Nhóm bác ái Khiết Tâm thực thi lòng thương xót của Chúa

Nhóm bác ái Khiết Tâm thực thi lòng thương xót của Chúa

Nhóm bác ái Khiết Tâm thực thi lòng thương xót của Chúa

TGPSG “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. ( Mt 22,39)

Để chuẩn bị tâm hồn Mừng kính Đại lễ LCTX và thực thi Lòng Thương Xót của Chúa với anh em mình, nhóm “Bác ái Khiết Tâm” đã tổ chức chuyến thăm đầu tiên kể từ khi thành lập, tại hai Mái ấm Phan Sinh và Truyền Tin, phường Bình Hưng Hòa (thuộc Giáo hạt Tân Sơn Nhì - TGP Sài Gòn) vào thứ Bảy ngày 14-04-2023. Chuyến đi do bác sĩ Rảnh Nguyễn, nhóm trưởng, cùng các thành viên chung tay đóng góp hiện kim và hiện vật bao gồm:  mì gói, nhiều loại bánh kẹo, nước mắm, dầu ăn, sữa, đường, bột nêm.

Nhóm gồm 27 thành viên với 3 nhiệm vụ: tài trợ, đồng hành và cầu nguyện, thuộc nhiều đoàn thể như Mục vụ Truyền thông, Legio Mariae. Lòng Chúa Thương Xót, Ca đoàn và Dòng ba Đaminh thuộc nhiều giáo xứ khác nhau và cả những người thuộc tôn giáo bạn, trên địa bàn TGP Sài Gòn và GP Xuân Lộc. Tất cả cùng một ước nguyện, là xoa dịu nỗi đau của những người kém may mắn trong xã hội, cũng như chung tay với các vị Quản lý và nuôi dưỡng họ.

Với 2 xe 7 chỗ của các thành viên trong nhóm, vào lúc 8g30 thẳng tiến đến giáo xứ Bình Thuận để thăm Mái ấm Truyền Tin số 923/5. Cùng lúc này chiếc xe 7 chỗ chở 4 thành viên của nhóm bác ái giáo xứ Gia Yên, Giáo phận Xuân Lộc cũng vừa đến. Số quà tặng lại tăng thêm và đa dạng hơn. Sau những phút tay bắt mặt mừng của lần đầu tiên hội ngộ, tất cả cùng vào thăm Mái ấm Truyền Tin.

Cô Anh Đào, thư ký của mái ấm hướng dẫn mọi người vào ghế ngồi. Sơ Giám đốc Maria Nguyễn Thị Cư - Dòng Thừa Sai Hy Vọng cho biết: Mái ấm Truyền Tin do có 3 Sơ và các 3 cộng sự là các giáo dân cùng chăm sóc các em. Trước đây Mái ấm khá đông, nhưng nhiều em đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và có gia đình đã ra riêng nên số lượng chỉ còn 30 em. Hiện nay quý Sơ đã lớn tuổi nên không nhận thêm, tuy nhiên nếu có trường hợp đặc biệt thì Sơ Giám đốc không khước từ. Sơ Giám đốc chia sẻ thêm:

 - Mái ấm không có nguồn tài trợ ổn định nào, mà chỉ nhờ vào các Nhóm bác ái vãng lai, tuy vậy Chúa vẫn lo liệu đầy đủ.

- Khi có vấn đề về sức khỏe như những bệnh thông thường thì Sơ xử lý với tủ thuốc của Mái ấm và tùy vào mức độ của bệnh mà các em được đến các bệnh viện để điều trị.

Sau phần trao đổi của Sơ, các cháu bé đã giúp vui văn nghệ bằng những điệu múa, hát thánh ca “Lòng Thương Xót Chúa”. Những tiếng vỗ tay của mọi người đã làm cho các cháu mạnh dạn và thân thiện.

Sơ Giám đốc mời Nhóm lên viếng Nhà Nguyện và chụp hình lưu niệm ở đây. Bên cạnh Nhà Nguyện là một lớp học kèm ở nhà. Theo Sơ, các cháu được học đủ các cấp theo lứa tuổi, và khi về nhà lại được quý Sơ kèm học thêm. Những câu chuyện rôm rả giữa Nhóm với quý Sơ và các cháu cứ mãi còn dài; nhưng đồng hồ đã chỉ 10g30 nên mọi người phải từ giã mái ấm để các cháu kịp giờ ăn cơm và đi học.

Chia tay mái ấm Truyền Tin, mọi người trong Nhóm đều tỏ lòng kính phục sự độ lượng và tài năng của các Sơ, vui mừng vì các cháu đã có một mái ấm đúng nghĩa với những người mẹ hiền như lòng Chúa mong ước.

Rời mái ấm Truyền Tin, đoàn đến thăm mái ấm Phan Sinh cũng cùng con hẻm nhưng nằm phía bên trong. Một căn nhà xây kiên cố toạ lạc trên một khu đất với khoảng sân rộng thoáng mát.

Thầy Trí chạy ra đón mọi người với nụ cười thật tươi. Các anh em bị tàn tật đang ngồi trên chiếc xe lăn hoặc nằm liệt trên giường cũng lộ vẻ vui mừng. Sau khi mang những món quà vào mái ấm, anh Nguyễn Thanh Tường phụ trách UNESCO về môi trường tại Việt Nam trao số hiện kim của Nhóm đến Thày Quản lý Phaolô Trịnh Minh Trí.

Qua trao đổi Thày Trí cho biết: Mái ấm Khuyết Tật Phan Sinh thành lập vào ngày 04/10/1993 do một số giáo dân dòng Ba Phan Sinh. Ngày 15/07/2006 dòng Ba Phan Sinh chính thức trao Mái ấm lại cho Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam. Mái ấm hiện nay có 12 anh em (nhỏ nhất sinh năm1990, lớn nhất sinh năm 1957, có 3 anh vừa khuyết tật vận động vừa khuyết tật ngôn ngữ, trong 3 anh đó thì lại có một anh bị thêm thiểu năng trí tuệ). Các anh ban đầu tự đi chợ và nấu ăn, nhưng nay sức khỏe kém, phải thuê người giúp việc ăn uống. Hằng ngày, anh em có 2 giờ kinh chung vào lúc 5h45 sáng và chiều. Mỗi Chúa Nhật, Mái ấm đều có linh mục (Lm) tới dâng thánh lễ tại nhà nguyện Mái ấm lúc 9h30 hoặc 10h sáng (CN tuần III trong tháng là Lm Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Giám học của TTMV Sài Gòn, Trưởng ban Đối thoại liên tôn của Giáo phận; các CN còn lại do các Lm dòng Phanxicô dâng). Tối thứ tư hàng tuần vào lúc 7h30 có những người trong giáo khu đến đọc kinh với anh em tại sân mái ấm.

Nguồn tài chính chủ yếu đến từ những ân nhân vãng lai cũng như quen biết mái ấm, nhờ đó các chi phí sinh hoạt được trang trải. Khó khăn lớn nhất của mái ấm có lẽ là khi anh em bệnh hoặc nằm viện phải có người chăm sóc (có khi 2 hoặc 3 anh em bị bệnh cùng lúc). Từ lúc thành lập tới nay có 7 anh chị đã qua đời tại mái ấm, tro cốt được để tại giáo xứ Đakao hoặc giáo xứ Bình Thuận.

Theo sự hướng dẫn của Thày Trí, Nhóm lên lầu 1 để viếng nhà nguyện và tham quan khu vực nghỉ ngơi của anh em. Đặc biệt thăm cháu Trung bị loét xương đã được đưa đi bệnh viện chữa trị và đang nằm dưỡng thương. Đại diện nhóm gx Gia Yên trao cho cháu Trung một số tiền nhỏ để thuốc men và mọi người hứa sẽ cầu nguyện cho cháu và mái ấm. Đã 11g30, mọi người tạm biệt mái ấm để trở về với công việc của mình. Dù rất ngậm ngùi vì chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, nhưng ai nấy đều an tâm khi nhìn thấy nơi ăn chốn ở của các anh em nơi mái ấm và chỉ cầu mong cho những người kém may mắn khác cũng nhận được sự chăm sóc như các anh em ở đây. Xin Chúa chúc lành cho quý mục tử, quý tu sĩ và các ân nhân đã luôn trao ban Lòng Thương Xót của Chúa cho họ.

Đã đến giờ ăn trưa, mọi người cùng vào nghỉ ngơi tại điểm xuất phát để cùng kiểm điểm công tác và hẹn nhau trong những chuyến bác ái mà nơi đó có nhiều người kém may mắn đang đợi chờ họ.

Bài viết: Phương Nga (TGPSG)
Ảnh: Trần Luật  

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top