Giáo xứ Hoà Hưng: Uống nước nhớ nguồn

Giáo xứ Hoà Hưng: Uống nước nhớ nguồn

WGPSG -- Rạng sáng ngày lễ Các Đẳng 2/11/2010, bầu trời tuyệt đẹp, giữa lúc mọi người còn đang ngon giấc, giáo dân Hoà Hưng, đa số là các ông bà tuổi cao, đã vội vã đến nhà thờ Hoà Hưng từ lúc 4 giờ, tay hoa tay nhang, vội vàng lên 5 chiếc xe buýt để đến nghĩa trang Hoà Hưng tham dự Thánh lễ cầu cho các linh hồn ông bà cha mẹ hiện còn đang yên giấc ngàn thu tại đây. Thánh lễ do cha sở và cha phụ tá đồng tế.

Hơn 300 ngọn nến được thắp sáng cầu nguyện cho các linh hồn nơi đây, một bầu khí lung linh huyền ảo nhắc nhở mọi người rằng, thân phận con người ở đời này chỉ là tạm bợ, nay ông mai bà, nay anh mai tôi… cát bụi trở về với cát bụi.

Tháng Mười Một vẫn được dành riêng cho các linh hồn. Người Công giáo nói chung rất quan tâm đến những ai đã ra đi, mong rằng người thân quá cố của mình được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa tình yêu. Đây là một ước muốn rất đẹp, rất tình người.

Người Công giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, ví dụ như xin lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để “an ủi” những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Chúa. Có một vài điều cần được lưu ý khi thực hiện những việc bác ái này.

Thứ nhất, việc xin lễ không phải để “mua phần rỗi” cho những người đã qua đời. Thiên Chúa không cần tiền của con người. Vả lại, hãy nghe Chúa Giêsu: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin người sao?” (Mt 7,11). Tấm lòng của Thiên Chúa bao la đến nỗi không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được, làm sao lại có thể chịu thua tấm lòng của con người?! Những đóng góp vẫn được gọi là “xin lễ” là một chia sẻ thiết thực để các Thừa tác viên trong Hội Thánh có phương tiện để làm công tác mục vụ. Đó là một nghĩa cử rất đẹp, rất tình người vì nó diễn tả tình liên đới trong cộng đoàn con cái Chúa và cộng đồng nhân loại.

Thứ hai, “Luyện Ngục”, như cách dịch chữ purgatorium hay purgatories từ tiếng Latinh, không phải để chỉ một tình trạng đau khổ bị hành hạ đau đớn như có nhiều người vẫn tưởng. “Luyện Ngục” không phải là một nơi chốn của đau khổ, mà là một tình trạng chưa trọn vẹn kết hợp trong vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. Những người trong tình trạng này đã hưởng vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa rồi, nhưng một cách nào đó vẫn chưa trọn vẹn vì một lý do bất toàn nào đó (ví dụ như: những việc làm tiêu cực của họ khi còn sống trên trần gian này đang để lại hay gây ra những hậu quả tiêu cực cho anh chị em). Họ sống trong vui mừng vì biết chắc chắn rằng họ sẽ kết hợp với Chúa trọn vẹn một lúc nào đó.

Thứ ba, về vấn đề “Hoả Ngục”, Giáo hội Công giáo chưa bao giờ khẳng định có một ai cụ thể đang ở trong Hoả Ngục. Giáo hội luôn cảnh giác và thúc giục con cái mình sống trong tinh thần tỉnh thức để lúc nào Chúa đến thì hân hoan chào đón Người để Người đem mình vào hạnh phúc viên mãn. Như vậy, luôn luôn có chỗ cho hy vọng, ngay cả đối với tội nhân xấu xa nhất. Và như thế, không ai có quyền lên án và kết luận về vận mệnh của người khác. Tiếng nói cuối cùng thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nói một cách rất rõ ràng nơi Đức Giêsu: “Ai trong các ngươi không có tội thì hãy giơ tay ném đá trước đi” (Ga 8,7).

Cuối cùng, những ai quan tâm đến “Luyện Ngục” sẽ thắc mắc không biết ý nghĩa của Tháng Các Linh Hồn là gì. Những việc mình đang làm như xin lễ, cầu nguyện, làm việc bái ái… sẽ có lợi gì cho những người đã qua đời? Câu trả lời rất đơn giản nếu tất cả các việc trên được đặt trong chiều kích hiệp thông và nhập thể. Tất cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa hiệp thông sâu xa trong Người. Đây chính là ý nghĩa rất đẹp, rất tuyệt vời của mối dây liên kết nhân loại mà Giáo hội vẫn gọi là “mầu nhiệm các Thánh thông công”. Tất cả mọi người được nối kết và chia sẻ với nhau trong chính sự sống của Thiên Chúa nơi cuộc đời của mình và của anh chị em mình. Cho nên khi người này làm một việc tốt, đóng góp một hy sinh, tất cả mọi người trong cộng đồng hiệp thông ấy đều được chia sẻ. Chính Thiên Chúa đã đích thân khẳng định điều ấy qua Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm [điều tốt] cho một trong những anh chị em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40). Ngược lại, khi một ai đó trong cộng đồng hiệp thông ấy làm một việc gây tổn thương đến người khác, mọi người đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Cho nên, việc làm thiết thực nhất cho những ai đã qua đời là giúp họ khôi phục lại những gì họ đã làm tổn thương, và giúp họ làm những gì họ chưa làm được khi còn sống ở đời này. Làm như thế ta sẽ giúp xoa dịu nỗi dằn vặt, nỗi trăn trở họ vẫn còn đang mang vác. Làm như thế ta sẽ giúp họ đi vào hạnh phúc với sự bình an trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng đã dùng phương thế nhập thể để dạy con người về ý nghĩa của hiệp thông.

Khi ta đối diện với cái chết của một người nào đó, ngay cả người không Công giáo, thì việc xin lễ cho linh hồn người ấy cũng như dâng lời cầu nguyện cho họ là có ích và an ủi hơn tấm thiệp chia buồn hay những bó hoa. Quan trọng hơn hết, chúng ta nên luôn tưởng nhớ đến những người thân yêu đã khuất trong Thánh lễ, qua lời cầu cũng như những hy sinh để giúp họ đạt được sự an nghỉ vĩnh cửu.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top