Giáo xứ Tân Phú: Mừng Lễ Thánh Gia

Giáo xứ Tân Phú: Mừng Lễ Thánh Gia

WGPSG -- “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được đầy ơn nghĩa cùng Chúa” (Lc 2,40)

Giáo hội mừng kính lễ Thánh Gia là gương mẫu gia đình Kitô hữu. Hội Thăng tiến Hôn nhân Gia đình Gx. Tân Phú đã nhận Thánh Gia là bổn mạng. Vì thế, vào lúc 15g30 ngày 30-12-2014, Hội đã tổ chức Thánh lễ mừng kính Thánh Gia.

Đồng tế Thánh lễ có Cha Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng - Hạt trưởng hạt Tân Sơn Nhì, cha Martinô Bùi Huy Hoà, phụ tá Gx. Tân Định, cha Giuse Phạm Văn Thới - phụ tá Gx. Thị Nghè.

Tham dự có Ban Điều hành Hội TTHNGĐ TGP Sài Gòn và hạt Tân Sơn Nhì, Hội đồng Mục vụ , ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu, các anh chị Song nguyền, đại diện các đoàn thể, cùng toàn thể cộng đoàn.

CHIA SẺ 

Cha Martinô Bùi Huy Hòa giúp phần chia sẻ: Mấu chốt của hôn nhân Công giáo như Tin Mừng vừa trình thuật: “Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, thì con người không được phân ly” (Mt 19,6). Vấn đề nghe như rất dễ nhưng lại thực hiện rất khó. Để thực hiện lề luật Kitô giáo, chúng ta hãy thinh lặng chiêm ngắm máng cỏ, nơi đó có ba vị thánh: Thánh Cả Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu luôn khắng khít với nhau. Hai cha mẹ quỳ bên Hài Nhi để vừa thờ lạy vừa yêu thương. Cũng vậy, gia đình chúng ta có cha mẹ và con cái. Ba thành phần này luôn phải quấn quýt, khắng khít với nhau. Khắng khít với nhau không chỉ là nơi thân xác, mà còn tận sâu thẳm tâm hồn. Như vậy mới có ý nghĩa và thực sự là yêu thương.

Trong mọi gia đình, cha mẹ, con cái luôn phải sống trong nhau và vì nhau thì mới là cao quý. Hãy suy niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần, bất cứ điều gì các Ngài thực hiện cũng đều trong nhau và vì nhau, luôn đồng nhất và gần gũi nhau. Các Ngài là Thiên Chúa, mọi chuyện đều dễ dàng; còn chúng ta là loài thụ tạo, có thể sẽ khó, nhưng nếu thực hiện ba bước sau đây thì mọi vấn đề không còn nan giải nữa!

Bước 1: Ra đi

Chúng ta phải ra đi khỏi chính mình, nếu không ra đi khỏi chính mình là không có bác ái. Xuân Diệu nói “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Xuân Diệu là người đời, mà đã thấy khi yêu phải chết cái tôi trong mình đi một chút rồi, và phải hy sinh một phần cho người mình yêu. Nhưng Chúa Giêsu  là Thiên Chúa, Ngài yêu say mê, yêu điên cuồng, nên Ngài đã phán: “Không có tình yêu nào cao quý bằng mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15, 9-17). Chúa Giêsu đã chết thật cho chúng ta sống và sống dồi dào, Ngài đã ra khỏi chính mình Ngài. Vậy, các anh chị cũng phải làm như vậy, cha mẹ con cái phải ra khỏi mình, bỏ cái tôi của mình đi mới là tình yêu đích thực, nếu không như vậy chữ yêu chỉ là lý thuyết.

Ra khỏi chính mình là đón nhận lấy tất cả những bất toàn của tha nhân, của vợ chồng con cái mình. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã bức phá ra khỏi chính mình, xuống trần gian để ở với chúng ta, và Ngài đã đến với những con người bất hạnh và nghèo khó nhất.

Ngôn ngữ Việt Nam có từ ngữ rất đẹp để vợ chồng gọi nhau: “Mình ơi!” là gọi chính bản thân mình. Chúa Giêsu phán: “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ mình cả hai sẽ nên một huyết nhục” (Mc 10,6). Khi không yêu vợ chồng, con cái là chúng ta cũng không yêu bản thân chúng ta.

Bước 2: Đi đến

Chúa Giêsu đã đi đến với chúng ta, không phải bằng gương mặt của Thiên Chúa, mà bằng gương mặt của loài người. Ngài thân chinh đến với chúng ta để yêu thương và dạy dỗ chúng ta; vậy chúng ta hãy đi đến với người mình yêu để biết và hiểu họ như thế nào. Nhưng phải đến với tình yêu chân thành, vô vụ lợi và phải chung một nhịp đập của trái tim chứ không phải vì tiền, nhan sắc, danh vọng. Những tình yêu ấy nhất định sẽ tan vỡ.

Chúa Giêsu đến với chúng ta bằng tình yêu thật. Ngài là mẫu gương cho thế gian. Ngài có thể đến bằng nhiều cách, nhưng lại chọn cách nhiều khổ ải nhất. Còn chúng ta, không có ai yêu nhau mà cứ ngồi ở nhà nhắn tin, gọi điện thoại, gửi email. Chúng ta phải tìm hiểu tâm tư người mình yêu bằng sự tiếp cận, đó mới là tình yêu thiện hảo. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, chúng con là cành, cành nào lìa cây sẽ không sinh hoa trái” (Ga 1,5-8), cành và cây phải luôn gắn kết thì mới sống được.

Bước 3: Ở lại

Sau khi đã ra đi, đi đến, giờ chúng ta phải ở lại trong người mình yêu, như Chúa Giêsu đã yêu thương và ở trong chúng ta. Chúng ta yêu nhau, ở trong Chúa và ở trong nhau mới tìm thấy tình yêu chân chính. Tình yêu phu - phụ là tình yêu “nên một” như Chúa Giêsu xuống thế gian, Ngài được gọi là Emanuel, nghĩa là Ngài ở trong Thánh Thần và ở trong chúng ta. Có như vậy, gia đình chúng ta mới đầm ấm.

Tôi đã dâng lễ kỷ niệm 70 năm hôn phối cho một cặp Song nguyền, hai cụ già sáng nào cũng đi lễ, đến khi không đi được nữa thì con cháu chở bằng xe. Sau một thời gian, tôi gặp lại vẫn thấy hình ảnh tốt đẹp đó. Tôi hỏi hai cụ: “Bí quyết nào làm cho hai cụ luôn khắng khít bên nhau lâu dài như vậy?”. Hai cụ trả lời: “Thưa Cha, chúng con luôn tha thứ, bỏ qua hết để sống êm ấm và để làm gương cho con cháu”. Hãy nhớ rằng: Chúa luôn bao dung, chúng ta làm cho chúa, Chúa sẽ bù đắp ban phát gấp bội phần.

Noi gương Thánh Gia, chúng ta phải xem nhẹ những va chạm và trắc trở, sống cho vẹn tình, vẹn nghĩa thì vẫn vượt qua được tất cả và bảo vệ được tình yêu. Khi đó mới “nên một” và có giá trị. Hôm nay, sau khi chia sẻ, anh chị hãy về hỏi lại chính mình: Tội có dám ra khỏi con người mình không? Tôi có dám đến gặp vợ tôi, chồng tôi chưa? Tôi có dám ở lại trong vợ chồng, con cái mình chưa?

Thảo luận

Do thời lượng có hạn nên phần thảo luận cha chỉ gợi ý một câu hỏi cho các Song nguyền phát biểu ý kiến: “Để gia đình luôn mang một ý nghĩa “nên một”, gia đình phải có những điều kiện nào?”

Các câu trả lời được đưa ra tóm tắt với những ý kiến như: yêu thương, hòa giải, lắng nghe, nhẫn nhục, hy sinh, đồng hành, hợp tác, chấp nhận, sửa đổi và một ý kiến rất thiết thực với các gia đình Kitô giáo là: “Phải biết sống khiêm nhường và chuyên cần cầu nguyện”. Cha tiếp lời: ít có ai để ý tới hình ảnh và mẫu gương Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu trong thinh lặng, nên mới xây dựng được một gia đình mẫu mực như chúng ta cảm nghiệm, các Song nguyền hãy sống theo cách nhìn: Thiên Chúa là Cha, Hội Thánh là Mẹ và anh chị em là con cái.

Thánh lễ

Lúc 17g40, Thánh lễ do cha linh nguyền HTTHNGĐ Gx. Tân Phú Giuse Phạm Công Minh chủ tế, cha Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng - TLN TGP Sài Gòn - Hạt trưởng TSN, cha Giuse Phạm Văn Thới - nguyên linh Nguyền Gx. Tân Phú, cha Batôlômêô Nguyễn Hoàng Tú - phụ tá Gx. Tân Phú đồng tế.

Thánh lễ với lời mở đầu của cha chủ tế: Mỗi khi mừng lễ gia đình, chúng ta lại nhớ về những bổn phận và vai trò  của chúng ta trong gia đình: cha - mẹ - con cái và chúng ta nhắc nhở mình phải làm tròn các bổn phận đó. Giờ đây, cùng với các Song nguyền hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng, cha nguyên Linh nguyền Giuse Phạm Văn Thới chia sẻ: “Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan, và Thiên Chúa ở cùng Người” (Lc 2,40). Khi Mẹ Maria mang thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, nhưng chưa kết hôn, thì Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo (x. Mt 1, 19-20). Chúa Giêsu được hạ sinh trong máng cỏ bò lừa với hoàn cảnh thiếu thốn về mọi mặt giữa đêm đông tuyết trắng. Trải qua cuộc sống nghèo khổ lầm than: Mẹ Maria nội trợ, còn Thánh Giuse chỉ là bác thợ mộc quèn, đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Trải qua cuộc truy đuổi của Herôđê khi ông ta ra lệnh giết các trẻ sơ sinh trai đầu lòng (x. Mt 2,16). Có một nỗi buồn về con cái, khi Chúa Giêsu đi lạc ở Giêrusalem, hai ông bà đã hớt hải tìm con trong sự lo sợ tột cùng, nhưng cuối cùng khi quay lại thì Người lại đang giảng dạy trong đền thờ, một sự bướng bỉnh của trẻ con.

Phác họa qua một số hình ảnh, chúng ta thấy Thánh Gia cũng có những chuyện vui buồn. Cha mẹ, con cái cũng có nhiều hiểu lầm lẫn nhau. Vậy, gia đình chúng ta cũng có những dấu chỉ của Thánh Gia.

Trong tôn chỉ của TTHNGĐ có 5 điều: biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi  và tha lỗi. Vậy, sự thánh thiện ở chỗ nào trong chương trình TTHNGĐ: đó là phải biết tha lỗi cho nhau. Nhưng việc này rất khó khăn, nên trước hết, chúng ta phải cầu nguyện để xin ơn Chúa ban, việc tha lỗi cho ai đó không phải do con người mà phải do Thiên Chúa.

Trong ngày Lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta hãy hết lòng yêu thương nhau, hãy biết noi gương mẫu của Thánh Gia để sống hòa hợp và gắn bó trong tình yêu của Chúa. Amen.

Trước khi nhận phép lành, chủ nguyền Michel Hoàng đã thay mặt cho Hội và cộng đoàn để gửi lời tri ân đến cha TLN Phanxicô Assisi, cha chủ sự Linh nguyền Giuse, quý cha đồng tế, HĐMV giáo xứ, ca đoàn, các đoàn thể cùng cộng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện trong ngày bổn mạng của Hội.

Thánh lễ kết thúc lúc 21g00 sau khi cộng đoàn hát “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo...” trong niềm hân hoan và hạnh phúc.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top