Họp mặt đồng hương Phú Đa tại Miền Nam, lần thứ VIII, năm 2013

Họp mặt đồng hương Phú Đa tại Miền Nam, lần thứ VIII, năm 2013

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau”.

WGPSG -- Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng Bảy, những người con có chung quê mẹ Phú Đa thân thương đang cư ngụ tại các tỉnh phía Nam Việt Nam lại quây quần bên nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn và cầu chúc những điều tốt đẹp đến với nhau. Đúng là:

“Phú Đa quê mẹ thân yêu,
xa rồi ta nhớ vấn vương xóm làng”.

Năm nay, buổi họp mặt đồng hương được chọn là ngày 21 tháng 07 năm 2013, để tổ chức ngày họp mặt lần thứ VIII (nhằm Chúa nhật XVI Thường Niên), tại thánh đường giáo xứ Tam Hải, Tổng Giáo phận Sài Gòn (180 Tam Châu, KP. 2, P. Tam Bình, Quận Thủ Đức, Tp. Sài Gòn).

Vào lúc 10g00, bắt đầu buổi sinh hoạt. MC đã gợi lại cho anh chị em khẩu hiệu lần họp mặt VII năm 2012 qua băng reo:

Phú Đa – Yêu Thương
Phú Đa – Hiệp Nhất
Phú Đa – Phát Triển

Đồng thời, cũng giới thiệu cho cộng đoàn chủ để của năm nay được khởi đi từ Thánh Vịnh 37, câu 5 là: Tin Tưởng - Phó Thác nơi Chúa.

Đây là dịp thuận tiện để những người con có chung một quê hương xây dựng tình hiệp thông huynh đệ, thắt chặt tình nghĩa quê hương và cùng nhau bảo tồn, phát triển những truyền thống tốt đẹp của cha ông tổ tiên để lại.

Thật vậy, sống tại nơi đất khách quê người với môi trường, văn hóa mới, mỗi người đều cảm thấy mình như bị rơi vào tình trạng“cuốn theo chiều gió” với tất cả những tích cực và tiêu cực nơi vùng đất mới. Tuy nhiên, xa mặt chứ lòng thì không! Mọi người vẫn sống trong tình Chúa, tình người. Nên cho dù gặp phải không ít khó khăn, nhưng nhờ niềm tin, phó thác nơi Chúa, mọi chuyện rồi cũng sẽ vượt qua.

Thấy được những khó nhăn trên, quý cha và Ban Tổ chức đã chọn câu Kinh Thánh trong Thánh Vịnh 37 để làm chủ đề cho buổi họp mặt năm nay: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Thật vậy, miền Nam đã từ lâu được mệnh danh là một trong những nơi năng động về nhiều mặt. Vì thế, không ít người đã chọn nơi này để kiếm kế sinh nhai, trong đó có bà con quê hương Phú Đa. Tuy nhiên, với những nét đặc thù của nó, những con người vốn đơn sơ chân chất của nhà quê, quanh năm suốt tháng chỉ biết gắn liền với cái cầy, con trâu, cây lúa, lũy tre, dòng sông… Thế nên, khi họ bước chân vào Sài Gòn, anh chị em gặp phải không ít khó khăn trong việc giữ Đạo và sống Đạo, cũng như gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Chính vì vậy, mỗi lần họp mặt đồng hương là mỗi lần hâm nóng lại tình làng nghĩa xóm, khơi gợi lại tinh thần của cha ông và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của dân làng.

Đỉnh cao của buổi họp mặt chính là Thánh lễ tạ ơn do quý cha bản hương cử hành. Trong bài giảng lễ, khởi đi từ bài Tin Mừng qua mẫu gương của Mẹ Maria trong việc lắng nghe Lời Chúa, cha Giuse Tạ Minh Quý đã nhắn gửi cộng đoàn: “Phải biết lắng nghe Lời Chúa như Maria trong bài Tin Mừng; đồng thời cũng biết lắng nghe nhau, thấu hiểu tâm tư của nhau, để rồi thông cảm và đi đến hành động. Ngài cũng nhắc lại lời của thánh Âu tinh là: ‘Yêu rồi làm’ để chuyền đến cho cộng đoàn một sứ điệp về tình bác ái yêu thương, bởi vì mọi sự sẽ qua đi, nhưng chỉ có tình yêu thương, lòng mến là tồn tại”.

Như vậy, dù có làm gì, sống ở bất cứ nơi đâu, chúng ta vẫn là những người con mang đậm nét văn hóa, truyền thống của quê nhà; mặt khác cũng là những con người năng động và tiến bộ của thời hiện đại.

Tưởng cũng nên nhắc lại: những buổi họp mặt đồng hương hằng năm là dịp để ôn lại những kỷ niệm và nhắc cho nhau biết về những hành trình của mọi người từ những năm xa xưa đến ngày hôm nay nhằm “ôn cố tri tân”.

Các cuộc di cư của bà con Phú Đa được chia ra nhiều giai đoạn:

Đầu tiên là một nhóm bà con rời khỏi quê hương từ 1930. Họ đến khu vực Xóm Chùa Phổ Hiền – Gia Định. Họ sinh sống bằng nghề trồng rau muống và cấy lúa.

Năm 1955: Số tín hữu trong vùng định cư đã lên đến 700 người (100 gia đình). Bà con quê ta sống chủ yếu bằng nghề thủ công, trồng rau muống, xây dựng… Nhưng, Chúa luôn đoái thương những người phận nhỏ, và đã ban cho cộng đoàn này những con người năng nổ, giàu sáng kiến, và các đức tính cần thiết để vượt thắng những trở ngại trong cuộc sống.

Cũng trong năm này, với sự tương trợ vật liệu của nhà thờ Bà Chiểu, các giáo dân ra sức thực hiện mơ ước của mình. Ngày thì đi làm kiếm sống, tối đến thì thắp đèn măng-sông xây nhà nguyện (lúc đó khu vực này chưa có điện). Nhà nguyện đầu tiên có diện tích 12m x 6m, mái tole vách ván, nền tráng xi-măng, cửa gỗ, được hoàn thành kỷ lục trong vòng 15 ngày.

1957: Thần Khí Chúa đã dẫn đưa cha Phêrô Nguyễn Ngọc Bích – lúc đó là cha chính xứ giáo xứ Phú Đa, Hà Nội – ngài di cư vào Nam và dự định nghỉ hưu ở Xóm Mới – Gò Vấp. Trước nỗi khao khát của những con chiên xa quê hương và được sự chấp thuận của cha sở Bà Chiểu, ngài đã thay đổi dự định và nhận nơi này làm chỗ dừng chân cho mình.

1963: Sau khi đã chu toàn bổn phận của một mục tử tận tâm, ngài đã trao quyền quản xứ cho cha Phanxicô Xaviê Vũ Đức Hiệp.

1971: Cha Phanxicô Xaviê Hiệp thành lập Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Và trong cuộc họp đầu tiên này, ngài cùng với HĐMV mới nhất trí đệ trình lên Tòa Giám mục xin được đổi tên gọi của giáo xứ là Phú Hiền. Đây là tên gọi của giáo xứ cho đến ngày nay. Vào thời điểm này, số giáo dân của khu vực này đã lên đến 1.700 người, trong đó có cả những người ở nơi khác đến định cư.

1988: Sau khi tiễn biệt cha Phanxicô Xaviê Vũ Đức Hiệp trở về với Chúa, giáo xứ đón nhận cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Định về làm chánh xứ.

2003: Giáo xứ Phú Hiền vui mừng đón cha Clêmentê Lê Minh Trung về quản xứ.

2005: Giáo xứ Phú Hiền đón mừng cha Đa Minh Đặng Quốc Hưng, về thay thế cha Clêmentê đi nhận nhiệm sở khác. Số giáo dân lúc này lên đến 2.200 giáo dân với hơn 450 gia đình.

2013: Giáo xứ lại vui mừng đón cha Phêrô Trịnh Hồng Hải về thay thế cha Đa Minh Đặng Quốc Hưng.

Như vậy, hạt giống đức tin bé nhỏ năm xưa, nay đã trở thành một cây cao mà chim trời có thể đến nương nhờ lưu trú. Từ một vài gia đình đầu tiên đến lập nghiệp vào 1930 nay giáo xứ đã có đến 2.200 giáo dân với hơn 450 gia đình.

Ngoài nhóm di cư vào thời điểm 1930 và 1954 – 1957, còn có một số di cư vào thập niên 1980 -1990. Bên cạch đó, không ít bà con từ quê nhà vào Nam để buôn bán, kiếm sống trong những năm 1995 đến nay, dần dần cũng có một số định cư tại miền Nam.

Nhắc lại những thời điểm và những lý do di cư qua các thời kỳ như vậy để thấy được những chặng đường của cha anh đi trước, họ đã sống niềm tin ra sao và đối diện với cuộc sống như thế nào!

Sau Thánh lễ, mọi người tản bộ xuống hội trường giáo xứ và cùng chung vui với nhau bữa cơm thân thiện. Trong khi dùng bữa, bà con được thưởng thức những giọng hát mang đậm chất quê của mọi thành phần từ nam, phụ, lão, ấu. Mọi người đều có chung một cảm giác vui mừng và thanh thoát sau những tháng ngày vật lộn với cuộc sống, cho nên họ thể hiện rất hồn nhiên trong sáng.

Thật xúc động khi đến phần tri ân Ban Liên lạc cũ và đón chào Ban Liên lạc mới. Mọi người đều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới anh chị em đã vì Chúa, vì quê hương, vì tinh thần của hội mà can đảm nhận trách nhiệm trong suốt 7 năm qua. Đồng thời, cũng gửi gắm những tâm tư, kỳ vọng của bà con vào Ban Liên lạc mới. Hy vọng nhờ ơn Chúa giúp, cộng thêm sự nhiệt tình của anh chị em, hội đồng hương Phú Đa tại miền Nam ngày thêm khởi sắc và thắm đượm tình Chúa, tình người.

Buổi họp mặt kết thúc, mọi người chia tay nhau ra về mà lòng chẳng muốn, đành hẹn nhau bằng rầy sang năm chúng ta lại tái ngộ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top