Giáo xứ Lộc Hưng: Chuyên đề “Quản lý Internet trong gia đình”

Giáo xứ Lộc Hưng: Chuyên đề “Quản lý Internet trong gia đình”

WGPSG -- “Hãy dùng những trang mạng xã hội để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa” (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI).

Chuyên đề đặc biệt trong năm “Tân Phúc - Âm - hóa đời sống gia đình” tại giáo xứ Lộc Hưng với chủ đề: “Quản lý Internet trong gia đình” do Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh - Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn - thuyết giảng, đã diễn ra lúc 19g00 thứ Năm, ngày 9.10.2014.

Dù trời mưa to nhưng các tham dự viên vẫn đến càng lúc càng đông. Có những gia đình cả cha lẫn mẹ cùng đến theo lời mời gọi của cha chánh xứ. Ngoài cộng đoàn giáo xứ Lộc Hưng, còn có giáo dân ở các giáo xứ bạn, cũng che dù đội mưa đến tham dự. Đến nỗi, cha chánh xứ phải thốt lên: “Tội nghiệp mấy anh chị ở tận Gò Vấp, thế mà cũng lặn lội đến đây nghe giảng”.

Với phong thái ung dung đĩnh đạc, lời nói nhẹ nhàng mà sâu sắc, cộng thêm những thước phim và hình ảnh minh họa, Thầy Giuse đã giúp cộng đoàn hiểu rõ một vấn đề hết sức thực tiễn, lại có phần nan giải trong cuộc sống ngày nay. Thật vậy, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, Internet đã và đang mang lại những lợi ích to lớn, giúp chúng ta có cơ hội giao lưu hội nhập với thế giới, cập nhật thông tin sinh hoạt của Giáo hội và giáo xứ, cũng như học tập nghiên cứu, mở rộng kiến thức… Tuy nhiên, các trang mạng xã hội đã phát triển đến chóng mặt, thiếu tính định hướng và thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, đã tạo ra hệ lụy không mong muốn, đang làm đau đầu các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục. Rõ ràng Internet đang bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng rất lớn đến những người truy cập, nhất là giới trẻ. Trong suy nghĩ của phần lớn giới trẻ 8X và 9X, Internet không chỉ là nơi cung cấp nguồn thông tin bổ ích, kiến thức học tập mà còn là nơi để chơi game, tán gẫu và xem phim ảnh xấu, từ đó các em có những biểu hiện không tốt trong đời sống thường nhật.

Nếu Internet mang đến những lợi ích thì nó cũng để lại những tác hại trong các lãnh vực như:

1. Học tập nghiên cứu

Các em có thể tìm tài liệu trên Internet để giải bài tập, luyện thi trắc nghiệm. Nhưng, vì có sẵn tài liệu trên Internet nên các em lười suy nghĩ, không chịu động não. Hơn nữa, các em còn xem những tài liệu phản cảm khiến các em bị sai lệch về nhận thức, đạo đức và lối sống.

2. Trao đổi thông tin

Qua thư điện tử (email) và mạng xã hội, các em có thể trao đổi thông tin với thầy cô và bạn bè. Nhưng, các em sẽ bị cuốn hút vào những cuộc tán gẫu nhảm nhí, nói lời thô tục, mất thời gian. Nhất là, các em mê chơi game, lơ là việc học, không tiếp xúc với người thân và bạn bè.

3. Học hỏi sáng tạo

Nhật ký điện tử (blog) và các trang web, cho phép các em đăng tải phim ảnh, tài liệu... Nhờ đó, các em say mê học hỏi và sáng tạo. Nhưng, nếu không được hướng dẫn, các em sẽ tự làm những Youtube bạo lực hoặc thô tục để đăng tải lên đó.

4. Vui chơi giải trí

Các trò chơi, nhạc trẻ, phim ảnh, truyền hình… giúp các em thư giãn sau giờ học căng thẳng. Nhưng, tính bạo lực và đồi trụy trong các trò giải trí đó sẽ khiến các em: nghiện game, cáu kỉnh, mất tập trung trong học tập, quên tắm rửa và bỏ ăn uống.

Thầy Giuse đã nêu ra 3 hiện trạng, đó là: Các nhà chuyên môn nhận định: “Máy tính là kẻ giết người chuyên nghiệp”. Các bác sĩ nhãn khoa khẳng định: “Trẻ em ngồi máy tính quá nhiều có thể bị cận thị”. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Trẻ em ngồi máy tính quá lâu sẽ trở nên hung dữ”. Các nhà quản lý mạng cho biết: “Nhiều trẻ vào các trang web có nội dung xấu”.

Trước thực trạng đó, chúng ta không thể cấm con em mình vào Internet, mà chỉ theo sát việc sử dụng Internet của con, nhằm hạn chế tối đa những tác hại của nó. Cha mẹ nên hướng dẫn và cùng ngồi với con khi con mới sử dụng Internet, để con không vào chơi game bạo lực, hoặc website không lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta nên đưa con đi du lịch nhiều nơi, khuyến khích trẻ giao lưu với bạn bè, vui chơi lành mạnh, phát triển khả năng biểu cảm của trẻ, giúp con tham khảo bài tập trong sách. Đồng thời, kiểm tra các trang web và thời gian con truy cập, dạy con “Học bơi trong thác lũ Internet”, hướng dẫn con trẻ nhận định và hành động có trách nhiệm. Đặc biệt, Thầy Giuse đã cho trình chiếu 2 đoạn phim thật hay và mang tính giáo dục cao, đó là: “Cha dạy cho con trai đến tuổi dậy thì” và “Mẹ dạy cho con gái đến tuổi dậy thì”.

Bầu khí linh hoạt và vui tươi với tiết mục "Đố vui có thưởng". Đây là phương pháp ôn lại bài học mà thầy vừa trình bày. Sau đó, vở kịch mang tên “Google” do các bạn trẻ giáo xứ Lộc Hưng trình diễn, rất duyên dáng, dí dỏm và sâu lắng, đã được tán thưởng bằng những tràng pháo tay giòn giã. Vở kịch nói lên thông điệp: “Đừng quá bám víu vào công nghệ thông tin, mà quên mất Thiên Chúa”.

Tiếp tục thuyết giảng, Thầy Giuse khẳng định: Chúng ta không quản lý Internet cũng không ngăn chặn các trang web “đen”, mà chỉ hướng dẫn con trẻ hiểu bản thân và hiểu tác động của web “đen” lên bản thân, dẫn đến chuyển biến từ tâm lý đến hành động. Điều quan trọng không phải là “đóng” một số trang web “đen”, mà là “mở” ra những trang web “sáng”. Chẳng hạn, khi con đi học, chúng ta mở những trang web “sáng” như: tgpsaigon.net, saigon.titocovn.com. hdgmvietnam.org, thanhlinh.net, huynhtruong.com, gioitresaigon.net, chuongtrinhchuyende.com…; lúc con trẻ đi học về, chúng sẽ mở máy tính, và các địa chỉ của những trang web “sáng” còn nằm trong phần lịch sử (history), chúng sẽ vào xem và lĩnh hội được bao điều bổ ích: “Bữa tiệc thiên đàng” đã dọn sẵn, các con chúng ta tha hồ thưởng nếm! Đồng hành với con như thế sẽ giúp trẻ: phát triển nhân cách, sống có tự chủ và có trách nhiệm.

Trong tâm tình yêu thương, Thầy Giuse đã gửi đến tham dự viên các trang “web sáng”, để mọi người truy cập, rồi giới thiệu cho con cái và mọi người cùng vào xem, ngõ hầu giúp nhau nên thánh mỗi ngày.

Thầy Giuse kết luận: Cha mẹ cần quan tâm giáo dục con cái, giúp con nhận định điều tốt điều xấu, cảnh giác con trước cám dỗ về tình dục, làm lu mờ luân lý và đạo đức. Ngoài ra, cha mẹ cần lắng nghe và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của con, đừng để chúng lệ thuộc vào mạng xã hội. Cuối cùng, phần thưởng lớn lao trong lúc tuổi già, sẽ dành cho những cha mẹ nào đã quan tâm giáo dục con cái:

“Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời về sau”.

Với tâm tình tri ân, ông Đaminh Phạm Quốc Oanh - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ - đã chân thành cảm ơn Thầy Giuse, vì nhiệt tâm phục vụ đã không quản ngại đường xá xa xôi trong trời mưa gió, đến truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho cộng đoàn được “an toàn và có trách nhiệm” khi vào Internet. Mọi người đã được thiết đãi một “Bữa tiệc thiên đàng” rất thịnh soạn, để bồi dưỡng tâm linh trong thời đại kỹ thuật số hôm nay.

Đáp từ, với nụ cười tươi nở trên môi, Thầy Giuse cho biết, thầy rất vui vì các tham dự viên đã chăm chú lắng nghe, nhiệt tình trả lời các câu “Đố vui” thật sôi nổi; rất nhiều cánh tay giơ lên mà chưa có cơ hội trả lời, hẹn vào dịp khác! Sự hăng say nhiệt tình của các tham dự viên đã truyền cảm hứng cho thầy. Cuối cùng, thầy nói: “Giờ này, tôi rất hạnh phúc vì các bạn đã chú ý lắng nghe, các bạn là những khán thính giả thật tuyệt vời! Xin chân thành cảm ơn các bạn”.

Buổi nói chuyện chuyên đề hữu ích như “viên ngọc quý” đã kết thúc. Trở về đời sống thường nhật, với phép lành của Chúa qua bàn tay cha chánh xứ Đa Minh Đặng Quốc Hưng, nhiều người phấn khởi nhủ thầm lời hát: “Con xin hứa, quyết tâm sống đời Kitô hữu trưởng thành, thề đem hết mọi khả năng để làm chứng nhân cho Thiên Chúa tới hơi thở cuối cùng” (Dấn thân Truyền Thông).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top