Bài 122: Nghe - biết - đi theo giữa mục tử và đoàn chiên I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 122: Nghe - biết - đi theo giữa mục tử và đoàn chiên I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 122: Nghe - biết - đi theo giữa mục tử và đoàn chiên I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Dẫn nhập

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Có thể nói đây là một trong những lời Chúa Giê-su dùng để mô tả một cách rõ nhất mối tương quan chân thật và sống động giữa Người, vị Mục Tử Nhân Lành, và đoàn chiên của Người, trong đó ba động từ “nghe”, “biết”“đi theo” chính là những yếu tố nền tảng xây dựng mối tương quan giữa người mục tử và đoàn chiên của mình.

Trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu tầng sâu ý nghĩa của các động từ “nghe”, “biết”“đi theo” trong bối cảnh Kinh Thánh, và qua đó, có thể định hình lại mối tương quan của chúng ta với Chúa và với nhau trong tư cách của những người theo Chúa Ki-tô.

1. Bối cảnh của Ga 10,27

Để hiểu ý nghĩa lời Chúa Giê-su : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27), chúng ta sẽ bắt đầu bằng hai câu hỏi : Chúa Giê-su nói điều này với ai ?, và : Tại sao Chúa lại nói như vậy ?

Trước hết, những lời này của Chúa Giê-su được đặt trong bối cảnh của Ga 10 nơi mà Chúa Giê-su tranh biện với “người Do-thái” (thực tế cụm từ “người Do-thái” ám chỉ giới chức lãnh đạo tôn giáo Do-thái) về việc Người là ai, Người có phải là Đấng Ki-tô không (x. Ga 10,24) mặc dù Chúa Giê-su đã khẳng định rằng Người đến từ Chúa Cha, nhưng “người Do-thái” lại không chịu tin điều đó (x. Ga 10,25), nên Chúa Giê-su đã kết án họ là những kẻ không thuộc về đoàn chiên của Người (x. Ga 10,26). Sau đó, Chúa Giê-su đã mượn hình ảnh người mục tử với đoàn chiên của mình để diễn giải một cách sâu hơn về mối tương quan của Người với những kẻ tin vào Người. Sở dĩ Chúa Giê-su dùng hình ảnh người chăn chiên (hay mục tử) và đoàn chiên là vì đó là những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Do-thái.

Chúng ta biết rằng mục tử là người chịu trách nhiệm dẫn dắt, cho ăn cho uống, bảo vệ và chăm sóc đoàn chiên của mình. Để làm những việc đó một cách chu đáo thì người mục tử phải sống giữa bầy chiên, biết rõ từng con chiên và hết mình bảo vệ chúng. Theo đó, người chăn chiên không chỉ là người quản lý mà còn là người chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn đoàn chiên. Với một người mục tử như thế thì chắc chắn đoàn chiên sẽ không sợ người mục tử, mà trái lại, chúng sẽ gần gũi, tin tưởng và đi theo người mục tử.

Vì thế, trong Ga 10,27, Chúa Giê-su đã tóm tắt bản chất của mối tương quan giữa người mục tử và bầy chiên bằng ba động từ: “nghe”, “biết” “theo”. Các động từ này không chỉ mang tính mô tả hành động mà còn diễn tả tương quan. Nói cách khác, ba động từ này diễn tả cách mà đoàn chiên (tức là các tín hữu) kết nối với người chăn chiên (tức là Chúa Giê-su), và diễn tả cách Chúa Giê-su tương tác với những kẻ theo Người một cách đầy yêu thương. Bây giờ chúng ta hãy lần lượt xem xét ba động từ này.

2. Động từ “nghe”

Động từ đầu tiên trong Ga 10,27 là động từ “nghe” (akouousin : chúng nghe). Động từ này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhận ra tiếng người mục tử. Ở Ít-ra-en xưa, những người chăn chiên thường qui tụ đoàn chiên của mình bằng cách gọi chúng, từ đó đoàn chiên nhận ra tiếng người mục tử và “bỏ qua” tiếng của người lạ. Theo đó, chúng ta có thể thấy động từ “nghe” hàm ý :

+ “Nghe” để “nhận biết”. Vậy khi Chúa Giê-su nói: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta”, điều này có nghĩa là những người theo Chúa, trước hết, phải có khả năng nhận biết tiếng của Chúa giữa nhiều tiếng ồn ào của thế gian, tức là những tiếng ồn của cám dỗ, xao lãng và lừa dối. Giống như đoàn chiên đáp lại tiếng người mục tử, chúng ta cũng được mời gọi “nghe” để “nhận biết” tiếng của Người.

+ “Nghe” để “đáp lại”. Trong Kinh Thánh, việc “nghe” thường gắn liền với việc “lắng nghe”, “vâng nghe”, hay “tuân giữ”. Thuật từ “shema” trong tiếng Híp-ri là lời mời gọi “hãy nghe”, đồng thời cũng là “vâng nghe” hay là “tuân theo”. Theo đó, khi một người thực sự “nghe” thì có nghĩa là người đó không chỉ “lắng nghe” mà còn “đáp lại” bằng đức tin và bằng hành động. Vì thế, Chúa Giê-su đã nhiều lần nhắc nhở: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”, nghĩa là “hãy đáp lại”. Theo đó, ai “nghe” Chúa Giê-su thì có nghĩa là người đó đang để lời Chúa định hình cuộc sống của mình.

Kinh Thánh cũng kể cho chúng ta về nhiều nhân vật đã thay đổi cuộc đời để trở nên những con người “vĩ đại” nhờ việc họ đã “nghe”“đáp lại” tiếng Chúa. Chẳng hạn như:

+ Ông Áp-ra-ham sau khi “nghe” tiếng Chúa, ông đã “đáp lại” bằng việc rời bỏ quê cha đất tổ để đến miền đất Chúa hứa ban, ông đã được Chúa cất nhắc trở thành tổ phụ dân Ít-ra-en (x. St 12).

+ Ông Mô-sê khi “nghe” tiếng Chúa gọi ông từ giữa bụi gai đang cháy, ông đã “đáp lại” bằng việc mạo hiểm trở lại Ai-cập và Chúa đã làm cho ông trở thành vị thủ lãnh dẫn dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ, thoát cảnh nô lệ Ai-cập (x. Xh 3; Ds 12,8).

+ Vua Đa-vít, từ một cậu bé chăn chiên đã trở thành vị vua vĩ đại nhất của vương quốc Ít-ra-en nhờ “nghe” tiếng Thiên Chúa (1 Sm 16 ; Cv 13,22).

+ Các ông Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gio-an vốn chỉ là những ngư phủ nhỏ bé tại Biển Hồ Ga-li-lê, nhưng đã trở thành những người lãnh đạo Hội Thánh Chúa Ki-tô nhờ việc các ông đã “nghe” tiếng Chúa Giê-su gọi và “đáp lại” bằng việc bỏ hết mọi sự mà đi theo Chúa (x. Mt 4,19).

3. Động từ “biết”

Động từ thứ hai là “biết” (ginôskô) diễn tả mối tương quan cá nhân, mật thiết giữa người mục tử và đoàn chiên. Theo đó, khi Chúa Giê-su nói: “Tôi biết chiên của tôi”, thì động từ “biết” ở đây không chỉ là biết về mặt lý trí, mà còn nhằm diễn tả tính tương quan, trong đó bao hàm: tình yêusự quan tâm. Theo đó, Chúa Giê-su không chỉ “biết” điểm mạnh, điểm yếu, sự phấn đấu và niềm vui của từng con chiên một, mà Người còn yêu thương và chăm sóc từng con chiên một cách chu đáo như lời Chúa Giê-su khẳng định : Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi (Ga 10,28).

Như vậy, có thể nói việc Chúa Giê-su “biết” chiên của Người chính là một sự bảo đảm cho những ai thuộc về đoàn chiên của Người, bất chấp khi chúng ta sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại. Thật vậy, vì chúng ta được Chúa Giê-su “biết”, nên ngay cả khi thất bại, chúng ta cũng không bao giờ bị Người gạt sang một bên, và điều đó đảm bảo với chúng ta rằng ơn cứu độ của chúng ta không dựa vào những gì chúng ta đạt được, mà dựa vào tình yêu và sự bảo đảm của Chúa Giê-su.

4. Động từ “đi theo”

Động từ thứ ba là “đi theo” (akolouthousin) nhằm diễn tả phản ứng tích cực của đoàn chiên.

Trước hết chúng ta biết “đi theo” là hành động thể hiện sự tin tưởng. Theo đó, mặc dù đoàn chiên có thể không biết chúng được dẫn đi đâu nhưng chúng tin tưởng người chăn dắt chúng. Vậy, đối với các Ki-tô hữu, “đi theo Chúa Giê-su” cũng có nghĩa là “tuân theo”, là “vâng nghe” mệnh lệnh của Chúa Giê-su.

Ngoài ra, “đi theo” không bao giờ là chuyện chỉ làm một lần, một lúc mà “đi theo” ở đây là một hành trình dài, cả đời. Vì thế chúng ta được mời gọi tuyệt đối tin tưởng vào sự hướng dẫn của Vị Mục Tử và kiên trì “đi theo” Người đến cùng.

5. Ba động từ “nghe”, “biết”, “đi theo” hình thành mối tương quan đích thật

Về mặt ngữ pháp, các động từ “nghe” (akouousin), “biết” (ginôskô), “đi theo” (akolouthousin) trong Ga 10,27 đều được chia ở lối trình bày, thì hiện tại nhằm diễn tả tính liên tục của hành động “nghe”, “biết”, và “đi theo”, từ đó cho thấy một mối tương quan thật sự và bền bỉ giữa mục tử và đoàn chiên, chứ không phải là những mối tương quan mang tính “thời cuộc”, hay “tạm bợ”.

Ngoài ra ba hành động “nghe”, “biết”“đi theo” không phải là những hành động riêng lẻ, mà những hành động này liên kết với nhau để hình thành nên nền tảng của đời sống tương quan giữa người Ki-tô hữu với Chúa Giê-su.

+ “Nghe” tiếng Chúa Giê-su tức là mở lòng chúng ta ra đón nhận tiếng gọi của Người.
+ Được Chúa Giê-su “biết” tức là được yên vui trong tình yêu và ân điển của Người.
+ “Đi theo” Chúa Giê-su tức là vâng phục và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày.

Theo đó, ba hành động “nghe”, “biết”, “đi theo” liên kết với nhau và đưa chúng ta bước vào một mối tương quan thân mật, sống động và bền vững với Chúa, nhờ đó chúng ta có thể sống vui và sống an lành nhờ sự chăm sóc của Mục Tử Nhân Lành là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Đồng thời, mỗi chúng ta, trong vị trí và môi trường của mình, những động từ này cũng sẽ giúp chúng ta trở thành những mục tử nhân lành, những mục tử luôn biết quan tâm, dẫn dắt, bảo vệ và hy sinh cho những người mà Chúa giao cho chúng ta chăm sóc.

Kết luận

Ga 10,27 cung cấp một nền tảng sâu sắc để hiểu mối tương quan thực sự giữa người mục tử và đoàn chiên : “Chiên của tôi nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Trong đó, ba động từ “nghe”, “biết”, “đi theo” là vô cùng cần thiết giúp đưa đến một mối tương quan trọn vẹn và sống động giữa chiên và mục tử, tức là giữa chúng ta với Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Nhân Lành.

Cầu nguyện với Tv 23 :

Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ,
con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng,
những năm dài triền miên.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top