Người trẻ vùng lũ tham gia đời sống Giáo hội (11/04/2025)
WHĐ (11/4/2025) – Bài viết này trình bày về giới trẻ ở vùng lũ tham gia và dấn thân vào đời sống Giáo hội địa phương.
Dẫn nhập
Trong một thế giới có nhiều thay đổi hiện nay, Giáo hội tìm kiếm những cách thức hiện diện mới để có thể vừa tự hoàn thiện mình, đồng thời mở ra để đồng hành với con người của thời đại. Một trong những cách hiện diện ấy là hiệp hành.
Hiệp hành khuyến khích mọi thành phần tham gia đời sống Giáo hội, cùng đi, cùng làm việc với nhau hướng đến một Giáo hội “hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, hiệp hành cho phép các thành phần trong Giáo hội có những đóng góp riêng thích hợp với phép Rửa họ lãnh nhận như các chi thể của Dân Thiên Chúa để kiến tạo Giáo hội tương lai.[1]
Lấy cảm hứng từ tinh thần hiệp hành này, Ban Bác ái Xã hội - Caritas Tổng Giáo phận Huế chúng tôi quan tâm đến trẻ em như một thành phần quan trọng trong Giáo hội. Trước bối cảnh xã hội phát triển vượt trội về công nghệ thông tin, trẻ em hiện nay đứng trước những mong manh và dễ bị cuốn trôi theo những trào lưu của truyền thông và sức ảnh hưởng của mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, sự dấn thân của các em thiếu nhi (trẻ em) cho Giáo hội địa phương theo cách thức nào đó có thể gợi lên cảm hứng cho giới trẻ nói chung, để thành phần này có những định hướng và thêm can đảm đổi mới và tiếp tục dấn thân cho công cuộc xây dựng Giáo hội, đồng thời trở nên những người trẻ Công giáo trưởng thành.
Bài viết này trình bày về giới trẻ ở vùng lũ tham gia và dấn thân vào đời sống Giáo hội địa phương. Sứ mạng này khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh. Trong đó, Cựu Ước cho thấy các mẫu gương đức tin và sự dấn thân hy sinh phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa ngay từ thời trẻ của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của dân Ítraen như: Nôê, Samuel, Đaniel, Giêrêmia… Chúng ta có thể thấy rõ vai trò của Nôê như thế nào trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa ngang qua trận lụt Đại Hồng Thủy.
Phần khác, Tân Ước phản ánh rõ hơn vị thế của người trẻ trong cái nhìn của Thiên Chúa, chính đời sống của người trẻ là mẫu gương và tiêu chuẩn cho Nước Trời mai sau. Từ đó, bài viết đi vào khảo sát thực tế việc tham gia đời sống Giáo hội địa phương của người trẻ tại một số vùng thường chịu ảnh hưởng nhiều trong mùa bão lụt của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế để hiểu rõ hơn đức tin và những dấn thân cụ thể của các em. Từ nền tảng Kinh thánh và thực tế đó, bài viết đưa đến cái nhìn tổng thể và định hướng cho việc đồng hành và trợ giúp các bạn trẻ tiếp tục dấn thân và đóng góp nhiều hơn cho Giáo hội.
I. Nền Tảng Kinh Thánh
1. Cựu Ước
Tiếp sau các trình thuật về Sáng tạo và Sa ngã. Thiên Chúa “bắt tay” vào công cuộc kiến thiết lại thế giới. Các nhân vật biểu tượng cho đức tin xuất hiện và họ trở nên dấu chứng cho niềm hi vọng về một thế giới được hồi sinh. Một trong những nhân vật ấy là Nôê. Và ý nghĩa hơn khi niềm tin của Nôê được đặt trong một hoàn cảnh đặc biệt và gần như duy nhất trong Kinh Thánh, lụt Đại Hồng Thuỷ.
1.1 Niềm tin của Nôê trong cơn Đại Hồng Thủy
Về nguyên nhân, Đại Hồng Thuỷ xảy đến do sự hư hỏng của con người (St 6,5.12-13.17). Theo đó, trình thuật Hồng Thuỷ được nối kết trực tiếp với công trình sáng tạo. So với sáng tạo, Hồng Thuỷ được xem là sự đảo lộn công trình tốt đẹp của Đức Chúa dành cho con người. Chương 1 sách Sáng Thế cho thấy Thiên Chúa chuẩn bị cho con người một vùng đất ‘tràn trề sữa và mật’ (Đnl 26,9), nhưng vùng đất này bị lấy đi trong cơn hồng thuỷ khi nhân loại ra hư hỏng và không đi theo đường lối của Đức Chúa.[2] Lụt Hồng Thuỷ cũng tiếp nối chương 3, nói về sự Sa ngã. Cả hai sự nối kết này chứng minh rằng con người còn ở rất xa sự thiện mà Thiên Chúa đặt để nơi cây “biết lành biết dữ” ở giữa vườn.[3]
Tuy vậy, Nôê là một ngoại lệ và là một khởi đầu mới của Đức Chúa.[4] Điều này làm nổi bật lòng nhân hậu của Đức Chúa mặc dù ngay từ khởi đầu (St 1-11) Người đã tỏ ra công thẳng và khắc nghiệt với nhân loại.[5] Đức Chúa nhìn đến Nôê và ký kết giao ước với ông (6,18). Đây là lần đầu tiên chữ “giao ước” xuất hiện trong Cựu Ước dưới hình dáng lời hứa rằng mọi sinh vật sẽ cùng vào tàu với Nôê (6,19).
Theo nghĩa ấy, câu chuyện Hồng Thuỷ năm xưa làm nổi bật hình ảnh Nôê với đức tin mạnh mẽ hơn là sự sa đoạ của nhân loại. Đó là hình ảnh của một Nôê sống “đẹp lòng Đức Chúa và đi với Người” (St 6,8-9),[6] nên ông được kể là người “công chính”. nhờ sự vâng phục đơn sơ những huấn lệnh của Đức Chúa và lòng tin vào sự quan phòng của Người.[7]
Nhờ sự khiêm hạ và nhờ lời cầu nguyện, Nôê cũng như Aben, Sết, Enốt đã góp phần để kiến tạo hòa bình, giải thoát thế giới khỏi khuynh hướng bạo lực, cách sống của họ làm nên cái nhìn hy vọng hướng về Thiên Chúa, và nuôi dưỡng sự sống mới thay cho sự khô cằn của hận thù.[8]
Như vậy, biến cố Hồng Thuỷ xưa kia có nối kết và mang ý nghĩa đặc biệt sau công trình sáng tạo. Nôê sống công chính nhờ đi theo đường lối của Đức Chúa, và chính ông cầu nguyện cách âm thầm cho trật tự của thế giới. Sự khiêm tốn của ông chứng tỏ niềm hi vọng để nhân loại được tốt hơn.
Kế đến, Nôê tham dự vào chính công cuộc kiến thiết của Đức Chúa. Nôê cộng tác qua việc đóng tàu theo như Đức Chúa chỉ dẫn, chọn các con vật và chuẩn bị lương thực cho chúng (St 6,22). Khi đất đã hoàn toàn khô ráo, ông đưa gia đình và đàn vật ra khỏi tàu, và dựng bàn thờ kính Đức Chúa (St 8,18-20). Chính sự cộng tác của Nôê giúp tái lập sự ổn định cho nhân loại. Như vậy, cách nào đó có thể nói, Nôê cộng tác vào việc kiến thiết “Giáo hội” tương lai, hướng đến một “dân thánh” thánh thiện, đẹp lòng Chúa và mang ơn cứu độ cho mọi người.
Như vậy, biến cố Hồng Thuỷ cho thấy Đức Chúa thịnh nộ vì nhân loại tội lỗi nhưng lại bày tỏ tình thương với những ai trung tín và công chính. Những kẻ tin đánh dấu cho việc Đức Chúa tiếp tục công trình cứu chuộc của Người. Có thể nói, họ là những người được diễm phúc cộng tác trong công trình của Chúa, trở nên khí cụ đem lại ánh sáng và khởi đầu mới cho thế giới. Lời mời gọi và sự cộng tác này được tiếp nối nơi các nhân vật, đặc biệt là người trẻ trong Kinh Thánh.
1.2 Giêrêmia theo Chúa với hết khả năng
Thiên Chúa luôn có kế hoạch cứu độ con người. Người dùng những trung gian để can thiệp và hướng dẫn dân đi theo đường lối của Đức Chúa để được cứu rỗi. Nổi bật trong số đó có thể kể đến Giêrêmia và Đanien. Họ là những người đã cống hiến sức trẻ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Giêrêmia được mời gọi làm ngôn sứ từ khi còn trẻ, mới 24 tuổi. Khi được gọi, Giêrêmia trình bày điều ông quan ngại vì tuổi đời còn trẻ,[9] không có tài ăn nói. Hành trình thực thi sứ mạng đối với Giêrêmia tựa như một thảm kịch. Ông được mời gọi với viễn tượng “để nhổ, để lật, để huỷ, để phá” (c.10). Ông muốn được yên hàn nhưng lại phải đấu tranh, bị chống đối, và cả nước gây gổ với mình (15,10), bị lên án như kẻ phản quốc (20,8; 38,4). Thậm chí với người thân, ông cũng không thể tin tưởng (12,6) và hòa hợp với họ, dù trong tang chế hay lễ hội (16,5-9). Ngay cả việc có một tổ ấm riêng ông cũng không được hưởng (16,1-4). Suốt cuộc đời, ông phải sống kiếp đơn chiếc, luôn phải ngồi riêng một mình (15,17).[10]
Dù gì Giêrêmia đã dấn thân hết mình cho sứ mạng của Đức Chúa, bởi mối bận tâm trên hết và trước hết của ông vẫn là thực thi lời Thiên Chúa.[11]
2. Tân Ước
2.1 Cái nhìn về người trẻ của Chúa Giêsu
Tông huấn Christus Vivit viết, Chúa Giêsu, Đấng trẻ trung muôn đời, muốn ban cho chúng ta một con tim trẻ mãi. Lời Chúa đòi chúng ta “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1Cr 5,7), đồng thời mời gọi chúng ta cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” (Cl 3,9-10). Giải thích về ý nghĩa của việc mặc lấy sự trẻ trung vốn là sự đổi mới này, (c.10), Lời Chúa khẳng định đó là mặc lấy “những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Như thế trẻ trung đích thực có nghĩa là có một trái tim có khả năng yêu thương. Trái lại, tất cả những gì ngăn cách chúng ta với người khác sẽ làm cho tâm hồn trở nên già cỗi. Và Lời Chúa kết luận: “Trên hết mọi sự, hãy có tình yêu thương, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).[12]
Tinh thần này được các thánh sử kể lại bằng những câu chuyện cụ thể. Thánh Mátthêu tường thuật “Khi người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Người đặt tay lên chúng và cầu nguyện, các môn đệ la rầy chúng, nhưng Chúa Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cản chúng vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,13-14). Các trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: “Nếu các con không hóa nên trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời.” “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,1-4) Tại sao Đức Giêsu lại thương mến trẻ em như vậy? Đức Giêsu đến để loan báo và xây dựng Nước Trời, và “công dân” kiểu mẫu của Nước Trời, chính là trẻ em, như Người đã nói: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Như vậy, trẻ nhỏ có vai trò quan trọng, được ví như hình mẫu Nước trời. Nhưng điều này đòi hỏi sự hoán cải.
