Giáo xứ Gia Định: Thiếu nhi Thánh Thể đi công tác từ thiện

Giáo xứ Gia Định: Thiếu nhi Thánh Thể đi công tác từ thiện

WGPSG -- Với mục đích giúp các em hiểu biết về cuộc sống quanh mình, về những đau khổ bất hạnh luôn hiện diện trong cuộc sống, qua đó các em biết mở rộng lòng ra với tha nhân, và nhất là để các em cảm nghiệm những hồng ân bao la Chúa ban cho bản thân và gia đình, từ đó biết cảm tạ Chúa; đồng thời, biết sử dụng cách đúng đắn những nén vàng Chúa trao, cha sở và cha tuyên úy không chỉ giảng dạy bằng lý thuyết suông mà còn tạo điều kiện cho các em đến tận nơi thăm viếng và ủy lạo những người bất hạnh.

Với số tiền do chính các em dành dụm từ việc nuôi heo đất vào Mùa Chay và Phục Sinh năm 2012, cha Tuyên úy và các anh chị huynh trưởng lên kế hoạch đi thăm viếng chọn lựa những địa điểm thích hợp với từng lứa tuổi: Ấu và Thiếu đi Mầm Non 6, Mái ấm Hoa Hồng; Nghĩa Sĩ và Hiệp Sĩ thăm Trại phong Bến Sắn, Trung Tâm Mai Hòa. Về phía các anh chị huynh trưởng đi ủy lạo anh em dân tộc ở Buôn Ma Thuột kết hợp với nghỉ dưỡng.

Theo chương trình đã đề ra, vào lúc 7g00 sáng ngày 11/07/2012, xứ đoàn lên đường đi Trại phong Bến Sắn. Lên xe, các em đua nhau tham dự các trò chơi đối đáp thơ theo vần, theo âm sắc, hát những bài sinh hoạt… Chẳng mấy chốc xe đến nơi.

Một lần nữa, cha nhắc nhở các em thái độ cần phải có khi tiếp xúc với các bệnh nhân. Trong tâm tình cảm thông cùng với vốn kiến thức về tiến bộ y khoa, các em ân cần nắm tay, ngồi kề cận những ông bà cụ. Các bệnh nhân phong này còn phải đau khổ thêm vì nhiều bệnh khác. Một bà run tay vì Parkinson, người phải truyền dịch, kẻ khác bị tim mạch, nhiễm trùng, cảm cúm, viêm phổi... Tại trại tâm thần, các ông bà cụ đưa ánh mắt nhìn xa xôi, vô cảm hoặc bực dọc rầy rà. Một bà cụ ngâm thơ Hàn Mạc Tử. Một cụ ông hát tặng đoàn bài “Nỗi buồn hoa phượng”. Có lẽ bài này ông rất ưa thích và cũng là bài diễn tả tâm sự sâu kín mà ông vẫn mang trong lòng nên ông hát rất truyền cảm.

Sau đó, đoàn tiếp tục lên đường thăm Trung tâm Mai Hòa, viếng thăm các bệnh nhân nhiễm AIDS giai đoạn cuối, phát quà bánh cho các thiếu nhi. Đây là một địa điểm rất rộng và đẹp. Các trại bệnh không mang dáng vẻ gì nơi trú ngụ của các bệnh nhân. Đó là những biệt thự khang trang, tường màu hồng, xây cất trên khu đất rộng lớn, có cây xanh bóng mát và vườn hoa, có nhà nghỉ mát rất xinh đẹp.

Các bệnh nhân tâm sự về lòng biết ơn cũng như cảm phục về sự hy sinh cao cả của các xơ: “Tại đây hình như tôi đã quên cái chết đang rình rập và đe dọa mình, tôi đã hồi phục dần. Tôi hy vọng và chờ đợi phép lạ, hay tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tự do trong tinh thần tự giác, tuân giữ nội qui đề ra, được bồi dưỡng đầy đủ, miễn phí, an tâm sống những ngày còn lại, cảm nhận mình không là kẻ hoàn toàn bị bỏ rơi.”

Khi đã ý thức được các hành vi rất nhân văn của các xơ, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, có người muốn xin được Rửa tội nhưng các xơ cũng rất e dè trong việc này. Một mai khi khỏe hơn, bệnh nhân có thể xin ra ngoài và xơ e ngại về việc họ có tiếp tục giữ đạo tử tế?

Hướng dẫn cho đoàn, ngoài xơ phụ trách còn có các em “cô nhi.” Chính sự vô tư cười đùa của các em đã làm cho khung cảnh nơi đây bớt cô quạnh. Các em dẫn chúng tôi đến viếng Nhà an nghỉ. Hiện có hơn 100 hủ cốt của bệnh nhân không thân nhân, còn 300 trường hợp tử vong khác thì may mắn hơn được người nhà xin lãnh về.

Những cảm nghĩ sau chuyến đi

Trên đường về, có lẽ quá mệt, mọi người ngủ thiếp đi một lúc, nhưng khi thức giấc các em không sinh hoạt ồn ào như lúc đi, mà tỉ tê kể cho nhau nghe những gì mình cảm nghiệm được.

- Trung tâm đẹp quá, phòng ốc rất đẹp khác với những gì em tưởng tượng trước khi đi.

- Chị ở giường đầu tiên nói chờ phép lạ, nhưng em thấy phép lạ đã xảy ra rồi.

- Đúng vậy, những người thân yêu ruột thịt không dám ở chung với bệnh nhân, mà các xơ đã dám “đụng chạm”, săn sóc, cho đến phút cuối. Vậy là phép lạ đã xảy ra thật rồi.

- Thậm chí xơ còn là nhân viên mai táng nữa. Không biết xơ có sợ ma không?...

- Còn em, em rất thương các em cô nhi, nhất là khi các em vô tư, tranh nhau tìm những hủ cốt và thay phiên nhau giới thiệu đây là ba em, đây là má em.

- Em không ngăn được xúc động khi các em còn khoe với chúng ta một gia đình chó “đầm ấm” có chó mẹ và chó con. Các em lăng xăng bồng bế hết con này đến con khác. Các em cũng rất tình cảm đấy chứ…và rất cần một sự bù đắp???

- Thì các xơ đã bù đắp những mất mát tình phụ tử và mẫu tử cho các em cho nên các em có thể quên những bất hạnh của mình.

Thâm thúy hơn, các anh chị nhận xét về bài hát mà ông cụ bệnh phong đã hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.” Trong cuộc đời, ai cũng đã từng đi học, đã từng trải qua những kỳ nghỉ hè. Nỗi buồn thời cắp sách chỉ man mác thôi, vì sau những ngày hè vui đùa nghỉ ngơi, chúng mình lại gặp nhau. Nếu có bạn nào phải chia tay khi chuyển trường thì cũng có thể liên lạc nhau nhất là trong thời buổi điện toán này. Vì vậy, khi nghe ông cụ hát câu “Người xưa biết đâu mà tìm”, em cảm được nỗi mất mát to lớn của ông.

- Em cũng thế, hẳn người xưa đã bỏ ông từ lâu rồi. Và đó là nỗi đau của ông.

- Giờ ông chỉ biết sống hết cuộc đời còn lại, tại nơi đây, để ngày ngày hát lại điệp khúc “Người xưa biết đâu mà tìm”.

Nhưng dù sao cũng hạnh phúc cho ông, vẫn còn đó biết bao tấm lòng nhân ái của các y, bác sĩ, điều dưỡng và các xơ đã mang đến những chăm sóc ân cần về thể xác, cũng như những xoa dịu tâm hồn.

Thật là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ước mong rằng những hình ảnh đau khổ này sẽ còn đọng lại nơi các em để các em biết sống yêu thương hơn, biết tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa đã thương ban, và theo gương Chúa Giêsu em cũng biết “đụng chạm” vào người khác để an ủi và giúp đỡ họ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top