Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh
Bài 20 :
KIỂU NÓI “YÊU, GHÉT” :
TRONG KINH THÁNH
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
“Yêu và ghét” là hai cảm xúc trái ngược nhau, nhưng lại luôn hiện hữu trong mỗi người chúng ta, đồng thời chúng tác động đến lối suy nghĩ và chi phối cách hành xử của chúng ta rất nhiều. Cứ lẽ thường thì ai cũng yêu, cũng thích, cũng quý những gì mà họ thích, những gì họ muốn, hoặc những gì họ mong đợi. Trái lại, người ta sẽ ghét những điều trái ý, những sự mất mát, hay những thứ thất bại. Ấy là chúng ta đang nói về việc “yêu và ghét” của con người đối với sự vật hay sự việc, chứ còn “yêu và ghét” giữa người với người thực sự còn phức tạp hơn nhiều. Có những người tự nhiên mình thấy thích, mình có thiện cảm, hoặc là mình có cảm giác họ cùng tần số với mình… thế là hợp nhau, quý nhau chỉ sau đôi ba lần gặp gỡ trò chuyện; tuy nhiên, có những người họ chẳng làm gì mình, nhưng chỉ nhìn mặt thôi là mình đã thấy không có thiện cảm, thậm chí là còn thấy… ghét, cho dù những người đó trong mắt những người khác là dễ thương. Đó là “yêu và ghét” xét như là những yếu tố cảm xúc, tình cảm theo khía cạnh tâm lý.
Còn trong Kinh Thánh, thưa quý ông bà và anh chị em, “yêu và ghét” cũng được đề cập đến rất nhiều, cụ thể là lời của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu vào Chúa Nhật thứ XIII thường niên sắp tới đây: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37), hoặc đoạn văn song song trong Tin Mừng Lu-ca: “Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26 ). Liệu “yêu và ghét” trong Kinh Thánh có giống với “yêu và ghét” theo khía cạnh tâm lý mà chúng ta đã đề cập ở trên hay không?
Trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa cũng như cách nói của Kinh Thánh về thuật từ “yêu” và “ghét” trước hết là trong Cựu Ước và sau đó là trong Tân Ước.
I. Trong Cựu Ước
Thuật từ Híp-ri a-háp (אָהַב) là từ ngữ quan trọng nhất để chỉ về tình yêu và thường được dùng ở dạng động từ. A-háp (אָהַב) có thể dùng để diễn tả:
+ tình yêu trai gái lãng mạn như chàng thủ lãnh Sam-sôn yêu nàng Đa-li-la (x. Tl 16,4-15),
+ tình bằng hữu như Giô-na-than, con trai vua Sa-un yêu người bạn mình là Đa-vít (x. 2 Sm 20,17),
+ tình phụ tử như ông Ít-ra-en yêu Giu-se hơn tất cả những người con khác (St 37,3),
+ tình huynh đệ như của ông Giu-se đối với anh em ông, bất chấp họ đã bán ông sang Ai-cập (St 45,14-15),
+ tình Chúa yêu con người (2 Sm 12,24 ; 1 V 10,9), hay con người yêu Chúa như lời kinh sơ-ma (שְׁמַע) : “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5).
Theo đó, chúng ta có thể thấy thuật từ a-háp (אָהַב) diễn tả một tình yêu xuất phát tự đáy lòng, hoàn toàn tự nguyện, vô điều kiện và vô vị lợi.
II. Trong Tân Ước
Có hai thuật từ Hy-lạp được sử dụng song song và hoán đổi lẫn nhau để diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, đó là động từ agapaô (ἄγαπάω) và động từ phileô (φιλέω), trong đó động từ agapaô (ἄγαπάω) được sử dụng khoảng 400 lần, còn thuật từ phileô (φιλέω) được dùng khoảng 50 lần.
+ Động từ agapaô (ἄγαπάω) được hiểu là yêu mến, từ đó có danh từ agapê (ἀγάπη): tình yêu.
+ Động từ phileô (φιλέω) được hiểu là yêu thương, hay là thương mến từ đó khởi xuất danh từ philos (φίλος) : bạn hữu.
Đối với tiếng Việt của chúng ta, thật khó mà phân biệt giữa yêu và thương ; giữa yêu mến và thương mến. Tuy nhiên, dựa vào việc phân tích bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp, chúng ta có thể thấy tình yêu (agapê) trong Tân Ước được hiểu theo hướng tình bằng hữu (phileô, philos), hơn là những hình ảnh khác về tình yêu như “tình yêu hôn nhân” hay “tình yêu gia đình”.
Thật vậy, trong “tình yêu hôn nhân”, vợ chồng liên kết với nhau và ràng buộc với nhau bởi lời hứa yêu thương nhau và sống chung. Trong “tình yêu gia đình”, con cái không thể tự dứt bỏ tư cách làm con. Cha mẹ không thể chối bỏ tư cách làm cha làm mẹ khi có con cái. Cũng thế, liên hệ anh chị em ruột trong gia đình cũng không thể chối từ liên hệ máu mủ.
Trong khi đó, tình yêu” theo hướng “tình bạn” đề cao tự do của con người trong quyết định theo hay không theo Chúa Giê-su. Làm môn đệ Chúa Giê-su hay không là lựa chọn hằng ngày, vì bất cứ lúc nào người môn đệ cũng có thể quyết định “thôi không làm môn đệ nữa” như ở Ga 6,66. Nhóm Mười Hai quyết định ở lại (6,67-68) với Chúa Giê-su cũng là quyết định hoàn toàn tự do. Bởi vì làm môn đệ Chúa Giê-su, tự bản chất là lựa chọn dấn thân trong sự tự do. Chúa Giê-su không ép buộc ai đi theo Người và Người cũng không thể ép buộc các môn đệ ở lại với Người.
Trở lại với lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” Ở đây tác giả Tin Mừng Mát-thêu dùng từ động từ yêu là động từ phileô (φιλέω) và theo như cách phân tích về động từ này ở trên, thì yêu ở đây là một quyết định chọn lựa đi theo, một quyết định gắn bó với, chứ không hiểu theo khía cạnh tình cảm tâm lý. Vậy, nếu ai chọn theo, hay chọn gắn bó cha mẹ, với con cái hơn là chọn theo Chúa, chọn gắn bó với Chúa thì đương nhiên không thể làm môn đệ Chúa được. Dĩ nhiên chọn theo Chúa không có nghĩa là bạc đãi hay khinh rẻ cha mẹ, trái lại Chúa Giê-su đã nhắc người ta phải ghi nhớ giới luật “thờ cha kính mẹ, và yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,19), đồng thời chính Chúa Giê-su cũng nêu gương thảo kính và vâng phục cha mẹ (x. Lc 2,51).
Tuy nhiên một cách nói khác có thể khiến chúng ta thấy sốc, đó là lời tuyên bố của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Lu-ca : “Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).
Động từ miseô (μισέω) có nghĩa là ghét, được dịch từ động từ sanê (שָֹנֵא) trong tiếng Híp-ri. Tuy nhiên động từ sanê trong tiếng Híp-ri không luôn luôn có nghĩa mạnh là thù ghét, mà trong cách dùng của văn hoá Sê-mít, nó còn được hiểu là yêu ít hơn.
Theo đó, động từ ghét trong Tin Mừng Lu-ca có nghĩa là yêu ít hơn trong Tin Mừng Mát-thêu. Như vậy, ở đây chúng ta thấy Chúa Giê-su không dạy chúng ta thù ghét cha mẹ, vợ con mà là thương ít hơn, tức là phải chọn lựa theo Chúa và chọn lựa gắn bó với Chúa thì mới là môn đệ của Chúa được.
Như thế “yêu và ghét” trong Kinh Thánh nên đặt trong bối cảnh của bản văn và thường là để diễn tả tình yêu xuất phát tự đáy lòng, hoàn toàn tự nguyện, vô điều kiện và vô vị lợi, hoặc là để diễn tả sự chọn lựa các giá trị Tin Mừng.
Tuy nhiên, “yêu và ghét” theo Kinh Thánh như thế không bao giờ là dễ đối với chúng ta, những con người còn nặng tính sân si, vì thế chúng ta khẩn xin Chúa giúp chúng ta:
“Lạy CHÚA, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
con nguyện đi theo mãi đến cùng.
Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.
Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi,
vì con ưa thích đường lối đó.
Xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý,
không ngả theo lợi lộc tiền tài.
Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những gì hư ảo,
và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.
Xin thực hiện cho tôi tớ Ngài đây lời đã hứa,
để người người kính sợ Thánh Danh.
Xin giữ con khỏi nỗi nhục nhằn con vẫn sợ,
vì quyết định của Ngài tốt đẹp dường bao !”
(Tv 119,33-39)
bài liên quan mới nhất
- Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai