Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật 34 TN năm A - Lễ Chúa Kitô Vua

Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật 34 TN năm A - Lễ Chúa Kitô Vua

Chúa Nhật 34 Thường Niên - Năm A
Lễ Chúa Kitô Vua

(Mt 25,31-46)

-----o0o-----

"Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Bấy giờ, những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."

***

Bài chia sẻ
Ngày phán xét (Mt 25,31-46)

Diễn từ về ngày phán xét trong Tin Mừng Matthêu 25,31-46 mà chúng ta vừa nghe là một kiệt tác được viết theo lối văn Khải huyền với những lý luận đối thoại sít sao, quyết liệt.

Vào thời Chúa Giêsu, loại văn “Mạc khải” hay “Khải huyền” là một thứ văn chương có tính thời thượng. Đó là thuật viết văn vẽ lên cho người đọc như đang nhìn thấy những cảnh hoành tráng, huyền diệu nhằm soi rọi vào những biến cố hiện tại. Người viết cố làm cho tác phẩm của mình hóa nên như một tác phẩm của một ngôn sứ lừng danh thời thượng nào đó nhằm khoan thủng cái bề dày tại thế để các biến cố hiện tại ở mặt dưới được chiếu sáng bởi cái hoành tráng và kỳ diệu của mặt trên hầu khám phá ra sự quan phòng, ý định của Thiên Chúa và từ đó rút ra những kết luận kịp thời.

Quang cảnh ngày phán xét được vẽ lên rất uy nghi:

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”

Trong phần mở đầu, diễn từ phán xét, chúng ta ghi nhận 2 điểm:

1) Chúa Giêsu tự xưng mình là Con Người. Thuật ngữ “Con Người” bắt nguồn từ sách Đanien (7,13-14):

“Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.”

Trong Tân Ước, thuật ngữ “Con Người” được sử dụng 82 lần:
- 70 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm
- 12 lần trong Tin Mừng Gioan

Và chỉ có một mình Chúa Giêsu sử dụng từ này cho mình mà thôi. Chúa Giêsu tự xưng mình là “Con Người” cốt để:
- Ứng nghiệm những điều mà thị kiến Đanien đã thông báo.
- Ngài không chỉ là “Con Người” đến từ trời (là Thiên Chúa mà còn đi lên từ cõi đất tức “là Người”. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật.

Cũng có ý kiến cho rằng danh xưng “Đấng Thiên Sai” mới chỉ nói lên bản tính Thiên Chúa của Ngài; còn danh xưng Con Vua Đavid thì hơi nhuốm màu chính trị.

Mở đầu cuộc phán xét, Người tách kẻ dữ ra khỏi người lành như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

2) Tại sao chiên được chọn để tiêu biểu cho người lành còn dê bị chọn để tiêu biểu cho kẻ dữ?

a) - Trong Kinh Thánh, hình ảnh con chiên là một hình ảnh quý. Để được cứu thoát khỏi mọi tai ương và giải thoát khỏi thân phận nô lệ Ai Cập mà trở về Đất Hứa, Thiên Chúa đã truyền cho Môisen bảo dân giết chiên không tỳ ố để ăn với bánh không men và rau diếp đắng, lấy máu bôi lên cửa làm dấu và cứ dấu ấy họ sẽ được cứu thoát. Chiên vượt qua phát sinh từ đấy.

- Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới. Chúng ta cũng nhờ máu của Người mà được cứu thoát: vượt qua từ thân phận nô lệ tội lỗi bước vào thân phận của người sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa.

- Gioan Baotixita đã giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa:

  • Hôm ấy, Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình liền nói “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).
  • Hôm sau, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

- Nếu mở sách Khải Huyền thì chúng ta còn thấy nhiều hình ảnh đẹp của Con Chiên:

  • Con Chiên lãnh sứ vụ và chuộc về cho Thiên Chúa mọi người thuộc mọi dân nước (Kh 5,6-14).
  • Con Chiên là đèn soi (Kh 5,12).
  • Từng đoàn người khải hoàn tiến vào thiên quốc mặc áo trắng được giặt bằng máu của Con Chiên (Kh 7,9-12).
  • Nước Trời được diễn tả như tiệc cưới của Con Chiên (Ga 7,37-39).

b) Theo sách Lêvi, người ta cũng có thể bắt dê làm lễ tế kỳ an (Lv 3,12)

Tuy vậy, hình ảnh con dê vẫn là một hình ảnh của con vật mang đầy tội lỗi trước nhan Thiên Chúa:

Trong ngày lễ xá tội, Aharon tiến lại gần một con dê, ông đặt tay trên nó để chất lên nó tội lỗi của dân. Sau đó, con vật bị đuổi vào sa mạc, nơi Thiên Chúa không cư ngụ, mà là nơi của quỷ. Như vậy là cộng đoàn được sạch tội (Lv 16,20-22).

Đâu là tiêu chuẩn để phân biệt người lành với kẻ dữ?

Diễn từ phán xét mà lại thấm đẫm tình yêu: đưa ra một bản liệt kê những việc thực hành cụ thể của tình bác ái tế nhị đối với người nghèo khó lân cận. Sáu trong bảy việc làm ơn làm phúc trong truyền thống tôn giáo được kể ra:

- Cho kẻ đói ăn.
- Cho kẻ khát uống.
- Cho khách lạ đỗ nhà.
- Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
- Thăm kẻ yếu đau.
- Viếng người tù tội.

Chỉ còn việc chôn xác kẻ chết thì không thấy nói đến. Nếu chúng ta liên tưởng đến câu chuyện chàng thanh niên muốn theo Chúa nhưng xin về chôn cất cha trước đã, nên Chúa bảo: hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần con hãy theo Thầy. Chẳng bao giờ có cái cảnh bố chết nằm đó mà con đi nghe Chúa giảng. Đây là trường hợp người cha đã về già rồi, người con muốn đợi khi cha mãn phần được chôn cất xong xuôi rồi sẽ đến theo Chúa. Chúa thấy việc theo Chúa là ưu tiên và cấp bách hơn.

Tình yêu thì người nào chẳng có, bác ái thì thời nào cũng dạy. Việc cụ thể mà Đức Kitô đưa ra thì cũng chẳng có gì mới. Điều làm cho cả những người lành lẫn kẻ dữ phải ngạc nhiên là tất cả những gì họ làm hay không làm cho một kẻ hèn mọn là họ đã làm hay không làm cho chính Ngài. Đức Kitô yêu con người đến thế đấy.
Chúa Giêsu Kitô là Vua

Ngôn sứ Dacaria đã loan báo:

“Nào thiếu nữ Sion hãy vui mừng hoan hỷ, hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy vui mừng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Ngài là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa” (Dcr 9,9).

Khi Đức Giêsu xuất hiện thi hành sứ vụ công khai, người ta đã nhận ra người và tuyên xưng người là vua:

- “Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối." Ông Nathanaen hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi". Ông Nathanaen nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!" (Ga 1,47-49).

- Sau khi dân chúng được ăn no nê, “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15).

Khi đến giờ đến buổi, Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia và dân chúng tung hô Ngài là Vua:

“Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Đức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay"” (Mt 21,1-3).

“Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên. Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,7-9).

Chúa Giêsu là Vua, Vua Tình Yêu đã dạy chúng ta bài học yêu mến mà Ngài gọi là giới răn mới của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Vua Giêsu Kitô đã thực hiện mẫu gương yêu thương ấy bằng cách hiến thân chịu chết vì loài người và sống lại để mở con đường sống cho loài người chúng ta.

Trong mọi tình huống của cuộc đời, xin cho con giữ được “Đức ái” mà Chúa Kitô Vua đã dạy chúng con:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13,1-8).

Linh mục Giuse Trịnh Văn Viễn
Chánh xứ Bình An

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top