Bài 124: Cha Thầy và Thầy I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 124: Cha Thầy và Thầy I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 124: Cha Thầy và Thầy I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh năm C trích đọc trong Diễn từ ly biệt của Đức Giê-su với các môn đệ (x. Ga 13,31–17,26). Trong đoạn Tin Mừng của Chúa nhật này (x. Ga 14,23-29), tác giả sách Tin Mừng thứ IV đã trình bày nhiều điểm thần học mà một trong những điểm nổi bật đó là tương quan giữa Đức Giê-su là Con với Thiên Chúa là Cha của Người. Mối tương quan tình yêu này được Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ và những ai tuân giữ lời của Người :Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy (chúng tôi) sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Giờ đây, chúng ta tìm hiểu thêm về mối tương quan này, tức là mối tương quan giữa Chúa Cha với Chúa Con, cũng như với các môn đệ của Người.

I. Tương quan giữa Cha và Con trong sự sống nội tại của Thiên Chúa.

Nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su trong tương quan với Cha được Tin Mừng Gio-an trình bày xuyên suốt và được khai triển ngay từ Lời Tựa và trong suốt sách Tin Mừng:

“Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18)

Tôi và Chúa Cha là một […] Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha (Ga 10,30.38).

“Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy (Ga 14,10b-11).

Đức Giê-su của Tin Mừng Gio-an gọi Thiên Chúa là Cha tôi - ὁ πατήρ μου (Ga 14,23). Cha (πατήρ) là từ vựng được Tin Mừng Gio-an sử dụng hàng trăm lần, nhiều nhất so với tổng số lần sử dụng của toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc). Hạn từ Cha (πατήρ) được Gio-an sử dụng hàng trăm lần để quy chiếu về Thiên Chúa là Cha. Cũng vậy, và hạn từ Con / Người Con (υἱός) cũng được Tin Mừng Gio-an sử dụng nhiều lần để quy chiếu về Đức Giê-su với tư cách là Con gắn liền với các tước hiệu “Con Thiên Chúa - ὁ υἱὸς τοῦ θεοῦ” (Ga 5,25) ; “Con Một - ὁ μονογενὴς υἱός” (Ga 1,14.18), “Con Một Thiên Chúa - ὁ μονογενὴς υἱός τοῦ θεοῦ” (Ga 3,16.18).

Trong mối tương quan giữa Cha (Thiên Chúa) và Con (Đức Giê-su), Tin mừng Gio-an phân biệt tư cách làm Con của Đức Giê-su (υἱός) (x. 1,18; 3,16), và tư cách làm nghĩa tử (τέκνον) của những người tin vào Đức Giê-su (x. Ga 1,12-13).

Tư cách làm Con của Đức Giê-su bắt nguồn từ căn tính thần linh của Người trong tương quan với Thiên Chúa là Cha. Đức Giê-su với tư cách là Con Một, Người được Cha gọi là “Con yêu dấu của Ta - ὁ υἱός μου ὁ ἀγαπητός (Mc 1,11). Còn Thiên Chúa với tư cách là Cha, Người được Con gọi cách trìu mến là  “Cha ơi - Ἀββᾶ, ὁ πατήρ” (Mc 14,36). Với tư cách là “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), Đức Giê-su luôn ở với Thiên Chúa là Cha, ở tận nơi cung lòng Cha ngay từ lúc khởi đầu (x. Ga 1,1.18). Người là Lời sáng tạo, lời quyền năng của Cha, là Đấng tiền hữu và hằng hữu bên Cha trong vinh quang trước mọi công trình tạo dựng (x. Ga 1,1-3 ; 10,30 ; 16,28).

Tư cách làm nghĩa tử (τέκνον) của những người tin, được trở nên con cái Thiên Chúa (τέκνον θεοῦ) và có sự sống nơi mình nhờ đón nhận và tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa (x. Ga 20,31)

Kinh Thánh Hy-lạp dùng cụm từ egô eimi - ἐγώ εἰμι” : “Ta Là để đặc biệt chỉ Danh Đức Chúa được mặc khải cho ông Mô-sê. Cụm từ “egô eimi” còn được dịch là “Tôi Hằng Hữu” (NPD/CGKPV) ; “Tự Hữu Vĩnh Hữu Giả” hay “Tồn Hữu Giả” (bản dịch tiếng Hán). Đây là cụm từ được Đức Giê-su dùng để mặc khải về chính mình khi nói với người Do-Thái : “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu ! (egô eimi)” (Ga 8,58). Khi nghe Đức Giê-su nói như thế, người Do-thái đã ném đá Người. Cũng vậy, khi nghe Đức Giê-su nói với những kẻ đến bắt Người trong vườn Cây Dầu rằng : “Chính Tôi đây” (egô eimi) thì họ đã lùi lại và ngã xuống đất (x. Ga 18,6). Lời tuyên bố này cho thấy Người có thẩm quyền ngang hàng với Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất của Ít-ra-en, với toàn quyền sinh tử và xét xử (x. Ga 5,21-24 ; 10,30-37). Vì vậy, lời tuyên bố này bị xem là phạm thượng và trở thành đỉnh điểm của sự xung đột với Người Do-thái.

Nhưng chính sự xung đột này lại tạo nên điểm nhấn về căn tính thần linh của Đức Giê-su trong chiều kích tương quan hợp nhất, sâu thẳm và mật thiết của Người với Thiên Chúa là Cha. Tin Mừng Gio-an trần thuật lời chứng của chính Đức Giê-su khi Người từ trời xuống thế gian, Người được chính Chúa Cha (Lời của Cha, Lời Kinh Thánh) cùng với các việc Người đã làm minh chứng tư cách “Con Thiên Chúa” của Người (x. Ga 5,36-39). Lời chứng cho thấy Người là một với Cha trong Lời Nói và Việc Làm không chỉ với tư cách là “Con Thiên Chúa” được Cha sai đến, nhưng còn với tư cách chính Người là Chúa và là Thiên Chúa (x. Ga 1,1.18 ; 5,36-39). Vì vậy, gặp được Đức Giê-su là gặp được Cha, đón nhận Lời của Người là đón nhận Lời của Cha (x. Ga 14,24). Nhìn thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9).

II. Tương quan hợp nhất giữa Cha và Con trong sứ vụ cứu độ

Đức Giê-su bày tỏ với các môn đệ niềm vui lớn lao của Người khi hoàn tất sứ vụ được Cha sai đi, đồng thời Người cũng mời gọi những ai thật sự yêu mến Người cũng hãy hiệp thông với Người trong niềm vui khi Người trở về cùng Cha bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Người Con (x. Ga 14,28 ; 10,29). Đây là bản văn mà ngay từ thế kỷ III đã gây tranh luận về sự hơn kém của Cha với Con. Lời này có vẻ mâu thuẫn với lời tuyên tín về căn tính và nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su ở mức tuyệt đối là “Đấng Hằng Hữu”, cũng như lời tuyên xưng của tông đồ Tô-ma trước Đấng Phục Sinh : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20,28).

Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16). Đức Giê-su gọi Thiên Chúa, Cha của Người là “Đấng đã sai tôi”. “Sự kém cao trọng hơn” của Người Con đối với Cha là “sự kém hơn” của “kẻ được sai đi” đối với “người sai đi” (Ga 14,28). Để giải thích điều này “các giáo phụ đã phân biệt Thần học (Theologia) với Nhiệm cục (Oikonomia). Thần học bàn về mầu nhiệm sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi trên bình diện hữu thể. Còn Nhiệm cục chỉ mọi công trình của Thiên Chúa khi Ngôi Lời (Người Con) nhập thể làm người” (x. GLHTCG 236).

Đức Giê-su cũng khẳng định : “Ai tin vào tôi là tin vào Đấng đã sai tôi ; ai Thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,44-45). Đối với các giáo phụ, Đức Giê-su đồng bản thể với Thiên Chúa Cha (công đồng Nicea 325) là trên bình diện thần học, còn “sự cao trọng hơn của Chúa Cha” so với Người Con, được các giáo phụ hiểu trên bình diện nhiệm cục cứu độ trong tương quan sứ vụ giữa Đấng sai đi và Người được sai đi. Các ngài không hiểu và không giải thích việc “Con thua kém Cha” theo lạc thuyết Ariô là lạc thuyết không công nhận thần tính của Chúa Giê-su.

III. Cha và Con là một trong Lời Nói và Việc Làm.

Đức Giê-su khẳng định : “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,24). Theo thần học Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su chính là Lời của Cha. Việc tuân giữ Lời của Đức Giê-su gợi nhớ quan niệm của Cựu Ước về việc tuân giữ các điều răn, mệnh lệnh và chỉ thị của Đức Chúa (x. Ga 14,21 ; Đnl 6,2.17.25). Sách Xuất hành nêu rõ điều kiện để được làm dân riêng thuộc quyền sở hữu của Đức Chúa, đó là : phải lắng nghe và tuân phục lời của Đức Chúa (x. Xh 19,4-6) ; phải giữ mọi mệnh lệnh của Người để được sống (x. Đnl 26,19). Không vâng giữ Lời thì đồng nghĩa với việc từ chối sự sống (x. Gr 3,25).

