Giáo xứ Vườn Xoài: Lớn lên cùng hạt cải
WGPSG -- Khi tiếng ve râm ran, hoa phượng khoe sắc đỏ báo hiệu mùa Hè đến, cũng có nghĩa một mùa thi lại về.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục... nơi tập trung nhiều trường Đại học, Cao Đẳng. Chính vì vậy, hằng năm, người dân nơi đây không lạ gì khi Hè về cũng là lúc Thành phố đón một lượng lớn thí sinh khắp các tỉnh thành đổ về trong những đợt thi Đại học, Cao đẳng... Người người nhà nhà cùng chung tay tiếp sức cho mọi hoạt động xung quanh chuyện thi cử của các sĩ tử, một nghĩa cử đẹp thể hiện tính nhân văn cao cả của dân tộc ta.
Giáo xứ Vườn Xoài cũng không là một ngoại lệ. Từ những năm 2009, khi thí sinh khắp nơi về Thành phố tham dự các kỳ thi Đại học, Cao đẳng, thì chính ngôi nhà thờ Vườn Xoài đã là địa điểm nương tựa ấm áp. Từ đó cho đến nay, giáo xứ Vườn Xoài đã trở thành một địa chỉ thân quen và được các thí sinh lưu lại trong ký ức khó quên của mình, qua những câu chuyện kể đầy tình thân và yêu mến về ngôi nhà thờ Vườn Xoài, về Cô Mậu, Cô Oanh, Chú Tiến hay Cô Thủy, Chú Luân, Chú Khang, Anh Bảo, Anh Cường, Bác Quyền... những người xem các em như chính con của mình, những người đã dành cho các em sự yêu thương, quan tâm, lo lắng, thao thức trong từng bữa ăn, giấc ngủ để mong các em có một trạng thái tâm lý và sức khỏe tốt trong những ngày thi cử.
“Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng và Người chạnh lòng thương... ” (Mc 6, 34).
Thấm thoát đã qua 4 năm tiếp sức mùa thi, Vườn Xoài bao giờ cũng thế: luôn thể hiện sự nhiệt tình, chu đáo, sẵn sàng đón những sĩ tử xa xôi đến trong vòng tay yêu thương của giáo xứ. Tất cả mọi người, từ cha xứ cho đến giáo dân đều chung lòng chung sức, chung một nhịp đập yêu thương. Năm 2009 là năm đầu tiên hoạt động “tiếp sức mùa thi” còn rất mới mẻ đối với giáo xứ, mọi thứ đều lạ lẫm từ cách tiếp nhận cho đến việc bố trí nơi ăn, chỗ ngủ cho vài trăm con người trong khuôn viên nhà thờ với một diện tích hạn chế đã cả là vấn đề. Anh Tiến (chủ tịch HĐMV) kể lại: Lúc đó, trong Giáo phận chỉ có 3,4 giáo xứ là tiếp nhận thí sinh, vì thế mỗi đợt giáo xứ tiếp nhận hàng trăm em nên những điều kiện vệ sinh ăn ở ngủ quá tải... thậm chí một số em còn lạ lẫm với những tiện nghi của giáo xứ nên đã có những lần giáo xứ phải ‘báo động’ khiến mọi người giật thót tim. Với tư cách là những thành viên khai mở cho công việc tiếp sức mùa thi của giáo xứ, Chị Oanh kể lại một kỷ niệm: “Do năm đầu chưa có tình nguyện viên nên các em thí sinh di chuyển bằng xe bus. Do dậy sớm và mệt nên em ngủ quên trên xe. Khi xe tới trạm dừng cuối tại Hóc Môn em mới biết, và vừa khóc vừa gọi điện về giáo xứ... thật hú hồn!” Đối với chị, kỷ niệm về thí sinh người dân tộc Chăm - Tain Thị Dư (Ninh Thuận) vừa vui vừa cảm động. Khi gặp em tại bến xe miền Đông trong tình trạng bơ vơ, không có chỗ ở, chị đã đưa em về giáo xứ. Sau này, qua câu chuyện em kể, mọi người rất bồi hồi, xúc động khi biết lộ phí lên Thành phố đi thi chính là tiền em đã bán một con gà. Từ những tấm gương hiếu học, vượt khó của các em, đã có những tác động không nhỏ và giúp cho những người làm công tác xã hội của giáo xứ luôn cố gắng, hy sinh làm tốt bổn phận ‘đem Chúa đến cho mọi người’.
Trong những lá thư gởi về giáo xứ, khó mà kể hết những cảm xúc, tâm tư của các em. Các em vừa rời mái trường trung học phổ thông, cánh cửa bước vào đời của các em mở ra mênh mông, bao la; chính vì thế, những điều các em cảm nhận được sẽ là hành trang cần thiết trong bước đường tương lai. Chúng ta chợt nhận ra rằng chỉ có những hành động phát xuất từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim. Trong số những tình nguyện viên năm nay, chúng tôi gặp lại em Nguyễn Hoàng Phi (Đại học kỹ thuật công nghiệp) trong vai trò mới ở khâu tiếp nhận, em cho biết: Nhìn các bạn thí sinh lúng túng, lạ lẫm khi làm thủ tục con rất thương, giống con năm 2010 nên con muốn đóng góp tâm sức nhỏ bé của mình để giúp các bạn cũng như đáp lại tình cảm giáo xứ đã dành cho con. Hầu hết, các thí sinh xuất phát từ những gia đình làm nông nghiệp, do đó kinh phí cho việc học tập hay đi thi là cả một vấn đề. Vì thế, các em trú ngụ trong ngôi nhà thờ đã khiến nhiều phụ huynh hoàn toàn an tâm, vui mừng, và không ít trường hợp là những thí sinh không có đạo. Những buổi sinh hoạt, giao lưu, văn nghệ đã khiến các em vui hơn, gần gũi hơn, cảm thông và chia sẻ cho nhau. Đây cũng là cơ hội để giáo xứ giới thiệu mình. Cha chánh xứ Vinh Sơn tâm tình: “Công việc tiếp sức mùa thi chính là cử chỉ biểu lộ đức ái Kitô giáo, mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ có cơ hội bày tỏ tình cảm. Đây còn là một lớp học phụng vụ rất bổ ích thiết thực và là bài học sống động về giáo dục nhân bản”.
Đối với giáo xứ Vườn Xoài, việc thực thi bác ái là một việc làm thường xuyên, thu hút khá đông những thành viên rất nhiệt thành, quảng đại. Và đặc biệt, năm nay, hoạt động tiếp sức mùa thi được Ban Caritas giáo xứ đảm trách, vì thế mọi việc được các thành viên thay nhau gánh vác. Sự phối hợp nhịp nhàng với phong cách chuyên nghiệp trong tất cả các khâu đã khiến các em và phụ huynh an tâm và hạnh phúc khi được sống dưới mái nhà thờ Vườn Xoài. Chị Maria Phạm Thanh Thủy (Caritas giáo xứ) cho biết: “Trong các khâu, ẩm thực chính là vấn đề khó khăn. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Đi chợ ra sao? Thực đơn như thế nào? v.v.. (vì đây là lần đầu tiên việc nấu ăn được giao cho Caritas). Nhưng sau khi nhìn các em ăn uống ngon miệng ai nấy đều hạnh phúc”. Không chỉ là những bữa ăn, các em còn được các cô các chú trong giáo xứ truyền đạt những kinh nghiệm tâm lý khi đi thi, dặn dò chu đáo trong việc đi đứng, ăn uống... nhắc nhở các em đi ngủ sớm... Chính những việc làm đó đã có tác động mạnh mẽ giúp các em có được tâm lý thoải mái khi vào trường thi.
Mùa thi đã đi qua, nhưng dư âm ngọt ngào của những đợt tiếp sức mùa thi vẫn lặng lẽ tỏa hương về câu chuyện các thí sinh như: K’Diễm (Lâm Đồng), Kiều My (Ninh Thuận), Tiến Toản (Hà Tĩnh)... trở nên thân thuộc đối với giáo xứ ; về những tấm lòng hy sinh quảng đại trong công việc tiếp sức mùa thi của giáo xứ như: Chị Quỳnh Liên, Anh Đạt, Chị Hải, Chị Ngọc Anh, Anh Hòa, Anh Tâm... Tất cả là hồng ân mà Chúa đã trao ban cho giáo xứ và làm cho mỗi người chúng ta trở thành ‘hạt cải’ lớn lên trong ơn cứu độ. Những công việc dù bé nhỏ, thầm lặng nhưng là dấu chỉ ‘Lời Chúa’ gieo vào lòng đời hôm nay, dấu chỉ ấy luôn có sức sống mãnh liệt và sự hiện diện của nó là bằng chứng cho tình yêu Chúa Giêsu Kitô.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ kính Thánh Cêcilia, bổn mạng ca đoàn Cêcilia thiếu nhi giáo xứ Nam Thái
-
Giáo xứ Xóm Chiếu dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Giuse Maria -
Giáo xứ Tam Hải khai mạc năm thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ (1955 - 2025) -
Giáo xứ Giuse hạt Phú Thọ kỷ niệm một năm cung hiến thánh đường -
Thánh lễ kỷ niệm 16 năm cung hiến thánh đường giáo xứ Tân Phú Hòa -
Mùa bội thu cho Giáo Hội Việt Nam -
Lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam - Bổn mạng Đoàn TNTT giáo xứ Hòa Hưng 2024 -
Thánh lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bùi Môn -
15 năm người trẻ Vinh Sơn - Nghĩa Hòa kết nối và dấn thân phục vụ -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng giáo xứ Đồng Tiến
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa