Giáo xứ Gò Mây: Lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại - Bổn mạng giáo xứ

Giáo xứ Gò Mây: Lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại - Bổn mạng giáo xứ

Giáo xứ Gò Mây: Lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại - Bổn mạng giáo xứ

TGPSG -- “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” là lời mở đầu của linh mục (Lm) chánh xứ Matthêu Phạm Trần Thanh, trong lễ kính thánh Phaolô tông đồ, trở lại - bổn mạng giáo xứ Gò Mây, được cử hành lúc 18g thứ Năm 25/1 tại giáo xứ Gò Mây, hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, do ngài làm chủ tế.

Đồng tế có 4 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Việt Nam, 2 linh mục thuộc Tu hội Vinh Sơn Lazarit.

Tham dự thánh lễ có các ban ngành, đoàn thể, cộng đoàn dân Chúa, các tu sĩ nam nữ, đặc biệt các tân và cựu HĐMVGX.

Trong tiếng kèn vang tưng bừng, cộng đoàn rước kiệu thánh Phaolô tiến vào thánh đường. trong tiếng hát nhập lễ rất trang trọng.

Dứt bài ca nhập lễ là Nghi thức tuyên hứa HĐMVGX nhiệm kỳ 2024 - 2028.

Đầu tiên, Lm Phó xứ xướng danh:

- Ông Giuse Lê Quốc Thuấn, Chủ tịch HĐMVGX
- Ông Antôn Vũ Ngọc Hân, Phó nội vụ
- Ông Giuse Đỗ Văn Bổn, Phó ngoại vụ
- Ông Giuse Nguyễn Ngọc Đồng, Thư ký
- Ông Giuse Vũ Khắc Dũng, Thủ quỹ

Tiếp theo, các chức vụ của các giáo họ cũng được cha phó xướng danh.

Sau đó Lm Chánh xứ thẩm vấn quý chức và lời tuyên hứa của HĐMVGX.

Thánh lễ

Trong bài giảng lễ, Lm chủ tế chia sẻ:

Hôm nay, ngày kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, Phụng vụ Giáo Hội cử hành lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại. Giáo hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, đạo giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình.

Nhìn vào sự trở lại của thánh Phaolô, chúng ta thấy: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng, đã bằng mọi cách tiêu diệt những kẻ mà ông cho là tà đạo. Thế nhưng chỉ trong phút chốc, cú ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc Phaolô phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì trước kia Phaolô cho là tà đạo, nay phải xem là chính đạo. Phaolô đã quay ngược đường trở lại, từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay,

Phaolô đã hoàn toàn bị chinh phục trước tiếng gọi của Chúa trước ý định cao siêu, trước Con Người vĩ đại mà bấy lâu nay Phaolô cương quyết loại trừ, đạp đổ, phủ nhận. Phaolô đã được Đức Giêsu chiếm đoạt, một sự chiếm đoạt toàn diện, sâu xa đến độ ông đã từ bỏ con đường mình đang đi, để trở thành khí cụ trong tay Chúa. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Từ cuộc “trở lại” hy hữu này, Phaolô đã bắt đầu một con đường mới, một tương lai nhằm thẳng phía trước: phía của công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu, phía của một tông đồ mang Tin Mừng cho dân ngoại, phía của một nhà truyền giáo vĩ đại.

Biến cố ngã ngựa này đã chia đôi cuộc đời thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn. Từ một người đi lùng bắt các Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Chúa và sẵn sàng chết vì Chúa Kitô.

Nếu như thánh Phêrô được xác định là “Đá tảng của Hội Thánh” thì Phaolô được gọi là “Thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý”.

Trong suốt 20 năm trời, trải qua 3 cuộc hành trình truyền giáo, Phaolô đã lặn lội qua khắp miền Tiểu Á, ghé qua đảo Chypre, đến tận Hy Lạp với nhiều lần bị  tù đày, 5 lần bị đánh đòn ở hội đường, 3 lần bị tra tấn ở tòa án La Mã, 1 lần bị ném đá, 3 lần bị đắm tàu, 1 ngày lênh đênh trên biển cả, nhiều lần phải đói rét, gặp hiểm nguy và cướp bóc.

Sau những năm dài lao nhọc hao mòn kiệt sức, cuộc đời chứng nhân của ngài kết thúc bằng cái chết anh dũng dưới lưỡi gươm của bạo chúa Néron tại La Mã khoảng năm 64.

Đó là cuộc đời của Phaolô. Còn chúng ta thì sao? Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về sự trở lại. Chúng ta cần trở lại vì biết bao nhiêu lần chúng ta đã làm hoen ố chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Chúng ta cần trở lại vì bao nhiêu lần chúng ta lỗi lời thề hứa với Chúa, với Giáo Hội và anh chị em mình.

Những người chồng người vợ cần phải trở lại vì những lần lỗi lời thề hứa ngày lãnh nhận Bí tích Hôi Phối.

Những người cha người mẹ trong gia đình phải trở lại vì chưa chu toàn bổn phận sinh con, giáo dục con cái theo luật Chúa Kitô và Giáo Hội.

Con cái phải trở lại vì chưa vâng lời cha mẹ, bất hiếu với ông bà, không hòa thuận với anh chị em.

Trong giáo xứ vẫn còn những Saolô nhiệt thành quá mức, hăng hái quá độ theo cái tôi của mình, cho mình đạo đức hơn người để phê bình, kết án, làm khổ tha nhân, phá đổ tình hiệp nhất trong giáo xứ.

Trong lịch sử của Giáo Hội đã có quá nhiều những “Saolô” như thế, nên đã gây ra bao cuộc phân ly đau đớn, mà suốt tuần lễ vừa qua, cả Giáo hội nỗ lực cầu nguyện cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu.

Giáo hội chọn chính ngày hôm nay, 25/01, lễ thánh Phaolô trở lại để kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Với mong ước từ đây, sẽ không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, dân ngoại hay dân có đạo, mà tất cả đều phải nên một trong Đức Kitô.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, cho Giáo hội, cho giáo xứ, cho quý chức tân - cựu sống tinh thần “trở lại” của thánh Phaolô, khiêm tốn nhìn nhận những sai lầm, những khuyết điểm trong cuộc sống, để rồi bắt đầu một cuộc đời mới, một cuộc sống không ngừng trổ sinh hoa trái thánh thiện để làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu và phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ là phần trao bằng Tưởng lệ cho HĐMV đã mãn nhiệm và trao Uỷ Nhiệm Thư cho các thành viên HĐMV mới.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g15 trong niềm vui của sự hiệp nhất. Mọi người cùng nhau chia sẻ bữa cơm thân mật.

Bài: Giuse Huỳnh Thanh
Ảnh: Trọng Đạt (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top