Giáo xứ Thị Nghè: Tĩnh tâm giới người lớn

Giáo xứ Thị Nghè: Tĩnh tâm giới người lớn

WGPSG -- Cha Stephano Nguyễn Xuân Dinh, Giáo sư tại Tu viện Phanxico Thủ Đức, đã đến dâng lễ và giảng phòng cho Giới Người Lớn tại nhà thờ Thị Nghè từ 17g30 đến 19g trong hai ngày 27 và 28-3-2012. Với đề tài “Cách ăn chay mà Chúa ưa thích”, cha đã cho cộng đoàn biết thêm nhiều điều nên làm khi ăn chay.

Đối với các tôn giáo bạn, ăn chay là chuyện thường, ít nhất là mỗi tháng hai lần, nhiều thì ăn chay trường, hoặc trọn một tháng như Ramadan của Hồi giáo. Người Công giáo một năm chỉ ăn chay hai ngày trong Mùa Chay.

Chúa dạy ăn chay phải xức dầu thơm trên đầu, mặt tươi tỉnh để người ta không biết mình ăn chay.

Hội Thánh không ấn định phải dùng số lượng bao nhiêu, chỉ dạy ăn một buổi đói một buổi no, và ăn chay đi kèm với kiêng thịt. Vậy mà có người để chuẩn bị ăn chay, ngày hôm trước đã ăn thật linh đình, đến ngày chay thì vừa qua 12 giờ đêm đã bắt đầu ăn trả bữa. Còn kiêng thịt là dịp để ăn tôm, cua, mực và các loại cá đắt tiền khác. Như vậy thật uổng công vô ích, vì không xuất phát từ tấm lòng thành kính.

Ăn chay trước hết là xin Chúa thương xót. Như dân thành Ninivê xưa, khi nghe Lời Chúa dạy qua miệng tiên tri Giona, từ vua đến dân đã sám hối, mặc áo nhậm rắc tro trên đầu, ngay cả súc vật cũng không được ăn cỏ uống nước, nên được Chúa thứ tha.

Kế đến, ăn chay giúp vượt thắng cám dỗ, như Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ của ma quỷ trong hoang địa. Trong ba cám dỗ của Satan về bản năng sinh tồn, tính đối kháng và bản năng thống trị, thì cám dỗ thứ ba là cám dỗ khó vượt qua nhất, con người rất khó vượt thắng được tính tự tôn và ý muốn quyền lực trên kẻ khác.

Để chay tịnh cho trọn vẹn, ngoài ăn chay, nhìn chay, nghĩ chay, hành động chay, … còn phải nói chay. Có một thứ gia vị khi bỏ vào một bát cháo hoặc súp nóng sẽ tăng phần thơm ngon, đó là hành, nhưng nếu nói tên nó ra sẽ gây nhiều thiệt hại. Vì ăn hành thì ngon, mà nói ‘hành’ sẽ phá vỡ các mối tương quan.

Cùng với ăn chay là bố thí, được hiểu là làm phúc. Khi bố thí, người cho thường ở vị thế cao hơn người nhận. Nhưng theo sách Gióp thì con người sinh ra trần truồng, chết cũng trần truồng, có của để chia sẻ cho kẻ khác là một cái phúc của mình. Vì tất cả những gì ta có trên đời chỉ là phù du, khi ra đi còn chăng chỉ là “một nắm cỏ khâu xanh rì”. Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể câu chuyện: Khi nghe Mẹ nói nhà nuôi trẻ thiếu đường, một em bé đã nói với cha mẹ rằng em sẽ nhịn ăn đường trong ba ngày để giúp các bạn. Mẹ Têrêsa cảm phục vì bé tuy còn nhỏ mà đã dạy cho chúng ta bài học “Cho thì có phúc hơn nhận”. Chúa Giêsu đã dạy ta cách bố thí: ”Ai có hai áo hãy cho một. Ai có thì chia sẻ”, chúng ta hãy làm theo lời Người.

Cầu nguyện là điều thứ ba phải làm trong hành trình chay thánh. Khi cầu nguyện ta trò chuyện với Chúa trong tương giao giữa cha và con cái.

Chỉ riêng từ ‘tương giao’ cũng đã tóm gọn ý nghĩa của việc cầu nguyện: là gặp gỡ Chúa để lắng nghe thánh ý Ngài và để được ở với Chúa như Ba Ngôi ở trong nhau. Thai nhi được nên một với mẹ nhờ cái nhau thế nào thì khi cầu nguyện chân thành ta cũng được ở trong Chúa như vậy.

Chúa dạy khi cầu nguyện phải vào phòng đóng cửa lại, nghĩa là chúng ta phải rời bỏ mọi ô tạp mới dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói trong tĩnh lặng. Người đã dạy ta cách cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha thì cứ rập khuôn mà làm. Đầu tiên phải là Danh Cha, Nước Cha, Ý Cha rồi mới đến các nguyện vọng của mình. Chúa hiểu các nhu cầu của con người như cha mẹ hiểu con mình cần gì, nên không cần phải nói nhiều. Nếu cầu nguyện chỉ để xin cho được điều này kia, xin chỗ này không được thì xin nơi khác là không đúng nghĩa, vì thiếu niềm tin. Cầu nguyện đòi buộc phải tin và phải tha thứ, “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Ba điều phải làm: ăn chay từ bản thân, bố thí cho tha nhân, cầu nguyện hướng về Chúa, không chỉ thực hiện riêng trong Mùa Chay, mà là một hành trình phải làm cả đời mới có thể tiến về Nhà Cha một cách nhẹ nhàng thanh thoát.

Kết thúc thánh lễ, một đại diện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cám ơn cha dù rất bận rộn với công việc nhà Dòng nhưng vẫn dành thì giờ hướng dẫn giáo dân họ đạo Thị Nghè một con đường để đạt được sự thiện hảo. Cha Stephano cũng cám ơn cha sở và hai cha phụ tá đã có nhã ý mời cha đến giảng phòng. Cha cầu chúc cho các tín hữu thực hiện được “Cách ăn chay mà Chúa ưa thích”, để nhận được nhiều ơn lành không chỉ trong Mùa Chay mà suốt cuộc hành trình về Nước Trời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top