GX Gia Định: Thánh lễ mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam và đón tân phó xứ 24-11-2023
TGPSG -- “Ngày xưa, chứng từ của tử đạo là đổ máu đào, ngày nay không còn là cực hình, đổ máu mà người ta chọn chứng từ là đời sống phó thác, phục vụ trong khiêm tốn…”
Đó là điều khẳng định của linh mục (Lm) Tổng đại diện (TĐD) Inhaxiô trong bài giảng của thánh lễ mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam (TĐVN) , được cử hành lúc 17g30 ngày thứ Sáu 24.11.2023, tại nhà thờ Gia Định, giáo hạt Gia Định. Đây cũng là thánh lễ đón tân phó xứ Giuse Lê Hoàng Tuấn từ giáo xứ Bắc Hà chuyển về.
Thánh lễ do Lm Giuse Mai Thanh Tùng - Chánh xứ Gia Định- chủ tế. Đồng tế có Lm TĐD Inhaxiô, Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng -Chánh xứ Bắc Hà, Lm tân phó xứ Giuse và Lm Thomas Martin Nguyễn Diệp Lê, phó xứ Gia Định.
Hiệp dâng thánh lễ có các tu sĩ, đông đảo giáo dân của giáo xứ Bắc Hà và giáo xứ Gia Định
Đầu lễ, đoàn đồng tế đã đến trước linh ảnh các Thánh TĐVN để niệm hương.
Sau đó Lm Chánh xứ Giuse giới thiệu Lm tân phó xứ Giuse, sự hiện diện của Lm Chánh xứ Bắc Hà và một số giáo dân đưa tiễn. Ngài cũng giới thiệu hào quang đựng thánh tích của 3 vị Thánh: Philipphê Phan Văn Minh, Phaolô Lê Văn Lộc và Giuse Nguyễn Văn Lựu đặt trước linh ảnh các Thánh TĐVN và sơ lược về tiểu sử của 3 thánh nhân. Qua việc các ngài đã anh dũng đổ máu đào để minh chứng đức tin, Lm chủ tế đưa ra định nghĩa từ ‘Tử đạo’ là ‘làm chứng’ và diễn giải rõ nghĩa của từ làm chứng. Ngài liên tưởng đến tân phó xứ đã ‘làm chứng’ ở giáo xứ Bắc Hà hơn 3 năm, nay sẽ tiếp tục là ‘chứng nhân’ ở giáo xứ Gia Định. Lm chủ tế mong muốn chính mỗi tín hữu cũng là những chứng nhân qua đời sống phục vụ, bác ái yêu thương, tha thứ qua lời mời gọi: “Trong thánh lễ mừng kính các TĐVN hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho cộng đoàn trở nên chứng nhân của Chúa.”
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Lm phó xứ Thomas Martin công bố bài Tin Mừng
Lm TĐD Inhaxiô chia sẻ Tin Mừng. Ngài chọn gương thánh Tử đạo Matthêu Lê văn Gẫm, một Kitô hữu kiên cường làm đề tài chính của bài giảng. Với vai trò thương nhân, có thuyền riêng, ông đã là một giáo dân hợp tác chặt chẽ với các linh mục để phục vụ Giáo hội và làm tất cả vì Chúa. Vâng lời bề trên, nhiều lần ông sang Singapore và Penang đón các Giám mục, linh mục vào Việt Nam và đưa các chủng sinh đi học.
Khi Cha Lợi nhờ ông qua Singapore đón Giám mục Đa Minh Lefèbvre Nghĩa, linh mục Duclos Lộ và ba chủng sinh về Sài Gòn. Ngày 6-6-1846, ông Gẫm mới vào đến cửa biển Cần Giờ thì bị bão, lỡ hẹn với người đón các cha ở đất liền và bị thuyền tuần tiễu của quan phát hiện, ông Gẫm bị bắt giam tại Sài Gòn, bị đánh đập, tra tấn, đưa vợ con đến để làm áp lực bắt ngài chối Chúa. Nhưng có thể nói thánh Matthêu Gẫm đã sống trọn vẹn đời mình như bài đọc 2 trong thư của Phaolô “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8,35).
Ngày 11.5.1847, đời Vua Thiệu trị ông đã bị trảm quyết tại pháp trường Da Còm, là một cây đa cổ bây giờ ở số 48 đường Nguyễn Trãi, trước nhà thờ Huyện Sĩ ngày nay.
Lm TĐD cũng kể lại ngài đã nhiều lần sang Pháp, đến trụ sở hội thừa sai Paris -Société des Missions Etrangères de Paris- (MEP), các cha MEP đã lập 1 phòng dưới hầm để kính các thánh tử đạo Việt Nam, Hàn quốc, Nhật Bản. Nơi đây có lưu giữ các hình cụ đã dùng để tra tấn, giết hại các thánh tử đạo: đao chém, dây thắt cổ… Nhiều người đã đến đây nhìn ngắm những hình cụ tra tấn này để tưởng nhớ lại các bậc tiền bối đã anh dũng hy sinh trong khổ hình.
Lm TĐD tiếp tục quảng diễn: Qua đời sống, gương chứng nhân kiên cường của thánh Matthêu Lê Văn gẫm, chúng ta rút ra những kết luận:
- Ơn Đức Tin Chúa ban cho mỗi người chúng ta là một món quà vô giá. Một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta trong đời sống đức tin. Vai trò, trách nhiệm, sứ mạng của mỗi người Kitô hữu là làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu, là Cha giàu lòng thương xót.
- Tử đạo là làm chứng. Ngày xưa làm chứng là đổ máu đào, ngày nay không còn cực hình, đổ máu mà người ta chọn chứng từ là đời sống phó thác, phục vụ trong khiêm tốn. Chứng từ đó thể hiện bất cứ lúc nào trong đời sống yêu thương phục vụ của chúng ta. Ngài nhắc lại trong thời Covid đã có hàng trăm nữ tu, các đan sĩ, một số linh mục đi vào các bệnh viện dã chiến, đến khu ICU để phục vụ, dọn vệ sinh, nắm tay những người hấp hối không có người thân bên cạnh, vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc… Đó là những chứng nhân kiên hùng, cụ thể của thời đại.
Lm TĐD kết luận: Gợi lại cuộc đời của Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm và gương các Thánh TĐVN tiền bối của chúng ta đã sống đức tin, sống trọn vẹn niềm tin, bất chấp tất cả. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để dù gặp khó khăn trong đời sống hằng ngày thế nào, chúng ta vẫn thể hiện niềm tin của mình bằng những việc làm cụ thể. Đức tin đòi buộc chúng ta phải sống đức ái, mà sống đức ái là chu toàn lề luật. Các thánh Tử đạo không bao giờ hận thù những người đã giết mình, mỗi người chúng ta luôn sống trọn vẹn đức tin, sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu trong đời sống yêu thương và phục vụ.
Lm TĐD Inhaxiô cũng thay mặt Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng, cảm ơn Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng khi nhận được quyết định điều cha Tuấn, phó xứ Bắc Hà đi, Lm Chánh xứ Phêrô đã sẵn sàng vui lòng chấp nhận chia sẻ gánh nặng mục vụ với Cha Giuse Tùng, dù biết rằng mình sẽ phải gánh việc nặng hơn vì sức khỏe không tốt và với chức năng là giáo sư phải đi dạy nhiều nơi. Riêng với Lm TĐD, ngài biết ơn Cha Phêrô Tùng rất nhiều vì Cha Phêrô là giáo sư Sử học, đã cung cấp những tư liệu về lịch sử nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 để cha TĐD viết 2 quyển sách về Dòng lịch sử của Nhà thờ Chánh toà Đức Bà Sài Gòn và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 làm quà tặng cho giáo dân trong nước cũng như hải ngoại, cả những người không cùng tôn giáo đều rất quý 2 quyển sách này.
Đối với Lm tân Phó xứ Giuse Hoàng Tuấn, như cha Hoàng công Bao đã nhận xét: Chúa gửi cha phó Tuấn đến giáo xứ Bắc Hà cho ngài như là một món quà quý báu, giúp ngài nhiều trong đời sống mục vụ, thì Lm TĐD cũng rất vui khi nói lên ‘Hôm nay cha Giuse Tuấn cũng là món quà quý báu Chúa gửi đến cho giáo xứ Gia Định”
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Thánh lễ kết thúc lúc 18g30 trong niềm vui mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, được hiểu biết hơn về gương sống tử đạo của các bậc tiền nhân. Các nhóm hội và gia đình đã chụp hình lưu niệm với tân phó xứ.
Bài: Trần Thăng (TGPSG)
Ảnh: Xuân Nguyên
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ Phú Xuân: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi, chia tay Cha Chánh Xứ Đaminh Ngô Quang Tuyên
-
Giáo họ Phanxicô Xavie mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi, Bổn mạng ca đoàn -
GX Bùi Phát: Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi - Bổn mạng đồng hương Quần Cống Sài Gòn 2024 -
Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, trao Ủy nhiệm thư cho các thành viên tân Hội đồng Mục vụ tại giáo xứ Tân Đức -
Giáo xứ Tân Phú: Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi 2024 -
Giáo xứ Hà Nội: Khai mạc tháng Mân Côi 2024 -
Đền Thánh Vincente - GX Thăng Long: Ngày hành hương tháng 10-2024 -
GX Tân Phước: Mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Nghi thức trao khăn và tuyên hứa của Đoàn TNTT -
Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng Ca đoàn Mân Côi giáo xứ Nam Thái -
Giáo xứ Phát Diệm: Những tràng hoa thiêng dâng kính Mẹ trong tháng Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa