Giáo xứ Chợ Quán: Hiệp nhất để phát triển

Giáo xứ Chợ Quán: Hiệp nhất để phát triển

Giáo xứ Chợ Quán: Hiệp nhất để phát triển

WGPSG -- “Tôi muốn phát triển những thành quả tốt đẹp của các vị tiền nhiệm để lại, nhằm xây dựng một giáo xứ hiệp nhất trong yêu thương phục vụ” - Cha chánh xứ Gabriel Trịnh Công Chánh đã phát biểu như thế trong phiên họp đầu tiên với Hội đồng Mục vụ giáo xứ Chợ Quán sau ngày nhận nhiệm sở 17.6.2018.

Quả thật, trong quá trình phát triển, nếu không hiệp nhất thì giáo xứ không thể có được những thành quả như ngày hôm nay, sau khi trải qua 295 năm với biết bao thăng trầm, tính từ khi giáo xứ được chính thức thành lập vào năm 1723.

LƯỢC SỬ MỘT HỌ ĐẠO CỔ

Gọi giáo xứ Chợ Quán là một họ đạo cổ vì lịch sử họ đạo gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của đất nuớc và có tuổi gần ba thế kỷ.

muốn khởi nghiệp trên vùng đất mới phía Nam, hoặc vì muốn trốn cảnh bắt đạo, bắt lính, xâu thuế, đói kém…, nhiều giáo dân từ khắp nơi đã tề tựu lại và làm thành họ đạo Chợ Quán không biết từ thời gian nào. Chỉ biết các bô lão nói rằng: “Nhiều di dân có cùng nghề, cùng lòng tin, tạo nên Xóm Bột, có chợ, có nhiều lều quán, nên hình thành cái tên Chợ Quán.

Theo học giả Trương Vĩnh Ký, Chợ Quán cũng có thể là nơi lưu trú của những di dân từ phường Đúc ở Huế vào, khi họ trốn chạy cuộc bắt đạo do Võ Vương ban hành, và có thể là trong khoảng thập niên 1670. Ngôi nhà thờ đơn sơ đầu tiên của họ đạo Chợ Quán đã được dựng lên, thể hiện lòng tin của cộng đồng dân Chúa nơi vùng đất mới.

Nhiều vị mục tử nhiệt thành đã đến đây chăn dắt con chiên, từ các vị thừa sai Dòng Phanxicô đến các giáo sĩ người Việt.

Các cha thừa sai đã gặp nhiều khó khăn, gian khổ khi truyền giáo. Năm 1723, cha José Garcia - thừa sai Dòng Phanxicô - nhận trách nhiệm chăm sóc họ đạo Chợ Quán. Cha gặp nhiều gian nan thử thách: vừa phải đối phó với những cuộc bắt đạo trong nước, vừa bị bão cuốn đi tất cả công trình xây dựng, lại sợ quân Chân Lạp tấn công. Cha José từng bị quân của Võ Vương bắt giải ra Huế, rồi trục xuất về Philippines. Sau này cha chỉ hoạt động ở Hà Tiên và qua đời tại đây.

Năm 1766, có Đức cha Piguel đến dâng lễ tại nhà thờ Chợ Quán theo nghi thức Giám mục dành cho cả giáo dân và lương dân. Dịp này có 600 người được rửa tội và 7.000 người được Thêm sức. Nhiều người ùn ùn kéo đến, lòng sùng mộ của giáo dân suýt nữa đưa đến một lệnh cấm đạo khác.

Nhiều vị thừa sai khác tiếp nối việc truyền giáo. Cha Joseph Marie de Morrone là vị mục tử thừa sai Phanxicô sau cùng coi sóc họ đạo, kết thúc 115 năm hoạt động truyền giáo mà dòng Phanxicô khởi đầu tại Đàng Trong. Trong giai đoạn này, có sự chuyển tiếp quyền quản nhiệm mục vụ giữa các thừa sai Phanxicô và linh mục bản quốc.

Sau đó, Tòa Thánh chú trọng đào tạo các giáo sĩ bản xứ, để dần dần tiến tới thành lập Giáo Hội địa phương do linh mục địa phương trông coi, gia tăng và củng cố quyền hạn của Đại diện Tông tòa, tổ chức lại các đơn vị cơ sở là giáo điểm và giáo xứ, đào luyện những người chuyên trách việc dạy giáo lý.

Khi nhà Nguyễn lên ngôi (1802-1820), họ đạo Chợ Quán đã cùng với toàn thể Giáo hội Việt Nam trải qua thời gian thử thách lớn lao.

KIÊN TRUNG TRONG THỬ THÁCH & PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN

Trong thời gian từ 1834-1859, khi các vua nhà Nguyễn tỏ rõ ác cảm với đạo Công giáo thì cuộc bách hại đạo cũng bắt đầu. Họ đạo Chợ Quán không được sinh hoạt bình thường. Giáo dân vừa lo cho thân mình, vừa phải bảo vệ các linh mục nên phải di chuyển đây đó rất cực khổ. Có lúc Chợ Quán không còn nhà thờ, linh mục phải lẩn trốn trong nhà dân, hoặc phải giả dạng thường dân trong đám cưới hay đám ma, còn Thánh lễ được cử hành vào ban đêm. Giáo lý do cha mẹ dạy cho con cái, nhưng các quới chức vẫn trợ giúp các cha và cộng đoàn giáo dân một cách tích cực.

Khi quân Pháp xâm lăng Sài Gòn thì triều đình nhà Nguyễn gia tăng tìm giết nguời có đạo. Nhiều giáo dân Chợ Quán bị bắt đi phân sáp vào 18 thôn vườn trầu, nhưng chính những người này lại tạo điều kiện cho nhiều người biết Chúa và làm nòng cốt phát triển thành các họ đạo về sau như Hóc Môn, Bà Điểm, Tân Hưng, Chợ Cầu…

Dưới thời Pháp thuộc sau đó, người Công Giáo được truyền đạo và giữ đạo tự do. Họ đạo Chợ Quán được phục hồi và phát triển về nhiều mặt với sự trợ giúp đắc lực của các nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Niềm tin của giáo dân được củng cố, các hội đoàn được thành lập, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, số giáo dân Chợ Quán tăng lên và mở rộng để phát triển những họ đạo mới như Chánh Hưng, Bình Xuyên, Mai Khôi…

NHÀ THỜ CHỢ QUÁN XƯA VÀ NAY

Cùng với chiều dài thời gian, nhiều vị mục tử được sai đến chăm sóc họ đạo và xây cất nhà thờ.

Nhà thờ đơn sơ đầu tiên do di dân dựng lên vào năm 1670. Đến năm 1720 các cha thừa sai đã xây nhà thờ mới lần thứ nhất. Sau đó nhà thờ bị phá sập vì thời cuộc, rồi được xây dựng lại nhiều lần.

Ngôi nhà thờ hiện tại là ngôi nhà thờ thứ tám, được khánh thành năm Bính Thân 1896 do công của ba linh mục Nicolas Hamm, Jules Errand và Lucien Mossard. Cha Nicolas Hamm mất năm 1886, được an táng trong nhà thờ, phía dưới cung thánh trước bàn thờ Đức Mẹ. Nhà thờ được nới rộng và trùng tu nhiều lần mới có được bộ mặt khang trang như hiện nay, tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 16.000m2, số 120 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5.

Đi từ cổng chính vào, phía hông trái nhà thờ có núi Đức Mẹ. Bước vào núi, phía bên trái có mộ của giáo dân Antôn Hồ Chí Thiện, tử đạo chết rũ tù và được phong Bậc Đáng Kính năm 1879. Mộ cha sở Phaolô Hồ văn Lành bên phải (cha giúp họ đạo 24 năm, từ 29.9.1968 đến 22.9.1992). Sau lưng nhà thờ là tượng đài Đức Mẹ Fatima. Kế tiếp, hông phải có tượng đài Thánh Cả Giuse, nhà Giáo lý, nhà sách và nhà Mục vụ. Giáp ranh nhà thờ cũng trên đường Trần Bình Trọng là trụ sở dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, kế tiếp là lăng mộ học giả Petrus Trương Vĩnh Ký; di tích lịch sử này được nhà nước giao cho con cháu gìn giữ. Trong danh sách 117 vị tử đạo được phong hiển thánh ngày 19-6-1988 có thánh Phaolô Hạnh là giáo dân Chợ Quán, bị xử trảm ngày 28.5.1859 dưới thời vua Tự Đức, lễ kính vào ngày 28 tháng 5.

DANH SÁCH LINH MỤC PHỤC VỤ GIÁO XỨ

CHA SỞ

Các Cha sở tính từ lúc giáo xứ có nhà thờ thứ bảy đến nay: 

1.    1858-1863: Cha Tôma Văn Hiển Đoan
2.    1863-1866: Cha Baron 
3.    1865-1867: Cha Bouiller (Xuân)
4.    1867-1874: Cha Bouillevaux (Long) 
5.    1874-1874: Cha Dumoulin 
6.    1874-1875: Cha Maria Trung
7.    1875-1879: Cha Derval Ngãi 
8.    1879-1882: Cha Greset Hòa 
9.    1882-1886: Cha Nicolas Hamm Tài 
10. 1886-1886: Cha Boutier Thiết 
11. 1886-1887: Cha Prodhomme Ngoan 
12. 1887-1891: Cha Erra Y
13. 1891-1891: Cha Leon Lambert Lương 
14. 1891-1897: Cha Mossard Mão 
15. 1897-1898: Cha Desseaume Ngươn 
16. 1898-1913: Cha Anselme Delignon Cao 
17. 1913-1934: Cha Camille Laurent Đính 
18. 1934-1942: Cha Benedicto Trần văn Cậy 
19. 1942-1945: Cha René Detry Tri 1945-1946: không có cha sở 
20. 1946-1953: Cha Henri Bellamin Miêng 
21. 1953-1961: Cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm (được tấn phong Giám mục phụ tá Sài Gòn ngày 6.01.1966) 
22. 1961-1966: Cha Giacôbê Nguyễn văn Mầu (được tấn phong Giám mục Vĩnh Long ngày 12.9.1968)
23. 1966-1968: Cha Augustino Nguyễn văn Lục 
24. 1968-1992: Cha Phaolo Hồ văn Lành (mộ ngài tại núi Đức Mẹ)
25. 1992-1998: Cha Gioan Baotixita Võ văn Ánh (hiện đang nghỉ hưu tại gia)
26. 1998-19.7.2018: Cha Phanxicô Xaviê Lê văn Nhạc (nghỉ hưu tại giáo xứ Hạnh Thông Tây) 
27. Từ 19.7.2018 đến nay: Cha Gabriel Trịnh Công Chánh.

CHA PHÓ

  1. 1885-1886: Cha Boutier Thiết
  2. 1887-1888: Cha Tadeo Nguyễn Tấn Đức
  3. 1899             : Cha Isidor Doumortier Đượm
  4. 1899-1899: Cha Phêro Vãng
  5. 1901-1902: Cha Bernard Bellocq Lộ
  6. 1903-1904: Cha Yves Marie Guillon Du
  7. 1904-1905: Cha Celestine Nicolas Ninh
  8. 1905-1907: Cha Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng
  9. 1907-1914: Cha Micae Nguyễn văn Thao
  10. 1914-1934: Cha Benêdicto Trần văn Cậy
  11. 1947             : Cha Phaolo Nguyễn văn Đậu
  12. 1947-1948: Cha Giuse Nguyễn văn Tùng
  13. 1948-1950: Cha Phaolo Nguyên Quang Minh
  14. 1950-1951: Cha Anton Phùng Quang Thành
  15. 1951-1955: Cha Ernest Nguyên văn Nhường
  16. 1951-1955: Cha Giacobe Lê văn Quá
  17. 1953-1955: Cha Phanxico Xavie Nguyễn Hữu Tấn
  18. 1955-1958: Cha Gioan Baotixita Dương Hoàng Thanh
  19. 1955-1967: Cha Giacôbê Tô Đức Bạch
  20. 1965-1967: Cha Dominico Mai Trung Hiếu
  21. 1958-1964: Cha Giuse Nguyễn Hữu Bằng
  22. 1962-1968: Cha Giacôbê Trần Công Báu
  23. 1964-1965: Cha Luca Nguyễn Phước Quang
  24. 1965-1975: Cha Ignatio Nguyễn Thới Hòa
  25. 1968-1970: Cha Cha Gioan Kim Khẩu Tri Công Vị
  26. 1969-1972: Cha Phêrô Lê Thành Khoái
  27. 1970-1990: Cha Antôn Lương Thủ Hơn
  28. 1972-1992: Cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm
  29. 1992-1999: Cha Phêrô Pham văn Long
  30. 1999-2001: Cha Gioan Lê Quang Việt
  31. 2001-2003: Cha Giuse Đặng Chí Lĩnh
  32. 2003-2010: Cha Vincent Nguyễn Đức Dũng
  33. 2010-2011: Cha Giuse Trần Hoàng Quân
  34. 2011-2016: Cha Frederic Cao Lê Minh Vương
  35. 2016-2018: Cha Giuse Hoàng Đình Hải
  36. Từ 19.7.2018 đến nay: Cha Martinô Trịnh Quang Khải

CÁC ĐOÀN THỂ TÔNG ĐỒ & DÒNG TU

Đoàn thể:

1/ Bà Mẹ Công Giáo: 60 hội viên

2/ Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu: 20 hội viên 3/ Legio Mariae: 38 hội viên

4/ Giới trẻ Con Đức Mẹ: 20 hội viên 5/ Dòng Ba Cát Minh: 15 hội viên 6/ Bác Ái Vinh Sơn: 15 hội viên

7/ Lòng Chúa Thương Xót: 50 hội viên 8/ Kinh Thánh Cầu Nguyện: 45 hội viên

Dòng tu:

- Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Tọa lạc tại số 118 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5. Nhà dòng cộng tác tích cực với giáo xứ trong mọi sinh hoạt như phụ trách phòng thánh, dạy giáo lý thiếu nhi và dự tòng, ca đoàn, thăm viếng…

- Dòng Xitô Việt Nam: Gồm 3 trụ sở Châu Sơn, Phước Sơn và Phước Lý liền kề nhau, tọa lạc tại số 79-81B đường Trần Bình Trọng, P.1, Q.5. Do đặc tính của một dòng chiêm niệm, các tu sĩ không tham gia vào sinh hoạt của họ đạo trừ những dịp lễ lớn hoặc theo yêu cầu mục vụ của cha sở.

- Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu: Cộng đoàn nhỏ bé của các chị ở tại số 48/28D đường Nguyễn Biểu, P.2, Q.5. Các chị tham dự Thánh lễ hằng ngày với cộng đoàn giáo xứ.

- Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang: Trụ sở tại số 59/12 đường Trần Phú, P.4, Q.5. Có hai nữ tu tham gia dạy giáo lý thiếu nhi.

Một điều đáng lưu ý là giáo xứ Chợ Quán đã ươm mầm cho nhiều linh mục, tu sĩ các dòng và tu hội. Hằng năm, vào ngày mồng 3 Tết, khoảng 40 vị về họp mặt mừng xuân, trong đó có những vị cao niên như cha GB Huỳnh Công Minh (sinh 1941-hưu), cha GB Trần Thanh Cao (sinh 1944 - nhà thờ Đồng Tiến), sư huynh Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, xơ Elisabeth Dương thị Tốt - SPC, xơ Anna Nguyễn thị Nguyệt - SPC… Đây là dịp để hun đúc ơn gọi cho người trẻ qua những tiếp xúc cụ thể với những người con ưu tú của họ đạo.

SỨC SỐNG TRÀN ĐẦY

Đến thăm giáo xứ có ngôi nhà thờ cổ này, ai đó sẽ thấy một sức sống tràn đầy, qua những việc làm cụ thể như:

Xây dựng cơ sở vật chất

Trung tâm của giáo xứ là ngôi nhà thờ uy nghiêm, diễm lệ, với cung thánh và bàn thờ được tu sửa khang trang nhiều lần dưới thời các cha sở. Chung quanh nhà thờ là một hệ thống cây kiểng xanh mát, sạch đẹp, giúp mọi người dự lễ cảm thấy tâm hồn an bình và thoải mái.

Bên cạnh nhà thờ có nhà giáo lý 12 phòng với một hội trường rộng do cha PX. Lê văn Nhạc kiến thiết. Đặc biệt, nhà mục vụ mới - gồm phòng ở của các cha, các hội trường, các phòng họp, phòng sinh hoạt, nhà bếp… - do cha PX. Lê văn  Nhạc  đề xuất và ông Phanxicô Assisi Tăng Quang Minh - kỹ sư xây dựng kiêm Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ - đảm nhận công trình. Nhà mục vụ đã hoàn thành sau 1 năm thi công và được Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi văn Đọc cắt băng khánh thành ngày 20.3.2017.

Ngoài ra, còn có nhà quàn hài cốt do cha GB Võ Văn Ánh và nhà sách được sắp xếp chu đáo để phục vụ giáo dân các dịp lễ tết quanh năm. Trong khuôn viên giáo xứ người ta còn trông thấy trường Tiểu học Chí Thiện do cha phó Inhatiô Nguyễn Thới Hòa trước đây đứng ra xây cất, hiện nay là trường Trần Bình Trọng do nhà nước quản lý.

Xây dựng đời sống đức tin

Tất cả những công trình đó do các cha xứ khởi xướng, giáo dân chung tay xây dựng, nhưng ý nghĩa nhất vẫn là công trình xây dựng đời sống đức tin. Hiện có các lớp Giáo lý cho thiếu

nhi mỗi Chúa nhật từ lớp 1 đến lớp 12, khai giảng và bế giảng theo chu kỳ năm học. Mỗi năm, giáo xứ tổ chức 2 lớp Giáo lý hôn nhân (khóa 3 tháng) và 2 lớp Giáo lý Dự tòng (khóa 4 tháng). Hằng năm, giáo dân tĩnh tâm chung vào mùa Vọng và mùa Chay. Bản Tin họ đạo Chợ Quán được phát hành hằng tháng, được chuyển đến từng gia đình qua hệ thống 9 giáo khu, tập trung vào những thông tin của Giáo hội Hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam và giáo xứ.

Xây dựng cộng đoàn phụng vụ

Đời sống thiêng liêng của các tín hữu được nuôi dưỡng mạnh mẽ đặc biệt nhờ các sinh hoạt phụng vụ. Mỗi Chúa nhật có 3 lễ sáng và 2 lễ chiều. Có 5 ca đoàn và Ban lễ sinh phục vụ các Thánh lễ. Có các giờ chầu Thánh Thể, giờ cầu nguyện Taizé tối thứ Năm hằng tuần, rước kiệu Thánh Tâm thứ Sáu đầu tháng và kiệu Đức Mẹ thứ Bảy đầu tháng. Giờ kinh Phụng vụ buổi sáng được duy trì đều đặn.

Xây dựng cộng đoàn bác ái, yêu thương và hiệp nhất

Đây là cốt yếu của tất cả mọi việc làm trong giáo xứ. Trong tình thần bác ái, yêu thương và hiệp nhất, mọi người trong giáo xứ đồng lòng thực hiện 5 lớp học tình thương, 1 phòng khám bệnh đông tây y phát thuốc miễn phí, 1 lớp dạy cắt may. Giáo xứ dành một Chúa nhật trong tháng để quyên góp giúp các xứ nghèo ở các giáo phận khác xây sửa nhà thờ. Ngoài ra, giáo xứ tặng quà cho các gia đình nghèo không phân biệt lương giáo các dịp lễ tết, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Theo báo cáo mục vụ năm 2017, công tác bác ái xã hội được đúc kết như sau:

  • Lớp Tình Thương: phục vụ 100 em học sinh nghèo Phòng khám + Trung tâm HIV: 1.500 lượt bệnh nhân Cấp học bổng: 66.600.000đ/năm
  • Bảo trợ các gia đình nghèo: .600.000đ/năm
  • Cứu trợ thiên tai, bão lụt: 5.800.000đ/năm
  • Hỗ trợ xây cất Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: 147.900.000đ + 500USD cùng 7 nhà thờ các giáo phận khác: .187.703.000đ
  • Giúp Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: 105.000.000đ/năm
  • Đạt được các thành quả nêu trên là do công sức của mọi thành phần dân Chúa trong họ đạo với số giáo dân là 3.864 người trong 914 gia đình Công giáo.

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của giáo xứ gồm:

-      9 giáo khu - mỗi giáo khu có 1 trưởng, 1 phó, 1 ủy viên Bác Ái, 1 ủy viên Phụng vụ.

-     9 Ban gồm: Ban quản lý tài sản, Ban Phụng vụ, Ban Giáo  lý, Ban Trật tự, Ban Giới trẻ, Ban Truyền giáo-Di dân, Ban Khánh tiết, Ban Truyền thông, Ban Thừa Tác viên Thánh Thể, Ban Lễ sinh.

-      8 đoàn thể tông đồ sát vai nhau phục vụ trong những công tác cụ thể của giáo xứ.

-      Giáo lý viên có 42 người (trong đó có 10 tu sĩ).

-      5 ca đoàn gồm 170 ca viên.

-      Hội đồng Mục vụ giáo xứ gồm 54 người.

KẾT

Giáo xứ Chợ Quán đã vượt qua bao thử thách để sống còn và lớn lên như một trong những giáo xứ tiêu biểu cho cộng đoàn tín hữu miền Nam trong quá trình làm chứng cho Tin Mừng theo dòng lịch sử.Hôm nay, giáo xứ Chợ Quán vẫn đang có những đổi mới mạnh mẽ trong một Giáo hội và đất nước có nhiều chuyển biến.

Giáo xứ luôn mong muốn trở thành giếng nước đầu làng, nơi mọi người lương giáo có thể đến kín múc sự sống cần thiết cho bản thân và gia đình.

Do vậy, Hội đồng Mục vụ giáo xứ và các hội đoàn luôn nỗ lực hợp tác chặt chẽ dưới sự hướng dẫn của cha sở và cha phó. Mục tiêu của mọi phát triển là làm cho giáo xứ thành một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, không còn rào cản ngăn cách giữa hội đoàn này với hội đoàn kia, cũng như giữa các giáo khu với nhau.

Trong tinh thần gắn bó yêu thương, mọi người cùng nhau gìn giữ ngôi nhà thờ cổ xứng tầm của Tổng giáo phận, với cung thánh, nội thất luôn linh thiêng, cùng với dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại; nhất là cùng giúp nhau tu bổ ngôi đền thánh tâm hồn, gia đình, cũng như cộng đoàn giáo xứ - luôn xứng đáng là nơi Chúa ngự, luôn tỏa sáng dung nhan thánh thiện của Chúa, và vang vọng Lời yêu thương của Ngài…

Ban Truyền Thông giáo xứ Chợ Quán (x. NSTM 2.2019) / Nguồn: WGPSG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-      Bài Giảng Chủ Nhật” tháng 10/2009, trang 120-125
-      Lịch sử Họ Đạo Chợ Quán 1723-1996
-      Báo cáo Mục vụ 2017

 

 

Top