Nhà thờ Cha Tam: Một địa danh lịch sử với những thăng trầm ấn tượng

Nhà thờ Cha Tam: Một địa danh lịch sử với những thăng trầm ấn tượng

WGPSG -- Sáng Chúa nhật, ngày 25 tháng 10 năm 2009, mọi người trong giáo xứ Phaxicô Xaviê rộn ràng với xiêm y áo quần đủ mầu đẹp mắt, để chào đón Đức Giám Mục Phụ Tá Phêrô Nguyễn văn Khảm về ban Bí tích Thêm sức cho 86 con em của giáo xứ mình. Một bầu khí tràn ngập hân hoan đang thể hiện qua những khuôn mặt rạng rỡ tươi vui của cộng đoàn.

Giáo xứ Phanxicô Xaviê Quận 5 Chợ Lớn, hiện do Linh mục Stephanno Huỳnh Trụ làm Cha chánh xứ, là một ngôi nhà thờ thuộc vào loại đẹp và cổ xưa nhất của Giáo phận miền Nam. Năm 1963, ngôi nhà thờ này cũng là địa danh liên quan đến một sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước.

Lẽ thường, ai cũng tưởng cha Tam là tên của một người Việt Nam, nhưng thật ra, tên của cha là Tam Assou, một linh mục Trung Quốc. Ngài biết rất nhiều thứ tiếng Trung quốc, và cũng vì là người có công lớn với giáo xứ Phanxicô, nên mọi người ở đây gọi Ngài bằng một tên một cách thân mật gần gũi như thế, lâu dần thành thói quen cho đến bây giờ. Quen đến nỗi rằng, nói đến nhà thờ Phanxicô có người không biết, hoặc dù có biết, thì nhiều người vẫn có thể lầm với một Phanxicô đâu đó trùng tên, song, khi nói đến nhà thờ cha Tam, thì ai cũng biết ngay đó là giáo xứ của người Hoa ở Quận 5 Chợ Lớn.

Nói về nhà thờ cũng là nói đến giáo xứ. Đây là một giáo xứ gồm một nửa là các giáo dân người Việt gốc Hoa với nhiều nét đặc trưng cùng những thăng trầm hết sức ấn tượng. Vì trong quá khứ, vào thời kỳ đầu thành lập, giáo dân chỉ có khoảng 15 người rồi tăng dần lên đến 100, rồi lại tụt xuống chỉ còn khoảng 40 người, nhưng khi cao nhất, lại đông tới 8000 giáo dân cùng với rất nhiều linh mục, tu sĩ.

Hiện nay, con số giáo dân gồm khoảng 3500 người với những sinh hoạt và mục vụ rất ổn định và hài hòa sinh động.

Thánh lễ đặc biệt

Chào đón Đức Cha Phêrô là hai hàng người, gồm các quý chức Việt Hoa, những đoàn thể và rất đông các em thiếu nhi với những bông hoa rực rỡ trên tay. Khung cảnh thánh lễ trở nên sinh động và nhiều cảm xúc với mầu đỏ của trang phục truyền thống dân tộc các quý chức người Hoa.
Thánh lễ nào cũng là đặc biệt vì tính thiêng liêng và có Chúa ngự đến, nhưng điều đặc biệt muốn nói ở đây là, Thánh lễ hôm nay đã được cử hành với một cộng đoàn có chung cả người Hoa và người Việt.

Những lời đầu tiên chào mừng cộng đoàn, Đức Cha đã vui vẻ thú nhận: “Tôi không biết tiếng Hoa, nhưng tôi nói anh chị em có hiểu không? Ai hiểu xin giơ tay”. Và thế là, nhiều, rất nhiều cánh tay đưa cao: “Hiểu, hiểu, thưa Đức Cha, hiểu”.

Trên gian Cung Thánh gồm 2 ca đoàn, người Hoa một bên, người Việt một bên. Tất cả đều hát thật hay với kỹ thuật điêu luyện, điều này cho thấy các anh chị trong ca đoàn đã tập tành với nhiều công phu. Cả 2 ca đoàn còn sử dụng cả Play back.

Cùng đồng tế với Đức cha Phêrô là cha Chánh xứ, cha Phụ tá của Giáo xứ Phanxicô, cha Chánh xứ Bình Thái, cha Chánh xứ Trung Bắc cùng với quý Cha thuộc dòng Thánh Gioan Baotixita.

Ngay khởi đầu, từ phần ca nhập lễ, đọc sách Thánh đến phần công bố Tin Mừng và cầu nguyện giáo dân đều được trình bày bằng 2 ngôn ngữ Việt và Hoa thật hài hòa sinh động.

Sau nghi thức xức dầu Thánh và đặt tay của Bí Tích Thêm Sức, Thánh lễ đã kết thúc hồi 11 giờ 40 phút cùng ngày.

Nghe Audio:
    + Lời chào mừng của Đức cha Phêrô
    +
Bài hát “Tán tụng Hồng Ân” - Hoa Việt
    +
Kinh Vinh Danh - Hoa
    +
Kinh Lạy Cha - Hoa
    +
Tin Mừng - Bài Giảng
    +
Huấn từ cuối lễ

Sơ lược vài nét về thành lập giáo xứ và xây dựng nhà thờ

Dù cùng hòa chung với niềm vui của buổi lễ trọng đại hôm nay, nhưng chẳng ai có thể quên những công khó của biết bao tiền nhân đi trước. Với tâm tình biết ơn sâu lắng ấy, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại quá trình hình thành, sinh hoạt và phát triển của Giáo xứ người Hoa trong hơn 100 năm, qua nhiều thăng trầm đổi thay với những nét rất riêng của mình. Đây cũng là một dịp thuận lợi để có một việc làm thiết thực và nhiều ý nghĩa.

I. Nhà thờ đầu tiên

Ngay từ đầu, giáo phận Đàng Trong đã quan tâm tới việc giảng đạo cho người Hoa tại Nam Kỳ. Vào năm 1865, đời Đức Cha Miche (Mịch, 1865-1872), Cha Phllippe, linh mục Hội Thừa Sai Paris thuộc giáo phận Quảng Đông, đã đến thành lập một nhà thờ đầu tiên cho người Hoa tại Chợ Lớn. Lúc đó có khoảng hơn chục người Hoa Công Giáo đã định cư tại đây được ít lâu để buôn bán, cũng có mấy bệnh nhân người Hoa đã trở lại đạo đang nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Quán. Chính với cộng đoàn người Hoa Công Giáo bé nhỏ này, cha Philippe đã thành lập giáo xứ gốc người Hoa tại Chợ Lớn.

II. Nhà thờ thứ hai

Là một ngôi nhà cũ kỹ kiểu Việt Nam, gần ga xe lửa ở đường Thủy Quân (Rue des Marins, nay là ngã tư đường Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo B) được dùng làm nhà thờ và nhà xứ. Năm sau đó, 1866, Đô Đốc De Lagrandière, lúc bấy giờ là Thống Đốc Nam Kỳ, một hôm đi thăm vùng Chợ Lớn, đã dừng lại nơi này. Xúc động về sự nghèo nàn thiếu thốn của ngôi thánh đường, khi trở về dinh, ông đã ra lệnh cho Sở Công Trình Công Cộng dùng ngân quỹ nhà nước, để xây một nhà thờ lớn hơn và xứng đáng hơn, trên một thửa đất rộng rãi cách xa đó một chút trên đường Cây Mai (nay là Báo Sài Gòn Giải Phóng (vì Ngân Hàng Việt Hoa đã bị đóng cửa), ở ngã tư đường Hùng Vương và Phùng Hưng, chính xác là 203, Hùng Vương, Phường 14, Quận 5, Vì nay mở cửa hướng về đường Hùng Vương). Đó là nhà thờ thứ hai ở Chợ Lớn và cũng là nhà thờ duy nhất dành cho người Hoa ở Miền Nam.

Nhà thờ thứ hai của người Hoa
Nhà Thờ Thanh Nhân, xây năm 1866 tại đường Paris (Phùng Hưng)

III. Nhà thờ hiện nay

Vào năm 1898, tức là cách nay hơn 100 năm, Đức Cha Jean Dépierre (Đễ, 1895-1899), Giám Mục Sài Gòn, thấy rằng họ đạo người Hoa mỗi ngày một suy giảm, từ 100 người giảm còn khoảng 40 người, nên đã quyết định cử cha Phanxicô Xaviê Tam Assou (đọc theo tiếng Hán là Đàm Á Tô), là người Hoa biết đủ loại tiếng Trung Quốc, đang làm cha phó Nhà Thờ Chánh Tòa Sài Gòn kiêm chức giáo sư trường Tabert, vào Chợ Lớn với mong mỏi làm hồi sinh lại đời sống đạo của người Hoa. Cha đã tìm mua được một khu đất rất đẹp, rộng chừng 3 mẫu ở ngay trung tâm Chợ Lớn và trên đó ngài khởi sự xây dựng một ngôi nhà thờ mới, tức là ngôi thánh đường mà chúng ta đang có hiện nay. Đức Cha Lucien Mossard (Mão, 1899-1920) đã cử hành Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên vào ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê 03/12/1900 và Lễ Cung Hiến trọng thể vào ngày 10/01/1902.


Nhà thờ hiện nay của người Hoa
Nhà Thờ Cha Tam, xây năm 1900 tại đường Marin (Trần Hưng Đạo B)

Sau khi xây dựng nhà thờ, cha Tam còn xây thêm được một trường học, một nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú và một số nhà ở cho thuê. Số giáo dân người Hoa bấy giờ đã lên đến khoảng 400.

IV. Những mốc phát triển

Năm 1934, cha Tam qua đời. Từ đó giáo xứ xuống dốc rất nhiều, giáo dân bỏ đạo cũng đông. Mãi đến năm 1952, các cha Thừa Sai Paris từ Quảng Tây, Trung Quốc sang, đời sống đạo của giáo dân nơi đây mới bắt đầu khởi sắc lại.

Năm 1952, cha Sở Robert Lebat thuê thêm một căn nhà lớn ở Quận 1 làm nhà nguyện Đức Bà Hòa Bình. Nay đã trở thành Nhà Thờ Giáo Xứ Đức Bà Hòa Bình thuộc Hạt Sài Gòn.

Năm 1953, cha Joseph Guimet kế nhiệm cha Lebas, mở thêm giáo điểm Bình Tây, xây dựng Nhà Thờ Bình Phước. Nay đã trở thành Nhà Thờ Giáo Xứ Bình Phước thuộc cùng Hạt Chợ Quán.

Năm 1960, một Tiểu Chủng Viện dành cho người Hoa được cha Carôlô Chang thành lập tại nhà thờ Đức Bà Hòa Bình, Q. 1.

Năm 1962, cha Joseph Guimet mở thêm giáo điểm Phú Lâm, xây dựng Nhà Thờ Phú Lâm cho giáo dân Hoa và Việt. Nay đã trở thành Nhà Thờ Giáo Xứ Chúa Hiển Linh thuộc cùng Hạt Chợ Quán.

Năm 1963, Cha Charles Chang được sự giúp đỡ của Đức Cha Carlo van Melckebeke, khánh thành Tiểu Chủng Viện Thánh Carôlô dành cho người gốc Hoa bên cạnh Nhà Thờ Phú Lâm.

Năm 1968, cha Joseph Guimet xây dựng nhà thờ Thánh Giuse tại đường An Bình. Nay đã trở thành Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Giuse thuộc cùng Hạt Chợ Quán. Cùng năm ấy, cha Gabriel Lajeune đã mua thêm hai nhà nguyện tại đường Lãnh Binh Thăng và đường Âu Cơ thuộc Giáo xứ Bình Thới.

Năm 1972 thành lập Hội Đồng Giáo Xứ gồm Ban Thường Vụ và 6 Ủy Ban : 1. Ủy Ban Các Hội Đoàn, 2. Ủy Ban Bất Động Sản, 3. Ủy Ban Trường Học, 4. Ủy Ban Truyền Thông, 5. Ủy Ban Phụng Vụ, 6. Ủy Ban Bác Ái Xã Hội. Ngày 30-12-1972 Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã phê chuẩn bản Qui chế Hội Đồng Giáo Xứ Nhà Thờ Phanxicô Xaviê gồm 9 chương.

Năm 1974, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn tái xác nhận: “Các linh mục thuộc giáo xứ Phanxicô Xaviê có nhiệm vụ đặc biệt lo thăm viếng các giáo hữu Việt gốc Hoa trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời giúp các giáo phận về những vấn đề có liên quan đến việc truyền giáo của người Việt gốc Hoa, như đã được Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam thông qua hồi năm 1965”.

Năm 1975, riêng số giáo dân người Hoa trong giáo xứ đã lên đến 8.000, trong đó có 17 đại chủng sinh, 32 tiểu chủng sinh, 2 dòng tu Gioan Tẩy Giả và Têrêsa, 1 tiểu chủng viện, 1 Trung Tâm Công Giáo Người Hoa, 3 nhà nguyện, 3 trường trung học, 4 trường tiểu học, 118 căn nhà cho thuê, 1 trường giáo lý hàm thụ, 1 tờ nguyệt san thông tin, 1 nhóm phát thanh viên giáo lý và 1 đội ngũ giáo lý viên nhiệt thành đi truyền giáo khắp các tỉnh.

Tháng 3 năm 1975, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã ký lệnh giao trách nhiệm cho các cha tại nhà thờ Phanxicô Xaviê trực tiếp quản lý và điều hành tất cả các nhà thờ và cơ sở tôn giáo người Hoa tại miền nam Việt Nam.

Giáo xứ Phaxicô Xaviê đã được các Cha sau đây coi sóc, lần lượt qua những thời kỳ:
1/ Lm. Philippe: 1865-1869
2/ Lm. Rémi Delpech: 1869-1873
3/ Lm. Le Vicent: 1873-1875
4/ Lm. Derval (Tạm coi sóc): 1875-1876
   Lm. Humbert (Tạm coi sóc): 1875-1876
5/ Lm. Jacquemin: 1876-1879
6/ Lm. Brillet: 1879-1884
7/ Lm. Hirbec: 1884 -1885
8/ Lm. Joseph Martin: 1885-1890
9/ Lm. Lucien Mossard: 1890-1891
   Lm. Phong (Phụ Tá): 1890 ~1891
10/ Lm. Boutier: 1891-1895
11/ Lm. Moreau: 1895-1898
12/ Lm. Phanxicô Xaviê Tam Assou: 1898-1934
13/ Lm. G.B Huỳnh Tịnh Hướng: 1934-1949
   Lm. Anton Phùng Quang Mạnh (Phụ Tá): 1949 ~1953
14/ Lm. Maurice Bạch Văn Lễ: 1949-1952
15/ Lm. Robert Lebas: 1952-1953
16/ Lm. Joseph Guimet: 1953-1969
   Lm. Gabriel Lajeune (Phụ Tá): 1953-1969
   Lm. A.Pinsel (Phụ Tá): 1953-1964
   Lm. Tisserant (Phụ Tá): 1966- 1972
   Lm. Clément Nguyễn Văn Thạch (Phụ Tá): 1953-1969
   Lm. Tisserant (Phụ Tá): 1969~1972
   Lm. Nguyễn Văn Thạch (Phụ Tá): 1953 ~ 1969
   Lm. Fernand Billaud (Phụ Tá): 1953 ~ 1969
   Lm. Joachim Lâm Như Hào (Phụ Tá): 1968 ~ 1969
   Lm. Stêphanô Trần Đạt Minh (Phụ Tá): 1963 ~ 1969
17/ Lm. Gabriel Lajeune: 1969 ~ 1976
   Lm. Fernand Billaud (Phụ Tá): 1969 ~ 1976
   Lm. Stêphanô Trần Đạt Minh (Phụ Tá): 1969 ~ 1975
   Lm. Paul Vallat (Phụ Tá): 1969 ~ 1976
   Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ (Phụ Tá): 1974 ~ 1976
   Lm. Nguyễn Xuân Hy (Phụ Tá): 1975 ~ 1976
   Lm. Phêrô Bùi Duy Nghiệp (Phụ Tá): 1975 ~ 1976
18/ Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ: 1976 ~ 1978
   Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Hy (Phụ Tá): 1976 ~ 1978
19/ Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Hy: 1979 ~ 1980
   Lm. Giuse Đoàn Văn Thịnh (Phụ Tá): 1979 ~ 1980
   Lm. Martinô Đỗ Văn Diệp (Phụ Tá): 1975 ~ 1978
20/ Lm. Stephano Huỳnh Trụ: 1980-nay

 

 

 

 

 


 

 

   Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Hy (Phụ Tá): 1980-2006
   Lm. Giuse Đoàn Văn Thịnh (Phụ Tá): 1980-1985
   Lm. Martinô Đỗ Văn Diệp (Phụ Tá): 1980-1989
   Lm. Louis Tô Minh Quang (Phụ Tá): 1980-1991
   Lm. G.B Nguyễn Văn Hiếu (Phụ Tá): 1992-1999
   Lm. Phêrô Nguyễn Văn Tâm (Phụ Tá): 1998-2002
   Lm. Giuse Đinh Đức Thịnh (Phụ Tá): 2002-2009
   Lm. Phanxicô Ass. Trần Đức Huấn (Phụ Tá): 2009-nay


Tiểu sử Cha Tam (Phanxicô Xaviê Tam Assou)

Cha Phanxicô Xaviê Tam Assou sinh năm 1855 tại Macao, Trung Quốc. Cha có một người em trai. Lúc còn nhỏ, cha mẹ ngài gửi hai anh em cho các dì phước Nhà Trắng ở Hồng Kông coi sóc nuôi dưỡng. Đức Cha Pellerin ban phép Thánh Tẩy và đỡ đầu cho ngài. Sau một thời gian, người em của ngài lâm bệnh và đã qua đời. Cha Phanxicô lúc ấy chừng 8 tuổi, thì bà Benjamin đem sang Sàigòn. Lúc ấy bà Bề trên sai bà Benjamin lập dòng. Bà mẹ Benjamin dày công khó với Cha Phanxicô lắm; lúc bé bà chịu khó dưỡng nuôi, lớn lên cho ăn học, bà hết lòng lo lắng, khi ngài chịu chức Thầy Cả, thì bà thêu cho ngài 2 bộ áo lễ trắng. Cha Phanxicô hằng trân trọng giữ gìn như của quý báu, để kỷ niệm công lao khó nhọc của bà mẹ Benjamin. Trong cuốn lịch sử của Dòng Thánh Phaolô de Chartres (Histore de la congrégation des surs St. Paul de Chartres) mới xuất bản ít năm nay, có ghi lại sự tích bà mẹ Benjamin nuôi dưỡng ngài lúc ngài còn thơ ấu, và cũng thuật lại cuộc lễ vinh quy Cha làm tại nguyện đường của Dòng Thánh Phaolô de Chartres Sàigòn. Điều này chứng tỏ nhà Dòng rất lấy làm vinh hạnh, vì thấy hai trẻ nhỏ nhờ các bà nuôi dưỡng, bây giờ đã công thành danh toại, được quyền chánh tế hiển vinh, nên đã ghi chép trong cuốn sử của nhà Dòng, để lưu truyền cho hậu thế. Tưởng lúc bà mẹ Benjamin quỳ chầu lễ mở tay của Cha Phanxicô, thì bà vui mừng thoả dạ là dường nào. Vì thấy rằng công khó lúc xưa nay được kết quả rất trọn lành quý báu.

Khi tới Sàigòn, bà mẹ Benjamin cho ngài về ở cùng Cha Philipphê, Cha Sở họ đạo Chợ Lớn. Ở đây ngài học tiếng Triều Châu và tiếng nước Hẹ. Cha Philipphê thấy ngài có tánh tốt và ham học, nên Cha Philipphê hết lòng lo lắng dạy dỗ, và một ít năm sau, khi ngài được 13 tuổi, nhân dịp ngài trở về Pháp dưỡng bệnh, thì Cha Philipphê đem ngài qua học tại Đại Chủng Viện Penang.

Tại trường Penang, cậu Phanxicô được học 6 năm. Cha giáo Chibaudel thấy cậu tánh tốt lại sáng trí, nên rất thương và nhận đỡ đầu cho. Về sau, khi Phanxicô đã làm Linh mục và khi bề trên đã rút Cha Chibaudel về Paris lo cho Hội Thừa Sai, Cha Phanxicô vẫn hay ca ngợi tài đức Cha giáo xưa của mình trong nhiều dịp nói chuyện.

Trong Nhà Nguyện trường Penang, trước bàn thờ chính, dưới ngay đèn Nhà Tạm, là phần mộ của Đức Cha Pellerin, người ngày xưa khi ở Hongkong, đã rửa tội và đỡ đầu cho cậu Phanxicô. Vì thế ra vào Nhà Nguyện, cậu hay đến mộ phần Đức Cha để cầu nguyện, xin cho được ơn bền đỗ. Chắc chắn bên toà Chúa, Đức Cha cũng không thể quên được người con thiêng liêng của mình.

19 tuổi, khi đã học xong các lớp nhỏ ở trường Penang, chú Phanxicô được về học tại Chủng Viện Sài Gòn. Cũng như khi ở Penang, Thầy siêng năng học tập, trau dồi tính nết, dần dần được chịu các chức nhỏ; đến chức tư, thì được giữ lại làm giáo sư tại Chủng Viện. Thầy dạy 3 năm liền. Nhiều học trò của Thầy đã làm linh mục. Mãi đến năm 1882, Đức Cha Colombet mới phong chức Linh Mục cho Thầy. Chịu chức xong, Cha đã dâng lễ mở tay đầu tiên tại Nhà Nguyện Tu Viện Thánh Phaolô Sài Gòn. Về sau, khi mừng Kim Khánh Linh mục, Cha vẫn không quên dâng 1 lễ tại Nhà Trắng cho bà mẹ Benjamin, người đã dày công nặng nghĩa với Cha.

Đức Cha sai Cha Phanxicô về làm phó tại Nhà Thờ Chính Toà Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư cho trường Taberd. Cha Phanxicô còn được giao nhiệm vụ tập hát và đánh đàn cho Nhà Thờ Đức Bà. Bấy giờ, Cha Le Mée là Cha Sở họ Sài Gòn và Cha Joubert là bề trên của trường Taberd.

Cha phục vụ tại Sài Gòn như vậy được 16 năm. Năm 1898, Đức Cha Dépierre thấy giáo dân họ đạo Thanh Nhân trong Chợ Lớn ngày càng giảm sút - chỉ còn khoảng chừng 40 người - nên đã sai Cha Phanxicô về Thanh Nhân để chấn chỉnh lại. Đức Cha rất trông đợi ở Cha, vì Cha vừa là người đồng hương, lại vừa nói được rất nhiều tiếng các vùng của người Hoa đang cư trú tại Chợ Lớn.

Trước khi nhận nhiệm sở mới, Cha xin phép đi nghỉ một thời gian. Qua Singapore, Cha về thăm lại Chủng Viện Penang, nơi xưa Cha đã được huấn giáo. Khoảng tháng 8 năm 1898, Cha trở về Chợ Lớn. Mới đầu, Cha tạm trú tại họ đạo Annam Chợ Lớn với Cha Maritte, để đi kiếm đất xây Nhà Thờ. Không phí công tìm lâu, Cha đã thấy được một lô đất rộng hơn 3 mẫu tây ở ngay trung tâm Chợ Lớn, vừa đủ để cất Nhà Thờ, trường học và nhà xứ. Nhưng thật khó mua, vì là đồng sở hữu của 9 Hoa Kiều. Lô đất này xưa nguyên là nhà hội của người Thanh dùng làm nơi nghỉ ngơi, giải trí và bàn tính công việc. 20 năm qua, đất đã bỏ hoang, chủ đất kẻ về Tàu, người biệt tin tức. Muốn mua, phải tìm sao cho ra 9 người chủ hay là con cháu thừa kế của họ. Thật là nan giải. Nhưng Cha vẫn một lòng trông cậy Chúa và cầu nguyện gửi gấm cho Thánh Phanxicô Xaviê là bổn mạng của Cha. Cha hứa sẽ dựng Nhà Thờ mới, nhận Thánh danh Phanxicô để kính nhớ. Cha đã đi khắp nơi Chợ Lớn - Sài Gòn, gửi nhiều thư ra Bắc, qua Trung Quốc, Cao Miên, Thái Lan để truy tầm chủ đất. Sau nhiều tháng, Cha mới gặp được 8 người thừa kế của các chủ đất. Cha mời hội 8 người lại để ngỏ ý mua. Ban đầu, có chủ chê rẻ không bán. Nhưng cuối cùng mọi người đều đồng ý và sẵn sàng đến phòng chưởng khế làm giấy bán.

Qua biết bao gian nan vất vả, Cha Tam Assou mới được như ý nguyện. Các thủ tục mua đất hoàn tất đúng ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê. Đối với Cha Tam, đây thật là ngày có ý nghĩa.

Mua đất xong xuôi, Cha khởi công ngay việc dựng một ngôi nhà tạm làm Nhà Thờ cho giáo dân người Hoa (Thanh Nhân) và nhà xứ. Cuối năm 1898, Cha dọn hẳn về đây, sắp xếp công việc xây cất Nhà Thờ mới. Cha tổ chức quyên góp. Rất nhiều người: giáo dân có, các nhà giàu có và thương gia người Hoa bên lương cũng có, đều sẵn lòng rộng tay giúp đỡ Cha.

Ngày 03/12-1900, lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Đức Cha Mossard đã về làm lễ trọng thể thánh hoá và đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh Đường. Rất mau chóng, ngôi Thánh Đường đã được hình thành. Bấy giờ, Cha Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng còn là Thầy Năm, được Bề trên sai về Chợ Lớn, học tiếng Hoa. Thầy Gioan khéo tay vẽ kiến trúc và thành thạo việc xây dựng, nên khoảng 10 tháng sau, ngôi nhà đã gần xong. Điều không may là Cha Tam Assou lâm bệnh nặng, phải nằm bệnh viện 2 tháng. Còn lại một mình Thầy Gioan xoay sở. Dầu vậy, công việc vẫn tiến hành. Ngày 10/02-1902, Đức Cha Mossard làm lễ khánh thành và làm phép Nhà Thớ mới. Lễ nghi rất long trọng. Nhiều linh mục Pháp, linh mục Việt, nhiều quan chức chính quyền, đông đảo giáo dân tham dự. Nhà Thờ mang tên Thánh Phanxicô Xaviê, xây theo kiểu Gô-tích (Gothique). Mặt tiền và lầu chuông do Cha Pianet vẽ.

Tuy bệnh đã khỏi, nhưng còn rất yếu, nên cất xong Nhà Thờ, Cha Tam đã xin Bề trên đi nghỉ. Cha qua Hongkong, Macao và đến đảo Thượng Xuyên viếng mộ Thánh Phanxicô Xaviê.

Đi nghỉ về, Cha lập nhà Dục Anh giúp nuôi những trẻ mồ côi người lương. Hằng năm số trẻ này ở đây được rửa tội rất nhiều. Riêng năm 1952, đã thánh tẩy cho 1.093 em.

Cha xây thêm một trường học, giao cho các dì phước Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres giúp các trẻ người Hoa học giáo lý, kinh bổn. Năm 1907, kỷ niệm 25 năm lãnh chức Linh Mục, giáo dân đã tổ chức mừng Ngân Khánh cho Cha rất trọng thể.

Bấy giờ Chợ Lớn có nhiều nhà thương, nên Cha cũng phải chăm lo thăm viếng cho những người bệnh trong các nhà thương này. Cha còn lập nhà Bảo Trợ trẻ em; đích thân Cha cũng dạy cho các trẻ trong nhà này. Chiều thứ Năm hằng tuần, nhiều người đem con tới nhờ Cha dạy giáo lý. Mỗi năm, Cha rửa tội cũng như lo cho rất nhiều trẻ em được rước lễ vỡ lòng.

Xét về số giáo dân, thì Thanh Nhân không phải là một xứ đạo lớn, nhưng việc truyền giáo lại gặp nhiều khó khăn. Trước hết là vì người Hoa qua Việt Nam chỉ quan tâm việc làm ăn buôn bán, để khi có ít của, là trở về quê quán. Mấy ai nghĩ đến để lập nghiệp! Giáo dân Hoa cũng vậy, nên số người trong giáo xứ khi tăng khi giảm. Hơn nữa, số người Công Giáo rất ít, sống tứ tán trong các làng các tỉnh, khó quy tụ lại thành một xứ. Đồng thời, một nguyên nhân khác cũng làm trở ngại không ít, là nhiều người qua Việt Nam, làm công trong các cửa tiệm, các sở hãng, gặp phải những người chủ tham việc, không muốn người Công Giáo có giờ đi học kinh, dâng lễ.

Vì những lý do đó mà số giáo dân người Hoa ở Thanh Nhân không tăng lên bao nhiêu. Trước năm 1876, Cha Jacquemin, người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đang ở Quảng Đông, được Đức Cha Colombet cho qua Chợ Lớn giúp giáo xứ Thanh Nhân và truyền giáo cho người Hoa. Nhưng sau 3 năm tận lực cố gắng, cũng không đạt được kết quả bao nhiêu, nên muộn phiền, Cha lại xin trở về Trung Quốc.

Còn trong giáo xứ, nhờ tài khéo léo, từ hai bàn tay trắng, Cha Phanxicô đã ổn định được nhiều việc. Chúa đã chúc phúc cho các việc Cha làm. Tuy cũng có những lúc khó khăn, nhưng Cha luôn cậy trông Thiên Chúa và Thánh Phanxicô bổn mạng, nên mọi việc đều thành công.

Đó là vài nét sơ lược về những công việc Cha Phanxicô Xaviê Át Xu đã thực hiện trong 50 năm sống với giáo xứ mà Ngài phụ trách. Còn tính nết và lòng đạo hạnh của Cha, thì nhiều nhân chứng đã kể lại rằng, ai đã từng diễm phúc được quen biết Cha Phanxicô đều yêu mến và thấy rõ Cha là một Linh mục rất đứng đắn, tính tình vui vẻ hoà nhã, ăn nói khôn ngoan bặt thiệp, lịch lãm, yêu thương mọi người và đặc biệt, rất quý trọng những kẻ hiền tài.

Dù Cha đã được Chúa gọi về từ lâu, nhưng công lao và tinh thần của Cha Tam Át xu vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người, cách riêng với những giáo dân, không phân biệt Việt Hoa, tại Giáo xứ Phanxicô Xaviê hôm nay và trải dài đến mãi mãi sau này.

Xin ghi lại đây vài tâm tình đơn sơ để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ vị thừa sai nước ngoài, người đã làm bùng cháy và sáng lên ngọn lửa yêu thương của Đức Kitô, trên mảnh đất thân yêu của quê hương nhỏ bé là Quận 5 Chợ Lớn Việt Nam.

V. Hiện trạng

Sau khi cha Thừa sai cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 19/07/1976, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã bổ nhiệm Linh mục Stephanno Huỳnh Trụ làm Cha chánh xứ.

Sau biến cố năm 1978, toàn bộ cơ sở vật chất không còn nữa, giáo dân người Hoa hầu hết tản mác qua các nước khác, đời sống tinh thần sa sút, thanh thiếu niên thất học và mù chữ. Trong khi đó số ơn gọi tu trì của người Hoa lại rất ít, bởi nhiều nguyên do như: số cựu tòng rất ít, gia đình ít con, thất học lại nhiều và còn có một lý do không kém phần quan trọng là chưa có sự quan tâm, giúp đỡ của giáo phận một cách đặc biệt tương xứng với trọng trách mà Hội Đồng Giám Mục cũng như giáo phận đã trao phó cho các linh mục trong giáo xứ. Nhưng “số còn lại” có lòng đạo khá cao, cùng với số người Việt, người Hoa bên lương trở lại rất đông, đã dần dần làm cho đời sống đạo của các tín hữu nơi đây đơm hoa kết trái và lan rộng hơn. Hiện nay, chan hòa với cộng đồng giáo hữu, còn có sự hiện diện và đóng góp tích cực của các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres.

Về phụng vụ: Mỗi ngày giáo xứ có 2 thánh lễ, 1 cho người Việt, và 1 cho người Hoa. Riêng ngày Chúa Nhật có 7 thánh lễ, 4 cho người Việt và 3 cho người Hoa, nhưng vẫn có nhiều lễ mà số người tham dự gấp đôi số ghế trong nhà thờ.

Về công tác giảng dạy giáo lý: Hiện có 4 lớp giáo lý dự tòng và 15 lớp giáo lý cho thanh thiếu niên và 1 lớp giáo lý dự bị hôn nhân dành cho học viên từ nhiều giáo xứ trong hạt (lớp này có ban giảng huấn gồm các cha trong giáo phận và chuyên viên các ngành đến giúp).

Về hoạt động tông đồ giáo dân: Ngoài 2 Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Hoa Việt phụ trách các mặt công tác có liên quan đến sinh hoạt chung của cộng đồng giáo dân Hoa Việt, còn có 22 đoàn thể, chia nhau đảm nhận các mặt sinh hoạt của giáo xứ từ việc phụng vụ, giảng dạy giáo lý, việc truyền giáo và tái truyền giáo, các hoạt động xã hội và từ thiện, cho đến cả các dịch vụ căn tin, giải trí và vệ sinh.

Nhìn chung, mọi sinh hoạt đều có sự tham dự của cả người Việt lẫn người Hoa, nhưng không hề có sự ganh tị, chia rẽ hay cục bộ, bè phái. Trái lại, giáo xứ thực sự là một cộng đồng sống hòa thuận yêu thương nhau, chuyên cần cầu nguyện, sốt sắng trong việc phụng vụ, tích cực hòa mình vào nhịp sống của xã hội qua những việc từ thiện bác ái, phục vụ đồng bào và đồng đạo cả về tinh thần lẫn vật chất, giáo xứ rất tự hào về tinh thần đoàn kết của hai dân tộc Việt và Hoa tại đây.

VI. Sinh hoạt

1. Giờ thánh lễ:
   Ngày thường: 5g30 Việt - 17g30 Hoa
   Chiều thứ bảy (PV CN): 18g30 Việt - 19g30 Hoa
   Ngày Chúa Nhật: 5g30 Việt 7g00 Hoa
                          8g30 Việt 16g00 Việt
                          17g00 Hoa

2. Giờ chầu Mình Thánh Chúa: 14g30 (V+H) mỗi Chúa Nhật 

3. Các lớp giáo lý
Ngày Chúa Nhật: (Gồm các lớp: Khai tâm, Rước lễ vỡ lòng,Thêm sức, Bao đồng, Vào đời, Kinh Thánh)
    Tiếng Hoa: 08g30-11g00,
    Tiếng Việt: 14g00-16g00.
Giáo lý Dự tòng:
    Tiếng Hoa: 09g00-10g00 thứ hai, tư, sáu hàng tuần.
    Tiếng Việt: 18g00-19g00 thứ hai, tư, sáu hàng tuần.
    Tiếng Việt: 19g30-20g30 thứ hai, tư, sáu hàng tuần.
Giáo lý Hôn nhân:
    Tiếng Hoa: 19g00-20g00 thứ ba và thứ năm hàng tuần.
    Tiếng Việt: 19g30-21g00 thứ năm trong ba tháng sau Phục Sinh. 

Cùng cộng tác và giúp việc cho Giáo xứ hiện nay, với nhiệm kỳ 4 năm từ 2009 đến năm 2013, là một Hội đồng Mục vụ giáo xứ gồm các vị:

Người Việt:
1/ An tôn Nguyễn Thanh Long: sinh năm 1948, Chủ tịch HĐMV
2/ Giuse Phạm Văn Thành: sinh năm 1954, P.CT/ HĐMV/ Đối nội
3/ Phêrô Nguyễn Tâm Thành: sinh năm 1961, PCT/HĐMV/ Đối ngoại.
4/ Maria Vũ Thị Hòa: sinh năm 1948, Thư ký.
5/ B.Pauline Lê kim Ngọc Tuyết: sinh năm 1934, Thủ quỹ.

Người Hoa:
1/ Philiphe Vương Gia Trang: sinh năm 1967, Chủ tịch HĐMV
2/ Giuse Giang Khi: sinh năm 1956, PCT/HĐMV/ Đối nội.
3/ Phêrô Van Thoai Hoa: sinh năm 1947, PCT/ HĐMV/ Đối ngoại.
4/ Maria Giang Huệ Nghi: sinh năm 1957, Thủ quỹ.
5/ Philipphe Châu Trí Cần: sinh năm 1963, Thư ký.

Ngoài ra, Giáo xứ Phanxicô cũng có nhiều đoàn thể như mọi giáo xứ khác với những sinh hoạt hàng ngày và định kỳ rất sốt sắng nhiệt thành.

VII. Tu sửa

Trong vòng một trăm năm qua, nhà thờ hiện nay đã được tu sửa nhiều lần. Lần cuối cùng vào ngày 02-01-2000, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita đã đến chủ sự khánh thành nhà sinh hoạt gồm tầng trệt và hai tầng lầu, trong đó có tám lớp học, một Hội trường có thể chứa được 400 người.


Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê sau khi tu sửa năm 1998

VIII. Từ thiện

Từ năm 1994 giáo xứ thành lập nhóm từ thiện Vinh Sang, chuyên lo việc xã hội. Công việc của nhóm gồm cứu trợ hàng tháng cho những gia đình neo đơn, trợ giúp học phí cho những học sinh nghèo, cho mượn vốn không tính lãi.

Năm 1995 thành lập phòng khám bệnh phát thuốc từ thiện dưới tên Phòng Khám Nhân Đạo Cơ Sở 3, thuộc Hội Chữ Thập Đỏ Quận 5.

Năm 1999 thành lập thêm Tổ Chẩn Trị Y Học Dân Tộc. Phòng khám này phục vụ cho giáo dân và nhân dân thuộc phường 13, 14 và 15, Quận 5.

Ngoài ra, còn có nhiều công tác xã hội được thực hiện như:
   Giúp người nghèo vui xuân.
   Hưởng ứng tuần lễ từ thiện, giúp người nghèo Củ Chi.
   Cứu trợ đồng bào bị thiên tai.
   Thăm viếng và tặng qua cho các trại dưỡng lão và trai cô nhi khuyết tật.

IX. Kế hoạch tương lai, cùng với những trăn trở...

Ưu tư hàng đầu hiện nay của cha Chánh xứ là cộng cuộc truyền giáo cho người Hoa, ngài mong muốn và đang cố gắng hình thành một nhóm những người có thiện chí truyền giáo cho người Hoa gồm có các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cả người Việt lẫn người Hoa, để việc truyền giáo không còn lệ thuộc vào một giáo xứ hay một vài linh mục trong xứ.

Trong khi chờ đợi nhóm mục vụ người Hoa được hình thành, cha Chánh xứ đang nỗ lực huấn luyện một số giáo dân người Hoa đảm trách công việc tông đồ giáo dân.

Lạy Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo vĩ đại của mọi thời, xin phù hộ và nâng đỡ Giáo hội truyền giáo Việt Nam, và cách riêng, xin nâng đỡ giáo xứ đã được vinh dự mang tên Ngài, cùng với những thành viên đã được lãnh nhận ấn tín Thêm Sức hôm nay, để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ ấy, mọi người sẽ cùng nhau loan báo Tin Mừng một cách sinh động bằng chính đời sống chứng nhân của mình.

Top