Giáo xứ Hòa Hưng dâng lễ tiễn biệt Đức Thánh Cha Phanxicô - 23/4/2025

Giáo xứ Hòa Hưng dâng lễ tiễn biệt Đức Thánh Cha Phanxicô - 23/4/2025

Giáo xứ Hòa Hưng dâng lễ tiễn biệt Đức Thánh Cha Phanxicô - 23/4/2025

TGPSG -- “Đức Thánh Cha - người đã âm thầm dâng hiến cuộc đời, trong từng ngày âm thầm phụng sự, trong từng nỗi đau bệnh tật, từng nỗi cô đơn của trách nhiệm nặng nề.”

Chiều thứ Tư, ngày 23/4/2025, lúc 17h30, cộng đoàn giáo xứ Hòa Hưng lặng lẽ quy tụ trong ngôi thánh đường thân thương để hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô vừa được Chúa gọi về. Thánh lễ do linh mục (Lm) chánh xứ Gioan Baotixita Vũ Mạnh Hùng chủ tế.

Hiệp thông Thánh lễ cầu nguyện có các Soeurs, Hội đồng Mục vụ, đại diện các đoàn thể và giáo dân trong và ngoài xứ.

Bầu khí nhà thờ chiều nay đượm màu trầm buồn. Tiếng chuông ngân vang trong chiều gợi lên một nỗi mất mát thiêng liêng: Hội Thánh vừa chia tay một người Cha, một người Mục tử đã suốt đời hiến mình cho đoàn chiên Chúa. Bước vào Thánh lễ, mỗi người dường như mang theo trong lòng một lời nguyện thầm lặng, những giọt nước mắt. 

Mở đầu Thánh lễ, linh mục chủ tế nghẹn ngào mời gọi cộng đoàn: “Chiều hôm nay, vào lúc 14g00, Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô đã được di quan từ nhà nguyện Matta vào Đền thờ thánh Phêrô. Mọi người đều vui mừng vì sự ra đi của Ngài kết thúc thật đẹp. Dù mang ánh buồn nhưng cũng là niềm vui vì Đức Thánh Cha đã hoàn thành một sứ vụ rất tốt đẹp để trở về Nhà Cha.

Sáng nay, lúc 7g00, tất cả các nhà thờ tại Việt Nam đã cùng nhau rung chuông cầu nguyện cho Ngài. Cũng trong ngày hôm nay, nhiều Thánh lễ đặc biệt đã được cử hành trên khắp thế giới để hiệp thông cầu nguyện cho Đức Cố Giáo hoàng. Chiều nay, trong tâm tình ấy, cộng đoàn chúng ta sốt sắng cử hành Thánh lễ, xin Chúa - Đấng giàu lòng thương xót - đón nhận ngài vào hưởng ánh sáng ngàn thu.”

Trong phần giảng lễ, cha chủ tế chia sẻ về đoạn Tin Mừng theo thánh Luca - trình thuật cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục sinh và hai môn đệ trên đường Emmau. Một chương đầy ý nghĩa về nỗi thất vọng, chán chường của các môn đệ - những người rời Giêrusalem sau cái chết của Thầy mình. Vẻ mặt họ u sầu, tâm hồn họ bối rối. Vậy mà, Chúa Giêsu đã đến, đồng hành và hỏi han họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?”

Từ câu chuyện ấy, cha giảng đã liên kết đến sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô - một biến cố mà cả thế giới đều biết đến. Những tiếng chuông hôm nay vang lên khắp nơi - không chỉ là chuông nhà thờ - mà là chuông nguyện hồn ai, như nhắn gửi sự liên kết giữa người còn sống và người đã ra đi.

Ngài nhắc lại hình ảnh trong văn học: tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls) của đại văn hào Hemingway, một lời nhắc rằng: mỗi cái chết đều mang tính liên đới. Cái chết của một người là mất mát của tất cả. Cũng như vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô ra đi để lại trong lòng nhân loại một khoảng trống sâu xa, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi mọi người tiếp nối hành trình của yêu thương và phục vụ.

Cha cũng nhắc đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với câu hát: “Người chết nối linh thiêng vào đời” như để nói lên rằng sự ra đi của Đức Thánh Cha không phải là dấu chấm hết, mà là sự tiếp nối một di sản lớn lao.

Trong 12 năm triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra một Giáo hội không khép kín, nhưng bước ra ngoài với tấm lòng đầy thương cảm, bằng một đời sống khiêm tốn và giản dị. Hình ảnh Ngài hôn chân những tù nhân, rửa chân cho người bị gạt ra bên lề, đến với các nhà tù trong ngày thứ Năm Tuần Thánh… vẫn còn in đậm trong ký ức của biết bao người.

Cha kể lại: “Năm nay, trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, dù không còn đủ sức để dâng lễ hay rửa chân, Đức Thánh Cha vẫn đến nhà tù thăm 70 phạm nhân, ở lại với họ như người cha yêu thương. Ngài không nói nhiều, nhưng sự hiện diện ấy đủ khiến người ta xúc động.”

Sáng Chúa Nhật Phục sinh vừa qua, Ngài vẫn xuất hiện tại ban công Đền thờ Thánh Phêrô để ban phép lành toàn xá cho Rôma và toàn thế giới. Sau đó, khi sức khỏe suy yếu, Ngài trở về dùng bữa, nghỉ ngơi và rồi nhẹ nhàng ra đi, như một người cha đã hoàn tất sứ mạng.

Lm giảng lễ kết luận: “Tóm lại cuộc đời Đức Thánh Cha Phanxicô bằng hai từ: Khiêm tốnThương cảm. Ngài đã sống một đời yêu đến cùng, phục vụ Hội Thánh và nhân loại với tất cả con tim.”

Khi cử hành phần Phụng vụ Thánh Thể, từng lời kinh, từng cử chỉ dâng hiến như trĩu nặng hơn. Chiếc khăn tang trắng phủ lên bàn thờ nhắc nhớ: Hội Thánh đang chịu tang, nhưng là tang lễ của hy vọng, bởi Đấng Phục Sinh đã mở lối.

Thánh lễ kết thúc lúc 18h45. Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm chủ tế nhắn nhủ cộng đoàn tham dự Thánh lễ an táng Đức Cố Giáo hoàng vào thứ Bảy tới, và hiệp thông với Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thánh lễ cầu hồn đặc biệt vào ngày thứ Hai. Một lời mời gọi sống tinh thần hiệp thông và tiếp nối di sản mà Đức Thánh Cha để lại.

“Chín ngày để tang đã bắt đầu với Giáo hội hoàn vũ. Các Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được cử hành mỗi ngày tại các Đền thờ và nhà thờ ở Rôma cũng như khắp các nhà thờ trên thế giới.’

“Lạy Chúa Giêsu, xin đưa người Mục tử của chúng con về nhà Cha.
Xin cho ngài - người Mục tử nhân hậu, đức ái và khiêm nhường sau những tháng năm gắng gượng bệnh tật vì đoàn chiên, nay được yên nghỉ trong vòng tay Ngài.

Xin cho chúng con biết sống tiếp nối di sản ngài đã để lại.”

Maria Phạm Kim Chi (TGPSG)
Ảnh: Martinô Hoàng Vũ

Top