Thánh Luca tường thuật câu chuyện về người con hoang đàng. Người con thứ muốn người cha chia gia tài cho mình để được tự do đi đến nơi mà anh ấy muốn. Ước mơ tự do của cậu đã dẫn cậu đến cuộc sống phóng đãng trụy lạc, cái giá cậu phải trả là nỗi đắng cay của cô đơn và nghèo đói. Nhưng khi biết hồi tâm để bắt đầu lại, thì lúc trở về tự đằng xa “Người cha đã trông thấy và chạy ra ôm hôn cậu đón cậu vào nhà, phục hồi lại phẩm giá người con cho cậu: Mặc áo đẹp nhất, đeo nhẫn vào tay, mang dép vào chân, giết bê béo đãi tiệc” (Lc 5, 22- 23). Đây là nét đẹp của người trẻ dám hy vọng, dám sống và dám bắt đầu lại, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng chinh phục chân trời mới.
2.2 Mẫu gương các môn đệ và Đức Mẹ
Như vậy, với Chúa Giêsu tuổi trẻ có những điều đáng giá nhưng cũng đòi hỏi sự dấn thân và khôn ngoan. Noi gương Đức Giêsu, các môn đệ đề cao vai trò của người trẻ. Thánh Gioan viết: “Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em: Anh em đã thắng ác thần” (1Ga 2,13). Còn thánh Phaolô thì khuyên dạy Timôthê, người bạn hữu và là môn đệ của ngài: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1Tm 4,12).
Bên cạnh các môn đệ, hiển nhiên Đức Maria ngời sáng ở trung tâm của Giáo hội. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Giáo hội trẻ trung muốn quảng đại và ngoan hiền bước theo Đức Kitô. Khi còn rất trẻ, được sứ thần báo tin, Đức Maria đã không ngại nêu ra những thắc mắc (x. Lc 1,34). Nhưng với tâm hồn luôn sẵn sàng, Mẹ đã thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38).[13] Sức mạnh của lời thưa “xin vâng” nơi cô gái trẻ Maria luôn khiến mọi người xúc động. Đó là sức mạnh của lời đáp “xin hãy làm cho tôi như thế!” mà Mẹ đã thưa cùng sứ thần. Điều này khác với sự chấp nhận thụ động hay miễn cưỡng, và khác với tiếng xin vâng hàm ý, để xem điều gì sẽ xảy ra. Đức Maria không có ý nói: cứ chờ xem. Mẹ dứt khoát, Mẹ hiểu điều mình đang nói và đã thưa xin vâng mà không hề do dự. Tiếng đáp ấy là một cái gì khác, còn hơn thế nữa. Đó là lời xin vâng của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cuộc mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài niềm xác tín rằng Mẹ là người đang mang một lời hứa.[14]
Cách chung, những câu chuyện và mẫu gương trong Kinh Thánh cho thấy bức tranh đầy đủ về người trẻ. Họ được chọn, được nêu lên như những hình mẫu và để lại những bài học cho đến hôm nay. Từ những trang Kinh Thánh, Giáo hội tiếp tục có những mẫu gương sống động là các thánh trẻ. Nổi bật trong số đó có thánh nữ Têrêxa Hài Đồng với linh đạo “con đường nhỏ,” và vị thánh rất gần với thời hiện đại, chân phước Carlo Acutis.
II. Mẫu gương sống của các vị thánh trẻ
1. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux dành cả cuộc đời để sống linh đạo của một trẻ thơ: “Làm việc nhỏ với một tâm hồn vĩ đại.” Ngài cũng nói “Xin hãy nhớ rằng, không có điều gì nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa. Hãy làm mọi việc với tình yêu.” Thánh nữ là một tu sĩ trẻ, qua đời năm 24 tuổi sau 9 năm sống đời đan tu tại đan viện Cát Minh, và là vị thánh tiến sĩ đã để lại cho Giáo hội con đường nên thánh theo tinh thần đơn sơ, phó thác.
Chị chỉ có một ước ao: cứu các linh hồn bằng sự hy sinh nhỏ bé và lời cầu nguyện mỗi ngày. Têrêxa viết cho cha Roulland ở Trung Hoa: “Con muốn cứu các linh hồn và muốn quên mình vì họ – Con muốn cứu các linh hồn cả sau khi con chết”. Tội nhân đầu tiên mà chị thánh cầu nguyện cho là Henri Pranzini.
Tuổi trẻ hay có những ước mơ và hoài bão. Nơi Têrêxa cũng vậy, ước mơ mãnh liệt của ngài là được dâng hiến tình yêu để thuộc trọn về Chúa Giêsu trong dòng kín. Đó quả là một tham vọng lớn lao, nhưng lại là một hoài bão thánh thiện và chính đáng. Chị muốn được kết bạn trăm năm với Chúa Giêsu Thánh Thể và ước ao rước lễ mỗi ngày. Sự khiêm tốn và tâm tình tín thác tuyệt đối là cánh cửa đầu tiên khai dẫn Têrêxa tiến sâu vào đời sống trọn lành.
