Giáo xứ Thăng Long: Mừng lễ Thánh Tử đạo Phêrô Hiếu

Giáo xứ Thăng Long: Mừng lễ Thánh Tử đạo Phêrô Hiếu

Giáo xứ Thăng Long: Mừng lễ Thánh Tử đạo Phêrô Hiếu

TGPSG ---“Cái chết của các vị tử đạo chính là nguồn củng cố đức tin cho chúng ta. Càng bị bách hại, Giáo hội càng phát triển và nở hoa.”

Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ - chánh xứ Thăng Long - đã nhấn mạnh như trên trong Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, diễn ra lúc 17g30 ngày 27.04.2025. Trong Thánh lễ, cộng đoàn đồng hương Đồng Chuối mừng kính Thánh Tử đạo Phêrô Nguyễn Văn Hiếu - thầy giảng.

Tham dự Thánh lễ có Hội đồng Mục vụ, bà con đồng hương Đồng Chuối, cùng đông đảo giáo dân trong giáo xứ Thăng Long.

Đầu lễ, cộng đoàn được nghe đọc tiểu sử Thánh Phêrô Hiếu. Tiếp đó là cuộc rước nhập lễ từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.

Trong bài giảng lễ, Linh mục Vinh Sơn chia sẻ:

“Không phải điều gì chúng ta cũng cần kiểm chứng rồi mới tin. Có những người đi trước đã kiểm chứng, và chúng ta được mời gọi để tin. ‘Không thấy mà tin’ có nghĩa là biết đón nhận thành quả của người đi trước. Nhờ đó, con người mới có thể tiến bộ.

Về phần mình, chúng ta cũng phải góp phần làm giàu cho thế giới bằng chính đóng góp của mình. Nhờ đó, thế giới ngày càng phát triển hơn.

Nói về Thánh Tử đạo Phêrô Hiếu, tôi muốn làm rõ: Tại sao những người không phải là tội phạm lại sẵn sàng chấp nhận cái chết vì niềm tin? Bởi cái chết ấy là biểu hiện của một đức tin trọn vẹn - và đây chính là một chọn lựa quý giá. Nếu chỉ xét theo tính toán, người ta sẽ thấy mất mát, thiệt thòi. Nhưng khi hành động trong tình yêu, người ta sẽ hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh.
Cái chết của các vị tử đạo chính là nguồn củng cố đức tin cho chúng ta. Càng bị bách hại, Giáo hội càng phát triển và nở hoa. Tử đạo là sống thế nào để người khác nhận ra giá trị của hy sinh, nhìn thấy đức tin của mình mà được nâng đỡ đức tin. Nhờ đức tin của chúng ta, họ được lớn lên trong đức tin. Xin Chúa cho chúng ta luôn sống đức tin vững mạnh, để nhiều người được củng cố đức tin hơn.”

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc vào lúc 18g30.

Mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn Chúa, mỗi người nguyện xin cho đức tin của mình được vững vàng giữa muôn vàn thử thách của cuộc sống.

Vài nét về Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu

Thánh nhân sinh năm 1783 tại làng Đồng Chuối, tỉnh Hà Nam. Từ nhỏ, cậu Hiếu đã nổi bật là người hiền lành, ngoan ngoãn và đạo đức sốt sắng. Cha mẹ là ông bà Sồm, có hai người con: chị gái là Anna Nguyễn Thị Chung và cậu con trai duy nhất là Phêrô Hiếu.
Ngay từ bé, cậu siêng năng học giáo lý, chăm chỉ đi nhà thờ. Lớn lên, cậu học chữ Nho và học hành tiến bộ. Cậu luôn vâng lời cha mẹ và ước ao dâng mình cho Chúa. Tuy nhiên, vì là con trai duy nhất - theo phong tục thời đó - cậu ngại ngỏ ý xin đi tu, sợ cha mẹ không đồng ý vì còn trách nhiệm nối dõi.

Năm 12 tuổi, cậu mạnh dạn xin phép cha mẹ được thực hiện ước nguyện. Ông bà Sồm, vốn hiền lành và đạo đức, nói với cậu:

“Con cứ yên tâm, để cha bàn với chú con, rồi cha mẹ sẽ cho con đi tu.”

Người chú cũng sốt sắng đạo đức, trả lời cách khôn ngoan:

“Nếu cháu muốn dâng mình cho Chúa, chúng ta phải tùy ý cháu. Việc này là do thánh ý Chúa.”
Họ hàng đều đồng thuận, và ông bà Sồm đã đưa con vào nhà Đức Chúa Trời. Trong thời gian học tại chủng viện, cha mẹ cậu qua đời, còn chị gái đi lấy chồng.

Sau khi mãn khóa học La-tinh, Thầy Hiếu được Bề trên sai đi giúp các cha thừa sai, sau đó về giúp Cha Khoan tại xứ Phúc Nhạc. Thầy sống khiêm nhường, siêng năng, giữ kỷ luật nghiêm khắc, tận tụy với công việc mục vụ, như giúp giáo dân dọn mình rước lễ, thăm viếng bệnh nhân và khuyên nhủ họ lãnh nhận các bí tích.

Thầy bị bắt cùng với Cha Khoan và Thầy Thanh tại trại Đông Biên, bị giam tại tỉnh Ninh Bình. Dù bị tra khảo khốc liệt, thầy vẫn kiên vững trong đức tin, chấp nhận mọi đau khổ vì danh Chúa Kitô.
Ngày 28.04.1840, Thầy Hiếu lãnh phúc tử đạo. Giáo dân xứ Yên Mối đưa xác thầy về quê và lưu giữ cho đến ngày nay.

Ngày 27.05.1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII phong chân phước cho thầy. Ngày 19.06.1988, thầy được tôn phong hiển thánh.

Bài viết: Martino Lê Hoàng Vũ - Ảnh: Giuse Đinh Đồng Dũng (TGPSG)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top