Hành hương - kỉ niệm 11 năm Cung Hiến Đền Thánh Vincente - giáo xứ Thăng Long

Hành hương - kỉ niệm 11 năm Cung Hiến Đền Thánh Vincente - giáo xứ Thăng Long

Hành hương - kỉ niệm 11 năm Cung Hiến Đền Thánh Vincente - giáo xứ Thăng Long

TGPSG -- “Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 46).

Thánh lễ kỉ niệm Cung Hiến Đền Thánh Vincente được Linh mục (Lm) Vicente Nguyễn Thế Thủ - Chánh xứ Thăng Long cử hành trọng thể vào lúc 10 giờ sáng thứ Năm, ngày 05.12.2024 tại Đền thánh Vincente, số 9 Nguyễn Thị Nhỏ, Phường 15, Quận 11, thuộc giáo xứ Thăng Long, giáo hạt Phú Thọ.

Hành hương hằng tháng

Hôm nay cũng là ngày hành hương Đền thánh Vincente theo định kỳ hằng tháng. Khách hành hương quy tụ về đây ngoài làm việc đạo đức, (Lm) Vicente còn mời các vị chuyên gia đến thuyết giảng, mỗi tháng một đề tài. Chủ đề hôm nay là “Thánh hóa đời sống hằng ngày” do sơ Maria Rosa Vũ Loan, FMSR thuyết trình. Để “thánh hóa đời sống hằng ngày” người Kitô hữu cần kín múc năng lượng thần linh từ đỉnh cao của ngày hành hương chính là Thánh lễ, với tâm tình hân hoan tiến vào nhà Chúa.

Tìm hiểu về nghi thức Cung hiến Đền thờ

Sau bài công bố Tin mừng theo Thánh Gioan, Lm Vincente giảng giải về việc Cung hiến Đền thờ. Khởi đầu ngài nói: Bàn thờ là nơi quan trong nhất. Có 4 nghi thức

  1. Làm phép bàn thờ nhưng không làm phép nhà thờ. Khi không cử hành Thánh lễ, quây Bàn thờ lại thì có thể sinh hoạt trong nhà thờ.
  2. Làm phép bàn thờ và làm phép nhà thờ, không có lễ kỉ niệm Cung hiến hằng năm. Nếu giáo xứ nghèo xin và được Đức Giám mục cho phép thì có thể dời bàn thờ đó đi để làm việc đạo đức nơi khác. Nhà thờ đã làm phép chỉ được sinh hoạt việc đạo đức, nhưng không được kinh doanh buôn bán hay tổ chức tiệc trong nhà thờ.
  3. Cung hiến Bàn thờ nhưng không cung hiến nhà thờ, tức là bàn thờ không xê dịch đi đâu, chỉ để dâng lễ, cũng không có lễ kỉ niệm Cung hiến bàn thờ hằng năm.
  4. Cung hiến Bàn thờ và cung hiến Nhà thờ là bậc cao nhất. Trên các cột nhà thờ có dấu Thánh giá. Dầu thánh là yếu tố quan trọng trong nghi thức cung hiến. Bàn thờ và nhà thờ sẽ được xức dầu thánh trên các khu vực quan trọng, đặc biệt là bàn thờ và các bức tường xung quanh. Dầu thánh này tượng trưng cho sự thánh thiện và sự hiện diện của Thiên Chúa. Hằng năm có lễ trọng kỉ niệm Cung hiến. Không được lên gian Cung thánh nếu không có phận sự.

Sau khi cung hiến, bàn thờ và nhà thờ được coi là nơi thánh và chỉ có thể sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo. Việc sử dụng nhà thờ hoặc bàn thờ vào mục đích khác sẽ không hợp lệ, trừ khi có sự cho phép đặc biệt từ giáo phận.

Ngài nhấn mạnh: Hoạt cảnh tuy là việc đạo đức nhưng cũng đem xuống Hội trường. Nếu không gian hẹp, cần sử dụng phải xin phép Đức Giám mục. Cần trình bày kịch bản xem có nghiêm trang và đủ tiêu chuẩn để Đức Giám mục duyệt hay không.

Ý nghĩa của Bàn thờ và nhà thờ được cung hiến

Bàn thờ được Cung hiến chính là Chúa Kitô: Linh mục hôn kính, chúng ta phục bái khi đi ngang qua Bàn thờ.

1. Chúa Kitô là trung tâm quy tụ chúng ta là con cái lại, để làm việc tôn thờ Thiên Chúa. Nhà thờ là nơi chúng ta diễn tả chức tư tế phổ quát của người Kitô hữu.

2. Nhà thờ xây dựng trên nền móng các thánh Tông đồ, là cột trụ của Giáo hội. Kế vị các Thánh Tông đồ là các Giám mục. Vào nhà thờ là chúng ta ở trong Giáo hội, làm cho đức tin của chúng ta được lớn lên.

3. Những viên đá bức tường sống động đó chính là mỗi chúng ta. Hãy làm cho đền thánh hồi xuân, tô điểm bằng việc siêng năng đến cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa

Kết thúc bài giảng, ngài nói: hôm nay ngày hành hương, mừng kỉ niệm Cung hiến Đền thánh Vincente là cơ hội giúp chúng ta xác tín lại nơi đây Chúa quy tụ chúng ta. Nơi đây chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin của Hội thánh. Nhờ đức tin ấy, chúng ta làm khởi sắc lên mỗi ngày.

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Thiên Chúa xức dầu. Hãy tôn trọng đền thờ Thiên Chúa chính ở nơi tâm hồn mỗi người, sống trong sạch xứng đáng để Thiên Chúa ngự vào.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện giáo dân và phần phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ trưa cùng ngày.

Bài: Têrêsa Vũ Thanh Hương (TGPSG)
Ảnh: Giuse Đinh Dũng

 

Top