Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Tin Mừng Chúa nhật V Phục Sinh, năm A, trích lại những lời tâm sự của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi Người ra đi chịu chết. Trong đoạn Tin Mừng này (Ga 14,1-12), tác giả Gio-an đã sử dụng động từ “biết” đến 7 lần (cc. 4.5ab.7abc.9) để diễn tả việc các môn đệ nhận biết Chúa Cha qua Đức Giê-su, đồng thời cho thấy niềm tin của các ông vào Đức Giê-su và Chúa Cha như thế nào.

Trong bài học hỏi tuần này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về “biết”.

Động từ “biết” thường gặp trong tiếng Híp-ri là ya-đa (yāḏaʿ יָדַע) và trong tiếng Hy-lạp là ghi-nos-ko (γινώσκω) hoặc là oi-đa (οἶδα / εἰδῶ).

Trong Cựu Ước, hạn từ “biết” bao hàm nhiều ý nghĩa : nghĩa khởi đầu và thông thường là chỉ sự hiểu biết như một tri thức hay một nhận thức về một thực tại nào đó, và quan trọng nhất là biết Thiên Chúa cũng như tin rằng Người toàn tri và thông biết mọi sự. Người biết mọi thụ tạo Người đã dựng nên : “Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một. Chúa chúng ta thật là cao cả, uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !” (Tv 147,4-5). Người biết rõ mọi người và hành vi của họ : “Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả” (Tv 33,14-15).

Nhưng nhiều lần trong Kinh thánh, “biết” còn diễn tả ý tưởng về một sự nhận biết sâu xa hơn đối với điều gì đó hay trong tương quan với người nào đó. Cách đặc biệt, Kinh Thánh dùng hạn từ “biết” để nói về việc ăn ở vợ chồng (St 4,1 ; x. 1 V 1,4). Biết còn diễn tả việc Thiên Chúa yêu thương chăm sóc con người hoặc tuyển chọn ai đó theo ý định của Người : “ĐỨC CHÚA phán : ‘Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng’” (Xh 3,7). Khi gọi Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ, Đức Chúa đã phán với ông rằng : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5).

Kinh Thánh khẳng định rằng biết Thiên Chúa là sự hiểu biết quý giá nhất mà con người có thể đạt đến. Nếu chỉ nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa thôi thì chưa đủ, vì biết Thiên Chúa đích thực còn bao gồm cả tương giao mật thiết với Người.

Theo Kinh Thánh, tri thức và hiểu biết là ân ban từ Thiên Chúa “vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan ; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có” (Cn 2,6). Vì vậy, theo đuổi tri thức mà không tìm kiếm Thiên Chúa thì là điều ngu xuẩn như tác giả sách Giảng viên đã nói : “Trí tôi đã học hỏi được nhiều điều khôn ngoan, tích luỹ được bao nhiêu kiến thức ; tôi đã chú tâm phân biệt đâu là khôn ngoan, tri thức, đâu là điên rồ, khờ dại. Ngay cả việc này nữa, tôi nhận thấy đó cũng chỉ là công dã tràng” (Gv 1,16b-17).

Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người nhận biết Người và ban cho những ai tôn kính Người sự khôn ngoan dẫn đến hiểu biết vì “kính sợ Chúa là khởi đầu của tri thức và khôn ngoan” (Cn 1,7 ; 9,10).

Theo Tân Ước, nhận biết Thiên Chúa cũng chính là nhận biết Đức Giê-su Ki-tô, Đấng được sai đến. Như thế, nơi Đức Ki-tô con người có thể nhận biết Thiên Chúa đích thực. Nhận biết và tin vào Đức Ki-tô là nhận biết và tin vào Thiên Chúa vì Đức Ki-tô là Thiên Chúa hữu hình, là hiện thân của Chúa Cha vô hình : “Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô (Ga 17,3). “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Theo thánh Phao-lô, sự hiểu biết đích thực và hoàn hảo chính là nhận biết mầu nhiệm Đức Ki-tô vì “trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Sự hiểu biết phàm nhân chỉ là khiếm khuyết, và nếu thiếu đức ái thỉ cũng chỉ là vô nghĩa : “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13,2).

Sự hiểu biết sẽ khiến người ta kiêu ngạo nếu sự hiểu biết ấy không phục vụ đức ái (x. 1 Cr 8,1).

Thánh Phao-lô khuyến cáo Ti-mô-thê đừng rơi vào sự hiểu biết thế gian nghịch với chân lý đức tin : “Hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu. Có những kẻ, vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin” (1 Tm 6,20-21).

“Biết” còn diễn tả mối tương quan mật thiết thâm sâu giữa người với người qua tình thân gia đình, tình bằng hữu, và nhất là tình nghĩa vợ chồng. Ví dụ, khi Kinh Thánh nói “A-đam biết E-và vợ mình” (St 4,1) thì có nghĩa là ông bà đã có sự kết hợp vợ chồng ; hay như lời Đức Ma-ri-a nói với sứ thần Gáp-ri-en rằng : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến đàn ông” nghĩa là Đức Trinh Nữ không hề biết đến việc vợ chồng (Lc 1,32).

Trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, ông Phê-rô chối bỏ mối tương quan thầy trò của mình với Đức Giê-su khi ba lần nói rằng : “Tôi không biết” (Mt 26,70.72.74). Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giê-su đã cảnh cáo thính giả về thứ niềm tin hữu danh vô thực của những ai không thực thi giáo huấn của Người. Đến ngày cánh chung, họ sẽ bị Đức Giê-su từ chối rằng : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” (Lc 23,27).

Các mối tương quan thiêng liêng cũng được mô tả theo cách này. Đức Giê-su đã dùng hạn từ “biết” để chỉ mối tương giao mật thiết của Người với Chúa Cha và với những ai tin vào Người : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15) hay “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27).

Trái lại, Đức Giê-su nói với những người Do-thái không tin rằng : “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (Ga 8,19) ; “Các ông không biết Người, còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người” (Ga 8,55). Vì vậy, biết Đức Ki-tô chính là tin vào Người, đi theo Người, tương quan mật thiết với Người, yêu mến Người và được Người yêu thương (x. Ga 14,7 ; Gl 4,9). Việc gia tăng sự hiểu biết Đức Giê-su chính là sự trưởng thành đức tin của các Ki-tô hữu như thánh tông đồ Phê-rô nhắn nhủ : “Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta” (2 Pr 3,18).

Chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh vịnh 139

   1  Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

   biết cả khi con đứng con ngồi.

      Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

   3  đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,

      mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

   4  Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

      thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.

   5  Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

      bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

   6  Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,

      quá cao vời, con chẳng sao vươn tới !

13  Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,

      dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

14  Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

      công trình Ngài xiết bao kỳ diệu !

      Hồn con đây biết rõ mười mươi.

15  Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,

      khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,

      được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu .

16  Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy ;

      mọi ngày đời được dành sẵn cho con

      đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

      trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.

23  Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,

      xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.

24  Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

      thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. A-men.

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top