Gợi ý của Taizé cho năm 2022: Kiến tạo sự hiệp nhất

Gợi ý của Taizé cho năm 2022: Kiến tạo sự hiệp nhất

Gợi ý của Taizé cho năm 2022: Kiến tạo sự hiệp nhất

Giúp cho sự hiệp nhất được triển nở, tạo ra sự gắn bó giữa mọi người: đây là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta.

Đặc trưng của thời đại ngày nay được phát triển bởi những yếu tố trái ngược nhau.

Một mặt, nhân loại ngày càng nhận thức rõ hơn phương thế nối kết mọi người với nhau và liên kết với toàn thể thụ tạo. Đại dịch đã khiến chúng ta một lần nữa nhận ra rằng chúng ta là một gia đình nhân loại; chúng ta cùng nhau trải qua những khó khăn nhất định và chỉ có thể cùng nhau vượt qua chúng.

Mặt khác, thế giới ngày càng trở nên phân cực về mặt xã hội, chính trị và đạo đức. Điều này dẫn đến những xung đột mới trong các xã hội, giữa những quốc gia và ngay cả trong các gia đình. Người Kitô hữu cũng không miễn nhiễm với những đối nghịch này. Sự khác biệt ngày càng trở nên trầm trọng và gây ra chia rẽ giữa các giáo hội với nhau, và thậm chí ngay cả trong từng giáo hội. Do vậy, đây chính là lúc chúng ta cần phải trở thành chứng tá cho hòa bình, hiệp nhất giữa những khác biệt.

Hiện nay, ở vài quốc gia, các vụ việc liên quan đến tấn công tình dục và lạm dụng tôn giáo bị vạch trần đã gây ra thêm nhiều quan điểm đối lập và khiến các cộng đồng Kitô hữu bị mất niềm tin. Nhiều người đã thấy lòng tin của họ bị phản bội. Cũng như những nơi khác, tại Taizé trong những năm gần đây, chúng tôi đã tiến hành quá trình tìm hiểu sự thật liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng này. Và chúng tôi mong ước rằng chúng tôi có thể làm toàn tâm, toàn lực để Taizé trở thành một nơi đáng tin cậy cho mọi người www.taize.fr/protection.

Giáo hội được mời gọi trở thành một nơi của tình bằng hữu cho tất cả mọi người. Vì mục đích này, nên ngày nay sự hoán cải là điều cần thiết để trung thành với sự điệp Tin Mừng. Bằng một tình yêu đến mức trao ban chính mình, Đức Kitô đã mở ra nguồn suối mới, từ đó chúng ta kín múc được nguồn sinh lực để sống như anh chị em của nhau, để thúc đẩy phẩm giá của từng người và để chăm sóc toàn thể tạo vật. Trong tình hiệp thông huynh đệ, Đức Kitô mời gọi chúng ta trở thành dấu chỉ minh chứng cho việc Ngài đến thế gian để hiệp nhất mọi người trong tình yêu Thiên Chúa.

Tôi muốn những gợi ý cho năm 2022 mời gọi chúng ta tự vấn: chúng ta đóng vai trò như thế nào để giúp thăng tiến sự hiệp nhất cho gia đình nhân loại và toàn thể thụ tạo, cho những người thân cận, trong các Giáo hội, trong cộng đoàn và ngay cả trong chính trái tim chúng ta.

Thầy Alois


  • Sau mỗi một gợi ý đều có một trích dẫn để giúp chúng ta suy niệm sâu hơn. Những trích dẫn ngắn này sẽ được khai thác kỹ hơn trong các bài viết trên trang web, podcast và trong các hội thảo được tổ chức tại Taizé.
  • Các tài liệu tham khảo và chú giải Kinh Thánh sẽ được xuất bản trực tuyến cho mỗi gợi ý trong số sáu gợi ý này. Nó sẽ đề xuất cho việc lựa chọn bản văn được sử dụng trong phần giới thiệu Kinh thánh tại Taizé. Xem thêm tại www.taize.fr/bible

Gợi ý đầu tiên | Niềm vui nhận lãnh

Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho một tương lai hòa bình và hiệp nhất trong gia đình nhân loại. Điều này bắt đầu với những mối quan hệ mà chúng ta xây dựng với nhau. Chúng ta cần chăm sóc lẫn nhau, trong gia đình của chúng ta, với người thân và bạn bè của chúng ta, đặc biệt là trong những thời điểm thách đố này.

Sự hiệp nhất của gia đình nhân loại cũng tăng lên mỗi khi chúng ta mở lòng đón nhận những người có xuất thân khác với chúng ta. Liệu chúng ta có thể đến với người khác thường xuyên hơn, kể cả với những người chúng ta chẳng hề có ý định gặp gỡ không? Và thường chúng ta sẽ rất đỗi ngạc nhiên do những gì mà họ mang lại khiến chúng ta không thể ngờ đến.

Nếu chúng ta không để bản thân bị tê liệt bởi những do dự hoặc sợ hãi của mình, chúng ta sẽ có được niềm vui nhận lãnh. Chúng ta tìm thấy bản sắc riêng của mình trong mối quan hệ với người khác, và điều đó thậm chí có thể giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi ưu sầu nội tâm và mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta.

Trong một dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, có một người bị thương được người lạ qua đường giúp đỡ. Khi làm điều này, người lạ đó đã mạo hiểm vượt qua rào cản về sắc tộc, chính trị và tôn giáo. Qua hành động tự phát ấy, anh ta trở thành hàng xóm của người bị thương, đó chẳng phải đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của anh ta ngày hôm ấy sao? Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn nhớ và được truyền cảm hứng bởi nhân vật này, "người Samaritanô nhân hậu" (Luca 10, 29‑37).

“Một trong những câu nói ở đất nước chúng tôi là Ubuntu - bản chất làm người. Cụ thể, Ubuntu nói đến một chân lý: bạn không thể là một con người khi bạn cô lập một mình. Nó nói về khả năng kết nối của chúng ta. Chúng ta thường xuyên nghĩ bản thân mình như những cá nhân riêng biệt, tách biệt với nhau, trong khi chúng ta lại được kết nối với nhau và những gì chúng ta làm ảnh hưởng đến toàn thế giới”.

Nguyên Tổng Giám mục Anh giáo Desmond Tutu
một nhân vật đấu tranh cho hòa giải
và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi


Gợi ý thứ hai | Thúc đẩy đối thoại

Giúp sự hiệp nhất phát triển trước hết đòi hỏi phải tạo ra mối liên kết tin tưởng. Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa con người với nhau thường bị ảnh hưởng bởi sự ngờ vực. Bạo lực bằng lời nói ngày càng phổ biến hơn trong các cuộc tranh luận công khai và trên mạng xã hội, và mọi người bị thao túng bởi sự sợ hãi. Vậy chúng ta nên phản ứng với những sai lệch đó bằng cách nào?

Chúng ta có thể chọn cách lắng nghe và tham gia vào cuộc đối thoại. Điều này không có nghĩa là nói với người khác rằng chúng ta đồng tình với ý kiến ​​của họ tuy thực sự không phải vậy, mà thay vào đó chúng ta phải làm mọi cách để tiếp tục cuộc trò chuyện với những người có suy nghĩ khác chúng ta. Hãy cố gắng và làm tất cả trong khả năng của mình để tránh cuộc đối thoại bị đổ vỡ.

Chúng ta hãy quyết tâm, đừng bao giờ gán cho bất kỳ ai thành kiến nào và đừng bao giờ lan truyền thành kiến cho người khác. Chúng ta không nên hạ thấp bất kỳ ai do hành động hoặc ý kiến​​ của họ. Và sự bất đồng có thể được tỏ ra mà không gây nên xung đột ngay cả khi đó là một sự bất đồng cực độ, dù rằng chúng ta phải thừa nhận là đôi khi đối mặt với những tình huống bất công nhất định, chúng ta phải tỏ bày sự phẫn nộ.

Phản xạ bảo vệ cái tôi của bản thân đã trầm trọng hoá những chia rẽ trong xã hội, và điều này cũng xảy ra trong các cộng đoàn Kitô hữu. Như vậy, thay vì chúng ta định nghĩa bản thân đối lập với ý kiến của người khác, thì liệu chúng ta có thể phát triển bản thể cùng với cảm giác liên kết để không đóng cửa lòng mình với người khác?

“Tình bạn chân thật và thân thiết nhất có thể tồn tại giữa những người có suy nghĩ khác nhau về những vấn đề thiết yếu. Điều này đương nhiên có đau đớn, nhưng nó khiến cho người bạn của chúng ta vẫn yêu quý chúng ta hơn.”

Jacques Maritain
Triết gia người Pháp
năm 1970


Gợi ý thứ ba | Tất cả chúng ta đều là anh chị em

Giúp sự hiệp nhất phát triển nghĩa là chối từ những bất bình đẳng trong xã hội. Có những chia rẽ bắt nguồn từ sự loại trừ bởi số đông, và thậm chỉ bởi toàn bộ quốc gia.

Cùng với các Kitô hữu thuộc các Giáo hội, với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, với người nữ và người nam có thiện chí dù không tin vào Thiên Chúa, chúng ta có thể liên đới với những người trong hoàn cảnh bấp bênh, với những người bị loại trừ, và với những người di cư mà cuộc hành trình cuộc đời họ có thường được đánh dấu bằng sự đau khổ tột cùng.

Chúng ta nên bắt đầu ngay từ việc sống với nhau trong tình anh chị em một nhà. Hãy vượt qua mọi phân biệt và xây dựng một tình bằng hữu. Khi đó, chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn của chúng ta ngày càng mở rộng hơn, cởi mở hơn và giàu tình cảm con người hơn. Chúng ta không biết được lối sống cá nhân của mình có thể gây tầm ảnh hưởng đến mức nào, hoặc thậm chí, có thể ảnh hưởng lên toàn thế giới?

Đối với các tín hữu, sống như anh chị em với nhau là không thể tách rời đức tin. Chúa Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” ﴾Mátthêô 25, 40﴿. Khi đến thế gian, Chúa Giêsu Kitô đã trở nên hiệp nhất với toàn nhân loại. Chúng ta đến gần với Ngài hơn khi chúng ta đi về phía những người đã bị tổn thương bởi cuộc sống; điều này cho phép chúng ta bước vào một mối quan hệ thẳm sâu hơn với Chúa Giêsu Kitô.

“Thách thức lớn nhất của ngày này là: làm thế nào để tạo ra một cuộc cách mạng từ trái tim, một cuộc cách mạng phải bắt đầu từ mỗi chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu đứng ở vị trí thấp nhất, để rửa chân cho người khác, để yêu anh chị em của mình bằng tình yêu cháy bỏng đó, niềm đam mê dẫn đến thập tự, thì chúng ta có thể thực sự nói, 'Bây giờ tôi đã bắt đầu rồi.’ ”

Nhà báo người Mỹ Dorothy
Người đấu tranh cho nhân quyền
năm 1963


Gợi ý thứ tư | Liên đới với toàn thể tạo hóa

Ngày nay, chúng ta thấy rõ hơn sự hiệp nhất của tạo hóa. Tất cả các sinh vật phụ thuộc lẫn nhau khiến chúng ta nhận ra rằng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta là anh chị em của tất cả thụ tạo. Đối với các tín hữu, hành tinh kỳ diệu của chúng ta là một món quà mà Thiên Chúa đã trao phó và chúng ta phải truyền lại cho thế hệ sau.

Chúng ta thấy ngày nay hành tinh bị suy yếu nhiều ra sao do hoạt động của con người. Trong thời gian gần đây, các thảm họa môi trường và các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới. Ngày càng có nhiều người vì những cuộc khủng hoảng này mà phải rời bỏ quê hương của họ, những nơi đã trở nên không thể ở được. Và trong nhiều thập kỷ nay, nhiều nghiên cứu lớn đã cảnh báo chúng ta về những tàn phá vào sự đa dạng sinh học.

Đối mặt với những tình huống khẩn cấp về sinh thái này, các phản hồi chính trị, đổi mới khoa học và các lựa chọn xã hội là rất quan trọng. Nhiều người trẻ đang đưa ra những cam kết rất can đảm, nhưng đúng là có một số bị ám ảnh bởi sự thất vọng và tức giận – và điều này có thể hiểu được.

Chúng ta không nên nản lòng vì tất cả những điều đó! Việc biến đổi thường bắt đầu từ “hầu như không có gì”. Đối với các tín hữu, đức tin vào Thiên Chúa kích thích sự cam kết và tin tưởng vào khả năng của con người để ứng phó với những khủng hoảng này. Tất cả chúng ta có thể tự hỏi: hành động cụ thể nào, dù khiêm tốn đến đâu, mà tôi có thể thực hiện trong tương lai gần để bắt đầu hoặc làm rõ nét thêm quá trình biến đổi sinh thái?

“Tất cả chúng ta - dù là ai và ở đâu - đều có thể đóng góp một phần trong việc thay đổi phản ứng chung của chúng ta trước mối đe dọa chưa từng có của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Chăm sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa là một nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi sự đáp lại đầy cam kết. Đây là thời điểm quan trọng. Tương lai của con cái chúng ta và tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta phụ thuộc vào nó.”

Tuyên bố chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Đức Thượng phụ Bartholomew
và ĐTGM Justin Welby của Canterbury
ngày 1.9.2021


Gợi ý thứ năm | Khát vọng hiệp nhất các Kitô hữu

Việc tìm kiếm sự hiệp nhất là một thách thức lớn đối với các Kitô hữu. Làm sao chúng ta có thể có một tình anh em nồng nàn nếu chúng ta duy trì sự chia rẽ của mình? Trong Chúa Kitô, chúng ta tìm thấy một nguồn hiệp nhất duy nhất ﴾Gioan 17, 20‐21; Êphêxô 2, 14﴿. Bằng cách hiến dâng mạng sống của mình trên thập giá, Ngài đã đi đến mức độ xa nhất của một tình yêu làm xóa tan hận thù và những rào cản giữa con người với nhau.

Tin Mừng kêu gọi chúng ta vượt ra khỏi sự chia rẽ và làm chứng rằng trong sự đa dạng lớn lao thì hiệp nhất là một điều khả dĩ. Đó chẳng phải là một đóng góp đặc biệt quan trọng mà các Kitô hữu được mời gọi cống hiến để gia đình nhân loại có thể sống với nhau như anh chị em sao? Lời nói của một nhân chứng như thế có sức ảnh hưởng hơn mọi từ ngữ.

Tin Mừng thúc giục chúng ta trau dồi nghệ thuật về tạo dựng sự hiệp nhất. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành người kiến tạo hiệp nhất bằng cách tạo dựng mối liên kết lắng nghe và tình bạn mọi lúc mọi nơi.

Trong cuộc đối thoại giữa các hệ phái Kitô giáo, những khác biệt còn tồn tại phải được xem xét nghiêm túc và không thể thiếu các nghiên cứu thần học. Nhưng đối thoại tự nó không dẫn đến sự thống nhất hữu hình.

Để tiến về phía trước, chúng ta nên đến với nhau thường xuyên hơn giữa những thành viên đã chịu phép rửa tội của các Giáo hội khác nhau, trong giờ cầu nguyện chung tập trung vào Lời Chúa. Nào ai sẽ biết được? Bởi Chúa Thánh Thần có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta có thể khám phá ra rằng Chúa Giêsu là Đấng mang chúng ta đến với nhau và tình yêu của Chúa Kitô có thể tỏa sáng rõ ràng hơn khi chúng ta nhận ra những gì chúng ta đang thiếu và khi chúng ta mở lòng đón nhận những gì chúng ta có thể nhận được từ người khác.

“Điều quan trọng là chấp nhận cho và nhận của nhau. Không phải để rơi vào một chủ nghĩa tương đối giáo điều, nhưng để đạt đến điểm mà chúng ta hiểu rằng những điều cốt yếu của đức tin các tông đồ có thể được diễn đạt theo những đường thẳng khác nhau nhưng là những đường hội tụ. Và phần còn lại, hãy hy vọng và chờ đợi một sự tuôn đổ mới từ Chúa Thánh Thần và sẵn sàng đón nhận nó.” 

 Elisabeth Behr Sigel
Nhà thần học Chính thống giáo
năm 1986


Gợi ý thứ sáu | Để Thiên Chúa hiệp nhất trái tim chúng ta

Để sự hiệp nhất phát triển đòi hỏi cam kết của toàn thể nhân loại chúng ta, một cam kết bắt đầu từ chính trái tim chúng ta. Như lời một thánh vịnh cổ, hãy để lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa: “Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh.” (Thánh vịnh 86,11).

Để hướng tới sự hiệp nhất nội tâm, không cần thiết phải đắn đo lựa chọn những đam mê, mà phải chấp nhận rằng chúng ta không thể thực hiện hoặc trải nghiệm hết mọi thứ. Nếu có nhiều điều khả dĩ trước mắt, chúng ta hãy thử phân định xem điều nào dẫn đến hòa bình, ánh sáng và hạnh phúc nhất.

Trong chúng ta, có một niềm khao khát sâu thẳm về sự hiệp thông và hiệp nhất mà nó đến với chúng ta từ chính Thiên Chúa, và chúng ta có thể bày tỏ điều đó trong cầu nguyện. Ngay cả chỉ với một ít từ, việc ở lại trong thinh lặng một mình với Chúa giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sẽ đổi mới chúng ta để sẵn sàng cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta.

Để tìm được sự hiệp nhất giữa trái tim, luôn có sẵn một con đường: đó là hướng mắt về Chúa Giêsu Kitô, học cách hiểu biết về Ngài nhiều hơn, trao những phó niềm vui và những nỗi khó khăn của chúng ta cho Ngài. Bằng cách này, ngay cả trong những lúc khó khăn, dù chỉ có rất ít điều chắc chắn về tương lai, chúng ta vẫn có thể tiếp tục cuộc lữ hành của mình từng bước một, tin tưởng rằng nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô Phục Sinh luôn ở với chúng ta.

“Đi vào thinh lặng có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa, loại bỏ mọi thứ ngăn cản chúng ta lắng nghe thấy Chúa. Điều đó có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào Ngài bày tỏ ý muốn của mình, như trong lời cầu nguyện và bên ngoài lời cầu nguyện. Chúng ta cần giữ sự thinh lặng này để thực thi thánh ý Chúa. Sự thinh lặng được kéo dài nhờ vào sự kiềm chế bản thân, điều mà chúng ta đã quá coi thường, hay sự hồi tâm mà chúng ta xem thường do thiếu hiểu biết. Chúng ta phải “thu thập” các dấu vết, manh mối, lời mời, mệnh lệnh theo ý muốn của Chúa, giống như người nông dân thu hoạch mùa màng của mình vào kho, giống như nhà nghiên cứu thu thập kết quả của một thí nghiệm.”

Madeleine Delbrêl
Nhà văn và nhân viên xã hội người Pháp
năm 1968

 

Duới đây là file hình (.jpg) của những gợi ý trên đây:

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top