Giáo xứ Vườn Xoài: Thăm giáo điểm Dakley

Giáo xứ Vườn Xoài: Thăm giáo điểm Dakley

WGPSG -- Trung tuần tháng 4-2013, giã từ thành phố Sài gòn ồn ào sôi động, đoàn Công tác xã hội giáo xứ Vườn Xoài lên đường đến với giáo điểm Dakley, một địa danh gắn bó với giáo xứ trong nhiều năm qua. Đây là một vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió. Phía xa, trên dãy núi chập chùng là những buôn làng thoắt ẩn thoắt hiện, nơi những người anh em dân tộc Bana, Xê đăng, Deh, Gia rai, Hơ lang đang sinh sống trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ phải đi lại trên những con đường ngoằn ngoèo dốc đá, ổ trâu, ổ voi; họ phải sống trong những túp lều lỗ chỗ những miếng vá, vách không ra vách, trần không ra trần. Họ mang những khuôn mặt khắc khổ, đen sạm vì mưu sinh, khô héo vì sự khắc nghiệt của thời tiết, và cả sự tàn nhẫn của con người (nạn phá rừng).

Cách đây 10 năm, theo sự giới thiệu của Linh mục Giuse Nguyễn Bá Long (dòng Chúa Cứu Thế), Cha nguyên chánh xứ Phêrô Phan Khắc Từ cùng với những giáo dân Vườn Xoài, đã tìm về giáo điểm Dakley (Kontum), một giáo điểm vừa mới thành lập (không công khai) thuộc Giáo phận Kontum, do Cố linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên (Tổng Đại diện) quản nhiệm. Vào lúc đó, trong tình hình rất khó khăn và tế nhị, cha đã tin cậy vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa để có những ứng xử “tốt đạo đẹp đời”, tạo dựng và duy trì đời sống đức tin cho những con người hiền lành, chân chất. Cộng đoàn anh em dân tộc ở đây rất yêu mến ngài. Rất tiếc, cách đây hai năm, Cha đã mất vì cơn bạo bệnh. Và để tưởng nhớ ngài, hầu như tại giáo điểm Dakley, từ nhà nguyện đến các mái nhà trong buôn làng đều có di ảnh của ngài.

Ông Gioan Nguyễn Văn Tiến, chủ tịch HĐMV Gx. Vườn Xoài, cho biết: “Qua sự hiện diện của Cha Liên, việc kết nghĩa giữa giáo xứ Vườn Xoài và giáo điểm Dakley đã ngày càng gắn bó hơn”. Ông nói tiếp: “Giáo điểm lúc đó còn khó khăn lắm, thậm chí nếu xảy ra mưa lũ thì chuyện vào giáo điểm là không thể. Ngôi nhà nguyện chỉ là mái nhà vách lá, nền đất, và Thánh Thể Chúa thì được giáo dân cất giấu cách bí mật”. Ngày hôm nay, giáo điểm đã có ngôi nhà nguyện khang trang hơn với diện tích xây dựng 150m2. Giáo dân đã có nơi tham dự Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ. Đây cũng là một trong những công trình mà giáo xứ đã thực hiện cho giáo điểm Dakley. Trong lần về thăm này, tiếp chúng tôi là Linh mục GB Hồ Quang Huyên, người đang chính thức dẫn dắt giáo điểm Dakley. Chia sẻ với chúng tôi, ngài cho biết: “Nơi đây, đạo Công giáo đã có từ những năm đầu thập niên 60. Thế nhưng, do chiến tranh, yếu tố địa hình khó khăn và những hoàn cảnh khách quan khác nên hiện nay, giáo điểm 3600 giáo dân này vẫn chưa thể thành lập giáo xứ. Đây cũng là mong ước của tôi”.

Hiện có 14 buôn làng được hình thành cách tự nhiên trong 3 giáo điểm: Daktuk (6 làng với hơn 2000 giáo dân), Dakchung (5 làng với 500 giáo dân) và Dakchong (4 làng với 840 giáo dân). Do địa bàn rộng lớn và đi lại khó khăn (nhất là vào mùa lũ), vì thế cứ 2 tuần, Cha GB đều di chuyển hơn 70km để cử hành Thánh lễ tại giáo điểm Dakchung. Dakchong địa bàn xa nhất thì có một Thánh lễ trong tháng. Riêng tại giáo điểm Daktuk có 2 Thánh lễ vào Chúa nhật hằng tuần.

Đối với anh em dân tộc, đức tin của họ rất mạnh mẽ dù cuộc sống và những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” chưa ưu đãi họ. Thiếu thốn đủ mọi bề, nhưng họ vẫn một niềm cậy trông vào Chúa và Mẹ Maria. Chị Maria Y Bé (giáo điểm Dakchong) tâm sự: “Chỉ mong tuần nào cũng được tham dự Thánh lễ, còn cái ăn cái mặc Chúa ban cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, không buồn đâu”. Ước mơ giản dị và thấm đẫm tinh thần đạo đức của chị, đã đánh động tâm trí chúng tôi. Một chuyện cũng khiến mọi thành viên trong đoàn xúc động và hăng say làm việc giữa cái nắng cháy bỏng của vùng cao nguyên, đó là hình ảnh một đám đông những cụ già cao tuổi, những phụ nữ lam lũ địu con hay những nam nữ thanh niên xộc xệch trong những bộ quần áo nhàu nát, tập trung tại các giáo điểm. Họ đã có mặt từ sáng sớm để chờ những món quà như: đường, muối ăn, nước tương, dầu ăn, mì gói, gạo, bột ngũ cốc… Nhìn họ mà “chạnh lòng thương”, ngẫm nghĩ mới thấy mình hạnh phúc lắm! Những sự vất vả của chặng hành trình 7,8 trăm cây số từ thành phố đến với giáo điểm chẳng thấm vào đâu so với nỗi vất vả, nghèo khổ của những người dân tộc anh em tại đây. Anh Gabriel A Jun (giáo điểm Dakchung) nói trong xúc động: “Anh em Vườn Xoài cố gắng đến với chúng tôi nhé! Chúng tôi rất vui và xin Chúa ban bình an cho đoàn”.

Xin tạ ơn Chúa và cám ơn tất cả mọi thành viên trong đoàn, từ đại diện Hội đồng Mục vụ, Caritas giáo xứ đến những giáo dân, đã tiếp sức để chuyến đi thăm giáo điểm có kết quả tốt đẹp. Đặc biệt, Cha chính xứ Vinh Sơn đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho đoàn đi về bình an, và thông báo tình hình của đoàn cho giáo xứ. Cha thường xuyên gọi điện thăm hỏi và động viên đoàn. Chính việc làm đó đã khích lệ các thành viên trong đoàn rất nhiều.

Mười năm, con số thật đẹp và ý nghĩa biết bao! Hành trình kết nghĩa đã đi một chặng đường khá dài. Giáo điểm đã có những tín hiệu vui. Thế nhưng, công việc loan báo Tin Mừng vẫn là một công việc lâu dài và thường xuyên. Anh em dân tộc vẫn đang trông chờ vào lòng Chúa xót thương và sự chung tay góp sức của mọi người. Những cảm nhận của chúng tôi có thể không đầy đủ, có thể có những thiếu sót. Thế nhưng, ấn tượng về chuyến công tác xã hội này có ý nghĩa lớn lao vô cùng. “Cứ dấu này người ta nhận ra chúng con là môn đệ Thầy” (Ga 13, 35).

Tạm biệt giáo điểm Dakley, tạm chia tay với những con người đầy nghị lực và nhân hậu như: Cha Liên, Cha Huyên (giáo điểm Dakley), Nữ tu Nhiệm của nhà lưu trú, Nữ tu Hải của cô nhi viện Vinh Sơn 4, Cha Vũ hay còn gọi là “Linh mục bánh mì” (giáo điểm Dakjâk)… Tất cả đã thôi thúc mạnh mẽ và nâng đỡ chúng tôi trong đời sống làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục Sinh.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top