Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật IV Phục Sinh sắp tới, Đức Giê-su tuyên bố rằng : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Hẳn là người Do-thái không lấy làm lạ khi nghe những lời này vì họ đã quá quen với hình ảnh những người chăn chiên. Nhưng điều quan trọng mà dân chúng nhận ra đó là những gì Cựu Ước loan báo về Đấng Mê-si-a là mục tử sẽ đến, nay đã nên ứng nghiệm nơi Đức Giê-su. Đó chính là thiên sai luận mục tử mà chúng ta sẽ tìm hiểu qua trong bài học hỏi Kinh Thánh này.
- Mục tử và đàn chiên
Chăn chiên là một nghề rất phổ biến ở Cận Đông ngày xưa. Các tổ phụ Ít-ra-en đều là người chăn chiên : A-ben là người đầu tiên được Kinh Thánh ghi nhận “làm người chăn chiên” (St 4,2), tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, các con ông Gia-cóp, Mô-sê và Đa-vít cũng là người chăn chiên.
Chúa là mục tử của dân, đó là chủ đề quan trọng trong Kinh Thánh. Sách Sáng Thế kể rằng ông Gia-cóp, khi sắp lìa đời, qua lời chúc phúc dành cho các con ông Giu-se, ông đã xác tín Chúa là mục tử của cuộc đời : “Xin Thiên Chúa là mục tử chăn dắt cha từ khi cha chào đời cho đến ngày hôm nay […] chúc phúc cho những đứa trẻ này” (St 48,15). Còn sách Khải huyền, quyển cuối cùng của Kinh Thánh, thì nói rằng : “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ (các thánh) tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,17).
Ở Pa-lét-tin, đất đai khô cằn, đàn chiên cần được mục tử dẫn dắt từ đồng cỏ này đến suối nước kia, để chúng được ăn uống no nê, cũng như được bảo vệ cho khỏi dã thú và hiểm nguy. Vì thế, đàn chiên hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào người mục tử.
Trong Kinh Thánh, ý nghĩa này đạt đến tột đỉnh trong tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người. Nhiều ngôn sứ đã diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với dân Người như mục tử với đàn chiên :
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
“Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều” (Gr 23,3).
“Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày người ấy ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. […] Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. […] Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. (Ed 34,11-16)
“Trong ngày đó, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên. Họ sẽ chiếu sáng trên đất của Người như những viên ngọc lấp lánh trên vương miện. Quả thật, họ hạnh phúc biết bao, họ xinh đẹp dường nào ! Lúa mì làm cho thanh niên được nảy nở và rượu mới làm cho thiếu nữ được vui tươi” (Dcr 9,16-17).
Chiên là loài hiền lành nhưng ngờ nghệch, thích lang thang nhưng dễ đi lạc và hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào người chăn chiên. Tính cách của dân Chúa rất gần với tính cách này của chiên :
“Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả” (Is 53,6)
“Ít-ra-en là con chiên lạc đàn, bị những con sư tử đuổi bắt” (Gr 50,17)
“Con phiêu bạt tựa hồ chiên lạc lối, xin kiếm tìm tôi tớ Ngài đây” (Tv 119,176)
Tác giả thánh vịnh 23 đã để lại áng thi ca tuyệt vời diễn tả cái tình giữa mục tử với đàn chiên cũng chính là tình thương của Chúa đối với dân người và từng cá nhân người tín hữu :
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u,
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ,
con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4).
- Đấng Thiên Sai Mục Tử
Cựu Ước dùng nhiều hình ảnh để loan báo về Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), chẳng hạn như Đấng Thiên Sai sẽ là một vị vua thuộc dòng dõi Đa-vít, hoặc là vị ngôn sứ vĩ đại, hoặc như Người Tôi Trung của Chúa. Thiên sai luận mục tử loan báo Đấng Mê-si-a là một mục tử sẽ đến để cứu độ và dẫn dắt dân Chúa trong bình an và công chính.
“Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta ; chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi” (Gr 3,15).
“Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng ; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực” (Gr 23,3-5).
“Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng ; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta : chính nó sẽ chăn dắt chúng ; chính nó sẽ là mục tử của chúng” (Ed 34,23)
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất” (Mk 5,1.3)
Thiên sai luận mục tử đã nên ứng nghiệm nơi Đức Giê-su khi Người đến như người mục tử nhân lành :
“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36 ; x. Mc 6,34).
“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18,12-13).
Trong Tin Mừng Gio-an (10,1-18), Đức Giê-su nói chính Người là mục tử và là mục tử tốt lành, phân biệt với kẻ lạ hay kẻ chăn thuê : Chiên sẽ nghe tiếng của người mục tử; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (x. Ga 10,3-5)
Mục tử tốt lành là cửa cho chiên ra vào. Những kẻ trộm đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Mục tử tốt lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (x. Ga 10,7-10)
Kẻ làm thuê, khi thấy sói đến, thì bỏ chiên mà chạy, và không thiết gì đến chiên. Mục tử nhân lành biết chiên và chiên biết người mục tử ; anh hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. (x. Ga 10,11-15).
Sự gắn bó giữa mục tử với đàn chiên chẳng khác gì tình người thân thiết. Đức Giê-su đã nói : “Chiên nghe tiếng của mục tử ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,3-4). Động từ “biết” trong Kinh Thánh không chỉ là khả năng nhận thức của lý trí, mà “biết” còn là tương giao của tình yêu. Mục tử nhân lành biết chiên có nghĩa là yêu thương và tương giao mật thiết với chiên đến độ hy sinh cả mạng sống cho con chiên.
- Các mục tử của dân Chúa
Hình ảnh mục tử cũng được áp dụng cho những ai có trách nhiệm hướng dẫn dân Chúa xưa và nay.
Chúa đã chọn ông Mô-sê rồi ông Giô-suê coi sóc đoàn chiên là Ít-ra-en (x. Ds 27,15-20 ; Tv 77,21). Người đã cất nhắc Đa-vít, một mục tử trong dân lên làm vui chăn dắt dân Người (x. 2 Sm 7,8; Tv 78,70-72). Những người lãnh đạo dân cũng được coi là mục tử dẫn dắt dân (x. 1V 22,17; Gr 23,1-2; Ed 34,1-10).
Trong trách nhiệm chăm lo cho dân, những người lãnh đạo được ví như người mục tử. Quyền trượng của họ tựa như cây gậy của người mục tử dùng để xua đuổi rắn rết, bọ cạp, dã thú, và trở thành biểu tượng sự của hướng dẫn, bảo vệ và uy quyền.
Chú tâm của người mục tử tốt đặt trọn vào đàn chiên của mình, đó là lo tìm cỏ xanh nước mát, dẫn dắt và bảo vệ an toàn cho đàn chiên. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã quở trách giới lãnh đạo Ít-ra-en đương thời là những mục tử bất chính khi “chỉ biết lo cho mình ! Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt ; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên” (34,3-4). Đức Giê-su thì nói đến những “kẻ trộm cướp” và “kẻ chăn thuê” chỉ đến để cướp bóc và sát hại chiên.
Thánh Phao-lô khuyên bảo hàng kỳ mục ở Ê-phê-xô rằng : “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình. Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên” (Cv 20,28-29).
Thánh Phê-rô tông đồ nhắn nhủ các kỳ mục trong Hội Thánh rằng : “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1 Pr 5,2-4).
Cầu nguyện
Lời cầu nguyện của vua Sa-lô-môn : “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái ; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế ? Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó” (1 V 3,7-10).
bài liên quan mới nhất
- Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa
-
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 84: Bí mật Đấng Thiên Sai | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 83: Luật Sạch - Dơ trong Do Thái Giáo | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 82: Đa Thần và độc Thần trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 81: Tại sao phải ăn Thịt & uống Máu Chúa Giêsu? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 80: Đức Giêsu và thánh Ca-phác-na-um | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Cử hành Thánh Thể: Bài 42 – Hòa Bánh Thánh Vào Máu
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 2: Cám dỗ theo Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa