Xuân Bích ở Việt Nam (1)

Xuân Bích ở Việt Nam (1)

Xin giới thiệu vài trang web liên quan đến Hội Xuân Bích: 

- http://www.dunglac.org/ : bài viết của Đỗ Hữu Nghiêm, một cựu chủng sinh Xuân Bích (tìm trong phần Biên tập – Tác giả) nhan đề “Tu hội các Linh mục Xuân Bích và các đại chủng viện ở Việt Nam”.
- http://www.xuanbichvietnam.wordpress.com: kênh thông tin Xuân Bích Việt Nam, có nhiều bài viết liên quan đến hội.
- http://www.sulpiciens.org/: trang web của Hội Xuân Bích
- http://www.sulpissy.info/: kênh thông tin của đại chủng viện Issy-les-Moulineaux.
- http://www.sulpc.org/index.html: trang web của Xuân Bích Canada
- http://www.stmarys.edu/: trang web của đại chủng viện-đại học Đức Mẹ Maria của Xuân Bích Mỹ
- http://www.sulpicians.org/whoweare/whoweare.html: trang web của Xuân Bích Hoa Kỳ
- http://www.paroisse-saint-sulpice-paris.org/: trang web của giáo xứ Saint-Sulpice ở Paris
 
TỰA
 
Năm 1996 hay 1997, chúng tôi không còn nhớ rõ, cha Nguyễn Bình Tĩnh bề trên đại chủng viện Huế, bây giờ là giám mục phó Đà Nẵng, đã gợi ý cho chúng tôi viết lịch sử Xuân Bích ở Việt Nam, đúng hơn lịch sử chủng viện Xuân Bích ở Việt Nam. Biết rằng đây là một việc khó thực hiện, bởi lẽ không phải là sử gia, chúng tôi lại bận nhiều việc và năng lực viết lách cũng đã thấy suy giảm. Nhưng vì coi đây như một mệnh lệnh, nên chúng tôi đã nhận lời.
 
Thế rồi ngày tháng trôi qua, trôi qua cả Năm Thánh Hai Ngàn, cho tới ngày hôm nay, sực nhớ ra, chúng tôi bắt tay vào việc, mặc dầu chưa đủ tư liệu làm việc.
 
Trước hết, chúng tôi đã được cha Bề Trên Cả hội Xuân Bích giúp đỡ tận tình. Ngài cho chúng tôi một cuốn kỷ yếu của Hội và cho mượn hai số Bulletin de Saint-Sulpice, vì trong kho tồn trữ không còn. Ngài còn giới thiệu với cha Noye, phụ trách văn khố của Hội đặt ở số 6, rue du Regard, Paris 6è, cha vốn là người quen biết từ mấy chục năm nay. Cha rất ân cần mở văn khố của Hội cho chúng tôi, đúng hơn cho chúng tôi biết những gì về chủng viện Hà Nội. Thực ra không có nhiều. Chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội chỉ chiếm một số trang ngắn gọn, trong những pho sách đồ sộ về lịch sử Hội từ gần bốn trăm năm nay.
 
Ngoài tư liệu lấy ra từ văn khố của Hội, còn phải có hai nguồn khác nữa, đó là văn khố của Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam. Văn khố này hiện nay nằm ở đâu, chúng tôi không được biết. Còn về văn khố Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP), 128 rue du Bac, chúng tôi cũng chưa có dịp tới. Nhưng mới đây chúng tôi đã biên thư xin cha quản thủ văn khố tìm giúp. Thế nhưng hình như khá phức tạp, bởi vì hiện nay, phần về Giáo Hội Việt Nam đang được cho vào vi ảnh, nên hẳn phải đợi một thời gian nữa. Vào thời thành lập chủng viện Hà nội (1929), đức cha De Guébriant danh tiếng đã có mặt trong ngày khánh thành chủng viện ở Hà nội. Những tư liệu này sẽ giúp vào việc hiểu biết nguồn gốc chủng viện Xuân Bích Hà Nội hơn.
 
Như vậy về phần tư liệu nói chung, chúng tôi mới chỉ có những gì lấy ra từ văn khố của Hội. Chúng tôi sẽ bổ túc khi có được những tư liệu từ Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP) và không biết bao giờ tìm được các tư liệu rút ra từ văn khố Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Việt Nam. Đó là về phần nguồn gốc kể từ 1929.
 
Còn về những giai đoạn đầu và tiếp theo sau, hiện nay chúng tôi có bài viết của cha Tín (Pierre Gastine). Cha là một tay kỳ cựu và xuất sắc nhất của Hội. Để nói về cha, hẳn phải cả một pho sách. Hãy tạm ghi nhận vắn tắt : cha tới Việt Nam năm 1933, rất tinh thông tiếng Việt, kể cả chữ Hán. Rất chóng, cha đã dạy triết bằng tiếng Việt. Năm 1946, cùng với 5 cha khác, cha bị bắt tù cho tới 1949 mới được tha. Trở về Pháp tĩnh dưỡng rồi, cha lại xin qua Việt Nam năm 1951, cho tới cuối năm 1975 cha trở về Pháp và mất ở đây ngày 27 tháng 12 năm 1997.
 
Bài viết của cha Tín khá dài chia làm hai thời kỳ: 1929-1945 (1) , và 1945-1954 (2) . Tôi đã phiên dịch với một ít lời chú thích.
 
Bài thứ hai của cha Bình (Bouyer) từ 1954 tới 1975 (3) . Cha Bình cũng là một giáo sư kỳ cựu và xuất sắc của Xuân Bích ở Việt Nam. Cha tới Hà nội – đúng ra là Sàigòn – vào năm di cư 1954. Không như cha Tín đã sống một thời kỳ được coi là “hoàng kim thời đại” của đất nước cũng như của Xuân Bích, cha Bình đã sống suốt thời kỳ khó khăn kể từ những năm di cư cho tới những biến cố 1968 và nhất là 1975. Chúng tôi cũng dịch toàn thể bài này với đôi lời chú thích khi cần.
 
Thế là trong tập sách nhỏ Xuân Bích tại Việt Nam này, sẽ có ba phần chính yếu:
 
I. Nguồn gốc và những năm đầu, theo văn khố của Hội Xuân Bích. Nếu được, chúng tôi sẽ thêm phần nguồn gốc theo văn khố Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP). Về sau nếu tìm được văn khố Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Việt Nam, thì có thể sẽ bổ túc cho hoàn hảo hơn.
 
II. Nhìn về quá khứ I (1929-1943), bài viết của cha Tín, bản dịch Việt ngữ của chúng tôi.
 
III. Nhìn về quá khứ II (1945-1954), bài viết của cha Tín, bản dịch Việt ngữ của chúng tôi.
 
IV. Nhìn về quá khứ III (1954-1975), bài viết của cha Bình, bản dịch Việt ngữ của chúng tôi.
 
Chúng tôi cũng có một ước mong, giai đoạn 1975 tới 2000 sẽ được viết, ít ra tóm tắt, để có một hướng đi cho thiên niên kỷ thứ ba.
 
Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên
——
(1) Saint-Sulpice au Vietnam: Regards sur le passé, I (1925-1945), đăng trong Bulletin de Saint-Sulpice, số 3, 1977, tr. 29-54.
(2) Saint-Sulpice au Vietnam: Regards sur le passé, II (1945-1954), đăng trong Bulletin de Saint-Sulpice, số 17, 1991, tr. 76-87.
(3) Saint-Sulpice au Vietnam: Regards sur le passé, III (1954-1974), đăng trong Bulletin de Saint-Sulpice, số 5, 1979, tr. 181-216.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top