Đức Giê-su là Lời của Cha và là Lời sự sống. Tuân giữ Lời của Đức Giê-su và ở trong tình yêu của Người cũng giống như tuân giữ Lời của Cha và ở trong tình yêu của Cha. Tin Mừng Gio-an cho thấy cần phải đến với Đức Giê-su để được sống (x. Ga 8,51) vì Người chính là sự sống, Do vậy, tuân giữ Lời của Đức Giê-su là điều thiết yếu để được sống. Đó cũng là sứ vụ của Đức Giê-su khi đến trần gian là “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Đối với Thiên Chúa, lời nói và việc làm của Người là một. Đức Giê-su khẳng định Người luôn hợp nhất với Cha trong lời nói và việc làm (x. Ga 10,30). Đức Giê-su không tự ý làm gì, nhưng những gì Người làm là làm theo đúng như Chúa Cha làm (x. Ga 5,19), và Người cũng không tự ý nói gì nhưng nói đúng những gì Người đã nghe Chúa Cha nói (x. Ga 8,25).

IV. Cha và Con là một trong tình yêu.

Tương quan giữa Cha và Con hoàn toàn hợp nhất nên một trong Lời và trong tình yêu : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Theo bản dịch sát : “Chúng tôi sẽ đến với người ấy và sẽ lập (poieô - ποιέω) chỗ ở nơi người ấy” (Ga 14,23).

Chủ từ “chúng tôi” cho thấy sự hiệp thông sâu xa và mối tương quan mật thiết của tình Cha Con sẽ được chia sẻ và trao ban cho các môn đệ (x. Ga 17,23 ; 15,9), và cho tất cả những ai tiếp nhận Lời. Người sẽ ban cho họ tư cách làm con Thiên Chúa và mời gọi họ “ở lại”, “ở với” và “ở trong” Đức Giê-su để tình yêu của Thiên Chúa (Cha và Con) cư ngụ trong họ (x. Ga 14,20 ; 15,10.27). Tình yêu dành cho Đức Giê-su sẽ mang lại sự sống nếu biết tuân giữ Lời của Người (x. Ga 14,21). Vì vậy, tình yêu chân chính tận đáy lòng dành cho Thiên Chúa không phải là lời “đầu môi chót lưỡi” hay chỉ là cảm xúc, tâm tình quý mến nhưng là thái độ vâng giữ Lời.

Tin Mừng Gio-an sử dụng hai động từ “phileô” và “agapaô” để nói về tương quan tình yêu của Cha và Con. Động từ “agapaô” với gốc danh từ là tình yêu “agapê” ; và động từ “phileô” có gốc danh từ là bạn hữu “philos”. Cả hai động từ này đều được Gio-an dùng để nói về tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Người Con, cũng như tình yêu của Người Con dành cho Cha (x. Ga 5,20 ; Ga 14,31). Đồng thời tác giả Tin Mừng cũng dùng hai động từ này để diễn tả cùng một tình yêu đó của Thiên Chúa dành cho các môn đệ (x. Ga 3,16 ; 16,27). Chính vì vậy, tình yêu mật thiết “agapaô” và tình nghĩa thiết “phileô” mà Chúa Cha dành cho Đức Giê-su thì Cha cũng dành cho các môn đệ, là những kẻ tuân giữ Lời bằng một tình yêu thân mật và trân quý như thế (x. Ga 15,5).

Đức Giê-su của Tin Mừng Gio-an luôn nói về Cha của Người và nối kết tương quan giữa Cha và Con trong một tình yêu duy nhất, Người tỏ bày với những ai yêu mến, tin nhận và giữ Lời của Người. Tất cả những ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô sẽ được sống đích thực, được tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ bao lâu họ còn tuân giữ Lời của Người. Thần Khí sẽ trợ giúp để họ luôn nhớ Lời của Đức Giê-su (x. Ga 14,26). Nhờ vậy, họ sẽ được hiệp thông với tình yêu của Thiên Chúa, được tình yêu của Cha và của Con ở lại trong họ luôn mãi.

Cầu nguyện

Nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, chúng ta hãy cùng chúc tụng Thiên Chúa :

 “Chúc tụng Thiên Chúa
là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời,
Người đã thi ân giáng phúc
cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.

Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người.

Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử
nhờ Đức Giê-su Ki-tô,
để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời,
ân sủng Người ban tặng cho ta
trong Thánh Tử yêu dấu.

Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra
chúng ta được cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi,
theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.

Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.
Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu :
thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.
Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn
là quy tụ muôn loài trong trời đất,
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,3-10).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top