Tọa đàm: Đức tin và việc làm

Tọa đàm: Đức tin và việc làm

WGPSG -- “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Khởi đi từ câu "Đức tin không việc làm là đức tin chết" (Gc 2,26), Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu, SDB đã quảng diễn: Đức tin và việc làm được xem như là 2 mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau để mở đầu cho buổi tọa đàm với chủ đề: “Đức tin và việc làm” được Chương trình Chuyên đề Giáo dục tổ chức lúc 14g30 ngày 19/01/2013 tại Giảng đường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM.

Đến với buổi tọa đàm, khán thính giả đã có dịp trao đổi với 3 diễn giả: Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu - SDB; Thầy Giuse Mai Thanh Hoài - Phó ban Chương trình Chuyên đề; Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh - Giảng viên môn Việt Văn tại Chủng viện Phú Cường.

Với sự hướng dẫn của MC Vũ Minh, bầu khí của buổi toạ đàm càng trở nên sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn khán thính giả. Nhờ đó, mọi người mạnh dạn chia sẻ những "hồng ân đức tin" mà Thiên Chúa đã trao ban, để cùng nhau sống đức tin hơn là đi tìm một định nghĩa về đức tin. Cha Phanxicô Xaviê đã xác định chủ đề và giới hạn đề tài với các nội dung sau:

1- Tương quan giữa đức tin và việc làm theo Kitô giáo

Dựa vào lời Thánh Phaolô: “Dù anh chị em ăn uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm vì vinh danh Thiên Chúa” (1Cr 10,31), Cha Phanxicô đã giải thích lý do tại sao đức tin cần có việc làm? Đó là vì đức tin ấy là tin vào Đấng ở nơi mình, là Đấng chưa ai từng thấy, từng biết (Ga 1,18); đồng thời, đó cũng là niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta. Song “Nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” (Rm 8,25). Và sự nhẫn nại đợi trông ấy chính là việc làm của đức tin. Để dẫn chứng, ngài đã đưa ra các kinh nghiệm “nên thánh” của các thánh nhờ thực hành đức tin trong đời thường, như:

- Châm ngôn của Dòng Biển Đức: Cầu nguyện và lao động (Ora et labora).

- Thánh Don Bosco: Làm việc là cầu nguyện.

- Thánh Đaminh: Nói với Chúa mọi nơi mọi lúc, nói về Chúa bằng cả cuộc đời.

Vì Chúa Giêsu đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Bên cạnh đó, Thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã nêu lên hiện trạng nhiều bạn trẻ ngày nay bị “nghiện công việc”, các bạn nại vào hoàn cảnh để không kết hiệp với Chúa ngay khi mình đang làm việc như Origen đã nói: “Ta luôn cầu nguyện khi ta kết hợp kinh nguyện với công việc ta phải làm, và nối kết những công việc này với kinh nguyện. Chỉ có như thế thì lệnh truyền cầu nguyện không ngừng mới có thể thực hiện được” (Ep 6,18; 1 Tm 2,8; 1Tx 5,17).

Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh còn nhắc đến hoa trái mà Giáo hội được hưởng nhờ là do những lời cầu nguyện âm thầm của các tu sĩ dòng Cát Minh, tựa như nhờ lời cầu nguyện của Môsê mà quân Do Thái đã thắng trận. Vì thế, chúng ta không thể coi nhẹ việc cầu nguyện hơn hoạt động, hoặc ngược lại. Bởi lẽ, cả hai đều cần thiết, nó luôn gắn kết mật thiết với nhau.

Kết luận, Cha Phanxicô Nguyễn Minh Thiệu, SDB đã nhắc lại lời Thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17&26), thì một cách tương tự, cầu nguyện mà không hành động thì không phải là cầu nguyện thật. Thánh Giacôbê còn nói: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24). Đó là lý do Cha Phanxicô đưa ra lập luận: Đức tin và việc làm được xem như 2 mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau.

2. Hoa trái của việc làm với đức tin

Với những gợi mở trên, các diễn giả đã giúp tham dự viên hướng đến một chiều kích mới, đó là “Hoa trái của việc làm với Đức tin Kitô giáo”. Cha Phanxicô trình bày: Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người được quyền tự do “lựa và chọn”. Vì thế, chúng ta phải tuyệt đối đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa để đón nhận được hoa trái của cầu nguyện và làm việc, như lời Mẹ Têrêsa Calcutta: “Hoa trái của cầu nguyện là đức tin, hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là niềm vui”. Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6).

Để từ đây, chúng ta có thể xác tín niềm tin của mình:

- Tin để làm việc: để có định hướng đúng, tinh thần mạnh mẽ và bền bỉ trong công việc.

- Tin để làm được: để làm được điều vượt quá sức con người.

- Tin để làm tốt: để đạt đến mức hoàn hảo.

- Tin để làm thánh: để đạt được ơn cứu độ.

Để bổ sung, Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh đã nêu ra nhận xét: Các tu sĩ thời nay rất nhiều tài năng và kỹ năng. Các vị có thể bước vào nhiều lãnh vực khác nhau, cả đạo lẫn đời. Cho nên, hoạt động của các vị rất sâu rộng, đa dạng và phong phú. Phải nói rằng, các vị đã gặt hái được những thành quả vàng son qua công việc. Từ việc tổ chức các buổi tĩnh nguyện, dạy giáo lý, nuôi dạy trẻ, cho đến các lãnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… Điều đó không có nghĩa các vị nghiêng về hoạt động hơn là cầu nguyện, vì trong thực tế, các vị phải cầu nguyện rất nhiều mới có thể thực hiện tốt các hoạt động trên. Cũng như chúng ta thấy bóng đèn chiếu sáng rực rỡ là nhờ cái máy phát điện ở trong góc khuất nào đó.

Thầy Giuse Mai Thanh Hoài cũng chia sẻ kinh nghiệm: Không nên thần tượng hóa công việc, bởi nó sẽ trở thành gánh nặng cho ta. Thầy nhắc lại lời khuyên của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Đồng tiền chôn vùi con xuống nếu con đội nó lên đầu, đồng tiền làm bệ dưới chân con nếu con đứng trên nó”. Vì thế, chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta mạnh dạn vượt qua mọi cám dỗ, thử thách để dứt khoát chỉ “Tin vào Chúa”, chọn một mình Chúa là cứu cánh cuộc đời, để “sống vì và sống cho” mọi người, để gặp được Thiên Chúa nơi anh em mình.

3. Việc làm của đức tin chính là tình yêu

Để có thể thực hiện được những điều vừa trao đổi, Cha Phanxicô đã đưa ra khái niệm: “Bổn phận làm việc và làm việc bổn phận” giúp tham dự viên phân định rõ đâu là bổn phận chúng ta cần phải làm, giống như các thánh. Theo ngài:

- Bổn phận làm việc: Các Kitô hữu cần phải sống đời lao động giống như cung cách của Đức Kitô (HTXH của GH Số 264). Mọi người phải làm việc, chứ không ăm bám người khác (2 Tx 3,7-15; 6,12). Cần phải bày tỏ tình liên đới qua việc chia sẻ những hoa trái của việc làm. Theo thánh Ambrôsiô - mỗi người thợ là bàn tay của Đức Kitô, Người tiếp tục tạo dựng và làm việc lành cho tha nhân.

- Làm việc bổn phận: Lời kinh “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa” đã giúp chúng ta hiểu rằng: Việc làm của bổn phận đụng chạm đến bản chất và đó là việc phải làm. Không phải việc gì cũng làm. Không phải việc gì cũng tốt cho đời sống và ơn cứu độ của chúng ta. Quan trọng là chúng ta phải biết chu toàn bổn phận của mình.

Đặc biệt, ngài đã đưa ra những lời khuyên của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói về bổn phận: (Đường Hy Vọng số 9-26)

- Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận. Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Các ngài chỉ chu toàn bổn phận.

- Nếu ai cũng thánh hóa trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới. Thế giới không đổi mới, vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận.

- Song bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là: liên lỉ canh tân, quyết định chọn hay chối Chúa, tìm Nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người “ngay trong phút giây này”.

Thầy Giuse Mai Thanh Hoài đưa ra nhận định: Thực trạng hiện nay có 2 thái cực sống đức tin - thái quá và bất cập. Có người chỉ chăm lo làm việc đạo đức bác ái, xã hội mà coi nhẹ “làm việc bổn phận” của mình, là chăm lo cho gia đình và con cái. Tuy nhiên, không thiếu người nại cớ vì phải lo kinh tế gia đình mà ơ hờ với các việc chung tại giáo xứ cũng như cộng đồng.

Riêng Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh đã nhấn mạnh đến đức tin mạnh mẽ của tổ phụ Abraham. Nhờ tin mà ông được Thiên Chúa kể là người công chính (x. Rm 4,1-3). Và nhờ việc làm của ông hiến dâng người con Isaac độc nhất cho Thiên Chúa, nên đức tin của ông đã được nuôi dưỡng, lớn lên, đạt đến sự hoàn hảo qua việc làm, thử thách và đau khổ (x. Gc 2,21-13). Vì thế, Thánh Giacôbê mới nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).

4. Trao đổi

Buổi tọa đàm càng trở nên hào hứng với những câu hỏi rất thực tế của tham dự viên:

- Cha Phanxicô đã nhắc nhở các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn di dân: Chúng ta không thể nại vào lý do phải tăng ca… để không tham dự lễ Chúa nhật; bởi lẽ, chúng ta có tự do để lựa chọn công ăn việc làm khi bắt đầu ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chúng ta có thể đi lễ chiều thứ Bảy thay cho Chúa nhật… Hãy nhớ lời Chúa dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Phải lựa chọn một trong hai. Không được bắt cá hai tay.

- Nhiều người nại vào lời Chúa: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34) để ỷ lại hoặc lười biếng làm việc thì sao? Thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã đưa ra lập luận: Chúng ta cần phải tôn trọng lao động, bởi vì nó là nguồn gốc của giàu có và phong lưu. Nó là dụng cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo nàn (Cn 10,4). Nếu ta không thấy ai là Đấng sai phái và nâng đỡ bằng sức mạnh của Thần Khí Ngài, và cái gì là mục đích của đời mình, ta có nguy cơ biến công việc thành một "ngẫu tượng". Thánh Phaolô cũng nhắc nhở: “Dù anh em ăn hay uống hay làm gì, anh em hãy làm mọi sự vì vinh danh Chúa” (1Cr 10,31). Như vậy, nhờ vất vả lao nhọc khi làm việc mới mang lại giá trị cứu độ nếu biết kết hợp với Thánh giá của Đức Kitô (HTXH số 263).

Để trả lời cho câu hỏi: Nếu cầu nguyện rồi mà làm việc vẫn thất bại, thậm chí nhiều lần như thế, cần phải làm gì trong lúc này? Cha Phanxicô đã giải thích căn cứ vào câu Kinh Thánh “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại, chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 19, 25-27).

Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh nhấn mạnh thêm ý tưởng của Thánh Giacôbê: Một khi đã lãnh nhận nhưng không ơn Đức tin, là ơn được nên công chính, người tín hữu phải dùng việc làm mà nuôi dưỡng và phát triển đức tin cho đến cuộc sống muôn đời.

Để đúc kết buổi thảo luận, Cha Phanxicô đã nhắc lại lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai... Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kytô (Đường Hy Vọng số 292).

Còn chúng ta hãy trở nên Tông đồ là thánh hóa môi trường bằng môi trường, lao động là tông đồ của lao động, học sinh là tông đồ của học sinh, bộ đội là tông đồ của bộ đội... (số 293), nhờ đó, “Chu toàn bổn phận cách vui vẻ sẽ là thánh” (Don Bosco).

Buổi tọa đàm kết thúc lúc 17g30, khép lại Chương trình Chuyên đề Giáo dục Khóa 23: “Kitô hữu sống Năm Đức Tin” để chuẩn bị khai mở Khóa 24 vào đầu năm Quý Tỵ với Chủ đề: “Xây nền tảng - Tạo thành công”. Hy vọng khóa học này sẽ mang lại cho khán thính giả những kinh nghiệm quý báu và bổ ích, để cùng giúp nhau đi đến thành công trong cuộc đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top