Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên năm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa của kiểu nói : Chúa Giê-su lên trời, NGỰ BÊN HỮU THIÊN CHÚA (Mc 16,19).
Đây là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính : “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Việc Chúa Giê-su ngự bên hữu Chúa Cha được khẳng định liền ngay với sự kiện Người lên trời.
Việc “ngự bên hữu Chúa Cha” xem ra là điều khó hiểu vì Thiên Chúa là thần khí (Ga 4,24), là thiêng liêng, không ai có thể thấy Thiên Chúa (Ga 1,18), vậy thì làm sao biết bên tả hay bên hữu. Thực ra, đây là cách diễn tả của “ngôn ngữ Kinh Thánh” không hề mang khái niệm không gian. Vậy chúng ta tìm hiểu xem khi nói Chúa Giê-su ngự bên hữu Chúa Cha, Kinh Thánh muốn nói điều gì ?
1. Từ ngữ của Kinh Thánh
a-Trong Cựu Ước Danh từ Híp-ri ya-min (יָמִין) có những nghĩa như sau : tay hữu (hay tay phải), bên hữu (hay bên phải). Tuy nhiên, trong văn hóa Do-thái, đặc biệt là trong Kinh Thánh, từ ya-min không chỉ đơn giản là một hướng hoặc bộ phận cơ thể, mà còn mang tính biểu tượng. Tay phải – ya-min– được xem là biểu tượng của quyền năng, ân huệ, sự trân trọng, vị trí vinh dự.
Sách Sáng thế ở chương 48, kể chuyện ông Gia-cóp chúc lành như sau : “Ông Ít-ra-en đưa tay phải ra, đặt lên đầu Ép-ra-im là em, và đặt tay trái lên đầu Mơ-na-se ; ông bắt tréo tay, vì Mơ-na-se là con cả… Ông Giu-se thấy cha đặt tay phải lên đầu Ép-ra-im thì không bằng lòng, nên ông cầm tay cha kéo ra khỏi đầu Ép-ra-im mà đưa lên đầu Mơ-na-se. Nhưng cha ông từ chối và nói : “Cha biết, con ơi, cha biết : nó cũng sẽ trở thành một dân, và nó cũng sẽ lớn. Nhưng em nó sẽ lớn hơn nó và dòng dõi của em nó sẽ thành rất nhiều dân tộc.” Ông Giu-se nói với cha : “Thưa cha, xin đừng làm thế, vì thằng này mới là con đầu lòng, xin cha đặt tay phải lên đầu nó” (St 48,14.17-19). Theo truyền thống của dân Ít-ra-en, việc đặt tay phải lên đầu, là nói lên sự chọn lựa đặc biệt và biểu tượng của phúc lành nhiều hơn. Vì thế ông Giu-se muốn cha mình lấy tay phải đặt lên đầu Mơ-na-se, nhưng ông Gia-cóp lại đặt tay trái lên đầu Mơ-na-se và đặt tay phải lên đầu Ép-ra-im. Sau này Ép-ra-im trở thành chi tộc quan trọng nhất ở miền Bắc, đông đúc hơn chi tộc Mơ-na-se và là nồng cốt của vương quốc Ít-ra-en trong tương lai.
Biểu tượng tay phải hoặc tay hữu được dùng nhiều nhất trong các Thánh Vịnh, nhưng trong bản dịch thường dịch theo nghĩa biểu tượng, như Tv 18,36 “Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ con…”, hiểu theo sát chữ là tay phải của Ngài , hoặc Tv 63,9 “cánh tay quyền lực”, cũng là tay phải của Ngài v.v… Cũng có khi vừa nói tay hữu và thêm từ cánh tay (זְרוֹעֲךָ) zero'akha để làm mạnh ý nghĩa, như Thánh vịnh 44,4 : “Vì đâu có phải nhờ gươm giáo mà họ chiếm đất đai, đâu phải cánh tay họ đem được thắng lợi về. Nhưng chính là nhờ tay hữu Chúa, tay mạnh mẽ và ánh tôn nhan Ngài, vì Ngài yêu thích họ.”
Do đó, kiểu nói : “tay hữu Thiên Chúa” hay “bên hữu Thiên Chúa”, là muốn nói đến một vị trí vinh dự và quyền năng cao cả. Chẳng hạn Thánh vịnh 110 : “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi : “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con…” (Tv 110,1). Vì thế “bên hữu Cha đây” được hiểu là sự trợ giúp hay ân sủng của Thiên Chúa, như Thánh vịnh 17 cũng đã khẳng định : “Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa, Ngài cứu ai trú ẩn dưới tay hữu Ngài ( מִינֶֽךָ) khỏi quân thù xông đánh” (Tv 17,7). Ở đây, “tay hữu Ngài” cũng hiểu là bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa sẽ ra tay giải thoát. Điều này cũng được hiểu là sức mạnh của Thiên Chúa, như Thánh vịnh 60 diễn tả : “Ngài phất cờ hiệu cho kẻ kính sợ Ngài, để họ thoát mũi tên xạ thủ. Xin ra tay ( יְמִֽינְך / tay phải) cứu độ, và đáp lời chúng con, để những kẻ Ngài yêu thương được ơn giải thoát” (Tv 60,6-7).
b – Trong Tân Ước từ Hy-lạp (δεξιός /dek-xi-os) là tay phải hoặc bên phải và cũng mang tính biểu tượng cho sự nhấn mạnh, thí dụ Mt 5,29 Chúa Giê-su nói : “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi…”. Bên phải là bên được phúc lành (Mt 25,34). Buổi sáng Phục Sinh, sau một đêm vất vả các tông đồ không bắt được con cá nào, Chúa Giê-su xuất hiện chỉ cho các ông thả lưới bên hữu thuyền ; các ông vâng lời và đánh được một mẻ lưới đầy cá là biểu tượng của sự viên mãn (x. Ga 21,6).
Tóm lại, vị trí bên phải biểu tượng cho những điều tốt lành, như là một sự chúc phúc hay một ân huệ ; còn bên trái thường chỉ một điều xấu xa hay một điều chúc dữ. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nói như sau : “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa…Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (25,34.41). Trong hai câu này, chúng ta thấy những người ở bên hữu Đức Vua thì được chúc phúc, nghĩa là họ sẽ được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời, trong khi đó những kẻ ở bên trái Đức Vua thì lại bị chúc dữ, họ sẽ bị đưa vào lửa hỏa ngục đời đời.
2. Chúa Giê-su được đưa lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa
Ngoài Tin Mừng Mác-cô ghi lại như trên (ἐκάθισεν ἐκ δεξιῶν τοῦ θεοῦ trong Mc 16,19), các tác giả Tân Ước khác cũng nhiều lần đề cập đến sự kiện này.
Đức Giê-su đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do-thái về cuộc quang lâm của Người : “Các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,64 ; Mc 14,62) hay “Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa” (Lc 22,69).
Theo sách Công vụ, thánh Tê-pha-nô được thị kiến “nhìn thấy Đức Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55-56). Thánh Phao-lô đã khích lệ các tín hữu Rô-ma rằng : “Ai sẽ kết án chúng ta ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?” (Rm 8,34) ; thánh nhân cũng khuyên nhủ các tín hữu Cô-lô-xê rằng : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
Nhiều lần tác giả thư gửi Híp-ri đề cập đến việc Đức Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa : “Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Hr 1,3) ; “Chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời” (8,1) ; “Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (10,12) ; “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (12,2).
Thánh Phê-rô thì nói : “Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền” (1 Pr 3,22).
Khi Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-su ngự bên hữu Chúa Cha thì điều đó không có nghĩa là Đức Giê-su ngồi trên ngai cách thụ động. Nhưng điều đó muốn nói rằng Đức Giê-su được nhận lại những gì thuộc về Người trước đây, tức là vinh quang và danh dự mà Người đã có trước khi có thế gian, như lời Đức Giê-su nói trong Tin Mừng Gio-an : “Lạy Cha, giờ đây, xin tôn vinh con bên Cha : xin dành cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (x. Ga 17,5). Vậy đối với Đức Giê-su, vị trí bên hữu Chúa Cha chính là vị trí mà Đức Giê-su được Thiên Chúa tôn vinh, vị trí đem lại vinh quang và danh dự cho Người, nghĩa là Chúa Cha đã siêu tôn Người, như lời thánh Phao-lô diễn tả trong thư Ê-phê-xô : “Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (Ep 1,21-22). Và chính vì ở bên hữu Thiên Chúa cũng là nơi mà thần tính của Người được tỏ hiện, nơi Thiên Chúa hiện diện, cho nên đó còn là nơi của quyền năng tối thượng, của Chúa tể càn khôn. Vậy, đối với Đức Giê-su, ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Người thống trị và nắm mọi quyền bính. Cho nên, Đức Giê-su ngự bên hữu Chúa Cha cũng có nghĩa là sự khai mạc Nước của Đấng Mê-si-a, sự hoàn thành thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en về Con Người : “Người được trao cho quyền thống trị, vinh quang và vương vị ; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một ; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn7,14). Tắt một lời, Đức Giê-su được trao ban tất cả quyền năng và sức mạnh. Đó cũng chính là điều mà thánh tông đồ Mát-thêu đã chứng thực khi ghi lại lời Đức Giê-su nói : “Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).
Kết luận
Đức Giê-su lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa là đi vào vinh quang của Người, thừa hưởng vương quốc Thiên Chúa, và nắm trong tay mọi quyền năng. Vì thế giờ đây, chúng ta hiểu rõ hơn những lời Đức Giê-su đã nói : “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34). Thừa hưởng vương quốc chính là thừa hưởng mọi ân huệ và mọi phúc lộc trên trời dành cho những ai đã tin và kết hợp với Đức Giê-su như chi thể kết hợp với đầu và tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu đã đến trước chúng ta.
Ước gì trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, chúng ta luôn ghi nhớ và đem ra thực hành lời thánh tông đồ Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu Cô-lô-xê : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).
Cầu nguyện
Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha,
đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng
chung hưởng phần gia nghiệp
dành cho những ai thuộc về Người
trong cõi đầy ánh sáng.
Người giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm,
và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái ;
trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi.
Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.
Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.
Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh ;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hòa giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời. (Cl 1,12-20)
bài liên quan mới nhất

- Bài 124: Cha Thầy và Thầy I Dưới ánh sáng Lời Chúa
-
Bài 123: Điều Răn và Điều Răn Mới I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 122: Nghe - biết - đi theo giữa mục tử và đoàn chiên I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 121: Mẻ cá lạ lùng và tình yêu của Thánh Phêrô | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 120: Bình an và Thần Khí từ Đấng Phục Sinh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 118: Bữa tiệc ly theo Tin Mừng Gioan | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 117 : Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo Thánh Luca -
Bài 116 : Người lấy ngón tay viết trên đất -
Bài 115 : Người con hoang đàng hay người cha nhân hậu ?
bài liên quan đọc nhiều

- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa