Gx Phú Bình: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót

Gx Phú Bình: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót

WGPSG -- Chúng ta phải cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, để sống yêu thương, quảng đại, tha thứ và trao ban niềm vui, bình an cho người khác, là lời chia sẻ của cha Giuse Vương Sĩ Tuấn - Chánh xứ giáo xứ Phú Bình - trong Thánh lễ Chúa nhật II Phục Sinh, kính Lòng Chúa Thương Xót, được cử hành lúc 17g00 Chúa nhật 03.4.2016. Phần phụng vụ thánh ca do ca đoàn Thomas cùng với ca đoàn Giáo lý Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn sử dụng bộ lễ Latinh.

Đầu Thánh lễ, cha chánh xứ Phú Bình Giuse Vương Sĩ Tuấn nói đến khung cảnh buổi chiều Phục sinh, Chúa Giêsu đã trao ban bình an và ơn tha thứ cho các môn đệ. Vì thế, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu và kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”.

Trong bài chia sẻ, cha chánh xứ nói đến ý nghĩa lễ Lòng Chúa Thương Xót: Ngày 30.4.2000, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina Kowalsk, người Ba Lan. Vị nữ tu này đã phổ biến lòng Chúa thương xót. Đồng thời, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng chọn Chúa nhật II Phục Sinh là ngày lễ kính lòng thương xót của Chúa. Năm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô lại chọn năm 2016 là Năm Thánh ngoại thường về Lòng Chúa Thương Xót.

Từ câu chuyện Tin Mừng, Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra với các Tông đồ nơi căn phòng đóng kín cửa. Các ông sợ hãi, bỏ chạy và cứng tin, nhưng Đức Giêsu hiện ra vẫn trao ban bình an và ơn tha thứ cho họ. Tôma đòi hỏi được thấy vết thương nơi cạnh sườn Chúa Giêsu... cha chánh xứ diễn giải: “Chỉ có lòng thương xót mới vượt qua tất cả các giới hạn và tội lỗi của con người. Chúa Giêsu mang trong thân mình những thương tích trong cuộc thương khó. Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những người mẹ, người vợ đau khổ vì chồng con cũng đang bị những thương tích bầm dập. Lòng thương xót của Chúa, nước và máu tuôn chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu trên Thánh giá là mở ra tình thương vô biên của Thiên Chúa. Qua những vết thương, Chúa Giêsu tỏ bày Lòng Thương Xót của Ngài cho chúng ta. Đó là hình ảnh bức chân dung Lòng Chúa Thương Xót, mà Chúa Giêsu hiện ra cho thánh nữ Faustina vào năm 1937. Bức hình quen thuộc với chúng ta, trong đó Chúa Giêsu với bàn tay phải đưa ra như ban phép lành cho nhân loại và bàn tay trái chỉ vào con tim của mình. Từ nơi đó cũng có hai nguồn ánh sáng, màu trắng và màu đỏ, tượng trưng nước và máu trong com tim của Ngài đang mở ra để chiếu sáng cho nhân loại. Dòng sáng màu trắng chính là bí tích Thánh Tẩy để biến đổi chúng ta thành con người mới. Tia sáng màu đỏ chính là bí tích Thánh Thể, Ngài tiếp tục nuôi dưỡng và nâng đỡ cho chúng ta”. 

Ngài nhắc nhở thêm: “Trong cuộc sống hôm nay, thế giới chúng ta đầy những thương tích. Giáo hội, mỗi người tín hữu phải có khả năng chữa lành những thương tích. Thương tích đó là giữa con người với nhau luôn có những gian dối, lọc lừa, đặt tiền bạc là trên hết chứ không đặt tình yêu thương làm quan trọng. Khi vợ chồng không còn chung thủy với lời cam kết hôn nhân. Giáo hội đang tiếp tục sứ mạng chữa lành những thương tích của nhân loại. Chúng ta phải cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, để mang lấy một thái độ mới, yêu thương, quảng đại, tha thứ và trao ban niềm vui, bình an cho người khác, xóa bỏ những sợ hãi, nghi ngờ nhau”.

Phần hiệp lễ, ca đoàn Nhà thờ Đức Bà đã trình diễn bài thánh ca Năm Thánh Lòng Thương Xót “Misericordes sicut Pater” và bài hát Alleluia.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha chánh xứ Phú Bình cảm ơn ca đoàn Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Cha mong ước rằng qua cuộc giao lưu gặp gỡ này, ca đoàn Thomas sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau hơn và cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa trong từng lời ca tiếng hát, nhờ đó Thánh lễ luôn sốt sắng trong tâm tình cầu nguyện.

Thánh lễ kết thúc với phép lành toàn xá trong Năm Thánh Lòng Thương Xót vì ngày đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc cho phép ban ơn toàn xá cho giáo dân tại các nhà thờ trong Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Xin cho chúng con biết trở thành chứng nhân của LTX Chúa khi biết xoa dịu những vết thương của nhân loại, đó là những đau khổ bệnh tật, cho những người đang bị loại trừ vì nghèo đó thiếu thốn, để họ nhận ra lòng Chúa thương xót.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top