Gx. Trung Mỹ Tây: Chút tình tri ân mục tử

Gx. Trung Mỹ Tây: Chút tình tri ân mục tử

WGPSG -- Thực hiện tâm tình tri ân với quý cha đã cống hiến trọn đời mình cho Giáo hội, GĐPTTT giáo xứ Trung Mỹ Tây do Ông đoàn trưởng Vincentê Đặng Văn Đáp, các ủy viên trong BCH cùng một số đoàn viên đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho quý cha tại nhà Hưu dưỡng các Linh mục của TGP Sài Gòn (149 Bành Văn Trân, P. 7, Q. Tân Bình) vào lúc 8g00 ngày 27/07/2013.

Tại văn phòng, đoàn đã được các nữ tu phụ trách tiếp đón, đồng thời giới thiệu sơ lược về quý cha tại nhà hưu dưỡng. Hiện nay, có 14 cha già, yếu và bệnh tật, đang nghỉ dưỡng sau một cuộc đời phục vụ Hội Thánh hết sức vất vả cả về tinh thần lẫn thể chất; phục vụ các ngài có 3 nữ tu cùng một số người phụ việc. Sau đó, các nữ tu đã thay nhau dẫn đoàn đến thăm quý cha tại phòng riêng. Phòng riêng của quý cha sạch sẽ, thoáng mát, đủ tiện nghi để sinh hoạt và được bày trí theo sở thích như nhà riêng của mình.

Trước mặt chúng tôi là những con người đã từng “vang bóng một thời”. Có cha đã từng học cao hiểu rộng, viết bao nhiêu sách, dạy bao nhiêu học trò, đào tạo biết bao vị mục tử cho Giáo hội; giờ biết mình tuổi già sức yếu lặng lẽ rút vào bóng tối để cho lớp đàn em tiến lên. Học trò của các cha bây giờ có người làm giám mục, bề trên, giám đốc, cha sở… đang hăng say, miệt mài với các công việc mục vụ nối tiếp truyền thống của cha anh. Tuy tuổi già sức yếu nhưng có ngài vẫn còn minh mẫn sáng tác và cần mẫn gõ từng con chữ trên máy vi tính, đồng thời tự tay in tặng mỗi thành viên chúng tôi một bản “Kinh của con Trời”.

Có những cha đã xây dựng bao nhiêu nhà thờ, trường học, coi sóc bao nhiêu giáo xứ, nhà trường, trung tâm. Nói chuyện với chúng tôi, các ngài vẫn hào hứng kể về những ngày Lễ, Tết… được tổ chức ở giáo xứ ngày ấy như khi còn là một vị cha sở đương chức. Có vị còn tự hào say sưa kể cho chúng tôi nghe về xứ đạo nơi ngài từng coi sóc là quê hương của vị Chân phước tử đạo duy nhất của Sài Gòn. Nhưng ngài cũng rất hóm hỉnh với câu trả lời về tuổi của mình là 90 nếu người hỏi là đàn ông, và 89 nếu người hỏi là quý bà!

Có những cha bước chân truyền giáo đã đi khắp các vùng sâu, vùng xa, đưa dẫn bao nhiêu người tin theo Chúa, thực hiện biết bao chương trình bác ái xã hội. Có những cha theo bước chân mục vụ, đồng hành cùng thời cuộc và thăng trầm của đất nước đã một thời trong chốn lao tù, trại cải tạo! Giáo dân của các ngài bây giờ nhiều người đã thành những “ông cố, bà cố”, nhà cao cửa rộng hoặc nắm giữ những địa vị cao trong nước cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Bây giờ có mấy người còn nhớ đến người cha của mình năm xưa?

Vui vẻ và hồn nhiên như con trẻ là vị mục tử có tuổi đời sắp bước vào tuổi “bách niên”, ngài ưu ái trao tặng cho mỗi thành viên một chuỗi tràng hạt Mân Côi với lời nhắn nhủ ví von, đó là mối dây để chúng ta liên lạc với nhau và là những bậc thang để chúng ta bước về quê Trời. Bên cạnh đó, có những cha sức khỏe rất yếu mà dấu hiệu còn lại của sự sống chỉ là hơi thở nhè nhẹ mong manh như sương khói. Nhìn các cha nằm thiêm thiếp trên giường, trong đầu chúng tôi lại vang lên câu hát của cố nhạc sĩ Viết Chung trong bài “Giờ đây, lạy Chúa”.

Giờ đây lạy Chúa. Xin cho tôi tớ ra đi bình an.
Tai này đã nghe, mắt này đã rõ. Muôn lạy Chúa.
Nguồn ơn cứu độ Chúa đã tuôn đổ cho tôi tớ Ngài.
Một đời mỏi mong chờ đợi cậy trông. Lạy Chúa.
Con đã mãn nguyện, con đã viên toàn.
Xin Ngài thương xót con.

Trở lại văn phòng, chúng tôi cũng ngỏ lời tri ân và gởi những phần quà cho các nữ tu phục vụ. Các nữ tu tuy dáng vẻ còn khỏe mạnh nhưng tuổi đời cũng đã khá cao; đã bỏ lại sau lưng mấy chục năm cuộc đời thiếu nữ của mình để trở thành những “người mẹ” vô cùng đặc biệt: chăm sóc cho những “người cha” có  rất nhiều “con”, mà vĩnh viễn không bao giờ lập gia đình! Khiêm tốn và lặng lẽ, các nữ tu đề nghị chúng tôi không nêu tên tuổi để công việc của các nữ tu mãi mãi vẫn là những công việc thầm lặng như công việc nội trợ thường ngày. Lòng chúng tôi như chùng xuống với ao ước giản dị là sẽ còn có dịp trở lại nơi này. Ước mong có nhiều giáo dân và các đoàn thể cũng như chúng tôi hôm nay được tới đây. Đến đây như một sự trở về nhà thăm viếng chính cha mẹ của mình; để nơi tĩnh lặng này được rộn ràng những bước chân, tíu tít lời thăm hỏi và rộn rã những nụ cười.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top