Têrêxa đã cho đi, đã hiến dâng trọn vẹn và cuộc đời của ngài đã được gắn chặt vào Thập giá với Chúa Giêsu. Sự vui vẻ và lòng quảng đại hiến dâng tình yêu trong những hy sinh âm thầm nơi cuộc đời của thánh nữ Têrêxa là một mô thức nên thánh, kiểu mẫu cho tất cả các bạn trẻ ngày hôm nay.
2. Chân phước Carlo Acutis
Chân phước Carlo Acutis qua đời khi mới 15 tuổi vào năm 2006. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng ngài đã để lại một di sản to lớn với danh hiệu “Tông đồ điện tử của Bí tích Thánh Thể”. Bởi ngài đã sưu tầm các phép lạ Thánh Thể và dùng nhiều phương tiện truyền thông để phổ biến, hầu giúp nhiều người ngày một yêu mến Thánh Thể hơn. “Thật tuyệt vời khi lần đầu tiên trong lịch sử bạn có thể nhìn thấy một vị thánh mặc quần jean, áo len và mang giày thể thao. Đó là một thông điệp tuyệt vời.”
Chân phước Carlo Acutis đã biến đổi những người ngài gặp, trong đó có mẹ của ngài. Ngài “Không bao giờ phàn nàn, không bao giờ chỉ trích, không bao giờ nói hành nói xấu, Carlo luôn muốn giúp đỡ mọi người, không bao giờ có ý nghĩ hướng về bản thân. Carlo nói rằng nỗi buồn là nhìn về phía mình, hạnh phúc là nhìn về Thiên Chúa”.
Đối với mẹ của chân phước Carlo Acutis, ngài chính là một bậc thầy. Bà Antonia nói: “Qua Carlo, tôi đã khám phá ra cuộc đời mình vì tôi hiểu rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong các bí tích, nhưng trên hết là trong Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi đã nhận ra rằng Carlo là một cậu bé phi thường nhưng tôi chắc chắn không bao giờ nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ đem Carlo rời xa tôi sớm như vậy. Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa luôn luôn tuyệt vời. Chúng tôi đón nhận cái chết của Carlo, ngay cả khi còn quá trẻ, nhưng chúng tôi đã đón nhận điều đó với niềm tin và sự xác tín rằng Chúa luôn làm mọi điều tốt đẹp nhất”.
Thánh Têrêxa, chân phước Carlo Acutis và rất nhiều vị thánh trẻ đã cống hiến tuổi trẻ và nghị lực của mình để dấn thân đem lại ánh sáng mới cho người trẻ hôm nay. Các ngài đã sống đúng tinh thần Nước Trời mà Chúa Giêsu nói đến, tin cậy Chúa và dấn thân hết mình cho sứ mạng.
Nối tiếp tinh thần này, chúng tôi tìm đến với hoàn cảnh của các trẻ em vùng lũ để thấy sự dấn thân tham gia đời sống Giáo hội, và tìm ra định hướng cho sự phát triển của các em dưới cái nhìn của Kinh Thánh và mẫu gương các vị thánh trẻ.
III. Một hướng nhìn về người trẻ sống trong vùng lũ lụt
1. Thực trạng trẻ em sau những đợt bão lụt năm 2020
Sức khỏe, y tế
Sau mùa lụt 2020, hơn 2,5 triệu trẻ em Việt Nam có nguy cơ nhiễm bệnh do môi trường bị ô nhiễm, không nhà vệ sinh, không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Nhiều trung tâm y tế bị phá hủy khiến phụ nữ và trẻ em không được chăm sóc sức khỏe cơ bản và phòng bệnh trong thời điểm nguy cơ bệnh truyền nhiễm gia tăng. Việc chăm sóc sức khỏe định kỳ như tiêm chủng và tư vấn dinh dưỡng trẻ em cũng bị gián đoạn.[15]
Trong và sau thời gian lụt lội, rất nhiều rác thải, xác động vật… kèm theo đó là vô số vi sinh vật xuất hiện do nguồn nước bị ô nhiễm, hệ thống cầu tiêu - vệ sinh không được bảo đảm dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như sốt xuất huyết, cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản; các bệnh về da liễu như nấm kẽ chân, viêm nang lông, nấm ăn chân, chốc ghẻ… cũng tăng cao; ngoài ra còn có các bệnh như: tiêu chảy cấp; đau mắt đỏ…
Việc học hành bị gián đoạn
Trong suốt thời gian bão lụt, các em không thể đến trường học vì nhiều nguyên nhân: đường sá bị ngập lụt, mất điện, trường lớp bị hư hại và cần phải sửa chữa (ví dụ: lớp học bị tốc mái, hệ thống điện bị gián đoạn…).
Khu vực miền Trung, được ví như là “cái eo” trên bản đồ Việt Nam, hằng năm hứng chịu trực tiếp ít nhất 3 cơn bão lớn nhỏ. Sau mỗi trận bão lụt, hầu hết các trường ở các tỉnh miền Trung cần tập trung khắc phục những thiệt hại về cơ sở vật chất do thiên tai, sửa chữa vệ sinh trường lớp, lên kế hoạch dạy học bù cho thời gian học sinh nghỉ học do bão lụt… Theo quan sát của đài khí tượng thủy văn, khu vực Trung và Nam Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận), thời gian bão lụt thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Như vậy, đây là thời gian các em học sinh đã bắt đầu chương trình học và cũng là thời gian chuẩn bị các kỳ thi kết thúc học kỳ I.
Trong một bài phóng sự ngắn của phóng viên VTV nói về “Những khó khăn của trẻ em vùng lũ” sau đợt lụt 2020, em Lê Thị Liên, học sinh trường THCS Kiến Giang – huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, có chia sẻ như sau: “Nhà của em bị ngập sâu 3m, nước lên tới nóc nhà. Ba mẹ của em đành bỏ lại hết tất cả để tránh lũ, cặp sách vở để trên cao rớt xuống bị nước cuốn trôi đi, còn lại một số ít sách vở thì bị ướt sũng. Em mong ước ba mẹ có nhà cao để tránh lụt và được đến trường học với các bạn”.
Ảnh hưởng do biến đổi khí hậu
Lượng mưa thay đổi, nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng cao cùng những hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai chính là những nguy cơ do biến đổi khí hậu. Kéo theo đó là những tác động lớn như lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường và bão. Hệ quả của chúng là sự chết chóc, thương tật, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, giảm sản lượng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng bị tổn hại, khan hiếm nước, chất lượng nước không vệ sinh và tình trạng di dân. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến trẻ em theo những cách khác nhau.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 88% các bệnh, do biến đổi khí hậu, xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các tác động của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp, từ mất mùa đến giảm năng suất thường xuyên và giảm thu nhập của các hộ gia đình đều đe dọa đến an ninh lương thực cho trẻ em.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do mất an ninh lương thực. Tình trạng thiếu dinh dưỡng, gián đoạn các dịch vụ y tế và dinh dưỡng cũng như sự hạn chế trong việc bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dẫn đến sự chậm phát triển, khả năng đi học thấp hơn bởi thu nhập hộ gia đình suy giảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong cuộc sống sau này của trẻ em.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam có dấu hiệu tăng lên và được dự báo là sẽ trở nên cấp tính hơn. Nhiệt độ tăng lên đã góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng với tỷ lệ nhập viện cao hơn, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ. Ngành nước sạch và Vệ sinh môi trường (NS&VSMT) cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu bao gồm những tác động tiêu cực đến chất lượng và nguồn cung nước sạch.[16]
2. Những đóng góp của người trẻ vùng lũ
2.1 Thiếu nhi tham gia vào các hội đoàn trong giáo xứ
Em Mai Thị Mỹ Trinh, 12 tuổi, thiếu nhi giáo xứ Buồng Tằm cho biết: trong giáo xứ của em có khoảng 250-300 giáo dân và số thiếu nhi khoảng 20-30 em. Với con số khiêm tốn như trên, em tham gia vào hầu hết các hội đoàn của thiếu nhi trong giáo xứ như: hội Legio dành cho thiếu nhi, ca đoàn; đặc biệt vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh em thường tham gia từ 2 đến 3 tiết mục diễn nguyện đêm Vọng Giáng Sinh. Những công việc phục vụ này đã trở thành động lực giúp em phát triển nhiều kỹ năng như hát, múa, biểu diễn; em trở nên mạnh dạn hơn khi đứng trước đám đông trình diễn những tiết mục, nói về những câu chuyện trong Cựu Ước diễn tả niềm tin của các tổ phụ, về hành trình của dân Thiên Chúa, và ý nghĩa của việc Chúa Giêsu xuống thế làm người.
Em Minh Huy (14 tuổi), giáo xứ Đông Lâm là một ví dụ khác về việc phục vụ các em thiếu nhi trong khả năng và độ tuổi của mình. Giáo xứ của em nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt trong mùa bão lụt.
Lụt lội đối với các em thiếu nhi và người dân trong vùng lũ không phải là điều xa lạ, nhưng chúng gây ra không ít khó khăn cho các em. Để tránh nước lụt làm ướt và hư vật dụng, em Huy cũng tham gia vào việc dọn vệ sinh, di chuyển đồ dùng lên những nơi cao để cất giữ. Về việc giúp lễ, vào những ngày bão lụt thường không có điện nên mỗi khi giúp lễ em dùng đèn pin chiếu sáng cho cha dâng lễ, đọc sách và giảng lễ. Và sau khi nước rút, em cùng các bạn dọn vệ sinh khu vực nhà thờ, đặc biệt khu vực phòng thánh và cất lại những đồ dùng về chỗ cũ. Những công việc này đã theo em trong những năm qua và dần trở thành thói quen, đến nỗi sau những buổi học văn hóa ở trường em thường đến nhà thờ lo chuẩn bị cho việc giúp lễ của mình.
Em Xuân An, 16 tuổi, thuộc giáo xứ Gia Hội chia sẻ: “Gia đình em trước đây ở gần nhà thờ nhưng do hoàn cảnh nên ba mẹ của em quyết định chuyển đến ở với gia đình ông bà ngoại. Nhà em cách giáo xứ khoảng 10 đến 12 cây số, nhưng do thói quen trước đây nên hằng tuần gia đình em vẫn trở về Gia Hội tham dự Thánh lễ và học giáo lý. Vào mùa mưa bão việc đi lại khó khăn, nên ba em thường chở chị em chúng em bằng xe taxi ba mượn của công ty cho đỡ nguy hiểm và có thể tránh mưa ướt áo quần, vì quãng đường từ nhà em đến giáo xứ phải đi qua một đoạn đường đèo, một bên là cây một bên là thượng nguồn sông Hương nên khi trời mưa đường rất nguy hiểm”.
Xuân An và em gái của em cùng tham gia ca đoàn thiếu nhi từ khi mới thành lập. Cả hai chị em có giọng hát rất tốt nên thường được các sơ chọn hát đáp ca trong Thánh lễ dành cho thiếu nhi. Em cũng chia sẻ thêm rằng nhờ việc hát đáp ca nên em thuộc rất nhiều bài hát và cũng là cơ hội giúp em luyện chất giọng của mình được tốt hơn. Em cũng mong muốn luôn được phục vụ trong ca đoàn. Bên cạnh đó, em cũng là thành viên rất nhiệt tình trong các tiết mục văn nghệ vào mỗi mùa Giáng sinh và những dịp lễ đặc biệt của giáo xứ.
2.2 Giới trẻ, thiếu nhi tham gia các công tác cứu trợ trong mùa bão lụt
Tại một số giáo xứ, các cha quản xứ đã tổ chức những hoạt động cụ thể cho các bạn trẻ thực hiện để giúp người dân trong chính giáo xứ của mình. Ban Giới trẻ giáo xứ Quy Lai những năm qua đã tổ chức thực hiện thu lượm ve chai bán lấy tiền để giúp người neo đơn, người già, người có hoàn cảnh đặc biệt trong giáo xứ. Thành quả của những hy sinh này là những mái tôn đã được lợp lại sau những tháng ngày rỉ sét, sân nhà được tráng xi măng sạch sẽ, hệ thống điện trong gia đình cũng được bắt lại gọn gàng hơn…
“Lò bánh mì Hồng Ân”, “Cửa hàng 50”, hệ thống nước sạch của giáo xứ Nước Ngọt đã trở nên những tên gọi quen thuộc của những người nghèo sống chung quanh nhà thờ. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Thiện Nhân đã có sáng kiến tổ chức những hoạt động trên cho giới trẻ phụ trách để giúp người nghèo, không chỉ trong giáo xứ mà còn cho các bệnh nhận tại các bệnh viện ở thành phố Huế. Hằng tuần những chuyến xe chở bánh mì được giao đến cộng đoàn các sơ Phaolô phát miễn phí cho bệnh nhân.
Đối với những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lụt hằng năm như ở một số tỉnh thành miền Trung như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, việc ứng phó - phòng chống thiên tai đã trở nên một thói quen trong nhịp sống hằng năm của người dân những nơi này, từ công tác di dời người dân đến những nơi an toàn, kê cao vật dụng để khỏi bị hư hại, hay việc tổ chức những nhóm nhỏ để đi cứu trợ, hay dọn dẹp vệ sinh…
Đợt lụt 2023, hai Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và Giuse Đặng Đức Ngân đã đến thăm và gửi quà hỗ trợ đến cho bà con tại giáo xứ Dương Sơn. Chính các em giới trẻ đã dò đường và chèo ghe đón quý Đức Tổng đến điểm tập trung. Trong số những người nhận quà hỗ trợ hôm đó còn có những người khuyết tật, người già không đến được điểm tập trung đã được các bạn trẻ trong giáo xứ chèo ghe đến tận nhà trao những phần quà và những nhu yếu phẩm. Đây cũng là công việc phục vụ của các bạn trẻ giáo xứ Hội Điền, thuộc hạt Quảng Trị.
Các bạn trẻ và ban Caritas của các giáo xứ thường di tản những người lớn tuổi, trẻ em, người khuyết tật đến những nhà tránh bão được xây dựng ở những nơi cao và an toàn trong những ngày bão lụt. Còn tại gia đình, những vật dụng, tài sản của gia đình cũng được di chuyển đến những nơi cao để tránh bị thấm nước và hư hại.
Với những nơi được xem là “cái rốn” của vùng lụt, việc đi lại là điều rất khó khăn và phải thận trọng vì hầu hết nhà cửa, cây trồng và cả những ngôi mộ đều bị ngập trong nước nên việc điều khiển ghe/thuyền vào những khu vực này không dễ dàng, thường chỉ có người dân mới am hiểu và có thể di chuyển đến các nơi cứu trợ được an toàn. Trong những lần tổ chức này, Caritas Huế đã nhận được sự hỗ trợ từ ban Caritas của các giáo xứ, đặc biệt là giới trẻ để hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con trong vùng lũ.
Em Phương Uyên gia đình ở giáo xứ Phú Hậu, một trong những nơi trũng nhất của phường Phú Hậu kể: “Gia đình con ở đây năm nào cũng bị nước ngập cao tới ngang bụng, có khi cao hơn 1m. Năm 2020, nhà con bị lụt lên cao gần hết cửa sổ, nước đọng lại ở trong nhà gần 3 ngày. Mỗi khi nghe thông báo sắp có bão là cả nhà con phải cất đồ đạc, sách vở lên cao, còn xe máy thì gần đến ngày sẽ đi gửi người quen ở trên thành phố để khỏi bị hư hỏng. Buổi tối con và mẹ thường thức khuya để canh nước lụt chờ cho nước rút là phải quét bùn liền, nếu không quét kịp thì lớp bùn non sẽ khô, có mùi hôi và phải dọn vệ sinh lâu hơn.”
Trên đây là một vài trường hợp ví dụ cụ thể về việc tham gia của các em thiếu nhi tại một số giáo xứ thuộc Tổng Giáo phận Huế. Những đóng góp của các em thật cụ thể và ý nghĩa, nó tạo nên một thói quen tốt, một nếp sống tốt giúp hình thành và phát triển cuộc sống của các em trong tương lai. Những công việc phục vụ này tuy âm thầm nhưng đã gieo vào tâm trí các em những hạt mầm của lòng quảng đại hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội tại địa phương tùy theo khả năng và độ tuổi của mỗi em. Như lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng đời sống yêu thương và làm chứng trong mọi việc mình làm, ở nơi mình sống.” và “Hãy để cho ân sủng Bí tích Thánh Tẩy trổ sinh hoa trái trên con đường nên thánh của bạn.”
