Các Hiệp hội tín hữu Công giáo

Các Hiệp hội tín hữu Công giáo

Các Hiệp hội tín hữu Công giáo

TGPSG / Aleteia -- Thánh Gioan Phaolô II coi đây là “một trong những thành quả quan trọng nhất của mùa Xuân mới của Giáo hội”.

Ngay từ khi Giáo hội mới thành lập, các nhóm nhỏ gồm các giáo dân đã tập hợp lại với nhau để chia sẻ một linh đạo hoặc một sứ mệnh cụ thể. Những nhóm này được gọi bằng nhiều tên khác nhau qua nhiều thế kỷ, nhưng Công đồng Vatican II đã trao cho họ một sứ mệnh mới.

Trong Tông huấn Christifideles Laici, Thánh Gioan Phaolô II đã giải thích về cách thức những nhóm Kitô hữu có cùng chí hướng được “tái sinh” trong những năm gần đây:

“Trong thời hiện đại, những nhóm giáo dân như vậy đã nhận được một sự kích hoạt đặc biệt, dẫn đến sự ra đời và lan rộng của nhiều hình thức nhóm: hiệp hội, nhóm, cộng đồng, phong trào.

Chúng ta có thể nói về một kỷ nguyên mới của các nỗ lực nhóm giáo dân.

Trên thực tế, - cùng với việc thành lập các hiệp hội theo truyền thống, và đôi khi xuất phát từ chính cội nguồn của chúng, - các phong trào và các hiệp hội mới đã phát triển, với đặc điểm và mục đích cụ thể.

Điều này cho thấy: sự phong phú và tính linh hoạt của các nguồn lực mà Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng trong cộng đồng giáo hội thật lớn lao, đồng thời khả năng sáng tạo ​​và lòng quảng đại của giáo dân cũng lớn lao như vậy”.

Đức Giáo hoàng cũng coi “các phong trào này là một trong những thành quả quan trọng nhất của mùa Xuân mới của Giáo hội đã phát triển với Công đồng Vatican II”.

Tên gọi chung của các nhóm giáo dân này (thường có sự tham gia của các linh mục hoặc tu sĩ) là “hiệp hội của các tín hữu” (cả công khai và riêng tư).

Bộ Giáo luật giải thích cách các cá nhân trong các nhóm này “nỗ lực chung với nhau để thúc đẩy một cuộc sống hoàn hảo hơn, cổ võ việc thờ phượng công khai, hoặc phổ biến giáo thuyết Kitô giáo, hoặc thực hiện các công việc tông đồ khác như: các sáng kiến ​​truyền giáo, các công việc đạo đức hoặc từ thiện, và những công việc làm cho cuộc sống trần gian trở nên sống động với tinh thần Kitô giáo”.

Những nhóm Kitô hữu này được Giáo hội Công giáo công nhận và được một giám mục hướng dẫn để đảm bảo rằng họ vẫn trung thành với thông điệp của Phúc âm và sứ mệnh của Giáo hội.

Tuy nhiên, mỗi nhóm đều có “đặc sủng” riêng, thúc đẩy họ tập trung vào một khía cạnh cụ thể của đức tin Kitô giáo. Ví dụ, nhóm có thể tập trung vào việc phục vụ người nghèo, hỗ trợ sự hình thành tâm linh của cá nhân, hoặc loan báo Tin Mừng cho những người ngoài Kitô Giáo.

Tác giả: Philip Kosloski
Văn Trường (TGPSG) biên dịch từ Aleteia

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top