Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hạt Xóm Mới: Mừng kính thánh Matthêu

Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hạt Xóm Mới: Mừng kính thánh Matthêu

WGPSG -- Vào lúc 18g, ngày 21/9/2011, cộng đoàn giáo dân giáo họ Matthêu, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hạt Xóm Mới cùng toàn thể giáo dân giáo xứ đã long trọng rước kiệu Thánh Matthêu, quan thày giáo họ Matthêu chung quanh thánh đường.

Thánh lễ

Trong khi ca đoàn hát bài ca nhập lễ “Vừa khi Chúa kêu mời, người đã sẵn lòng bước đi…”, giáo dân giáo họ Matthêu đã long trọng đứng hai bên, rước cha chủ tế tiến vào thánh đường để dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Matthêu.

Trong bài giảng, cha chủ tế đã nói: Giữa hai nhóm Biệt phái và Thu thuế không bao giờ ngồi cùng bàn, không bao giờ hòa hợp được với nhau, vậy mà Chúa cùng các môn đệ đã không ngại ngùng, sẵn sàng ngồi cùng bàn. Chúa chính là trọng tâm, là sợi dây liên kết và hàn gắn. Nếu trong chúng ta không chấp nhận nhau, không sẵn sàng tha thứ cho nhau làm sao những người tội lỗi có thể tái hòa nhập vào xã hội.

Thánh Matthêu từ một người thu thuế xấu xa đã trở thành một môn đệ tuyệt vời. Đó chính là nhờ lòng nhân hậu của Chúa. Người cũng muốn chúng ta thể hiện lòng nhân hậu ấy trong cuộc sống hằng ngày, với những người hàng xóm quanh ta, với những người chúng ta gặp gỡ trong công việc. Hãy yêu mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Matthêu: “Món quà của Chúa”

Thánh Matthêu là người Do Thái, làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương. Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của "người thầu thuế". Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân tộc mình. Người Pha-ri-sêu coi họ là hạng "tội lỗi". Bởi thế, thật bàng hoàng khi Ðức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Ngài.
Theo luật Rôma, những người thuộc dòng dõi quý tộc, sanh ra làm cha thiên hạ. Nhờ dòng dõi thế giá, Matthêu được học để nắm các chức vụ quan trọng trong việc chăn dân, trị nước. Matthêu lại có liên hệ mật thiết với vua Hêrôđê Antipa và Hoàng gia. Nhờ những liên hệ này mà ông đã nắm chức vụ quan trọng trong sở thuế. Chúa Giêsu gọi Matthêu, ông đáp lại bằng cách mời lại Chúa và các môn đệ đến tư dinh dự tiệc mừng. Ngoài Chúa và các môn đệ ra, khách dự tiệc hôm đó toàn là dân sở thuế. Vì thế, nhóm Pha-ri-sêu và bè Biệt phái hè nhau đánh phủ đầu, kết án Chúa là bạn của phường tội lỗi và gian ác (x. Mt 9,11-12). Matthêu không chối điều này, vì biết Đức Kitô đã ví người thu thuế và dân ăn chơi cùng phường với nhau. Ông tìm nguồn an ủi nơi câu: "Ta không đến kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi" (Lc 5,29).

Matthêu theo Chúa, đã gây chấn động toàn vùng vì ảnh hưởng của ông và tầm quan trọng vị trí của ông đối với người La Mã. Matthêu khi từ giã chức vụ tại phòng thuế để đi theo Chúa, đã gây một tiếng vang, thiên hạ đồn nhiều ngày đường, khắp miền lục tỉnh và các vùng phụ cận.

Câu trả lời của Ðức Kitô là: Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng chính người đau yếu mới cần. “Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng đến để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9,12b-13). Ðức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên, Ngài muốn nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn.

Sau khi Chúa lên trời, Thánh Matthêu đi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã viết về các phép lạ Chúa làm và mỗi lời Chúa nói được giải thích theo tài năng của ngài. Tuy ra sau Phúc Âm Thánh Marcô, nhưng Phúc Âm Thánh Matthêu mở đầu Tân Ước, viết cho người Do Thái. Thánh Matthêu cho thấy những gì Cựu Ước tiên báo đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì Thánh Matthêu đã giảng cho người Do Thái 15 năm sau ngày Chúa lên trời, rồi người đi rao giảng cho xứ Êthiopi, Ba-Tư, Parthes và sau cùng người đã được lãnh phúc tử đạo tại Tarium, thuộc xứ Êthiopi.

Thánh Matthêu được coi là thánh quan thầy của giới Trí thức Công giáo.

Thánh Matthêu còn có tên là Lêvi, anh em với Thánh Tông Đồ Giacôbê Hậu, con ông Alphaeus. Tên Lêvi thuộc dòng dõi tư tế, do cha mẹ đặt cho đã mờ dần, nhường chỗ cho tên Matthêu, có nghĩa là “Món quà của Chúa”. Không có giải thích nào và do đâu Thánh Matthêu có tên này.

Bình an của Chúa

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Giuse Nguyễn Văn Thanh, thay mặt giáo họ Matthêu chân thành cảm ơn cha chủ tế, Hội đồng Mục vụ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã cùng giáo họ Matthêu, rước kiệu và tham dự Thánh lễ thật long trọng và sốt sắng.

“Chúa ở cùng anh chị em”. Câu chúc bình an cuối lễ mà cha chủ tế vừa ban, làm lắng đọng nhiều suy nghĩ trong tâm hồn mọi người. Chúa luôn hiện diện và ở cùng chúng ta. Người luôn đồng hành cùng chúng ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi người, nhất là những người tội lỗi thực là vô biên, đủ minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, không tội lỗi nào mà Chúa không tha thứ, không vết thương nào Chúa không chữa lành, không nỗi buồn nào Chúa không an ủi. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa, hôm nay và mãi mãi.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top