Học viện Thần học Liên dòng: Mừng Lễ Thánh Vinh Sơn Liêm

Học viện Thần học Liên dòng: Mừng Lễ Thánh Vinh Sơn Liêm

WGPSG--  Ngày 6 tháng 11 năm 2009, ngày Truyền Thống mừng Bổn Mạng thánh Vinh Sơn Liêm của  Liên Học Viện Phaolô Nguyễn Văn Bình, được tổ chức tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, số 118 Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM.

Vào lúc 7:30 sáng, trong bầu khí ấm cúng, quý cha, quý Bề trên, quý tu sĩ nam nữ, quý quan khách và các sinh viên thuộc 3 cơ sở của Liên Học Viện Phaolô Nguyễn Văn Bình, quy tụ vào hội trường để sẵn sàng cho một ngày đầy ý nghĩa.

Khai mạc chương trình là ôn lại tiểu sử thánh Vinh Sơn Liêm, Bổn mạng của Liên Học Viện.

Tiếp đến: Cha Giuse Nguyễn Văn Chữ , phó Giám đốc Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình, có đôi lời với cử tọa:

Ngài nhắc nhở: là tu sĩ, chúng ta cần học để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội, của dân Chúa, và của thế giới; trong thế giới toàn cầu đa dạng, chỉ cần click chuột là chúng ta có thể thấy và hiểu nhu cầu đa dạng đó.

Là người thánh hiến, ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải nỗ lực để truy tìm chân lý; nhờ đó chúng ta có thể nắm chắc, làm sáng tỏ, xác tín chân lý để chia sẻ cho người khác

Sự hiện diện của các học hiệu nói lên tình huynh đệ thân ái, chung nhau duới mái trường nơi có các linh mục, tu sĩ và giáo sư giúp đỡ, dìu dắt, hướng dẫn, để cùng nhau tìm đến cội nguồn chân lý là Đức Giêsu Kitô, mà thánh Vinh Sơn Liêm chiêm ngắm và dùng chính máu đào minh chứng về Ngài.

Tiếp đến, cha Phương Đình Toại chia sẻ và đưa ra những dẫn chứng sống động trong việc chăm sóc bệnh nhân AIDS, băng bó vết thương thể xác, tinh thần cho những trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi vì bệnh, vì nghèo túng…

Vậy, người tu sĩ trẻ hôm nay phải làm gì để Thắp Lên Niềm Tin trong lòng những mảnh đời bất hạnh của xã hội? Tình yêu, lòng khát khao được dấn thân có nung nấu tự sâu thẳm cõi lòng các bạn không? Mỗi người tự vấn lại chính mình để sống đúng con đường Giêsu mà mình đã chọn.

Sau bài nói chuyện là Thánh lễ đồng tế do cha Giáo sư Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu chủ tế. Trong bài giảng, cha nhấn mạnh đến việc tạ ơn Chúa đã cho sinh viên thần học quy tụ nơi đây, những người cùng một lý tưởng, đang ngày đêm “dùi mài kinh sử”, trang bị những kiến thức thần học, những kỹ năng sống cần thiết của người tu sĩ, để tự đào luyện mình về mọi mặt, để phát huy cái chất “NGƯỜI” và để mài dũa dần cái chất “CON” trong con người của mình. Từ đó, mỗi người trở thành ánh sáng để có thể Thắp Lên Niềm Tin giữa lòng đời.

Sau Thánh Lễ là liên hoan, giao lưu văn nghệ góp vui của 3 cơ sở: Liên Dòng Nữ, Liên Dòng Nam và Học Viện Thần Học Mến Thánh Giá.

Nghe Audio:
   - Nhập lễ (Tiểu sử Thánh Vinh Sơn Liêm)
   - Phúc Âm & Chia sẻ Lời Chúa


HỌC VIỆN THẦN HỌC LIÊN DÒNG

Học viện Thần học Liên Dòng, còn được gọi là Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình, hoạt động từ năm 1993 đến nay đã được 16 năm. Có thể nói đó là một giấc mơ đã thành hiện thực nhưng vẫn còn nhiều điều phải ước phải mơ, nên giấc mơ vẫn chưa trọn vẹn.

I. Lược sử Lớp Bồi dưỡng Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình

Huấn luyện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Liên Tu Sĩ (LTS) Thành phố kể từ thời thành lập năm 1975.

Ngày 27.6.1975, LTS tổ chức tại tu viện Phanxicô Ðakao một lớp huấn luyện ngắn hạn cho tu sĩ gồm các môn Tu đức, Kinh Thánh, Công đồng và Chủ nghĩa Xã hội, được một ban giáo sư thuộc nhiều dòng phụ trách.

1. Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Hè

Năm 1989 là một cột mốc đáng ghi nhớ: Ban Điều hành LTS (Chủ tịch là cha Hồng Giáo) và Nhóm Công tác (trưởng là cha Vũ Khởi Phụng), với sự phê duyệt của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, đã quyết định thử nghiệm xin phép Ban Tôn Giáo Thành Phố cho mở Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Hè 10 ngày vào tháng bảy, tại ĐCV Thánh Giuse.

Với sự ưu ái của cha Phaolô Lê Tấn Thành, Giám đốc ĐCV Thánh Giuse, ĐCV đã cho sử dụng hai phòng lớn để tổ chức lớp hè 10 ngày. Sau năm 1991, lớp hè kéo dài 1 tháng.

Từ năm 1990 đến nay, lớp học rất đều đặn, với số học viên tham dự ngày càng tăng, từ khóa đầu khoảng 200 đã lên tới 500, rồi 600 và hiện nay khoảng trên dưới 700.

Chương trình học trong 5 năm. Kết thúc khóa học, sinh viên đước cấp bằng Tốt Nghiệp Thần Học Hè 5 Năm.

2. Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Liên Dòng Nữ

Từ năm 1992, tình hình đất nước sáng sủa hơn và với kinh nghiệm lớp hè đã để lại tiếng vang tốt, LTS đã xin được phép mở lớp Bồi Dưỡng Thần Học Tu Đức (2 năm) cho các nữ tu. Vị Giám đốc đầu tiên là Soeur Hồng Quỳ, CND, và sau là Soeur Ngọc Sương, SPC. Khóa I bắt đầu ngày 15.10.1992.

Những năm đầu, lớp học được tổ chức ở trên lầu Nhà Truyền Thống, ĐCV Thánh Giuse; nay ở Trung Tâm Mục vụ. Năm 2003 do yêu cầu của một số đông Bề trên Thượng cấp, Lớp Bồi Dưỡng được kéo dài 3 năm: 2 năm đầu học đại cương, năm 3 chuyên môn hóa hơn.

Từ hè năm 2008, sinh viên học đầy đủ có thể làm đơn xin thi Tổng Khảo Hạch. Nếu điểm thi đạt yêu cầu, sinh viên có thể xin nhà trường hướng dẫn để viết luận văn, và học một vài môn yêu cầu phù hợp với đề tài mình chọn. Phần luận văn và phần học thêm sẽ được xem như là năm IV của chương trình học.

Ngoài ra cũng cần lưu ý, các nữ sinh viên thần học năm I còn có một tháng hè để đi thực nghiệm tông đồ tại các vùng sâu vùng xa (vì tình hình khó khăn nên 3 năm nay phải tạm ngưng).


* Học viện Mến Thánh Giá

Vào tháng 9/1997 Học viện Mến Thánh Gía ra đời để đáp ứng cho nhu cầu huấn luyện ngày càng tăng trong các Hội Dòng MTG. Đây là cơ sở 2 trực thuộc LBDTH Phaolô Nguyễn Văn Bình, do Liên Hội Dòng MTG tổ chức tại MTG Chợ Quán.

Ban Điều hành do các nữ tu thuộc các Hội Dòng MTG Chợ Quán, MTG Thủ Thiêm, MTG Gò Vấp và MTG Bà Rịa đảm trách.

Việc mời các cha Giáo sư giảng dạy cho Học viện gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các Nữ tu thuộc các Hội Dòng đang cố gắng đảm trách một phần của chương trình giảng dạy. Chương trình hiện nay là 3 năm và có hướng mở ra 4 năm để các sinh viên có thể đạt được học vị về Thần học.

Học viện đón nhận học viên của các Hội Dòng MTG và một vài Dòng nữ khác. Số sinh viên trong học viện trung bình khoảng 200.

Và cùng một lúc với Học viện MTG, khối Học viện Liên hiệp Đa Minh nữ cũng bắt đầu niên học mới.


3. Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Liên Dòng Nam


Về phía dòng nam, được Ðức TGM hết lòng hỗ trợ, vào khoảng đầu tháng 3 năm 1993, các Bề trên cùng với Ban Ðiều hành LTS bắt đầu xúc tiến việc mở lớp bồi dưỡng cho các tu sĩ nam. Niên khóa đầu tiên 1993-1994 được khai giảng long trọng ngày 29.9.1993, với Thánh lễ đồng tế do Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Ðặc trách Linh mục - Tu sĩ - Chủng sinh chủ sự, tại nhà nguyện Ðại Chủng viện Thánh Giuse.


Ngày 04.10.1993, lớp học bắt đầu, số học viên là 97 người thuộc 17 dòng và tu hội (đời). Những năm đầu lớp học được tổ chức ở tầng trệt Nhà Truyền Thống thuộc Ðại Chủng viện Thánh Giuse, nay được đặt ở Đa Minh, Tú Xương.


Hiện nay con số bớt dần theo thời gian, vì các dòng lớn tổ chức học viện riêng nên đã tách ra. Đầu vào có thi cử gồm một môn Triết cơ bản và Anh văn trình độ bằng B. Hai năm Triết, sinh viên có thể học ở 3 trung tâm: Đa Minh, Phanxicô hay Chúa Cứu Thế. Bốn năm Thần học, học tại Đa Minh, Tú Xương.


Từ Niên khóa 1997-1998: Lớp Bồi Dưỡng được chính thức mang tên Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình.


II. Thành quả và thách đố


Sau quá trình 16 năm hoạt động, LBDTH Phaolô Nguyễn Văn Bình đã được cải tiến ngày càng hoàn chỉnh hơn, từ các khâu tổ chức, điều hành, sinh hoạt, học tập đến trang bị và cơ sở vật chất. Trong thời buổi việc đào tạo linh mục, tu sĩ còn gặp nhiều hạn chế khách quan và chủ quan như bây giờ, thì có được một LBDTH như thế đã là một điều đáng tự hào; hơn nữa, việc học tập nói chung, dù chưa đạt mức cao, vẫn không thể nói là yếu; đàng khác, một đội ngũ giáo sư 20-25 người đến từ những dòng khác nhau chắc chắn tốt hơn là nếu chỉ có một dòng duy nhất đảm trách việc giảng dạy.


Tuy nhiên, sự phát triển ngày càng tăng tốc của Xã Hội và Giáo Hội bắt buộc các dòng phải băn khoăn tìm mọi cách để không ngừng nâng trình độ học vấn và tu đức của các tu sĩ trẻ mình lên. Muốn làm được điều đó, cần có một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ ở cả ba cấp: các Bề trên, các nhà huấn luyện nói chung và các giáo viên nói riêng, và cuối cùng, nhưng không ít quan trọng, là các sinh viên.


LBDTH phức tạp hơn một Đại Chủng viện vì các học viên đến từ những đơn vị tuy cùng sống đời thánh hiến, nhưng khác nhau trong đường lối huấn luyện, nếp sống và làm việc vì mỗi dòng và tu hội có đoàn sủng riêng, tôn chỉ riêng. Các sinh viên chỉ đến lớp học, xong rồi ai về nhà nấy. Các giáo sư chỉ "dạy chữ", không có "quyền" gì hơn đối với sinh viên.


Trong việc tuyển chọn ơn gọi và đòi hỏi về trình độ trí thức, dĩ nhiên mỗi đơn vị có những tiêu chuẩn của mình. Sự đa dạng này có thể là một sự phong phú nhưng đồng thời cũng là một hạn chế lớn. Ðiều dễ thấy nhất là trình độ chênh lệch giữa các học viên, mức chênh lệch đôi khi khá lớn. Mà ai cũng biết rằng nếu một số đông học viên trong lớp yếu kém, họ sẽ đương nhiên kéo trình độ chung xuống theo và dễ làm nản chí những người muốn vươn cao hơn. Và các giáo sư cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy.


Các điều kiện của việc học ngày hôm nay đã khác với xưa nhiều. Ngoài những gì thu lượm được ở trường lớp, học sinh - sinh viên còn có một khối lượng thông tin to lớn qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là qua mạng Internet. Vì thế, thiết tưởng các giáo sư không nên chú trọng quá vào trí nhớ, nhưng rèn luyện cho học viên một tinh thần phê phán (critique) và một phương pháp làm việc trí óc tốt. Phải tập cho họ động não nhiều. Nếu học mà chỉ là thu thập những kiến thức, những kỹ thuật, kỹ năng mà thôi, thì vốn liếng của người học sẽ mau cạn sau khi rời khỏi nhà trường; nhưng nếu họ được trang bị một tinh thần và một một phương pháp thích hợp để tiếp tục tự học, thì cái học mới biến hóa và sẽ không ngừng gia tăng lên mãi.


Một phương tiện không thể thiếu là vốn liếng ngoại ngữ: phải có khả năng sử dụng thông thạo ít nhất một sinh ngữ, đó là chìa khóa để mở cửa vào nhiều kho tàng văn hóa của nhân loại. Trong tình hình toàn cầu hóa hiện nay, ngay chuyện giao dịch và làm ăn cũng đã đòi hỏi phải biết sinh ngữ rồi, huống hồ là việc học tập, nghiên cứu. Hiện nay, sinh viên nhập học buộc phải có trình độ Anh hoặc Pháp văn tương đương bằng B, và sắp tới nâng lên trình độ bằng C. Cố gắng này đã chứng tỏ là đúng đắn.


Thiển nghĩ, LBDTH cần phải quyết tâm nhắm đạt cho được những mục tiêu như trên trước khi "mơ" những ước mơ lớn hơn.

III. Uống nước nhớ nguồn

Các thành quả học tập của Lớp BDTH Phaolô Nguyễn Văn Bình đạt được trong suốt 16 năm qua, là nhờ sự ủng hộ tích cực của vị Cha chung là Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ngài luôn theo dõi các hoạt động đa dạng của giới tu sĩ Thành phố với một mối quan tâm không thuyên giảm. Ngài vui thích đến nói chuyện với giới tu sĩ và nhất là với các anh chị em SV thần học. Ngài ủng hộ những sáng kiến mà giới tu sĩ đề ra để cho sự huấn luyện của người trẻ trong các nhà dòng được tốt đẹp.

Lớp BDTH không thể nào quên những gì mà Đức Cố TGM Phaolô đã làm cho mình. Uy tín của Ngài đã khiến chính quyền và Ban Tôn Giáo Thành phố nể phục. Tên Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình chính là Ban Tôn Giáo Tp gợi ý.

Lớp cũng không thể không nhớ đến qúi vị Giáo sư, ngay từ đầu và hiện tại, đã cộng tác tích cực để cho các lớp thần học đa dạng được tiếp tục hoạt động có chất lượng cho đến hôm nay.

Để biểu lộ lòng tri ân đối với các vị có công gầy dựng, vun xới cho lớp BDTHLD, các học viên phải nỗ lực đem ra thực hành những gì đã hấp thụ trong môi truờng học viện, biết làm nảy mầm những hạt đã được gieo vãi trong thửa đất của mình để mỗi hạt có thể nảy sinh 30, 60, 100.

Top