Gx. ĐMHCG: Kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối
WGPSG -- Do ảnh hưởng cơn bão, nên cả buổi sáng trời mưa không dứt, lúc to lúc nhỏ. Nhưng sao lạ quá! khoảng 11g tự dưng cơn mưa giảm dần và tạnh hẳn. Đúng 12g, ngày 13/10/2011, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, như truyền thống hằng năm, cha chánh xứ cùng toàn thể cộng đoàn giáo dân đã long trọng rước kiệu, kỷ niệm ngày Mẹ Maria hiện ra lần thứ 6 và cũng là lần cuối cùng tại Fatima. Tiếng kèn đồng vang lên rộn rã, giáo dân lần hạt Mân Côi, hát những lời ca chúc tụng Mẹ trong lúc rước kiệu Mẹ hết sức trọng thể xung quanh Thánh đường.
Thánh lễ
Rước Mẹ đến gian Cung thánh, cha chánh xứ xông hương tôn vinh Mẹ và sau đó mọi người cùng nhau quỳ trước Mẹ. Cha chủ tế đã nói lên tâm tình yêu thương, tấm lòng tri ân và cảm tạ Mẹ đã ban nhiều ơn lành xuống trên giáo xứ. Nguyện xin Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa, để giáo xứ ngày càng thăng tiến mạnh mẽ về lòng đạo đức: Kính Chúa, yêu Mẹ, bác ái đối với tha nhân.
Tiếp theo, cha cử hành thánh lễ trọng thể tôn vinh Mẹ. Trong bài giảng, cha đã nói: Đức Mẹ là ai? Người thì nói Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, người thì bảo Mẹ là Nữ Vương các Thánh… trả lời như vậy là đúng nhưng sao thấy xa vời quá, và chính xác là: Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta. Thật vậy, chúng ta phải luôn nhớ, chúng ta có một người Mẹ thật tuyệt vời, tình yêu của Mẹ thật bao la, luôn bao bọc phù trợ chúng ta mọi lúc mọi nơi. Vậy mà Mẹ không đòi hỏi chúng ta điều gì để đền đáp lại. Mẹ chỉ nói: “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi.”
Phần chúng ta, hãy nhớ rằng: “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (Công đồng Vat. II).
Lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Năm 1917, Fatima là một giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 cư dân rải rác trong các thôn xóm. Người lớn lao động trên các cánh đồng, còn trẻ em giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu... Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% biết đọc, biết viết.
Lucia khi ấy 10 tuổi, cùng 2 em họ là Phanxicô 9 tuổi và Giacinta 7 tuổi đã được phúc thấy Đức Mẹ hiện ra, dạy bảo nhiều điều.
• Đức Mẹ hiện ra lần đầu
Ngày 13/5/1917, vào lúc trưa, một bà mặc áo trắng toát hiện ra với 3 em bé chăn cừu: Lucia, Phanxicô và Giacinta, bà nói với các em: hãy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được hòa bình. Trước khi biến đi, bà bảo 3 em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.
• Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai
Ngày 13/6, đúng giờ trưa, 3 em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, nhắc Lucia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện dâng kính “Trái tim Vô nhiễm Maria”, đồng thời báo trước cái chết của 2 anh em Phanxicô và Giacinta: “Ta sẽ sớm đưa Phanxicô và Giacinta về trời, còn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta”. Đức Mẹ cũng yêu cầu Lucia học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho mọi người.
Các người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ (mà Đức Mẹ đứng) trĩu xuống dưới một sức nặng, rồi đột nhiên bật lên (khi Đức Mẹ ra đi).
• Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba
Ngày thứ sáu 13/7, "bà mặc áo trắng" lại hiện ra với 3 em, có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lucia việc đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để chiến tranh mau chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em "bí mật" gọi là "bí mật Fatima". (Năm 1942, hai bí mật đầu đã được công bố, còn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo hội Công giáo Rôma mới công bố).
• Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư
Ngày 10/8, viên chánh tổng, một người chống đối hàng giáo sĩ, đòi 3 em Lucia, Phanxicô và Giacinta tới để tra hỏi, nhưng không có kết quả. Ngày 13/8, ông ta nhốt 3 em vì làm rối loạn trật tự công cộng và tiếp tục tra hỏi, nhưng hoài công. Rốt cuộc, ngày 15/8, ông ta phải thả 3 em ra.
Tuy nhiên, ngày 13/8, có khoảng 18.000 người tới bãi chờ xem sự lạ, nhưng 3 em vắng mặt vì còn bị nhốt. Chúa nhật 19/8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de Iria, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho các người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm một phép lạ cho mọi người tin.
• Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm
Ngày 13/9, có khoảng 30.000 tụ họp tại bãi Cova de Iria, cầu nguyện cùng với 3 em. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em và cho biết tháng sau, sẽ có Chúa, Đức Mẹ núi Carmêlô, Thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng tới.
• Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu, cũng là lần cuối cùng
Thứ 6, ngày 13/10/1917, mưa như trút nước trên bãi Cova de Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người, kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả, tụ tập tại đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lúc giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây một nguyện đường tại đây để vinh danh Đức Mẹ. Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối.
Khi Đức Mẹ biến về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi. Việc lạ xẩy ra trong 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy. Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận một hiện tượng khác thường nào của mặt trời.
Trong khi đó, riêng 3 em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bi, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau chót là Đức Mẹ núi Carmêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với 3 em.
Số phận 3 em chăn cừu
Phanxicô và Giacinta chết sớm trong đợt dịch cúm Tây Ban Nha. Phanxicô chết năm 1919. Giacinta chết năm 1920. Cả 2 em đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng đáng tôn kính ngày 13/5/1989 và được phong Chân phước ngày 13/5/2000. Mộ của 2 em hiện nằm trong lòng Vương Cung Thánh Đường Fatima.
Còn Lucia vào tu viện Dòng Dorothea ở Pontevedra (Tây Ban Nha) ngày 24/10/1925, sau đó khấn lần đầu năm 1928. Năm 1925 và 1929, Lucia lại được Đức Mẹ hiện ra với mình. Tháng 10/1934, Lucia khấn vĩnh viễn và lấy tu danh là nữ tu Đức Mẹ Maria Sầu Bi.
Sau nhiều năm điều tra, Giám mục cai quản Giáo phận Leiria, trong thư Mục vụ ngày 13/10/1930 đã công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra với 3 em nói trên ở Fatima và chính thức cho phép việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima. Theo lệnh hàng giáo phẩm, Lucia đã viết các hồi ký về sự kiện trên gồm 4 bản: 1 bản năm 1935, 1 năm 1937, 1 năm 1941 và 1 bản đầu năm 1942.
Năm 1946, nhân kỷ niệm 300 năm ngày dâng nước Bồ Đào Nha cho Đức Trinh Nữ Maria, vị sứ thần Tòa Thánh Vatican là Hồng y Masella đã đội vương miện lên tượng Đức Mẹ Fatima, với sự chứng kiến của khoảng 600.000 tín hữu hành hương. Vương miện này do các phụ nữ Bồ Đào Nha dâng hiến để cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ Bồ Đào Nha trong cuộc thế chiến thứ nhất.
Từ năm 1948, Lucia vào tu trong Đan viện dòng kín Carmêlô ở Coimbra (Bồ Đào Nha), dưới tên nữ tu Lucia Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội.
Chị Lucia từ trần đúng ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 13.2.2005 ở tuổi 97.
Ngày 20/2/2005, mặc dù trời mưa tầm tã, hơn 100 ngàn người đã có mặt tại quảng trường Fatima và đã tham dự nghi lễ an táng chị Lucia trong đền thánh.
Lời nguyện cầu
Trong tháng của Mẹ, kính nhớ ngày Mẹ hiện ra, xin cho tất cả chúng con biết thể hiện tình con thảo đối với Mẹ, người Mẹ thân thương của chúng con, đã vì chúng con mà đón Chúa Con vào trần gian. Xin cho chúng con luôn quý chuộng việc lần chuỗi Mân Côi, việc đạo đức thật dễ thi hành, và cũng thật hữu ích cho đời sống đạo của chúng con, nhất là khi lần chuỗi chúng con thật sự được cùng với Mẹ kết hiệp với Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn trung thành thực hiện mong muốn của Mẹ: "Các con hãy hằng ngày lần hạt Mân Côi".
Lạy Mẹ, chúng con biết tình Mẹ thật tuyệt vời và bao la. Xin Mẹ giúp chúng con luôn sống đạo đức trên con đường về quê trời. Chúng con luôn nhớ đến Mẹ mỗi ngày trong Kinh Mân Côi. Xin cho chúng con được hạnh phúc, bình an, xứng đáng là con của Mẹ và xin Mẹ luôn chăm sóc, hướng dẫn mỗi người chúng con từng giây, từng phút cho đến ngày được về quê trời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ kính Thánh Cêcilia, bổn mạng ca đoàn Cêcilia thiếu nhi giáo xứ Nam Thái
-
Giáo xứ Xóm Chiếu dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Giuse Maria -
Giáo xứ Tam Hải khai mạc năm thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ (1955 - 2025) -
Giáo xứ Giuse hạt Phú Thọ kỷ niệm một năm cung hiến thánh đường -
Thánh lễ kỷ niệm 16 năm cung hiến thánh đường giáo xứ Tân Phú Hòa -
Mùa bội thu cho Giáo Hội Việt Nam -
Lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam - Bổn mạng Đoàn TNTT giáo xứ Hòa Hưng 2024 -
Thánh lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bùi Môn -
15 năm người trẻ Vinh Sơn - Nghĩa Hòa kết nối và dấn thân phục vụ -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng giáo xứ Đồng Tiến
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa