Gx. Bến Cát: Thánh lễ Tạ ơn cầu nguyện cho cha Giuse Trần Văn Hiển, SDB

Gx. Bến Cát: Thánh lễ Tạ ơn cầu nguyện cho cha Giuse Trần Văn Hiển, SDB

Trong bầu khí hân hoan của cộng thể Don Bosco Bến Cát - Gò Vấp, cộng đoàn dân Chúa và gia đình, với sự hiện diện đặc biệt của quý cha dòng Sa-lê-diêng, quý sœur dòng Mến Thánh Giá, lúc 10g ngày 15 tháng 11 năm 2001, tại nhà thờ Bến Cát - Gò Vấp, thánh lễ Tạ ơn cầu nguyện cho cha tân Giám đốc Giuse Trần Văn Hiển, SDB đã được cử hành dưới sự chủ tế của cha Giuse Trần Hòa Hưng - Bề trên Giám tỉnh Dòng Sa-lê-diêng.

Trong lời mở đầu Thánh lễ, cha Giám tỉnh mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho cha Tân và Cựu Giám đốc, mong sao công việc của quý cha đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, xin Chúa Thánh Thần luôn hiện diện với quý cha và mọi người trong công việc phục vụ đoàn dân Chúa.

Trong bài giảng, dựa vào Lời Chúa, cha chia sẻ với mọi người về quyền bính của Giáo hội để cứu độ muôn dân:

Đức Giêsu quan tâm đến việc chăn dắt đoàn chiên của Người. Việc chăn dắt đoàn chiên không thể thuần túy dựa trên tình yêu. Nói cách khác, cần phải đi vào thực tế. Đức Giêsu muốn thiết lập thánh Phêrô làm người “nuôi sống” và “chăn dắt” đoàn chiên Người. Thật vậy, ngay trong đêm bị nộp, sau khi tiên báo về việc ông Phêrô chối Chúa ba lần, Đức Giêsu đã hứa hẹn: “Một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Hơn nữa, trong Mt 16,18-19 cũng nói về việc Chúa đặt ông Phêrô làm ‘tảng đá’. Rõ ràng như thế, nhưng vẫn có người nghĩ rằng “Đức Giêsu không chỉ định ông Phêrô làm người kế vị đặc biệt của Chúa, nhưng như một hiện thực những gì Chúa nói về tất cả các tông đồ. Phêrô chỉ là một mẫu mực sống tình yêu Đức Giêsu. Chúa Giêsu không trao đoàn chiên cho một mình ông Phêrô mà Người nhắc ông nhớ tới ý nghĩa của tình yêu Chúa Giêsu là gì”. Nếu chỉ nêu lên một biểu tượng tình yêu, tại sao Chúa không chọn “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu dấu?” Ông Gioan xứng đáng làm mẫu mực tình yêu hơn Phêrô nhiều, vì ông đã trung thành với Chúa cho tới chân cây thập giá. Trong bất cứ cộng đoàn nào cũng phải có người đứng đầu, huống chi Giáo hội, làm sao không có người lãnh đạo toàn diện? Trong các câu Ga 21,15-17, Đức Giêsu đã ba lần ủy thác cho Phêrô quyền “chăn dắt chiên của Thầy”. Ông đã được Chúa đặt làm nền tảng Giáo hội (Mt 16,16-19).

Ý tưởng thứ hai được cha chia sẻ liên quan đến cha thánh Bosco. Là môn đệ của cha Bosco, chúng ta nhìn lại trách nhiệm quyền bính của chúng ta qua mẫu gương của cha Bosco. Ý nghĩa cuộc đời của người Sa-lê-diêng đặt ở câu châm ngôn: “Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi”. Đối với Don Bosco, ơn cứu độ ban cho con người phải toàn diện. Phải biến đổi thế nào để họ thuộc về Thiên Chúa. Đó cũng là ý nghĩa của giáo dục. Giáo dục là phúc âm hóa. Phúc âm hóa chính là giáo dục. Giáo dục như thế không phải một, hai người có thể làm được nhưng phải là một tập thể rộng lớn.

Kết thúc bài giảng, cha Giám tỉnh mời gọi cộng đoàn cùng xin Chúa cho mỗi người hiểu được ý nghĩa quyền bính đích thực là trách nhiệm phục vụ anh em và tha nhân.

Sau đó, cha Bề trên Giám tỉnh Sa-lê-diêng tỉnh dòng Việt Nam tuyên đọc văn thư bổ nhiệm của Bề trên Cả dòng Sa-lê-diêng tín nhiệm cử cha Giuse Trần Văn Hiển là Giám đốc cộng thể Don Bosco Bến Cát - Gò Vấp, nhiệm kỳ 3 năm kể từ năm 2011-2014. Kế tiếp, cha Giuse Tân Giám đốc tuyên thệ lãnh nhận nhiệm vụ trong tiếng reo vui chúc mừng của quý cha đồng tế và cộng đoàn.

Sau Thánh lễ, cha Giám tỉnh, quý cha, quý sœur và cộng đoàn cùng chung vui với cha Tân Giám đốc. Cha đã cảm tạ mọi người trong bữa cơm thân mật tại hội trường của nhà xứ Bến Cát.


 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top