3. Hỗ trợ của Ban Bác ái Xã hội – Caritas Huế
3.1 Sứ vụ của Caritas
Theo định hướng chung của Caritas Việt Nam, một trong những sứ mạng chính yếu của Caritas là: “Tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ sự sống con người qua việc thực thi bác ái và loan báo Tin Mừng cho mọi người”,[17] Ban Bác ái Xã hội – Caritas Huế cũng hướng đến các mục tiêu này thông qua những hoạt động của các tiểu ban: HIV, Khuyết tật, Di cư an toàn và Phòng chống buôn người, các chương trình khuyến học, bảo vệ môi trường, các hoạt động thăm viếng người nghèo, quán cơm yêu thương... Với số giáo dân chỉ chiếm 3,29% dân số thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (tính đến năm 2019) nên trong các hoạt động trên của Caritas Huế đối tượng tham gia hầu hết là người lương dân và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: khuyết tật, người nhiễm HIV, người nghèo… trong đó có cả các em thuộc hộ gia đình nghèo, khó khăn, các em học sinh là người dân tộc.
3.2 Caritas Huế giúp/hỗ trợ cho trẻ em vùng lũ lụt tham gia đời sống Giáo hội
Thông qua các hoạt động của các tiểu ban, đặc biệt các hoạt động dành cho trẻ em, Caritas Huế luôn hướng đến mục đích duy nhất là giúp cho các em cùng tham gia vào đời sống của Giáo hội tùy theo khả năng và độ tuổi của mình, tạo cơ hội cho các em lương dân cũng như Công giáo được làm quen với nhau, cùng nhau học hỏi và chia sẻ những kiến thức về các kỹ năng sống, đời sống nhân bản, cũng như cùng nhau tham gia các buổi sinh hoạt xã hội và Giáo hội nhằm nâng cao tinh thần bác ái Kitô giáo.
Cụ thể, trong hoạt động hằng năm, Ban Khuyết tật tổ chức các buổi tập huấn sơ cấp cứu cho các em khuyết tật và người thân của các em tại một số giáo xứ như Thanh Tân – Sơn Quả, Đông Lâm, Tân Thủy, Kim Đôi… và tại Văn phòng Caritas Huế. Các cuộc tập huấn nhằm mục đích giúp cho các em và người nhà biết cách di chuyển từ xe lăn qua giường và ngược lại, để giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân mà người chăm sóc cũng ít tốn sức nhất khi giúp bệnh nhân di chuyển. Những sinh hoạt hằng tháng của Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương tại các giáo xứ cũng tạo không gian vui chơi, sinh hoạt và gắn kết các em khuyết tật lại với nhau. Chương trình truyền thông lồng ghép của Ban HIV dành cho các em thiếu nhi tại các giáo xứ và các em OVC (các em thuộc đối tượng dễ bị tổn thương) về các kỹ năng sống, các giá trị sống yêu thương, sống tích cực, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, tinh thần chia sẻ, nhận biết bản thân… cũng là môi trường giúp cho các em tự tin hơn trong cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết nhận thức về bản thân, đặc biệt là giúp các em có thể hòa nhập vào cộng đồng mà không bị tự ti, mặc cảm.
Với Ban Khuyến học, Caritas Huế đã và đang chung tay với Caritas Việt Nam và quý ân nhân xa gần hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nghèo thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thông qua Caritas Việt Nam, hội khuyến học Slovakia đang hỗ trợ cho hơn 30 em học sinh nghèo thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Với những kế hoạch hoạt động mỗi tháng, các em sẽ được các cộng tác viên truyền thông về các chủ đề nhằm nâng cao nhận thức cũng như giúp các em có thêm những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống: khám phá bản thân, cách chăm sóc bản thân, thể hiện lòng biết ơn, cách bảo vệ mẹ trái đất, sống tinh thần chia sẻ - trách nhiệm với tha nhân, sống tinh thần trách nhiệm, sống tích cực trong lời nói và hành động, tìm hiểu về văn hóa cổ truyền của Việt Nam như Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu...
Chương trình khuyến học “Bông hồng nhỏ” cũng là nguồn hỗ trợ cho các em từ cấp I cho đến hết đại học. Với chương trình này, những nhà tài trợ mong muốn con đường đến trường của các em sẽ “nở hoa”, những “cánh hoa” có ích cho Giáo hội, xã hội và gia đình trong tương lai. Thông qua giới thiệu của Caritas Huế, quỹ học bổng học EDM (Pháp) cũng hỗ trợ cho khoảng 10 em học sinh nghèo thuộc các giáo xứ của Tổng Giáo phận Huế.
Sau đợt lụt năm 2020, Caritas Huế đã lên kế hoạch và tổ chức chương trình khuyến học “Thắp sáng tương lai” hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 cho 1.200 em học sinh thuộc các trường học Tiểu học trong hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Các trường Tiểu học như: Hương Toàn, Phú Mỹ 2, Quảng Ngạn, Điền Lộc, Lộ Trạch, Phong Chương, Quảng Lợi, trường Tiểu học số 2 Quảng Phước, Hòa Mỹ, Vinh Xuân, Phú Thanh, Điền Hải, Vỹ Dạ đều là những trường thuộc những khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất trong mỗi mùa bão lụt. Các em nhận được hỗ trợ trong chương trình này đều thuộc hộ gia đình nghèo, hoặc trong gia đình có người khuyết tật, các em mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả hai, các em là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những hoạt động trên, vào những mùa mưa bão, Caritas Huế kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, ân nhân xa gần để quyên góp và hỗ trợ những vật dụng cần thiết cho việc học cũng như đi lại của các em như: cặp, balô, áo mưa, áo phao nhỏ, sách vở, bút viết, xe đạp… cho các em trong các vùng bị ngập lụt, đặc biệt là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, để các em có thể cải thiện việc học của mình sau những trận mưa bão.
Lời kết
Sau cuộc gặp gỡ với hơn 8.000 thiếu nhi tại quảng trường Thánh Phaolô VI, ngày 06 tháng 11 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thành lập ngày Thế giới trẻ em và được tổ chức lần đầu tiên ngày 25 và 26 tháng 05 năm 2024 tại Rôma. Câu Lời Chúa được ngài chọn làm chủ đề trong hai ngày này trích từ sách Khải Huyền “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Trong tinh thần chung của Giáo hội hoàn vũ hướng đến một Giáo hội cùng hiệp hành, cùng bước chung trên một con đường, Đức Thánh Cha cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện, về sự đóng góp của các em thiếu nhi trong đời sống thường ngày. Đó là sự hiện diện ở giữa (Mt 19,2) và ngay bên cạnh chúng ta, làm sống lại trong chúng ta niềm hy vọng vào tương lai cho Giáo hội và cho xã hội loài người.[18]
Cùng với ý lực đó, với chủ đề năm mục vụ 2024: “Thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Giáo hội”, Hội đồng Giám mục Việt Nam mong muốn mọi thành phần dân Chúa cùng tham gia vào đời sống chung của Giáo hội tại các địa phương cũng như Giáo hội hoàn vũ. Cách cụ thể nhất, những đóng góp của người trẻ, thiếu nhi trong các giáo xứ là một minh chứng cụ thể tinh thần phục vụ bằng những công việc, những bổn phận trong khả năng tùy theo độ tuổi của mình. Ngoài sự phát triển về thể lý và ngoại hình, tài năng và kiến thức mà các em còn dấn thân tìm kiếm tâm linh,[19] tìm kiếm Thiên Chúa, sống lời Chúa, tìm cách đáp lại lời Chúa, bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 144 (Tháng 11 & 12 năm 2024)
----------
[1] X. Moira McQueen, Walking Together (Toronto: Novalis Publishing Inc., 2022), 5.
[2] X. John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1992), 123.
[3] X. Ibid.
[4] X. Rolf Rendtorff, “Covenant” as a Structuring Concept in Genesis and Exodus. In Journal of Biblical Literature, vol.108, No.3, 1989, 386.
[5] X. R. N. Whybray, Introduction to the Pentateuch (Grand Rapids: Wm. B. Eermans Publishing Co., 1995), 10.
[6] X. Rolf Rendtorff, op.cit., 386-387.
[7] X. John H. Sailhamer, op.cit., 124.
[8] X. Vatican News, Giáo Lý Về Cầu Nguyện - Bài 04: Lời Cầu Nguyện Của Những Người Công Chính, 27/05/2020, hdgmvietnam.com.
[9] Giê-rê-mi-a lúc ấy dưới 30 tuổi, là tuổi được xem là có thể chủ động tham gia các hoạt động xã hội, như bài viết đã dẫn. Ibid. footnote g, 1671.
[10] X. Ibib. 1665.
[11] X. Ibid. 1665-1666.
[12] X. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, op.cit., n.13.
[13] X. Ibid. n.43.
[14] X. Ibid. n.44.
[15] X. https://www.tuyengiao.vn/2-5-trieu-tre-em-chiu-anh-huong-boi-thien-tai-bao-lu-136113 .
[16] X. “Tóm tắt chính sách phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em tại Việt Nam,” Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, tháng 3 năm 2021.
[17] https://caritasvietnam.org/chung-toi-la-ai-cp-137201545240818/
[18] https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-05/huong-toi-ngay-the-gioi-tre-em-lan-thu-nhat.html
[19] X. Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Giáo lý về mầu nhiệm Giáo Hội, bài 99: Giáo Hội Và Các Thiếu Nhi, n.5.
bài liên quan mới nhất

- Thư mời tham dự Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 54
-
Thư mời tham dự Đêm Thánh ca “Cát Biển Sao Trời” -
Tĩnh tâm Nghệ sĩ và Ca đoàn Công giáo Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Giới trẻ hạt Thủ Đức: Hành hương và bác ái - “Neo Hy Vọng Trong Giêsu” -
Giữa cuộc đời đầy gian khó, làm sao sống niềm hy vọng? -
Khai giảng khóa đào tạo Giáo lý viên Huynh trưởng đặc cách lần 2 -
Tĩnh tâm Mùa Chay 2025 của giới Y tế Công giáo TGPSG -
Cùng Bước Đi Trong Hy Vọng”: Chương trình cầu nguyện cùng Đức Thánh Cha -
Ban Mục vụ Giới trẻ TGP Sài Gòn: Tĩnh tâm và hành hương Năm Thánh -
Giới trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế suy tôn Mầu Nhiệm Thánh Giá Chúa Giêsu
bài liên quan đọc nhiều

- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Dòng Đa Minh Việt Nam -
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Mái ấm Thiên Ân -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc