Giáo xứ Thị Nghè: Ánh Mắt Yêu Thương

Giáo xứ Thị Nghè: Ánh Mắt Yêu Thương

WGPSG -- “Khi nhìn vào ánh mắt Chúa Giêsu, ta thấy lòng thương xót Chúa Cha dành cho từng người”.

Đó là đại ý mà cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT, đã giúp cộng đoàn suy niệm trong các Thánh lễ tĩnh tâm mùa Chay trong ba ngày 17, 18 và 19.03.2016, từ 18g00 đến 19g00 tại nhà thờ Thị Nghè.

Ngày đầu tiên, cha kể câu chuyện về các người phụ nữ đã được nhìn vào ánh mắt của Chúa Giêsu. Bà góa thành Naim (Lc 7) đang khóc than không dứt trên đường đi chôn xác đứa con trai độc nhất, chôn đi cả niềm hy vọng, hạnh phúc và chỗ cậy dựa của bà thì được gặp Chúa Giêsu. Người chạnh lòng thương đến bên bà khuyên "Đừng khóc nữa", rồi Người chạm vào quan tài và bảo anh con trai dậy đi. Anh trỗi dậy, nói chuyện. Chúa Giêsu trao anh cho người mẹ với ánh mắt đầy yêu thương. Tiếng khóc im bặt. Niềm vui vỡ òa.

Người đàn bà thứ hai bị bệnh hoại huyết đã 12 năm (Lc 8). Bà đã mất hết sức khỏe, sắc đẹp và tiền bạc mà bệnh không thuyên giảm. Núp vào đám đông, bà lén chạm vào gấu áo Chúa Giêsu, và khỏi bệnh. Trước ánh mắt nhân từ của Chúa, bà đã can đảm rủ bỏ mặc cảm bị cộng đồng xa lánh, kể lại hết mọi sự tình. Chúa bảo bà đi bằng an vì lòng tin của bà đã cứu bà.

Cuối cùng là người phụ nữ bị còng lưng đã 18 năm (Lc 11). Bà lâm vào tình cảnh bi đát chỉ có thể cúi nhìn xuống đất không thể nhìn lên. Riết rồi bà không còn muốn thay đổi, chấp nhận sống chung với nó năm này qua tháng nọ. Chúa Giêsu đến bên cạnh bảo bà gánh nặng trên lưng bà đã được cất đi, bà đã được giải thoát. Bà vui mừng đứng thẳng lên nhìn vào ánh mắt chan chứa tình yêu của Người. Những ai đang than khóc vì mất hạnh phúc và niềm hy vọng, đang đau khổ vì bệnh tật hồn xác, đang còng lưng vì những tội lỗi chất chồng theo năm tháng, hãy vững tin ngước nhìn lên ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu để được an ủi, chữa lành và giải thoát, và hãy hết lòng cảm tạ Người.

Ngày thứ hai, cha Giuse mời mọi người nhìn lên ánh mắt của Chúa và chia sẻ mầu nhiệm đau thương với Người. Bài Tin Mừng thuật lại việc ba môn đệ được vào Vườn Cây Dầu với Chúa Giêsu (Mc 12, 32). Các ông không cùng thức với Thầy, mà đã ngủ vùi, vì không muốn nhìn thấy thực tế Vị Thầy uy quyền trên mọi ác thần, trên bão biển và mọi quyền lực trần thế, đang run sợ toát mồ hôi, buồn rầu khóc than và xin Cha cho khỏi uống chén đắng. Đó là hình ảnh của mỗi người chúng ta khi nhìn thấy cái ác, cái xấu len lỏi khắp nơi, len vào cả hàng giáo phẩm khiến Hội Thánh đầy bóng tối. Chúng ta không muốn chấp nhận các điều đó, và tự hỏi có phải Chúa đang bất lực cam chịu không? Sao Chúa lại để các điều đó xảy ra? Nhưng bức tranh đầy bóng tối đã trở nên tràn đầy ánh sáng khi Chúa Giêsu đón nhận: "Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi". Chúa không mang chúng ta ra khỏi thế giới tội lỗi này, mà lấp đầy bằng sự hiện diện của Người, nơi đâu có Chúa hiện diện sẽ không còn bóng tối. Chúa mời gọi chúng ta chấp nhận chia sẻ mầu nhiệm thương khó, cùng vượt qua bóng tối với Người để nhận được ánh sáng Phục Sinh.

Theo lời dạy của vị thầy già, một cậu bé người Nhật làm thơ: "Con chuồn chuồn đỏ, ngắt đôi cánh thành quả ớt đỏ". Cậu bé đã bị thầy đánh một trận đòn không phải vì câu thơ sai niêm luật, mà vì ác quá. Lẽ ra cậu bé phải viết: "Quả ớt đỏ, chắp thêm đôi cánh thành chuồn chuồn đỏ". Thiên Chúa đã lấy cái Thiện đối lại với cái Ác. Ngài hy sinh Con Một để cứu chuộc nhân gian. Trong nhà những ai có 'quả ớt': chồng say xỉn, vợ bài bạc, con tâm thần, hút sì ke v.v... hãy 'chắp thêm đôi cánh' cho họ. Để làm được điều này, chúng ta phải hy sinh rất nhiều. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta mang lấy cái Tâm của Thiên Chúa, chắp cánh thay vì cắt cánh. Xin Chúa giúp chúng ta.

Vào ngày tĩnh tâm thứ ba, cha Giuse viện dẫn Tin Mừng Nhất lãm về câu chuyện hai người môn đệ cuối cùng rời bỏ Chúa Giêsu. Trong buổi Tiệc ly, khi Chúa nói sẽ bị nộp thì Phêrô tỏ ra anh hùng nói rằng dầu ai có bỏ Thầy con cũng không lìa xa Thầy đâu. Vậy mà trước khi gà gáy, ông đã hèn nhát chối Chúa ba lần như lời Thầy đã tiên báo. Còn Giuđa đã phản bội, bán Thầy với giá 30 đồng bạc. Nhưng cũng chính ông là người đầu tiên dám tuyên bố "Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội". Giuđa sẵn sàng ra trước mặt các Thượng tế, lấy mạng sống mình mà làm chứng cho sự vô tội của Chúa Giêsu. Điều mà từ xưa đến nay, cả thế giới không ai dám làm. Không ai dám làm chứng cho sự thật nên những bản án oan sai cứ mãi xảy ra.

Cái gì làm nên sự khác biệt giữa hai số phận của hai môn đệ? Luca cho chúng ta một chi tiết 'khi gà gáy Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô'. Phêrô đã hoán cải khi gặp được ánh mắt của Thầy. Còn Giuđa không bận tâm đến cái nhìn của Chúa Giêsu mà chỉ chú ý đến cái nhìn của các Thượng tế nên bị rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta sợ hãi, chúng ta quan tâm đến cái nhìn của người này người nọ mà không quan tâm đến cái nhìn của Chúa. Có mấy người trong chúng ta mỗi khi làm việc gì đều nghĩ Chúa Giêsu muốn gì nơi tôi? Người ước mơ gì, quan tâm gì về tôi? Chúng ta được mời gọi nhìn vào ánh mắt Chúa Giêsu bằng tình yêu và nói như Thánh Phaolô, chúng tôi đành chịu mất hết mọi sự để được ở với Người.

Câu hỏi thứ hai dành cho chúng ta: Ánh mắt Chúa Giêsu làm cho Phêrô hoán cải là ánh mắt nào? Đó là ánh mắt của những người bị xã hội loại trừ, những người nghèo, không nhà ở, không nơi nương tựa. Ánh mắt đó đang chất vấn chúng ta. Ánh mắt của những người vợ vất vả nuôi con. Ánh mắt của những người chồng lao động mệt nhọc cả ngày không ai thấu hiểu. Hãy nhìn vào ánh mắt thân nhân xem họ muốn gì. Cả một lớp học hôn nhân mà khi hỏi các anh "Mẹ thích ăn trái cây nào nhất?". Không ai có thể trả lời! Giuđa tuyệt vọng vì không nhìn vào ánh mắt của Thầy. Chúng ta hãy để ý đến ánh mắt của người nghèo, của người thân và nhìn vào ánh mắt yêu thương của Chúa để sám hối và biến đổi.

Các buổi tĩnh tâm mùa Chay càng tròn đầy hơn khi kết thúc Thánh lễ mỗi ngày đều có rất đông người tìm đến giao hòa với Chúa nơi tòa Hòa Giải. Cộng đoàn bắt đầu nhận ra ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa vẫn hằng dõi theo từng người và mong ước được trở nên tốt hơn mỗi ngày.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top