Lộ trình Phúc Âm của thánh Gioan La San

Lộ trình Phúc Âm của thánh Gioan La San

(Cuộc nói chuyện này được tổ chức tại
Trung Tâm Thánh Louis-của-dân-Pháp
)

Người ta đã mời tôi nói chuyện với quí vị chiều nay về Thánh Gioan La San. Công việc này nằm trong chu trình những bài diễn thuyết về các giai đoạn của nền linh đạo Pháp. Và vì thế tôi gán cho bài nói chuyện này một tựa đề là “Lộ trình Phúc Âm của một đấng lập dòng, thánh Gioan La San (1651-1719). Dưới góc độ tổng quát của chu trình trên, đề nghị của tôi có vẻ bị giới hạn phần nào nếu không nói là có phần lệch hướng nữa. Ba suy tư tiên khởi gắng sức xác định lý do nền tảng của cách thức mà tôi lựa chọn để tiếp cận vấn đề linh đạo La San. Lại nữa tôi thiết tưởng rằng lời phi lộ này đã tự nó tiếp cận vấn đề rồi trong khi chúng ta lần bước theo đề tài được đề ra.

Trước tiên, suy tư thứ nhất xuất phát từ một quan sát thường được đúc kết thành công thức. Danh phận của đấng sáng lập dòng các sư huynh La San, đối với nhiều người, tự nhiên gợi lên những vấn đề trường học, lãnh vực giáo dục, thế giới của nhà giáo… hơn là những vấn đề linh đạo. Nhắc đến cha Gioan La San, người ta liên tưởng ngay đến một loại mô hình sư phạm. Tùy theo kinh nghiệm của những người sử dụng mô hình hay tùy từng khuynh hướng của những người diễn dịch mà nền giáo dục này được đánh giá là thực tiễn hay không tưởng, là bình dân hay dành riêng cho giới được chọn lọc, mang tính chất cải cách hay hủ lậu tầm thường, giải phóng hay áp bức.

Khá hiếm việc người ta nghĩ rằng trước tiên thánh Gioan La San là một bậc thầy về đàng thiêng liêng. Cha André Rayez, trong một thời gian dài là giám đốc tiểu ban soạn thảo Tự điển về linh đạo, đã ghi nhận sự kiện này trong một bài nghiên cứu thật chất lượng được công bố vào năm 1952. Chỉ một ví dụ về sự thiếu hiểu biết này, có lẽ điển hình nhất, quyển sách đồ sộ Lịch sử văn học về tâm tình tôn giáo tại Pháp của linh mục Brémond, không hề nói đến Gioan La San. Ngay cả tên của ngài cũng không được nhắc đến trong mười một tập của công trình chủ lực này.

Dù thế, thánh sáng lập dòng chúng ta xứng đáng được đề cập đến cách nào đó, cả trong trường hợp có thể là ngài không đại diện cho một giai đoạn của linh đạo Pháp. Quả thật là ngài đã viết ra những tác phẩm về giáo dục và huấn giáo mà trong suốt hai thế kỷ, chúng là một thành công đáng kinh ngạc trong ngành phát hành sách: quyển Điều hành các trường học với 24 lần tái bản cho đến tận 1903; quyển Phép lịch sự và cách đối xử văn hóa theo Kitô giáo được xuất bản hay in lại 126 lần giữa các năm 1703 và 1853; quyển Những bổn phận của một Kitô hữu đối với Thiên Chúa và những phương tiện nhằm thể hiện các bổn phận ấy được xuất bản 270 lần giữa các năm 1703 và 1928. Nhưng ngài cũng soạn thảo rất nhiều tác phẩm về đề tài thiêng liêng: Luật dòng; một sưu tập những khảo luận ngắn về nhiều điểm trong đời sống thiêng liêng mà ngài đặt tên là Góp nhặt; ba loạt bài suy gẫm gồm 77 bài về các ngày Chúa nhật và một số ngày lễ theo dương lịch, 109 bài về lễ các thánh, 16 bài nguyện gẫm dành cho thời kỳ tĩnh tâm được qui chiếu về ý nghĩa và những đòi hỏi thiêng liêng trong hoạt động giáo dục của các sư huynh – mà Gioan La San với một giọng điệu hết sức tự nhiên, đã áp dụng từ ngữ Thừa Tác cho hoạt động này – cuối cùng là một thiên khảo luận về cầu nguyện tâm linh hoặc mặc niệm, hay theo cách các Sh. thường gọi là nguyện gẫm – và được trình bày như một Giải thích phương pháp nguyện gẫm, mà ngài trao lại cho các Sư huynh.

Từ những văn bản này, khá nhiều sử gia thấy nơi thánh Gioan La San một chứng nhân của những phong trào tâm linh tại Pháp vào thế kỷ 17 mà sự phong phú của ngài “khó mà chấp nhận để mình bị giam hãm trong khuôn khổ của học đường hay của nhóm phái này nọ”. Giống như phần đông các tác giả bàn về những đề tài tâm linh thời ngài, Gioan La San thấy nơi Kinh Thánh nền tảng của đời sống tâm linh những Kitô hữu. Nhất là ngài tự định vị trong phong trào cải cách Công giáo và ngài được linh hoạt bởi tinh thần canh tân thiêng liêng và nhiệt tâm truyền giáo. Chủ thuyết tâm linh của thánh nhân mang dấu ấn của thuyết quy Kitô do Bérulle chủ xướng, lòng sùng kính Ngôi Lời nhập thể và sự hiệp thông với các Mầu nhiệm, sự kết nối với Đức Kitô, nỗ lực để nên đồng hình đồng dạng với Người về mọi mặt, và điều này giả thiết sự hy sinh, sự từ bỏ...

Tuy vậy – và đây là suy tư sơ khởi thứ hai của tôi – những ai đã nán lại nghiên cứu kỹ giáo thuyết thiêng liêng của cha thánh Gioan La San, họ đều nhấn mạnh đến nét đặc thù của cha. Có nét độc đáo à ? Vâng Gioan La San chắc chắn có đó, qua một số nét hay những dấu nhấn trong lời giảng dạy thiêng liêng của ngài. Do vậy, để xác định và đào sâu công tác giáo dục khiêm tốn của ANH EM mình, cha thánh đã cậy nhờ tới những trích đoạn quan trọng mà thánh Phao-lô đã sử dụng khi nói về thừa tác vụ Phúc Âm. Bằng lối sống và bằng lời giảng dạy – linh mục Rayez viết như thế vào năm 1955 – “Cha Gioan La San luôn là một trong những đại diện của trào lưu thiêng liêng về sự phó thác trong hai thế kỷ 17 và 18”. Phương pháp nguyện gẫm của cha thánh rất độc đáo do tầm quan trọng mà cha gán cho việc đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Để kết thúc, vị trí mà cha thánh dành cho Chúa Thánh Thần trong cuộc sống tâm linh quả là đồ sộ.

Người ta có thể nói mà không sợ mâu thuẫn rằng cha Gioan La San khá độc đáo trong linh đạo của mình do sự thu thập có chọn lọc chắt chiu từ những nguồn khác nhau. Các nguồn gốc của linh đạo ngài rất đa nguyên. Ngài lựa lấy điều hay khắp nơi mà ngài gặp. Ngài bay lượn tự do từ cha Olier đến tu sĩ Cát Minh Laurent de la Résurrection, từ thánh François de Sales đến Bernières, từ thánh nữ Thérèse thành Avila đến tu sĩ khổ tu Rancé, từ cha dòng Tên Busée đến Beuvelet, đệ tử của Bourdoise, hay từ linh mục Tronson đến cha dòng Phan-sinh Barré, từ tu sĩ dòng capucin Jean Francois thành Reims đến kinh sĩ Roland, từ tu sĩ dòng Saint Maure Claude Bretagne đến tổng phó tế Boudon. Nhưng ở đây, sự độc đáo thể hiện qua khả năng hội nhập và đồng hóa của cha thánh. Và hơn nữa, bởi điều mà người ta gọi là thiên tài tái chế của cha. Nếu như cha đã sử dụng đủ loại chất liệu, cha đã cải biến chúng và tạo cho chúng một sự hài hòa mới, sử dụng chúng vào việc dựng xây ngôi đại thánh đường của mình.

Vì nói cho cùng, linh đạo của cha thánh lập dòng Gioan La San sở dĩ là độc đáo nhất cũng bởi vì cha đã từng bước thai nghén nó, qui chiếu đến những đối tượng cụ thể mà ngài rất am tường, được liên kết trong cùng một chí hướng, một hoạt động như nhau, lặn ngụp trong cùng một môi trường. Trong cụ thể, tất cả những sách về tâm linh mà cha La San đã soạn thảo đều nhằm phục vụ cho nhóm nhỏ các thầy giáo tụ tập quanh cha và dưới sự hướng dẫn của cha, họ tiến đều từng bước một đến việc thành lập một cộng đoàn tu sĩ với dạng thức mới.

Cha viết để đáp ứng sự mong chờ của họ, theo nghĩa là trong các tác phẩm tâm linh này, cha để lời trực tiếp với chính họ. Khá nhiều bài nguyện gẫm được soạn thảo cho ngôi thứ hai số nhiều (các anh em…). Không nghi ngờ gì nữa, sự hạn chế về đối tượng này giúp ta dễ hiểu vì sao sự tỏa sáng của linh đạo La San bị nhiều giới hạn như vậy.

Thánh Gioan La San viết cốt để đáp ứng nhu cầu của anh em trong dòng, và theo nghĩa này - và chỉ vì thế – là chính cuộc sống họ sẽ làm nên chất liệu cho việc giảng dạy tâm linh của ngài. Về việc này, người ta có thể nói đến hiện thực thần bí. Ngài luôn đồng hành với họ trong mọi tình huống nghiệp vụ, tập thể cộng đoàn và cá nhân của họ, trong những lo âu thường nhật, những sự kiện và những bổn phận đơn giản hay gai góc hơn mà nghề nghiệp họ đã tạo nên. Ngài theo dõi họ nhất là trong những dây đan kết sống động của những liên hệ liên nhân vị: với các sư huynh, với các thanh thiếu niên mà họ chịu trách nhiệm, với những con người. Và ngài luôn giúp họ tiến vào chốn thần bí của cuộc sống này càng sâu thẳm càng tốt.

Hiện thực thần bí thường triển khai thành bốn thì ngay cả dù chủ định của nó không có sự xơ cứng của một hệ thống giả tạo. Tuy nhiên người ta thường có thể nhận ra một chùm bốn lời mời gọi trong việc triển khai học thuật tâm linh La San:

* bén rễ trong hiện thực.

* chiêm ngắm mầu nhiệm đang diễn ra trong thực tại.

* dấn thân luôn được tái khẳng định để biến đổi thực tế.

* mở ra với thăng hoa, với nhưng không, với tối hậu.

a) Bén rễ sâu trong hiện thực: “Anh em hãy nhìn xem mình sống gì nào, hãy ý thức về tình trạng hiểm nghèo của những người trẻ mà Thiên Chúa đặt trên đường đi của anh em, cũng hãy ước lượng xem những điều chủ chốt trong công tác giáo dục của anh em, hãy kiểm tra lại những khó khăn cụ thể, hãy đo đạc kỹ đoạn đường anh em đã đi qua”. Ở đây, khoa sư phạm cụ thể của cha đã trở thành chất liệu cho lãnh vực thiêng liêng. Và đây cũng thường là cuộc tranh đấu mà cộng đoàn còn phôi thai phải chấp nhận và phải tiến hành để xây dựng một đường lối sư phạm và làm vươn dậy một học đường thật sự phục vụ cho giới trẻ.

b) Chiêm ngắm cái thực tế của mầu nhiệm trong những gì đang sống: “Chính Thiên Chúa đã gọi anh em đến với cuộc sống, đến với công tác phục vụ này. Mỗi ngày Người gọi lại anh em qua những tiếng kêu, những nhu cầu của giới trẻ. Đây là công việc của Người và Người giao lại cho anh em: Khi anh em hiện diện với giới trẻ, sự cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô có thể được hiện tại hóa cho chúng, một sự cứu rỗi vừa là giải thoát, vừa đạt đến phẩm giá con người, phẩm giá con Thiên Chúa mà chúng đã mang mầm ấy từ khi mới sinh ra, từ khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Nơi anh em, xuyên qua hoạt động giáo dục của anh em: các bạn trẻ này có thể giáp mặt với Đức Kitô vị mục tử tốt lành, Đấng biết tên từng người, yêu thương chúng, giúp chúng lớn lên theo cung cách của chúng, và cũng luôn bền bỉ trở lại cố tìm cho ra những trẻ có nguy cơ lạc lối. Trong những cố gắng của anh em: để cho các bạn trẻ này thể hiện được mình, để chuẩn bị chúng cho một nghiệp vụ về mặt kỹ thuật và về mặt nhân cách. Trong sự lo lắng của anh em: đưa chúng vào Giáo Hội như những viên đá sống động, một Giáo Hội được tái sinh và lớn lên từ các trẻ này. Chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần được triển khai nơi anh em, chính Chúa Thánh Thần dùng anh em để làm nên “những người anh lớn” cho các bạn trẻ này hầu giúp chúng xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Và chính Chúa Thánh Thần đã hợp nhất anh em với nhau, không chỉ nhằm để từ sự liên kết này làm phát sinh một ngôi trường được canh tân, mà còn để tình huynh đệ Phúc Âm được “lây lan” ra, để thành một nơi Tin Mừng được rao giảng cho nhau, một nơi thể hiện sự chia sẻ, sự nâng đỡ nhau, một nơi hoà giải và tha thứ”.

c) Lời mời gọi thứ ba của Gioan La San trong lời giảng dạy về đường thiêng liêng của ngài, là sự dấn thân được tái khẳng định trong thực tế hoạt động nghề nghiệp hay hoạt động của cộng đoàn. “Bởi vì đây là công trình của Thiên Chúa, anh em hãy ra tay làm với lòng hăm hở, hãy dồn tất cả tài năng, ơn thiêng và ơn đoàn sủng của anh em để thực hiện nó cho bằng được. Hãy chứng tỏ tài tháo vát của anh em trong sáng kiến; đừng bao giờ đánh mất những mục đích tối hậu của nghề nghiệp, của thừa tác vụ anh em. Vì rằng anh em là chi thể của Đức Giêsu Kitô, anh em hãy cố sống theo sát bên Người và từ sự kiện được tháp nhập vào Người, vào mầu nhiệm nhập thể và ở cùng nhân loại của Người, mầu nhiệm của “người tôi tớ” và của “ngôn sứ” của Người, mầu nhiệm của cuộc chiến đấu để phục vụ công lý nhằm tạo thuận tiện cho sự thăng tiến của những người trẻ này trở thành con cái Thiên Chúa trong hiện thực. Nên biết rằng những khó khăn mà anh em sẽ va phải khi ủng hộ lập trường “học đường miễn phí”, khi anh em ra sức cải tạo học đường, để chiến thắng thói quen hủ lậu và xơ cứng, những khó khăn này - đôi khi sẽ trở thành bách hại – là lối diễn tả của mầu nhiệm phục sinh sự sống, mà anh em phải trả giá bằng những đau khổ, bằng sự chết đi cách nào đó để mầu nhiệm ấy được phát triển. Anh em là những tác nhân của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới gương mặt địa cầu. Hãy gia tăng gấp đôi những sáng kiến sư phạm, cùng lúc với sáng kiến đối thoại giữa anh em với nhau, với các bạn trẻ, với gia đình và môi trường của chúng, với những người phục vụ khác của Giáo Hội nữa”.

d) Sau hết cũng nên thêm rằng trong khi kêu mời sư huynh phải bén rễ càng lúc càng sâu đậm trong cái hiện tại này, lời giảng dạy La San về đàng thiêng liêng không ngừng thôi thúc sư huynh cách thế nào đó – có thể nói – làm nổ tung cái hiện tại khiêm tốn này, không phải bằng cách trốn chạy khỏi đó nhưng bằng cách sống triệt để chiều kích bí nhiệm của nó: cha Gioan La San gọi đó là mở ra với lời kinh nguyện thán phục, tạ ơn, van nài và đầy lòng trông cậy. Cha mời gọi mở ra với sự tin cậy và sự phó thác của người đầy tớ khi dấn thân hết mình, biết rằng công trình của mình cũng chính là công trình của Thiên Chúa và rằng hạt giống được gieo sẽ trổ sinh hoa trái trong yên tĩnh và cả trong cái vẻ vô sinh!

Về vấn đề này, người ta có thể nói rằng cội nguồn của linh đạo La San là kinh nghiệm sống của các sư huynh, nhưng được đọc lại, được bổ sung và được nâng cao nhưng vẫn được quy chiếu vào lịch sử cứu độ: lịch sử cứu độ đang hoàn thành tại đây và ngay bây giờ, xuyên qua thừa tác vụ cụ thể của họ; lịch sử cứu độ thể hiện ngay tại nguồn sự sống là Đức Giêsu Kitô, Đức Kitô của Phúc Âm và Đức Kitô hằng sống hôm nay bởi Thánh Thần của Người; lịch sử cứu độ trên đường hoàn thành lịch sử của nó (do đó, tầm quan trọng của những bài Nguyện gẫm về các thánh) và trong sự chờ đợi ngày cánh chung, thành phần thiết yếu thuộc toàn bộ của dấn thân Kitô, của cầu nguyện, của bí tích tạ ơn. Kinh nghiệm sống của các sư huynh cũng được đọc lại, được tu bổ lại, “lên dây cót lại” nhưng vẫn quy chiếu vào Thiên Chúa hằng sống trong lịch sử này, vào Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần: Vì nguyện gẫm La San không ngừng kéo sư huynh về với công việc bổn phận nên “Giải thích phương pháp nguyện gẫm” mở sư huynh ra với cuộc đối thoại thân mật và hướng thượng lên với Thiên Chúa hằng sống, Đấng hằng mời gọi, biến cải, lấp đầy và phù trợ.

Nhận định này đưa chúng ta đến một suy tư sơ khởi thứ ba. Tôi mới vừa đề cập về kinh nghiệm sống của các sư huynh. Còn chính kinh nghiệm sống của Gioan La San ra sao dưới góc độ lời giảng dạy tâm linh của ngài?

Trước tiên, cha Gioan La San hình như không thường căn cứ vào kinh nghiệm riêng của cha. Ngôn ngữ của cha cũng khá vô tư, không cá tính. Cha không hề gợi lên mối liên lạc của cha đối với Thiên Chúa. Các sử gia đầu tiên của cha nếu có dịp là than phiền về sự kín đáo này. Tuy vậy khi đọc kỹ các tác giả này và những bản văn La San chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng cha Gioan La San ý thức rất rõ mình đang sống đời mình như một cuộc đối thoại kịch liệt và đôi khi như một cuộc tranh đấu với Thiên Chúa hằng sống trong lịch sử để cứu độ con người.

Một cách chính xác hơn, cha đích thân gợi lên kinh nghiệm thiêng liêng mang tính quyết định mà cha đã trải qua vào độ tuổi ba mươi. Hướng tiến cuộc đời của cha đã bị đánh dạt một cách bất ngờ tiếp theo sau sự ngẫu hợp của những tình huống không tiên liệu được. Tuy nhiên trong sự đảo lộn này – diễn ra tận căn nhưng tiệm tiến – cha Gioan La San đã nhận ra Thiên Chúa đã kinh qua đời mình một cách dứt khoát và quyết liệt. Cha nhận ra tiếng gọi phải từ bỏ tất cả để theo Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần đã định cho cha một cách kín đáo - nhưng không thể cự cãi lại được – hướng tiến đến việc thành lập một cộng đoàn những giáo dân được thánh hiến cho Thiên Chúa, trong công cuộc giáo dục giới trẻ bị bỏ rơi.

Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt mọi sự cách khôn ngoan và dịu dàng. Ngài không có thói quen ép buộc hướng chiều của con người, Ngài muốn tôi dấn thân trọn vẹn trong việc chăm lo cho các trường học. Ngài thực hiện điều này một cách rất kín đáo và từ từ, đến nỗi tôi sa vào từ dấn thân này đến dấn thân khác, mà lúc ban đầu tôi không hề tiên liệu” (CL 7,169). Sự quan trọng của tiến trình bản thân cha Gioan La San luôn luôn được công nhận. Nhưng hai dữ kiện trong tình hình hãy còn khá mới vừa xảy ra đã góp phần làm nổi bật nó lên và đổi mới cách tiếp cận nó. Công đồng Vatiacan II đã mời gọi các dòng tu bắt đầu và tiếp tục canh tân đời sống và những dấn thân tông đồ của dòng. Trong mục tiêu này, công đồng thúc đẩy các dòng hồi tâm và lắng nghe – nhưng với một cung cách mới – lời dạy dỗ của đấng lập dòng để hôm nay đây, tìm lại cội nguồn phát sinh ra lối sống tu trì của họ.

Đối với các Sư huynh trường Kitô, tiếng gọi này như đã được lập lại và được củng cố thêm bởi việc tổ chức mừng lễ ba trăm năm ngày lập dòng vào năm 1980. Việc kỷ niệm những giai đoạn phát triển lúc ban đầu của dòng La san trở thành dịp tốt cho tập thể các sư huynh thâm cứu gia tài thiêng liêng của mình. Nối mạng cách chuyên chú hơn với lộ trình mà theo đó cha Gioan La San được dẫn lối và trở thành người sáng lập một dòng mới trong Giáo Hội, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn việc ngài đã sống tiến trình nhân loại như một kinh nghiệm tâm linh, một lộ trình Phúc Âm.

Tiếp tục cuộc thuyết trình này, tôi mong chia sẻ cuộc nghiên cứu này với quí vị. Tôi sẽ gợi lên kinh nghiệm tâm linh mang tính quyết định, kinh nghiệm trở về với Phúc Âm mà cha Gioan La San đã thực hiện giữa những năm 1679 và 1684, và nó đã giúp ngài trở nên người sáng lập dòng tu. Thực hiện điều này, tôi sẽ còn đề cập đến linh đạo Gioan La San khi nhắc lại nguồn gốc sơ khởi của linh đạo ấy.

A. Như mọi công trình thành lập dòng tu, việc thành lập dòng La San mang dáng dấp của một sáng tạo lâu dài: hội dòng sinh ra thật vất vả và phát triển lại càng khó khăn. Theo một nghĩa nào đó, dòng tu mới này chưa hẳn là được “thành lập” khi cha Gioan La San qua đời. Khi Ngài rời bỏ thế gian này, ngày thứ sáu tuần thánh, 07 tháng tư năm 1719 vào tuổi 68, hội đoàn mà ngài đã cố tạo dựng nên trong vòng 40 năm, chưa có được tính cách pháp nhân, cả trong vương quốc Pháp lẫn trong Hội Thánh. Con đường cha Gioan La San đi qua là một chuỗi dài những cuộc tranh đấu, khủng hoảng, nhảy vọt và những qụy ngã. Ngài buộc lấy quyết định khởi đầu làm lại tại nhiều khúc quanh của đời mình.

Giữ lại niên hiệu 1680 như là năm thành lập dòng phần nào đó quả là võ đoán; tuy vậy, vào lễ Phục sinh 1680, một sự kiện rất thật mang tính biểu tượng của một khởi đầu thật sự của cộng đoàn La San. Ngày ấy, cha Gioan La San quyết định đón tiếp tại bàn ăn gia đình – mà ngài chủ trì với tính cách là gia chủ – nhóm nhỏ các thầy giáo được ngài giúp đỡ bám trụ tại thành phố Reims. Vào tháng ba 1679, ở tuổi 28, ngài đã gặp vị “sư phó” của họ, Adrien Nyel, gần như là rất bất ngờ. Vị này vào khoảng 55 tuổi đã đến Reims nhằm thiết lập trường học cho bọn nhóc, con cái của “đám dân ngu khu đen”, như ông đã từng làm tại thành Rouen vậy. Và Gioan La San đã đóng góp kinh nghiện cũng như uy tín cá nhân vào dự án này. Ngài tiếp tục quan tâm nhiều đến những mày mò đầu tiên của các thầy giáo do ông Nyel chiêu mộ. Vào lễ Giáng Sinh năm 1679, ngài đã bỏ tiền túi mình ra để mướm nhà cho các thầy được sống chung với nhau.

Cho đến thời điểm đó, cha Gioan La San chỉ dành cho những con người này một ít thời gian, một ít tiền của, một ít chú ý. Công việc này, có thể coi như “việc làm phước”, là chuyện ngoại thân. Hơn thế nữa, cha vẫn tiếp tục cuộc sống tiện nghi, đôi lúc bị ngắt quảng bởi cần hoàn tất việc học tập tại Đại học thành Reims, quản trị thận trọng gia tài của song thân để lại, trung thành với những bổn phận hợp lý và có thù lao của chức vụ kinh sĩ.

Khi quyết định đón nhận các thầy tại bàn ăn gia đình, có thể là cha nghĩ rằng chỉ làm thêm một điều thiện hảo cho những người này, mà cha mong mỏi họ sẽ thành công trong nghề nghiệp. Cha sẽ gặp họ thường xuyên hơn, cha sẽ biết được họ sát sườn hơn, cha có thể giúp họ hoàn thiện trong công tác hơn. Tuy vậy, sáng kiến này cuối cùng rồi sẽ làm đảo lộn cuộc sống của cha, thay đổi tận căn những lựa chọn, những mục tiêu, những giá trị của cha. Chính từ giây phút này, cha khởi sự trở thành “nhà sáng lập dòng tu”.

Khi chấp nhận cho các thầy dự vào bàn ăn gia đình, cha La San khởi đầu cuộc sống chung với họ. Cha cũng ấn định cuộc sống chung cho những người thân của cha, cho 3 đứa em trai nhỏ nhất còn ở lại với cha. Bằng hành động này, cha đã thực hiện việc đối đầu với một thách thức mạnh bạo, một "cú sốc văn hóa” giữa hai thế giới thực tế chẳng biết tí gì về nhau. Cú sốc này, cha sẽ nghiệm được trong môi trường gia đình và xã hội của cha. Cha sẽ cảm nhận được sự va chạm này ở chốn sâu thẳm của lòng mình.

Phục sinh 1980: thời điểm đánh dấu sự khởi phát có thể truy cứu được về chuyển động của thế giới nội tâm cha. Nó chỉ ra điểm khởi hành của cuộc hoán cải về với Phúc Âm sống. Nó nhắc lại sự khai mào cho một tiến trình giải phóng bên trong và ra ngoài xã hội, lôi kéo Gioan La San đến nơi mà cha không có ý định đến, không ao ước cũng như không đủ can đảm dấn thân vào. Bước đầu của việc thành lập dòng phát nguyên từ phôi mầm đầu tiên cộng đoàn. Nhưng trước hết là việc xuất hiện của một nhà sáng lập theo tiếng gọi Phúc Âm của ngài. Ngài nhìn nhận rằng Chúa Thánh Linh đã đi qua đời ngài, một sự vượt qua bất ngờ và bất khả kháng.

Tôi đã nói về hai thế giới xa lạ nhau nhưng rồi sẽ song hành, khám phá lẫn nhau, đối chiếu nhau và sau đó sẽ đối chọi nhau. Trước tiên là trên bàn ăn gia đình và chẳng bao lâu, trong cả trái tim cha Gioan La San. Thế giới của cha La San là thế giới thượng lưu thành Reims mà biểu tượng là việc thăng tiến rực rỡ của một bộ trưởng Colbert và kích thích tham vọng, tính năng động và sự khát khao thành công. Cha Gioan La San thuộc thành phần gia đình địa chủ tư sản do nhờ biết khai thác thương mại mà giàu lên từ nhiều thế hệ trước. Phụ thân của Gioan La San, ngài Louis de la Salle, là cố vấn của đức vua tại nghị viện tỉnh, thụ hưởng vừa những lợi thế về quyền lực vừa những lợi ích về tài chính.

Khi cha mẹ của Gioan La San vì mệnh yểu mà qua đời quá sớm, cha trở thành người giám hộ của các em trai và gái của cha do quyền huynh thế phụ. Trong công tác quản trị tài sản gia đình, cha đã chứng tỏ được tính thực tiễn và tài năng của mình. Nhiều con nợ cảm nghiệm được tính nghiêm khắc của những yêu sách ngài đưa ra: một cộng đoàn nữ tu nào đó rề rà trong việc thanh toán tiền nhà liền bị ngài gởi đội thi hành án đến nhắc nhở. Khi ngài từ chức giám hộ để dành toàn bộ thời gian cho việc theo học khoa thần học, ngài có thể trình ra cho người thân trong gia đình sổ sách kế toán thật chi li, và qua đó ta có thể khám phá được tính chính xác và sự khéo léo của nhà quản trị và đồng thời sự dịu dàng và tế nhị của người anh cả.

Cha Gioan La San đã dẫn đưa năm hay sáu ông thầy giáo trường nghèo - mà ngài để tâm chăm sóc - thâm nhập vào thế giới mà trong đó tiền tài của cải, thủ đoạn quyền hành, lợi ích văn hóa, hệ thống chằng chịt những liên lạc, những vùng ảnh hưởng, tất cả những điều này tạo nên sự an toàn và bảo đảm. Thế nhưng những thầy giáo này lúc ấy lại thuộc về một tầng lớp xã hội bị đánh giá thấp, bị khinh thị tuy một cách không hẳn là vô lý ! Rất nhiều bản văn trong thời kỳ này lớn tiếng than phiền về những tồn tại trầm trọng nơi họ, những con người chỉ biết hướng về công tác giáo dục bình dân chỉ vì họ đã đến nước đường cùng, vô phương tìm được kế sinh nhai nơi khác. Tôi chỉ cần đưa ra đây một mẫu thí dụ điển hình về những ta thán mà tôi có dịp nghiên cứu sâu rộng hơn trong một tình huống khác. Đoạn văn mà tôi trưng ra sau đây được trích từ bản “Báo cáo quan trọng về việc thành lập một loại chủng viện để đào tạo các thầy giáo đứng lớp” của linh mục Charles Démia, xuất bản tại Lyon vào năm 1687: “Bị đọa đày bởi một tai học cùng cực, ngày hôm nay người nhận thấy một nghề nghiệp quá đổi thánh thiện và qua cao quý lại bị nguy cơ lọt vào tay bọn cha căn chú kiết nào đó bởi vì chúng biết đọc, biết viết, một bọn vô tích sự và khốn nạn (hơn nữa lại hư đốn xấu xa), người ta lại giao bọn trẻ cho chúng chăm sóc mà không quan tâm, lo lắng gì cả. Đây quả là để làm ơn riêng biệt cho kẻ nào đó, người ta lại gây hại cho toàn bộ công chúng… Công việc này – việc dạy học – có nguy cơ bị khinh bạc và thường xuyên được đảm trách bởi một bọn khốn nạn, vô danh tiểu tốt, những kẻ không ra gì …”.

Công việc dễ bị khinh chê, do những con người đáng thương hại và không chút danh tiếng đảm trách, những kẻ không ra gì, “không kí-lô nào”, không có chuyên môn nghề nghiệp gì, và cũng không có chỗ đứng trong xã hội. Sau này, tâm sự mà cha Gioan La San đã để lại khi gợi nhớ cuộc gặp gỡ của chính mình với ông Nyel xét dưới một góc độ nào đó có vẻ phụ họa cho lời phẩm bình chua chát của Démia. Cha giải thích tại sao cha hoàn toàn không nghĩ đến việc dấn cuộc đời mình vào nẻo đường mà rồi “thời thế” sẽ đưa đẩy: “Nếu tôi tin rằng việc chăm lo các thầy giáo dạy trường vì hoàn toàn do lòng bác ái, trở thành bổn phận buộc tôi phải ở chung chạ với họ, có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Bởi theo tự nhiên, tôi xem những người mà tôi buộc phải sử dụng để điều hành trường học là “dưới cơ” xa những tôi tớ trong nhà tôi; nội chỉ ý nghĩ phải sống chung với họ cũng đủ làm tôi không chịu đựng nổi” (CL 7,169).

Đề cập đến hai thế giới - dù nơi chúng hàm chứa tương phản, dù sự đối nghịch sẽ gia tăng khi chúng tiếp xúc nhau, không phải vì muốn chấp nhận để bị lôi kéo vào việc tái thiết quá khứ cách thiếu khách quan. Vào thời ngài, cha Gioan La San ghi nhận theo quan điểm mình là các thầy giáo thuộc một tầng lớp xã hội khác hẳn tầng lớp của ngài, thấp hơn tầng lớp của những kẻ đang phục dịch trong nhà ngài. Ít ra những người tôi đòi này cũng còn thuộc về hệ thống xã hội của ngài. Và đấy không phải là trường hợp của những thấy giáo và từ đó, ngài không thể tưởng tượng rằng “mình sống được với bọn họ”. Thế nên ngài viết tiếp thêm “Thật vậy, tôi cảm nghiệm được một sự khổ sở cực điểm trong thời gian đầu, khi tôi cho gọi họ đến ở trong nhà tôi, và việc này kéo dài trong hai năm” (CL 7, 169).

Nhưng, như thế tại sao Cha Gioan lại quan tâm đến những người thuộc một thế giới khác, và tại sao cha lại “cả gan” đưa họ vào sinh hoạt trong gia đình cha? Giờ đây chúng ta nên nhắc đến một dữ kiện về cá tính của vị kinh sĩ nhà thờ chánh tòa thành Reims. Đúng là ngài thuộc về giai cấp của ngài và đương nhiên ngài rập khuôn và lãnh nhận luôn cả những thành kiến của giới mình. Tuy nhiên, khi còn rất trẻ, ngài đã để Thiên Chúa Hằng sống “dụ dỗ”. Ngài nghe tiếng gọi của Thiên Chúa khi hãy còn bé. Dù là con cả trong gia đình, trẻ Gioan La San đã chững chạc bước vào con đường dẫn đến bàn thánh, ngược hẳn với thông tục đương thời. Người bạn trẻ này chuẩn bị cách nghiêm túc để trở thành giáo sĩ, trước tiên là tại chủng viện Saint-Sulpice, sau đó, khi cha mẹ chàng qua đời, chàng đặt mình dưới sự hướng dẫn của linh mục trẻ Nicolas Roland và tiếp tục theo khoa thần học tại đại học Reims cho đến khi lấy xong văn bằng tiến sĩ.

Khác xa với nhiều người cùng thời và theo như nguyên văn của nhà chép tiểu sử, Gioan La San không tiến lên bàn thánh “để đón lấy màu mỡ của đất” (CL 8,240). Lòng yêu mến cầu nguyện mà Gioan đã tỏ rõ từ tuổi còn thơ dại, lòng say mê đời sống nội tâm, tất cả là những dấu hiệu của ơn gọi đích thực này. Gioan La San đã mở lòng ra với tiếng gọi của Thiên Chúa và sẵn sàng hoàn tất thánh ý Người khi được tỏ hiện với mình.

Tại chủng viện Xuân Bích và sau đó dưới sự hướng dẫn của linh mục Nicolas Roland, Gioan được chỉ dạy về những ưu tư tâm linh và về những phong trào truyền giáo thiết thân với Giáo Hội Pháp rất hăng say trong thế kỷ 17 này mà đại diện là những gương mặt nổi bật như Bérulle, Olier, Bourdoise, Vincent de Paul. Gioan hiểu rằng chức vụ tư tế khuyến khích cá nhân mình lên đường tìm kiếm và liên lạc nội tâm với Thiên Chúa và mời gọi mình rao giảng Tin Mừng cho người thế. Tuy vậy Gioan cũng ít nhiều bị tinh thần và thói quen của giới mình thấm nhập, luôn cả trong lối sống sự trung tín với Thiên Chúa và trong sự phụ thuộc vào Giáo Hội. Gioan không làm linh mục để hưởng thụ vật chất tiền tài. Tuy nhiên, khi lên mười sáu, Gioan đã đưa tay ra nhận bổng lộc riêng của kinh sĩ. Hình như không chút e ngại, Gioan nhận nó từ tay một người bà con giữ chức kinh sĩ như một tài sản riêng của gia đình. Bổng lộc này buộc Gioan phải chuyên cần hiện diện nơi đọc kinh trên gian cung thánh nhưng nó cũng cho phép Gioan phần nào được thỏa mãn lòng mến mộ đọc kinh của chàng. Tuy thế nó cũng đảm bảo cho chàng một mối lợi khá quan trọng mà nếu thêm vào tài sản riêng của chàng, nó cung cấp cho chàng phương tiện để sống thoải mái trong hiện tại cũng như không phải lo lắng cho ngày mai. Các lợi tức của chàng cho phép chàng thực hiện nhiều công tác từ thiện, thí dụ như giúp đỡ các thầy giáo. Khi làm như vậy, chàng không nghĩ là mình thay đổi hướng đi của cuộc sống đã được sắp xếp đâu vào đấy, được vững vàng và có thể đem ra làm gương mẫu, êm ấm và đạo đức, phải chăng và tiện nghi. “Tôi không nghĩ (phải lo điều hành trường, chăm sóc thầy giáo) gì cả. Không phải tại vì người ta không đề nghị dự tính này với tôi. Nhiều người bạn của cha Roland đã cố thuyết phục tôi nhưng tôi không để tâm tới; tôi không bao giờ có ý định đem nó ra thực hiện. Tôi cứ cho rằng việc tôi hướng dẫn các thầy và điều hành trường chỉ là một việc làm của người ngoại cuộc, không đặt lên vai tôi một bổn phận ràng buộc nào khác đối với họ, ngoại trừ việc cung cấp lương thực cần thiết để họ sinh sống và quan tâm sao cho họ chu toàn công tác của mình với lòng đạo đức và cần cù” (CL 169 và 167).

Vào thế kỷ được mệnh danh là thế kỷ thuần luận lý (Descarte), Gioan La San không để mình chịu ảnh hưởng của một ý tưởng bao lâu nó còn là trừu tượng và phi phàm. Tuy vậy cuộc tranh đấu thường nhật cùng với các thầy làm rung chuyển thế giới của chàng, xô lộn nhào quan niệm của cuộc sống, của chức vụ tư tế, của Giáo Hội, thay đổi bậc thang các giá trị của chàng.

Khi sống cận kề các thầy, chàng khám phá ra nơi họ sự hiện diện của nỗi khốn cùng mà biết bao nhiêu bài diễn văn đã từng mô tả và chàng đã ghi lại được nhưng ý nghĩa nó lại không xuyên thủng lòng chàng. Chàng hiểu rằng họ cần được giúp đỡ, được đồng hành, được hiệp nhất với nhau. Chàng nhận ra là họ có thể hoàn thiện, thiện chí họ dư đầy; chỉ cần nó được kích thích, khơi dòng chảy, tôi luyện và các cố gắng sư phạm của cá nhân họ được tập họp chung lại với nhau, được suy tư, được phẩm bình. Trên tất cả, Gioan La San biết rõ niềm hy vọng to lớn mà họ đang cưu mang, sự thay đổi huyền diệu có thể biến họ thành những thủ lãnh. Qua các thầy giáo, vị kinh sĩ trẻ tuổi nhận ra được nỗi thống khổ cùng cực về xã hội và tôn giáo của con cái những người thợ thuyền, những người nghèo mà các thầy giáo tiếp xúc. Chàng bắt đầu dự cảm rằng một thế giới mới đang khẩn nài xin được chào đời và rằng chàng có thể sẽ phải làm điều gì đó để tạo thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ thời điểm xuất đầu lộ diện của nó.

Mặt khác, cuộc gặp gỡ giữa các thầy giáo bị khinh thị kia với gia đình và môi trường xã hội của cha Gioan tạo nên một tình huống căng thẳng và xung khắc. Bạn bè thân nhân phản đối hướng đi mà Gioan đã chọn và họ lấy làm tiếc cho rằng “Vì bác ái, Gioan trở nên thô kệch với những con người thô kệch” (CL 7,198).

Nhiều người trong thân tộc chàng hoảng lên về những gì họ cho là nguy hiểm dễ lây truyền làm các em chàng có thể mắc phải. Họ đưa bọn trẻ ra khỏi nhà, xa vòng tay của người anh cả chúng. Và Gioan phát giác ra rằng chàng không thể nào tiếp tục sống cùng một lúc hai thế giới đối nghịch nhau được. Người ta chứng kiến cảnh chàng tăng tốc trong tiến trình hội nhập vào một thế giới khá mới lạ đối với một chàng công tử như Gioan. Chàng hiểu ra rằng cần phải tạo lập cho các thầy giáo một môi trường sống thích hợp hơn với những thói quen của họ, với hoàn cảnh của họ. Chàng quyết định đưa họ đến trú ngụ tại một khu nhà khác. Và lần này, chàng từ giã hẳn mái nhà thân yêu để đến sống với họ (ngày 24/06/1862).

Việc đoạn tuyệt anh dũng này, việc dứt bỏ và dấn thân dứt khoát này của vị linh mục trẻ làm nổi bật sự tương phản giữa hai thế giới và góp phần làm nghiêm trọng thêm sự đối kháng giữa chúng. Đối với Gioan La San, giờ của sự thật đã điểm. Cuộc đối kháng này, chàng không sống nó qua trung gian gia đình, chàng cảm nghiệm nó trong chính thân xác mình. Chàng thử nghiệm có khi đến buồn nôn, xem việc bước chân vào thế giới người nghèo khó khăn đến mức nào! Các nhà chép tiểu sử hay gợi nhớ nhất là sự ghê tởm mà chàng phải vượt thắng khi phải dùng những thức ăn của các bạn đồng chí (CL 7,226s). Tuy nhiên đấy cũng chỉ là một trở ngại nhỏ nhoi so với cuộc đối mặt quyết liệt xảy ra trong mùa thu 1682.

Tiếp theo sau sự hứng khởi của những tuần đầu, cha Gioan La San nhận thấy có một nỗi phiền muộn bất an lớn dần nơi các thầy. Bầu khí trở nên nặng nề, một sự im lặng dễ nể đè nặng lên nhóm. Sự tin cậy mà họ dành cho chàng hầu như biến mất. Sau nhiều lần thiết tha hỏi han, chàng thành công trong việc thuyết phục họ nói rõ lý do ngần ngại của họ: Các thầy lo âu cho tương lai của họ. Nếu hôm nay họ sống nghèo với công ăn việc làm của họ, họ sẽ không có một đảm bảo nào cho tương lai của họ. Công cuộc phiêu lưu dấn thân lo cho các trường bình dân nghèo này, nếu một mai thất bại, chắc chắn là họ sẽ bị rơi vào bước đường cùng, bị vất sang bên lề xã hội. Trước việc thố lộ nỗi niềm lo âu này, Gioan La San tưởng rằng có thể dễ dàng trả lời: Gioan nghĩ rằng chỉ cần mình nhắc lại đoạn Phúc Âm về việc này là đủ! Và thực tế là Gioan La San đã giáng xuống cho các thầy một bài giảng dài nói về sự phó thác cho Chúa Quan Phòng, nhắc lại những câu nói của Đức Giêsu về những hoa huệ ngoài đồng về những cánh chim trời đang bay lượn trên bầu trời …

Thế nhưng trước sự kinh ngạc khôn tả của chàng, lãnh địa mà chàng đề nghị mời họ bước lên để nối kết với chàng, hầu như biến mất dưới chân chàng, làm chàng thấy hụt hẫng! Chàng đã viện dẫn Phúc Âm cho họ, nhưng điều này giống như một “diễn văn rút ra từ trong túi áo khoác ngoài” (Cl 45,78). Những lời nói này không đi vào tâm trí các thầy, những người đang sống trong một thế giới khác, hơn nữa Gioan La San cũng chỉ phát biểu qua miệng chớ không diễn tả bằng hiện thực của đời sống mình. Gioan tưởng rằng có thể đề nghị giải pháp an định tôn giáo cho một vấn nạn nhân bản của những con người bằng xương bằng thịt này. Nhưng chàng không bỏ ra đủ thời gian, cũng không để tâm trí vào để lượng giá và thông cảm với những nỗi lo âu thấp thỏm của họ. Các thầy giáo hoàn trả lại bài diễn văn cho chàng giống như một gói đồ mà người ta không thèm bỏ công mở ra cho biết có gì trong đó! Họ chỉ yêu cầu trước tiên là hãy lắng nghe họ chớ không phải để “lên lớp” cho họ. “Cha nói cho sướng miệng, trong khi cha không hề thiếu bất cứ điều gì. Có trong tay một bổng lộc kinh sĩ cao giá, và một gia tài quan trọng như vậy, cuộc sống của cha được đảm bảo chắc chắn và không bị sự bần cùng đe dọa. Dù cho công cuộc của chúng ta có sụp đổ đi nữa, cha vẫn không bị hề hấn gì, và đời sống của tụi tôi dù có đổ vỡ tan tành thì cũng không làm lung lay cuộc sống của cha. Những thằng người tứ cố vô thân, không tiền, không bạc, và cũng không nghề ngổng gì như tụi tôi: nếu một mai nhà trường chúng ta không còn nữa, hay người ta chán ghét tụi tôi, thì tụi tôi sẽ đi đâu, tụi tôi sẽ làm gì ? Sự nghèo đói sẽ là gia sản duy nhất của tụi này và việc đi ăn mày là phương tiện duy nhất để cải thiện nó đôi chút” (CL 7,188).

Trong trường hợp này, chính những thầy giáo nhấn mạnh đến sự tồn tại dai dẳng của hai thế giới và tính xung khắc của chúng. Với sự thô kệch không suy giảm, họ đặt vào thế đối kháng hai thế giới này: “chúng tôi” và “cha”, “cuộc sống của cha” và “đời sống của tụi tôi”, sự thiếu an toàn của họ tương phản hẳn với sự an toàn của mhân vật hướng dẫn họ. Từ sự đối kháng này, họ khước từ bài diễn văn Phúc Âm. Bài ấy được phát ra từ một thế giới mà họ không được đặt chân vào: những gì linh mục Gioan La San giảng dạy tỏ ra mâu thuẫn với những gì ông sống. Ông lên mặt dạy cho những con người thường sống trong thiếu thốn vật chất nên sống theo tinh thần phó thác Phúc Âm trong khi chính ông lại có một tương lai bảo đảm không phải bằng sự tin cậy của ông vào Thiên Chúa Quan Phòng, nhưng bằng vào nguồn lợi của bổng lộc kinh sĩ và của gia sản riêng ông.

Một bài học cay đắng cho vị kinh sĩ trẻ… nhưng ông đón nhận nó phần chắc là vì ông chờ đợi nó trước. Thế là ông bước vào bầu khí suy tư sâu thẳm, ở đấy đúng là lời Phúc Âm mặc lấy xác phàm nơi ông. Ông nhận ra rằng các thầy giáo tiếp tục thuộc về một thế giới khác dù ông đã hết sức nỗ lực để tiếp cận họ. Ông thừa nhận sự phù phiếm, sự rỗng không, sự bịp bợp của một diễn văn Phúc Âm mà cuộc sống ông phủ nhận: “Tôi phải câm miệng và tôi không có quyền sử dụng loại ngôn ngữ khuyến thiện để dạy họ về đức khó nghèo nếu như chính tôi không thật sự nghèo” (Cl 7,191). Cùng lúc Gioan La San chấp nhận đứng ra “cáng đáng cuộc đối kháng dữ dội”, ông vượt qua nó, với ý thức về tính phiêu lưu của sự lựa chọn không thể lẩn tránh được đang bám chặt ông. Giới trẻ bị bỏ rơi bước vào cuộc đối thoại nội tâm giữa cha Gioan La San, các thầy giáo và Phúc Âm. Nếu không có gì thay đổi, các thầy sẽ rời bỏ cha, trường lớp sẽ sụp đổ, bọn trẻ sẽ bị quăng trở lại vào tình trạng tuyệt vọng mà chúng vừa chớm thoát ra được. Những hứa hẹn cho một thế giới mới sẽ tan biến trong tình trạng “vũ như cẫn” tầm thường của lòng ích kỷ hay sự xoàng xỉnh xơ cứng của lòng ham hố.

Chính vào lúc này, theo tôi nghĩ, mà Gioan La San để mình bị nắm bắt và khuất phục bởi ân sủng lập dòng mà Đức Chúa đã trao tặng cho cha qua cuộc hành trình dài đăng đẳng và đầy gian truân. Dưới ánh sáng Phúc Âm, cha đón nhận như một thị kiến ngôn sứ về niềm hy vọng cứu rỗi được trao ban cho những người nghèo do một nhóm nhỏ những con người dám thách thức cái nghèo. Cha cũng ý thức rằng sự thành tựu của niềm hy vọng này tùy thuộc việc cha dám chấp thuận dấn thân trong cuộc “xuất hành” dứt khoát không bước lui, vào việc đặt cược trên Phúc Âm, vào việc hòa nhập vào thế giới những người nghèo.

Thế rồi cha đơn giản chấp nhận cải biến Phúc Âm thành không chỉ là chuẩn quy chiếu cho diễn văn song còn là quy tắc của đời sống mình. Chính xác hơn, cha đã lắng nghe lại trong lịch sử bản thân mình lời của Đức Giêsu: “Nếu như con muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của con và đem cho người nghèo… rồi hãy đến theo Ta”. Lúc ấy cha mới có thể thực hiện những hành động quyết liệt: từ khước chức kinh sĩ và bổng lộc được kèm theo, từ chối cả việc giữ nó như đặc huệ cho gia đình cha. Cha thừa dịp một cơn đói kém để phân phối gia sản của riêng cha cho những kẻ bần cùng, và qua đó khích lệ các thầy vượt thắng chính mình một lần nữa. Họ đã từng hy vọng được chia sẻ của cải của cha và trở thành liên đới với cha trong an toàn. Sức mạnh của Phúc Âm, tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô mà họ là sứ giả, đã lôi kéo cả bọn họ vượt khỏi sự thỏa hiệp đầy sức cám dỗ này. Từ nay trở đi, cha Gioan La San sẽ chia sẻ trọn vẹn cuộc sống và số mệnh của các thầy vô danh tiểu tốt trước nay. Nhưng giờ đây, chính với sự nghèo khó của họ mà cha liên kết, chính với sự bất an của họ mà cha quyết chí trở thành liên đới.

Trong những biến cố theo nhau diễn ra giữa Phục Sinh năm 1680 và mùa đông 1684, dòng các sư huynh trường Công giáo được hình thành. Và cha Gioan La San nhận được ơn gọi sáng lập dòng ngay tại trung tâm điểm quá trình rất trần thế của các mối liên hệ, những giao thoa, đối thoại, đối kháng, đấu tranh. Để sử dụng lại ngôn từ của cha Chenu khi đề cập đến trường hợp thánh Đa Minh, việc thành lập nhà dòng này biểu thị một sự đột khởi của Phúc Âm từ trong tình thế đời thường. Đối với Gioan La San, để trở thành người sáng lập dòng, trước tiên phải tự hoán cải theo Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể nói, đặc sủng lập dòng của cha bắt nguồn từ sự ngoan ngoãn tích cực trước hoạt động giải phóng của Đức Thánh Linh.

Ở giai đoạn cuối tiến trình nội tâm của sự hoán cải Phúc Âm, Gioan La San đã trở nên người sáng lập dòng vì cha đã khám phá được dự tính sẽ giải phóng năng lực và hợp nhất cuộc sống của cha. Trong quá trình suy tư tiếp theo những cật vấn của các thầy giáo, cha đã ý thức rằng cần phải chọn lựa giữa hai phương cách lệ thuộc vào Giáo Hội và sống sứ vụ tư tế: “Tôi không thể là cấp trên của các thầy này mà lại không từ bỏ chức kinh sĩ”. Không thể nào buộc mình hiện diện trên cung thánh để hát kinh trong vòng 5,6 giờ mỗi ngày và lại cùng lúc chia sẻ thật sự những lo toan, những công việc của các thầy. Nếu như cha muốn giúp đỡ họ trong việc phục vụ trường lớp, cha cần phải dấn mình toàn diện với họ. Thế nên bị dồn vào thế phải hành động, cha tự chất vấn về những tiêu chuẩn cần chọn lựa: để Danh Thiên Chúa được cả sáng, để phục vụ tốt nhất cho Giáo Hội, hai lý do này mời gọi cha ưu tiên chọn việc đồng hành với các thầy giáo.

Thật ra mà nói, trong quá trình suy gẫm đáng nhớ này, Gioan La San không lấy quyết định là phải thay đổi thế giới. Đúng hơn cha ý thức rằng Thiên Chúa đã giải phóng cha và đưa cha vào thế giới người nghèo, một thế giới lúc đầu đã làm cha ghê sợ. Ở đây phải đọc lại kết luận về sự suy tư của cha. Nét khôi hài nhẹ còn vương đọng trên kết luận, một niềm hân hoan nào đó trong giọng điệu, cả đến một vẻ hơi bất cần đời, tất cả đều chứng tỏ một sự thanh thản nhẹ lâng của kẻ bỗng chốc thấy mình được cởi trói để sẵn sàng cho một công tác phục vụ mới. Cha đã để nỗi sợ hãi của chuyến vượt khơi xâm chiếm lòng mình, và này đây cha bỗng thấy mình đã đặt được chân trên bến bờ bên kia: “Khi tôi không còn cảm thấy yêu thích ơn gọi làm kinh sĩ, thì hình như ơn gọi ấy đã rời bỏ tôi trước khi tôi xa rời chức vụ đó. Chức vụ này không còn thích hợp với tôi nữa dù rằng tôi đã đường đường chính chính lãnh nhận nó. Hình như Thiên Chúa đã mở cửa để tôi bước ra khỏi đấy. Cũng chính tiếng đã kêu mời tôi đến nay lại gọi tôi đi nơi khác … Khá rõ đối với tôi việc bàn tay Thiên Chúa hôm nay đã chỉ ra cho tôi thấy một cách sống khác thích hợp hơn và như chính bàn tay ấy dìu tôi đến với cách sống đó” (CL 7,192)

Trong lịch sử đời mình, cha Gioan La San đã cảm nghiệm rằng Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô ngày hôm nay có thể trở thành một động lực cải biến. Qua những biến cố đã đưa đẩy cha đến vị thế mà cha đã đạt tới, cha đã nhận ra sự hiện diện chủ động của Thiên Chúa. Chính Ngài đã giải phóng cha khỏi những gông cùm, những của cải vật chất, những thành kiến của cá nhân cha. Với sức mạnh của Chúa Thánh Linh, cha có thể quyết liệt dấn thân, nếu không để thay đổi thế giới này, thì ít ra cũng để thay đổi điều gì đó trong thế giới của cha, để góp phần bẻ gãy vòng lẩn quẩn quỷ quái đang xiềng chân bọn trẻ nghèo khổ. Đấy là dự phóng của cha: sau này, cha thường diễn tả nó bằng cách nói rằng dòng đã được khai sáng để “đặt những phương tiện cứu rỗi vào tầm tay những trẻ nghèo và bị hất hủi”. Bởi vì sự tương phản giữa hai thế giới - mà tôi đã đề cập đến – cha Gioan La San đã tìm thấy nó, theo như lời nhà viết tiểu sử đời của cha, giữa “những đứa trẻ thông minh, giàu có, con nhà gia giáo, lễ độ, dễ mến …” và “những đứa trẻ nghèo thuộc hai phái nữ và nam”. Nhóm trẻ thứ nhất “không hề thiếu những bàn tay khéo léo để dạy dỗ chúng. Những trường học tốt đã được mở ra để lo cho chúng, và nguyên nhiều hiệp hội dạy dỗ chúng rất thành công”. Nhưng còn “những đứa lêu lổng lang thang ngoài đường …, chúng phải và có thể tìm ra nơi nào một nền giáo dục Kitô đây?” (Cl 7, 32-33).

Hoán cải theo Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, cha Gioan La San cùng các anh em của cha xác tín rằng Thiên Chúa cũng muốn cho những đứa trẻ kia được cứu rỗi. Thiên Chúa không là tác giả của tình trạng bất công mà bọn trẻ là nạn nhân. Vì họ quyết định biến Phúc Âm thành luật sống đời họ, cha Gioan La San và các anh em của cha tin chắc rằng những đứa trẻ nghèo hèn kia là con cái của Thiên Chúa giống như bao trẻ khác, và chúng cũng giống y như họ. Họ hiểu rằng nếu như Đức Kitô gọi họ theo Ngài, chính là để giúp đỡ giới trẻ này đạt đến ý thức về phẩm giá làm con của chúng; chính là để mở ra con đường đưa chúng đến với tự do của con cái Thiên Chúa..

Dự phóng lập dòng La San là thuộc về Phúc Âm cũng như sức mạnh gợi hứng cho việc dấn thân vào công tác trên cũng là Phúc Âm. Dự phóng trở nên rất sáng tỏ đối với Gioan La San vào cuối thời kỳ hoán cải của cha. Từ nay trở đi, cha sẽ dành trọn tâm trí, vận dụng hết sức lực mình mà hoạt động vì đại cuộc.

B. Biến cố đã giữ chặt sự quan tâm của chúng ta chính là việc thoát thai đột khởi này của Nhà Dòng. Nó cũng là nguyên lý của linh đạo La San: đây chính là điều tôi muốn trưng ra cách ngắn gọn như một kết luận. Đương nhiên tôi không tìm cách kéo ra từ đó mọi huấn giáo linh đạo của Gioan La San khi cha hoán cải về với Phúc Âm. Điều này càng có vẻ giả tạo và tùy tiện khi biết rằng cuộc xuất hành mà vị kinh sĩ đã ưng thuận đưa cha dõi theo con đường mà cha đã nhiều lần lập lại sự chọn lựa căn bản của chính cha từ lúc ban đầu. Trong giai đoạn đầu này của dòng, lộ trình Phúc Âm của vị sáng lập chỉ mới khởi sự thôi. Để tiếp tục, vị sáng lập phải đối mặt với sự đơn điệu của những công việc, những ngày tháng, nhưng cũng có những trận giông bão của những khủng hoảng đủ loại nhiều lần đã đưa dòng đến bên bờ vực thẳm. Khủng hoảng về công cuộc học đường. Khủng hoảng nội tại và ngoại cảnh về cộng đoàn: những trở ngại trong việc thành lập và yêu cầu được chấp nhận trong Giáo Hội như một hội dòng mới bao gồm những tu sĩ giáo dân, hội dòng vừa hợp Phúc Âm trong dấn thân trần thế lại vừa độc lập trong đời sống nội tại của nó; những khủng hoảng riêng tây của vị sáng lập, chao đảo khi đến tuổi bốn mươi, đến tuổi năm mươi, và đến tuổi sáu mươi khi những cảm tưởng bị thất bại giày vò, ray rứt bởi sự nghi ngờ về khả năng của bản thân, về sự hữu ích của đời mình, kiệt sức vì sự yên lặng của Thiên Chúa. Ở mỗi một cuộc khủng hoảng này, vị sáng lập lại buộc phải đem ra đánh cược số mệnh của bản thân cũng như của nhà dòng mình. Và mỗi lần như vậy, bằng một quyết định quyết liệt ngài thoát ra với một bước tiến nhảy vọt.

Tuy thế, linh đạo La San bắt nguồn trọn vẹn từ biến cố tiên khởi này ít ra là theo ba góc độ mà tôi sẽ kể ra đây, song cũng cần thiết phải đào sâu và triển khai thêm :

* Vì từ biến cố tiên khởi này, cha Gioan La San hiểu sứ mệnh sáng lập của mình như là của một người thầy về đường thiêng liêng.

* Cũng vì rất nhiều chủ đề trong linh giáo La San sẽ mang một sắc thái khác khi người ta đặt chúng dưới ánh sáng của kinh nghiệm hoán cải theo Phúc Âm này.

* Cuối cùng vì biến cố trung tâm này, linh đạo La San gặp được những khớp nối chính yếu và những động lực căn cơ của mình.

1- Trước tiên, ở đoạn kết của biến cố này, cha Gioan La San được sinh ra trong ơn gọi làm vị sáng lập, được xếp vào hàng bậc thầy trên con đường thiêng liêng. Từ nay liên kết với các thầy giáo dạy học, cha sẽ sống gắn bó với sứ vụ tự nguyện này như một nhà canh tân sư phạm, một nhà tổ chức đời sống cộng đoàn, một nhà gợi hứng Phúc Âm và siêu nhiên. Nếu từng buớc cha thành lập một đoàn thể sống động những thầy giáo, trước tiên cha thổi vào đấy một tinh thần của một tác vụ Phúc Âm, của thành viên một huynh đoàn và của những người tìm Chúa. Vào lúc cuối đời, thể theo ước nguyện các môn sinh của mình, cha ghi lại như sau trong một văn kiện để kết thúc bản luật dòng : “Điều quan trọng nhất, điều mà người ta phải quan tâm nhất trong một cộng đoàn, là tất cả những thành viên phải có tinh thần riêng của cộng đoàn. Các tập sinh phải tập cho có tinh thần này, những ai đã gia nhập, trên hết phải lo duy trì và phát huy tinh thần này nơi mình. Vì chính tinh thần này phải linh hoạt mọi việc làm của họ và điều động toàn bộ sinh hoạt của họ” (L. 2,1).

Linh đạo La San là sự biểu lộ của cố gắng linh hoạt này mà Gioan La San đã chuyên tâm thực hiện ngay từ cuộc hoán cải của chính cha. Nó đã được cưu mang, đã được từ từ tôi luyện trong mối liên hệ sống động giữa cha và các anh em: cha thực hiện việc linh hướng qua những trao đổi với từng anh em và qua những thư từ mà chúng ta còn giữ lại được một ít. Linh đạo này còn được khắc họa rõ nét theo chiều dài cuộc sống của nhiều anh em và qua sự phát triển của dòng, trong những kỳ đại hội các Sư huynh và trong các kỳ tĩnh tâm năm của họ. Và chắc chắn như vậy, chính trong những văn liệu thiêng liêng mà cha Gioan La San đã dần dần chủ đề hóa một linh giáo được tinh luyện từ và dành cho các môn sinh của mình, như tôi đã từng nói lúc đầu.

2- Ở điểm hai, linh đạo La San bắt nguồn từ biến cố tiên khởi là cuộc hoán cải theo Phúc Âm của cha Gioan La San vì rằng rất nhiều chủ đề – những chủ đề nặng ký trong giảng huấn của cha – khi được soi tỏ dưới ánh sáng của biến cố này sẽ mang một nhiệt lượng hiện sinh, một sự rung động phát xuất từ kinh nghiệm bản thân. Theo tôi nghĩ, hình như khía cạnh này chưa được triển khai. Tôi sẽ tự giới hạn trong ghi nhận qua 4 thí dụ sau đây:

- Khi bàn về các thánh, và trong nhiều trường hợp, cha Gioan La San dừng lại ở chuyện kể về cuộc hoán cải theo Chúa Kitô của họ và mỗi lần như vậy, khi có dịp, cha liền nhắc lại đoạn Phúc Âm ghi lại lời đáp của Đức Kitô với chàng thanh niên giàu có: “Nếu con muốn nên hoàn thiện …”. Thí dụ trong trường hợp của thánh Bonaventure, cha La San dẫn chứng bản khảo luận mà thánh nhân đã viết về đức khó nghèo: “Thánh nhân chỉ ra rằng đức khó nghèo là căn bản của sự hoàn thiện Phúc Âm. Thật vậy, khi Đức Giêsu Kitô muốn dẫn đưa các môn đệ của mình đến sự toàn thiện… Ngài đã tuyên bố với họ rằng nếu họ muốn trở nên hoàn hảo, họ phải bán đi tất cả những gì họ sở hữu và tặng hết cho những người nghèo” (MF 142,1). Trong linh giáo, cũng như trong kinh nghiệm bản thân của cha Gioan La San, hành động “sequela Christi” luôn khởi đầu bằng việc từ bỏ của cải để phục vụ người nghèo.

- Trong cùng một bối cảnh, về trường hợp của thánh Bonaventure, cha La San viết thêm rằng “Trong sách này, thánh nhân chỉ giảng dạy những gì ngài đã đích thân thực hành”. Qua những giòng chữ này, thế nào ta lại không nhận ra tiếng vang của việc khám phá mà cha thực hiện được về bài giảng Phúc Âm rỗng tuếch của cha, không chút hiệu quả trên các môn sinh, chừng nào mà cuộc sống của cha còn là một phản chứng của hành động triệt để này. Một sự kiện có thật là khi giảng dạy về đường thiêng liêng, cha La San thường dành ưu tiên nào đó cho chứng nghiệm sống. Thí dụ như cha đã viết : “ Thật vô ích việc anh em tin những gì mà Đức Giêsu Kitô đề nghị cho anh em qua Phúc Âm nếu như các hành động của anh em không đưa ra được bảo chứng nào cho chúng, đức tin của anh em là vô bổ… Phải tuyên xưng những chân lý và những phương châm Phúc Âm bằng những hành động”.

- Trên kia, tôi có trình bày về tầm quan trọng của chủ thuyết phó thác cho Thiên Chúa trong linh giáo La San. Thí dụ như làm sao ta không đối chiếu kinh nghiệm sống của vị kinh sĩ, - khi cha từ bỏ chức vụ và bổng lộc đi kèm theo và việc phân phát hết của cải - với bản văn trong bài nguyện gẫm mà cha đã có sử dụng một hình ảnh lạ thường? Cha viết: “Người ta không tài nào nghĩ được một con người đã từ bỏ tất cả lại có khả năng thực hiện điều tốt đến mức nào trong Giáo Hội. Lý do là bởi vì trong sự dứt bỏ, lòng tin nổi bật hẳn lên, vì rằng lúc ấy, người ta phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa, giống như một người đang ở giữa biển khơi, không buồm, không dầm chèo” (MF 134,1).

- Thí dụ cuối cùng mà tôi dừng lại đây, cũng liên quan đến một nét độc đáo trong linh giáo La San: tầm quan trọng mà Gioan La San gắn cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Sách “Phương pháp nguyện gẫm” ghi lại không dưới sáu cách thế để ta đặt mình hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Nét ít độc đáo nhất chắc không phải là việc chú tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các ANH EM. Chúng ta đã nhận thấy cha Gioan La San đã để Phúc Âm hoán cải lòng mình thế nào khi chính tai lắng nghe lời chất vấn của các môn sinh, khi để lòng mình trào dâng lên mùi vị cay đắng từ những trách móc của họ. Ở nơi đây, cha đã kinh nghiệm được sức mạnh phúc âm hóa của cộng đoàn. Nhưng tại đấy, cha cũng đã thấy được sức mạnh của Chúa Thánh Linh đi qua lời nói của ANH EM mình. Làm thế nào mà không nghĩ đến biến cố trên khi chúng ta đọc lại văn liệu này của cha Gioan La San. “Đức Giêsu Kitô ở giữa các Sh.… để ban cho Sh. sức mạnh của Thánh Thần… để hiệp nhất họ… để dạy cho họ chân lý và những phương châm Phúc Âm, để chúng thấm nhuần trọn vẹn vào con tim họ, và để thúc đẩy họ chọn lấy chúng làm luật lệ khi họ hành sự…”(EM 2, 26-29).

3- Cuối cùng, linh đạo La San bén rễ sâu nơi biến cố tiên khởi là sự hoán cải theo Phúc Âm của vị sáng lập dòng bằng những khớp nối chính yếu và những động năng căn cơ của nó. Chúng ta phải có thể chỉ rõ chúng ra khi bàn đến giáo huấn về thừa tác vụ của sư huynh và về sự miễn phí, về cuộc sống huynh đệ và về những ràng buộc trong đời sống cộng đoàn, về tinh thần Phúc Âm đối chọi với tinh thần thế gian, về sự hiện diện của Thiên Chúa, về tinh thần của dòng, về sự đồng dạng với Đức Giêsu Kitô và sự chiêm ngắm các mầu nhiệm của Chúa được hiện tại hóa trong lịch sử đời chúng ta.

Để kết thúc, tôi xin dừng lại trên sức năng động mà tôi coi là chủ yếu nhất, sinh tử nhất của linh đạo La San. Đây không là chuyện chủ đề nhưng là lòng tin vào một sự hiện diện sống động, một sức mạnh làm biến đổi, sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Dọc theo tiến trình hoán cải, cha Gioan La San đã có thể thử nghiệm qua sức mạnh của Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng đã nối kết cha vào một liên hệ mới với Thiên Chúa tiếp nối theo sau Đức Giêsu Kitô, Đấng đã giao phó cho cha tác vụ rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ nghèo và đã cột chặt cha vào một cộng đoàn huynh đệ Phúc Âm thuộc một mô hình mới.

Nguyên tắc tác hiệp của cả linh đạo La San là giáo huấn về Chúa Thánh Thần. Đối với cha Gioan La San, chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa cha vào một sự hiểu biết luôn luôn sâu đậm về mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống và cứu độ. Chính Chúa Thánh Thần tách rời cha ra khỏi chính bản thân cha và giúp cha mở rộng ra trước tình yêu của Đấng tâm tình thẳng với cha trong chốn sâu thẳm. Chính Chúa Thánh Thần giúp ổn định khi đến ngự trị trong lòng và mời gọi một cuộc xuất hành thoát ra khỏi những lo âu bận bịu cá nhân.

Chính Chúa Thánh Thần đã giúp các sư huynh và vị sáng lập dòng của họ nhận thức được những nhu cầu cấp thiết nhất của người trẻ. Chính Ngài gởi họ đến với giới trẻ này bằng nhiệt tâm hy vọng và bằng sức mạnh kiên cường trong cuộc chiến chống lại bất công của “thế gian”. Nhờ thế dù trước đây ở xa ơn cứu độ, giới trẻ có thể đạt tới lời hứa và giao ước của Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Kitô, trong Giáo Hội.

Theo cha Gioan La San, cộng đoàn cũng là công trình của quyền năng Chúa Thánh Linh trong sự yếu đuối của nhân loại. Vượt qua khỏi những cơ cấu thiết yếu trong tổ chức, về huấn luyện, về quyền bính, cuối cùng là chính từ Chúa Thánh Linh mà dòng trông đợi trong sự nghèo khó tận cùng và trong niềm hy vọng vui tươi, một cuộc đổi mới không ngừng về tinh thần Phúc Âm và về nhiệt tâm tông đồ, cũng như trong sự liên kết nội tại và sự đồng nhất trong đa dạng của những hình thức huynh đoàn và những đáp trả giáo dục.

Chính kinh nguyện La San có thể gặp lại mình trong lời khẩn cầu phụng vụ mà cha Gioan La San ghi lại trong bài nguyện gẫm của cha trong ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: “Xin hãy gởi Thánh Linh Chúa đến để ban cho chúng con một cuộc sống mới và Ngài sẽ đổi mới mặt địa cầu” (MD 42,3).

Kinh nghiệm quyết liệt của cha Gioan La San trong tiến trình hoán cải chính là kinh nghiệm về quyền năng của Chúa Thánh Linh, Đấng đã giúp cho cha đạt đến một cuộc sống mới và tới lượt mình, cha trở thành đủ khả năng để canh tân bộ mặt trái đất này qua việc thành lập một cộng đoàn tu trì theo dạng thức mới, gồm những ANH EM liên kết nhau để thành lập một tân học đường, đủ sức mang đến cho những trẻ chịu thiệt thòi hy vọng có được một cuộc sống nhân bản và Kitô đã được canh tân. 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top