Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
Hội Thánh vẫn luôn cầu xin Chúa Thánh Thần, nhất là trong những cử hành trọng đại, như khai mạc Công Đồng, lễ nhậm chức của các vị lãnh đạo trong Hội Thánh, hay khi cử hành các bí tích. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta lại không biết nhiều về Ngôi Ba Thiên Chúa, Người là ai và hoạt động của Người như thế nào, và Chúa Thánh Thần giữ vai trò gì trong công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì thế, đã có người nói rằng : Chúa Thánh Thần là vị “Thiên Chúa bị lãng quên”.
Trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Chúa Thánh Thần qua các danh xưng và tước hiệu của Người.
Theo các nhà chú giải, Kinh Thánh sử dụng hơn 30 danh xưng và tước hiệu để nói về Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, nếu kể cả các tham chiếu và ám chỉ thì có đến hơn 100 tên gọi khác nhau liên quan đến Chúa Thánh Thần. Trong giới hạn của bài tìm hiểu hôm nay, chúng ta chỉ đề cập đến một số danh xưng và tước hiệu quan trọng của Chúa Thánh Thần được Kinh Thánh mặc khải.
1. “Thần khí”
Đây là một thuật từ xuất hiện rất nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, thuật từ “thần khí” có gốc tiếng Híp-ri là ru-akh (rûªḥ רוּחַ : St 6,3 ; Ds 11,17.25.29 ; Đnl 34,9 ; Dcr 4,6.15 ; 2 Mcb 7,22), còn trong Tân Ước, “thần khí” dịch bởi thuật từ pnêu-ma (πνεῦμα) của tiếng Hy-lạp.
Trước hết, thuật ngữ ru-akh (rûªḥ רוּחַ) của tiếng Híp-ri hay pnêu-ma (πνεῦμα) của tiếng Hy-lạp đều có nghĩa là “gió”. Chẳng hạn như sách Sáng thế chương 8 câu 11 cho biết :
“Thiên Chúa nhớ đến ông Nô-ê, mọi thú vật và mọi gia súc ở trong tàu với ông. Thiên Chúa cho gió (rûªḥ) thổi ngang qua đất, và nước đã hạ xuống” (St 8,1).
Còn trong Tân Ước, khi cắt nghĩa cho ông Ni-cô-đê-mô về mầu nhiệm Phép Rửa, Đức Giê-su cũng đã dùng lối diễn tả như thế khi Người nói :
“Gió (pnêu-ma) muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió (pnêu-ma), nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu ...” (Ga 3,8).
Ngoài ra, ru-akh (rûªḥ רוּחַ) hay pnêu-ma (πνεῦμα) còn có nghĩa là “hơi thở”, hay là “sinh khí”. Trong Thánh vịnh 104, tác giả cho biết muôn loài ký thác sinh mạng trong tay Chúa, vì thế nếu Chúa “lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi” (Tv 104,29).
Nếu chỉ dựa vào những trưng dẫn Kinh Thánh ở trên thì chưa thể kết luận “thần khí” là Chúa Thánh Thần, vì thuật từ “thần khí” ấy còn có thể hiểu là gió, hoặc hơi thở …
Tuy nhiên, một số nơi trong Kinh Thánh cho chúng ta biết “thần khí” chính là Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn như lời chứng của ông Gio-an Tẩy Giả về việc ông đã thấy “Thần Khí” tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Đức Giê-su khi Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan (Ga 1,32 ; Mc 1,10). Song song đó, Đức Giê-su cũng khẳng định với ông Ni-cô-đê-mô rằng “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5), còn trong thư Ê-phê-xô, thánh Phao-lô cũng nhắc nhở các tín hữu rằng :
“Hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng ; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,18-19).
2. “Thần khí Thiên Chúa”
Đây là một tước hiệu gắn liền với công trình sáng tạo, sự sống, khả năng nói lời ngôn sứ và sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
Trước hết, tước hiệu “Thần khí Thiên Chúa” xuất hiện ngay từ lúc khởi đầu và tham gia trực tiếp vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa như điều mà sách Sáng thế đã thuật lại cho chúng ta :
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2).
Thứ đến, “Thần khí Thiên Chúa” còn được Thiên Chúa chia sẻ cho con người để làm cho con người được sống như đã được Thiên Chúa mặc khải trong sách Sáng thế :
ĐỨC CHÚA phán : “Thần khí của Ta sẽ không ở lại mãi mãi trong con người, vì con người chỉ là xác phàm, tuổi đời của nó sẽ là một trăm hai mươi năm” (St 6,3).
Sau nữa, “Thần khí Thiên Chúa” là yếu tố khiến người ta có khả năng nói lời ngôn sứ. Chúng ta có thể tìm thấy những bằng chứng cho điều đó như việc vua Sa-un được “thần khí Thiên Chúa” nhập vào và vua có thể phát ngôn như một vị ngôn sứ (x. 1 Sm 10,10), hoặc câu chuyện ông Da-ca-ri-a, con tư tế Giơ-hô-gia-đa, được đầy “thần khí Thiên Chúa”, để nói lời ngôn sứ (2 Sb 24,20).
Cuối cùng, “Thần khí Thiên Chúa” đóng vai trò hướng dẫn con người đến với Thiên Chúa như lời thánh Phao-lô tông đồ viết trong thư gởi tín hữu Rô-ma : “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Cũng vậy, trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh tông đồ viết : “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?” (1 Cr 3,16). Và thánh tông đồ kết luận : “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17).
3. “Thần khí Đức Chúa”
Tước hiệu này mang ý nghĩa tương tự “Thần khí Thiên Chúa” : Thần khí Đức Chúa tác động trong công trình sáng tạo, ban sự sống cho vạn vật (Tv 103,29-30), hành động trong lịch sử để cứu và dẫn dắt dân Chúa qua những con người được chọn như ông Mô-sê, các thủ lãnh, vua Sa-un, vua Đa-vít, các ngôn sứ. Thần khí ấy sẽ ngự nơi mầm non của gốc tổ Gie-sê. Thần Khí Đức Chúa ban cho Đấng Mê-si-a các ơn của Thần Khí như ngôn sứ I-sai-a nói đến :
“Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này :
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.” (Is 11,2)
4. “Đấng Bảo Trợ” và “Thần Khí sự thật”
Tước hiệu “Đấng Bảo Trợ” và “Thần Khí sự thật” được đặc biệt sử dụng trong các văn phẩm của Gio-an nhằm nói đến Đấng từ nơi Chúa Cha mà Đức Giê-su sẽ sai đến với các môn đệ để làm chứng cho Đức Ki-tô (Ga 15,26tt), và để giúp cho các tông đồ hiểu rõ hơn mặc khải về Đức Ki-tô (16,12-15) ; và bằng cách đó, Người sẽ tôn vinh Đấng Phục Sinh (Ga 16,14).
Sứ vụ của Chúa Thánh Thần đối với các tông đồ, trước hết là hiện diện với họ (Ga 14,17), và sau đó là giúp họ nhớ lại những lời của Đức Giê-su (Ga 14,26), rồi hướng dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,13).
Anh chị em thân mến,
Như vậy, từ một số tước hiệu của Chúa Thánh Thần vừa tìm hiểu, chúng ta có thể nhận ra rằng Chúa Thánh Thần là một ngôi vị, Người không ở xa chúng ta, mà trái lại, Người hiện diện trong suốt dòng lịch sử từ công trình tạo dựng cho tới công trình cứu chuộc. Nhất là khi chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta thấy Người luôn sống gắn bó với Thần Khí, nói cách khác, Đức Giê-su ở trong Thần Khí và Thần Khí ở trong Người. Cụ thể là trong các biến cố như :
+ Biến cố Đức Giê-su Nhập Thể : Lời sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a :
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Hoặc lời sứ thần báo mộng cho thánh Giu-se :
“Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).
+ Biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan : Cả bốn Tin Mừng đều trình bày biến cố này với sự hiện diện của Thánh Thần qua các tước hiệu : “Thần Khí Thiên Chúa” (x. Mt 3,16), “Thần Khí” (x. Mc 1,12 ; Ga 1,32), hay “Thánh Thần” (x. Lc 3,22).
+ Biến cố Đức Giê-su đi rao giảng Tin Mừng : Thánh Lu-ca trình thuật : “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4,14-15)
+ Biến cố Phục Sinh : Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, như lời thánh Phao-lô nói :
“Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,3-4).
Cầu nguyện với Ca tiếp liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.
Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là món quà của Thiên Chúa tối cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.
Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần diệu Chúa thiên đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu.
Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.
Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an.
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.
Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân.
Và hằng tin : Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
bài liên quan mới nhất
- Bài 103: Tiệc cưới Ca-na - Đôi điều thắc mắc | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh
-
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai