Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh

Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh

Bài 42 :

TỈNH THỨC HAY CANH THỨC ?

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Chúng ta đều quen thuộc với chu kỳ của năm tự nhiên khởi đầu bằng mùa xuân, đó là thời gian của niềm hy vọng với những khởi điểm mới, những nỗ lực mới để hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong đời sống đức tin, Hội Thánh cũng chia thời gian thành năm Phụng vụ, và khởi đầu là Mùa Vọng. Cử hành Phụng vụ Mùa Vọng, một lần nữa Hội Thánh sống nhiệt thành hơn niềm mong đợi Đấng Mê-si-a : vừa thông hiệp với sự chuẩn bị lâu dài trong lịch sử khi dân Chúa đón chờ Đức Ki-tô đến lần thứ nhất, vừa nhắc nhở các tín hữu canh tân lòng sốt sắng đón chờ Người đến lần thứ hai. Mỗi năm chúng ta lại bắt đầu một khởi điểm mới, nhưng khởi điểm sau phải cao hơn và sâu xa hơn khởi điểm trước. Khởi đầu Mùa Vọng, Hội Thánh luôn nhắc lại lời kêu gọi của Chúa Giê-su : “Hãy tỉnh thức”. Có thể nói đó là chủ đề quan trọng trong Mùa Vọng và chúng ta cùng tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về sự tỉnh thức.

1. Ý nghĩa của từ tỉnh thức

Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B được trích trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô 13,33-37. Đó là lời kêu gọi của Chúa Giê-su “Hãy tỉnh thức”, và để minh hoạ cho lời kêu gọi, Chúa Giê-su đưa ra một dụ ngôn ngắn, về một chủ nhà có việc phải đi xa, ông đã cắt đặt cho các đầy tớ, người nào việc nấy, riêng người giữ cửa được căn dặn kỹ hơn rằng anh ta phải tỉnh thức. Điều đó không có nghĩa là chỉ người giữ cửa mới phải tỉnh thức, vì sau cùng Chúa nhấn mạnh : “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải tỉnh thức !” (c. 37). Chỉ trong 5 câu ngắn ngủi, từ “tỉnh thức” được nhắc đến 4 lần cho thấy từ này là trọng tâm của đoạn văn. Tác giả Mác-cô dùng 2 từ khác nhau : an-ruyp-ne-ô (ἀγρυπνέω) ở câu 33 ; và grê-go-re-ô (γρηγορέω) cc. 34.35.37. Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của mỗi từ :

a) Động từ an-ruyp-ne-ô (ἀγρυπνέω) trong câu 33 bởi danh từ an-ruyp-ni-a (ἀγρυπνία), gồm hai từ : an-ros (ἀγρος) nghĩa là cánh đồng ; và huyp-nos (ὑπνος) nghĩa là giấc ngủ, (có lẽ ám chỉ đến các mục đồng thức canh bầy vật ngoài đồng như trong trình thuật đêm giáng sinh (x. Lc 2,8) ; từ ghép này có nghĩa là sự mất ngủ, thức trắng đêm (x. 2 Cr 6,5 ; 11,27), và cũng có nghĩa là sự canh giữ, sự chăm sóc, sự tỉnh thức. Từ này chỉ gặp 6 lần trong Tân Ước.

b) Từ grê-go-re-ô (γρηγορέω) được dùng 22 lần, trong đó 10 lần ở thể mệnh lệnh (x. Mt 24,42 ; 25,13 ; Mc 13,35.37 ; 14,34…). Nghĩa của từ này cũng giống với từ trên, trước hết là đừng ngủ nghĩa là : tỉnh thức, canh thức. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su thấy các môn đệ đang ngủ thì Người nói : “Anh em không thể canh thức với Thầy một giờ sao ?” (Mt 26,40.41 ; Mc 14,34.37.38).

Từ grê-go-re-ô còn hiểu theo nghĩa bóng : hãy cảnh giác, hãy thận trọng dù vẫn dịch theo nghĩa trên, như câu nói của Chúa Giê-su :Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41; Mc 14,38). Nội dung của câu nói cho ta hiểu canh thức chính là phải thận trọng, cảnh giác trước những mưu chước của ma quỷ muốn lôi kéo các môn đệ sa vào cơn cám dỗ.

Đi xa hơn nữa, thánh Phao-lô nhắc các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca : “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ , chúng ta cùng sống với Người”, ở đây thánh Phao-lô dùng kiểu đối chữ thức hay ngủ đối với sống và chết. Từ grê-go-re-ô do bởi động từ egeirô (ἐγειρω) có nghĩa là trỗi dậy được dùng để nói về việc Chúa Giê-su sống lại (x. Mt 16,21; 28,6.7 ; Ga 2,18 ; Ep 1,20...). Theo Kinh Thánh cái chết là một giấc ngủ (x. Ga 11,11-13), thì sống lại là chỗi dậy, tỉnh lại, thức dậy, tỉnh thức.

Khi đưa ra mệnh lệnh “phải tỉnh thức”, Chúa Giê-su thấy trước các môn đệ và tất cả những ai theo Người, luôn luôn có nguy cơ bị chao đảo trước những cám dỗ của những lợi lộc vật chất, những hào nhoáng của trần gian, cũng như bao nhiêu cạm bẫy do ma quỷ khôn khéo sắp đặt. Từ grê-go-re-ô biểu thị sự kiên trì vững vàng và can đảm trong đức tin (x. 1 Cr 16,13).

2. Phải sống tinh thần tỉnh thức thế nào ?

Tỉnh thức là đặc tính của thái độ người môn đệ Đức Giê-su, cũng là của mọi tín hữu, đang mong chờ ngày Người trở lại. Tỉnh thức trước tiên là phải giữ mình để không bị ảnh hưởng bởi những khoái lạc và của cải trần thế, làm cho tâm hồn ra u mê tối tăm, không còn tỉnh táo để sẵn sàng đón Chúa đến. Bởi vì, như Chúa đã nhiều lần cảnh báo rằng Người sẽ đến bất chợt, như kẻ trộm vào nhà lúc đêm khuya (x. Mt 24,43-44), như chủ nhà trở về bất ngờ không báo trước (x. Mc 13,35), như chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu (x. Lc 21,34). Tỉnh thức không chỉ là thái độ thụ động, mà còn phải có những nỗ lực bản thân, như những cô trinh nữ khôn ngoan biết chuẩn bị đèn và dầu đầy đủ để không bị “lỡ tàu” khi chàng rể đến (x. Mt 25,1-13). Được Chúa Giê-su uỷ thác, Hội Thánh cũng luôn nhắc nhở các tín hữu phải luôn tỉnh thức, không chỉ trong Mùa Vọng, mà phải thực hành trong suốt cuộc sống, vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được kể vào số những người được chúc phúc và được thừa hưởng Vương Quốc (Hiến chế GH § 48).

Với sự phát triển lớn mạnh của khoa học kỹ thuật ngày nay, Hội Thánh không thể không khuyến cáo các tín hữu “hãy cảnh giác, hãy thận trọng (grê-go-re-ô)” tức là phải tỉnh thức đối với các phương tiện truyền thông. Vì với những truyền thông thiếu xác thực, không lành mạnh làm tổn hại lương tâm ngay lành, làm suy giảm đức tin, thì các tín hữu phải tỉnh thức và xa tránh (x. Sắc lệnh Inter mirifica § 5 ; GLHTCG 2496).

Lối sống hưởng thụ và tiện nghi vật chất cũng phát sinh những cách suy nghĩ của “trần gian này” mà người tín hữu phải tỉnh thức để không bị lây nhiễm, chẳng hạn :

- Chủ trương rằng chỉ những gì lý trí và khoa học chứng minh được mới là chân lý.

- Đề cao giá trị của sản xuất và lợi nhuận để phi bác giá trị của việc cầu nguyện và đời sống tinh thần, cho đó là phi sản xuất.

- Từ quan niệm sai lầm đó mà nhiều người coi cầu nguyện là trốn chạy khỏi cuộc đời. Tuy nhiên, lệnh truyền của Chúa Giê-su là phải tỉnh thức luôn đi đôi với việc cầu nguyện (x. Mt 26,41; Mc 14,38). Bởi vì chính nhờ tỉnh thức trong việc cầu nguyện mà người tín hữu mới không sa chước cám dỗ (x. Lc 22, 40.46).

Kết luận

Khởi đầu Mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu thực thi lệnh truyền của Chúa Giê-su là phải tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến. Chúa đến thế nào và khi nào Chúa đến ? Điều đó nằm trong ý định của Chúa, phần chúng ta là phải chu toàn bổn phận mà Chúa đã chỉ định cho mỗi người một việc (Mc 13, 34). Trong Hội Thánh có nhiều bậc sống : từ các mục tử đến các tín hữu giáo dân, nhưng vì mỗi người một việc nên mỗi người phải tỉnh thức, canh thức theo cách riêng của mình, để khi Chúa đến, Người không phải buồn phiền, như khi thấy các môn đệ ngủ say trong lúc Người phải chiến đấu trong cơn hấp hối nơi vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mc 14,33-41).

Chúng ta dùng lời Thánh vịnh sau đây để nói lên niềm hạnh phúc của những người luôn tìm kiếm Chúa và luôn tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền, đó là cách sống tinh thần tỉnh thức :

Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,

hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.

Họ không làm điều ác,

nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.

Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,

truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.

Ước mong sao con hằng vững bước

theo thánh chỉ Ngài ban.

Để con không xấu hổ

khi nhìn lại các mệnh lệnh của Ngài.

Con thành tâm dâng lời cảm tạ

vì được biết những quyết định công minh.

Thánh chỉ Ngài, con xin tuân giữ,

xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con. (Tv 119,1-8)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top