Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời
Bài 14 :
CHÚA GIÊ-SU ĐƯỢC “ĐƯA LÊN” TRỜI
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng về Chúa Giê-su rằng: “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha.”
Đây là một tín điều được Giáo Hội tuyên xưng ngay từ buổi sơ khai, mà có lẽ các tín hữu thời bấy giờ đã dễ dàng đón nhận, vì thuở ấy vũ trụ quan còn rất đơn sơ. Khi khoa học khám phá ra vũ trụ bao la, trái đất không còn là một “mặt phẳng” cố định mà là một “quả đất” xoay vần trong không gian vô tận; và trời cũng không chỉ giới hạn trong một cái vòm nhưng là một khoảng không vô tận, thì khái niệm về không gian thay đổi, khiến cho không ít người đặt vấn đề về chân lý khoa học trong Kinh Thánh.
Tuy nhiên, Kinh Thánh không chủ trương khoa học, mà là một chân lý đức tin được trình bày bằng kiểu nói và hình ảnh bình dân, lấy từ vũ trụ quan của người đương thời với tác giả, nên những điều được trình bày trong Kinh Thánh không bao giờ sai lầm. Vậy trước khi nói về biến cố Thăng Thiên, chúng ta hãy xem Kinh Thánh dạy gì về vũ trụ nói chung và trời nói riêng.
1. Trong Cựu Ước
Theo quan niệm của Kinh Thánh, vũ trụ là “trời và đất” (x. St 1,1; 2,1) ; trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, còn đất thì Chúa cho con người cư ngụ (x. Tv 115,16). Trời gợi lên tính siêu việt bất khả xâm phạm của Thiên Chúa, do đó nếu muốn tự mình đạt đến trời là một tội kiêu ngạo; tự xem mình ngang hàng với Đấng Tối Cao, con người đã ngạo nghễ muốn xây tháp Ba-ben chạm đến trời (x. St 11,4 : Is 14,13-14).
Trời được đề cập đến rất nhiều trong toàn bộ Kinh Thánh, ngay từ câu đầu tiên: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1), và cuối cùng được nhắc đến trong sách Khải huyền : “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới” (Kh 21,1). Điều đó cho thấy trời đất là một thực tại quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa và do Thiên Chúa sáng tạo ; đó là tín điều đầu tiên trong Kinh Tin Kính : Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất.
Truyền thống Cựu Ước có nói đến hai trường hợp rất đặc biệt, con người được cất lên trời nhờ quyền năng Thiên Chúa, trước hết là ông Kha-nốc: “Sau khi đi với Thiên Chúa, ông không còn nữa, vì Thiên Chúa đã đem ông đi” (St 5,24 ; Hc 44,16), người thứ hai là ngôn sứ Ê-li-a : “ĐỨC CHÚA đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc” (2 V 2,1.11 ; 1 Mcb 2,58).
2. Trong Tân Ước
Đức Giê-su nhiều lần dùng kiểu nói: “Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16.45.48 ; 6,1.14.26.32) cho thấy Thiên Chúa siêu việt nhưng lại gần gũi con người, luôn đoái nhìn đến những người nghèo khổ thấp hèn : “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát.” (Is 57,15).
Không chỉ nói đến trời, Đức Giê-su còn tỏ cho chúng ta biết Người là “Đấng từ trời đến” và Người quả quyết: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13; 6,38). Nhân loại không thể tự sức mình đến được với Thiên Chúa, mà chỉ Chúa Giê-su mới có thể mở lối cho con người đến sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa (x. Ga 14,6).
3. Chúa Giê-su được đưa lên trời
Trở lại với đề tài của chúng ta: Chúa Giê-su được “đưa lên trời”, mà truyền thống phụng vụ gọi là lễ “Thăng Thiên”. Đây là một biến cố vượt thời gian nhưng lại được diễn tả trong thời gian, vì ngay sau khi sống lại Chúa Ki-tô đã được tôn vinh, cho nên những lần hiện ra của Chúa chính là những lần Người trở lại từ thế giới vinh quang mà Người đã bước vào. Là một mầu nhiệm nên các tác giả Tân Ước đã có những lối diễn tả khác nhau.
Thánh Mát-thêu không nói gì đến sự kiện lên trời, nhưng trong lệnh truyền cuối cùng cho các môn đệ, Chúa Ki-tô Phục Sinh tuyên bố: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Lời công bố cho thấy uy quyền tối thượng của Đấng đã chiến thắng tử thần và đang ngự trong vinh quang thiên quốc.
Theo thánh Mác-cô thì sau khi trao phó sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19). Động từ ἀναλαμβανω (a-na-lam-ba-nô) ở dạng thụ động, nghĩa là Chúa Giê-su được đưa lên cao, hiểu là Chúa Cha tôn vinh Người; sau này thánh Phao-lô cũng dùng động từ này với cách nói tương tự: “Người được đưa lên trong vinh quang” (1 Tm 3,16). Thánh Mác-cô cũng không cho biết sự kiện lên trời xảy ra ngay ngày Phục Sinh hay trong thời gian bao lâu. Tin Mừng Gio-an cũng không đề cập đến việc lên trời, nhưng ghi lại lời Chúa Giê-su Phục Sinh nói với bà Ma-ri-a Mác-đa-la: “…đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’” (Ga 20,17). Điều này nói lên sự khác biệt trong cách thể hiện, giữa vinh quang của Đức Ki-tô Phục Sinh và vinh quang của Đức Ki-tô được tôn vinh bên hữu Chúa Cha. Biến cố Lên Trời vừa có tính lịch sử vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển tiếp từ vinh quang này đến vinh quang kia (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 660).
Riêng thánh Lu-ca, trong trình thuật Phục Sinh, đã dùng 2 động từ khác nhau để diễn tả việc Chúa lên trời. Thứ nhất là lời Đức Giê-su nói với hai môn đệ trên đường Em-mau: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26), trong câu này động từ εἰσελθεɩν (ei-sel-the-in) nghĩa là “vào” hoặc “đi vào” ở thể chủ động, lối vô định (infinitive); động từ thứ hai trong câu: “Và đang khi chúc lành cho họ, Người rời khỏi họ và được đem lên trời” (Lc 24,51), ἀνεφέρετο (a-ne-phe-re-to) ở thể thụ động, lối trình bày (indicative), thì vị hoàn (imperfect), hiểu là Chúa Giê-su được Chúa Cha tôn vinh mãi mãi.
Còn trong sách Công vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca lại dùng cùng một động từ như trong Tin Mừng Mác-cô: ἀνελήμφθη (a-ne-lêm-ph(ơ)thê), ở thể thụ động, nghĩa là Chúa Giê-su được đưa lên cao (Cv 1,2). Tuy nhiên, sách Công vụ Tông Đồ ghi lại một chi tiết mà không tác giả nào khác nói đến, đó là sau khi Chúa Giê-su sống lại, thì trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa (x. Cv 1,3). Như đã nói ở trên, thân thể Chúa Giê-su đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại, tức là đã vào trong vinh quang Nước Trời, bởi vì không thể tách biệt mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Giê-su, nên thời gian bốn mươi ngày chỉ mang tính biểu tượng cho thời gian đầy đủ để các Tông Đồ lãnh hội được giáo huấn về Nước Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của những lần Chúa Phục Sinh hiện ra để cùng ăn cùng uống với các ông (x. Cv 10,41). Thời gian này vinh quang của Chúa Ki-tô Phục Sinh vẫn còn được che giấu dưới hình dáng những con người bình thường: một khách bộ hành (Mc 16,12 ; Lc 24,15), một người làm vườn (Ga 20,14-15), một đồng nghiệp đánh cá (Ga 21,4-5). Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Ki-tô Phục Sinh kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang Thiên Chúa một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và cõi trời (Cv 1,9; Lc 24,51), nơi mà từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa, và Người lãnh nhận Thánh Thần từ Chúa Cha để không ngừng tuôn đổ xuống cho Hội Thánh (Cv 2,33).
Tóm lại, qua những cách diễn tả khác nhau của từng tác giả Tân Ước, biến cố Thăng Thiên là một mầu nhiệm vượt quá các khái niệm không gian, thời gian và ngôn từ của con người, đưa chúng ta đến niềm xác tín rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,20-21).
Lời nguyện
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã chiến thắng tội lỗi và tử thần
bằng chính cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Chúa
và hôm nay Chúa ngự lên cõi trời cao,
không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối,
nhưng vì Ngài là Đầu và là Thủ Lãnh của chúng con,
nên Ngài đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Ngài vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo.
A-men.
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
bài liên quan mới nhất
- Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai