Giáo xứ Đắc Lộ: Thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Phêrô Trần Vinh Danh

Giáo xứ Đắc Lộ: Thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Phêrô Trần Vinh Danh

“Ai có Chúa ở cùng là người có phúc”. Đó là câu chia sẻ của tân linh mục Phêrô Trần Vinh Danh, dòng Tên, trong Thánh lễ tạ ơn tại Nhà nguyện Đắc Lộ vào lúc 7g30 sáng Chúa nhật 10/09/2017. Đồng tế với cha có các cha: Antôn Nguyễn Cao Siêu, bề trên dòng Tên Đắc lộ, Eli Phạm Công Thành, phụ trách Linh Thao, Phêrô Trương Văn Phúc, tuyên huấn, Tađêô Nguyễn Văn Yên. Hiệp dâng Thánh lễ có khoảng 150 giáo dân, đa số là các thành viên trong các nhóm sinh hoạt tại Đắc lộ, phần thánh ca do ca đoàn Đắc lộ phụ trách.

Mở đầu Thánh lễ, cha Bề trên Antôn có đôi lời giới thiệu về cha mới. Cha Phêrô Trần Vinh Danh sinh ở giáo xứ Lộc Mỹ, thuộc giáo hạt Cửa Lò, giáo phận Vinh, được cha Phêrô Phúc linh hướng và giới thiệu vào Dòng Tên. Sau một thời gian dài tu tập, cha được phong chức linh mục vào ngày 24/8/2017 tại Dòng Tên Thủ Đức, dâng lễ mở tay tại quê nhà ngày 4/9/2017. Hiện cha đang được phân công lo về Linh thao trong cuộc sống, phụ với cha Eli.

Trong phần giảng lễ, dựa trên Tin Mừng thánh Mátthêu 18,15-20, cha Phêrô Danh chia sẻ: Lời Chúa hôm nay hướng dẫn chúng ta biết cách giúp nhau để trở nên hoàn thiện theo cách thức Chúa Giêsu đã sống và dạy chúng ta.

- Nhân vô thập toàn, sau nguyên tội, trừ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đã là người, ai cũng có những lỗi lầm, thiếu sót. Thánh Giacôbê tông đồ dạy: “Nếu ai nói mình không phạm tội, người đó là kẻ nói dối”. Vậy, ai cũng có tội lỗi, nhưng vấn đề là làm thế nào để giúp nhau sửa lỗi và trở nên tốt hơn.

- Chúa Giêsu qua lối sống của Ngài và qua lời Ngài dạy trong Tin mừng hôm nay, hướng dẫn chúng ta 3 bước để sửa lỗi cho nhau:  Bước 1: Chính mình tôi đến sửa lỗi cho anh đó. Đây là cách thức tỏ lòng thương với người có lỗi, và cách sửa này rất tế nhị, kín đáo và tôn trọng thanh danh của họ. Bước 2: Nếu họ chưa nghe thì gọi thêm 2 hoặc 3 người khác đến cùng giúp sửa lỗi người đó. Thêm số người đồng nghĩa với việc tăng thêm uy tín, thêm giá trị của lời sửa dạy và họ cũng là chứng nhân cho việc sửa lỗi người anh em đó. Hai cách này thể hiện lòng trân trọng, sự kiên nhẫn, tiến bước từ từ, từng bước một trong tiến trình giúp tha nhân sửa lỗi. Bước 3: Nhưng nếu người có lỗi không nghe thì phải đưa anh ta tới Hội Thánh. Hy vọng, sự can thiệp của Hội Thánh sẽ giúp anh hoán cải.

- Nhưng nếu Hội Thánh mà anh không nghe thì kể anh như người ngoại, hay người thu thuế. Không phải Chúa, hay Giáo hội muốn loại ai ra ngoài, nhưng chính anh ta tự loại mình ra ngoài. Anh tự chọn con đường tách lìa khỏi Giáo Hội, tách lìa khoải nguồn sống là chính Chúa.

- Thiên Chúa không muốn trừng phạt, ném ai vào hỏa ngục, nhưng chính con người với tự do, chọn lựa con đường đi vào hỏa ngục. Dù có bị cắn rứt lương tâm, nhưng con người vẫn chai lì, cố chấp và cuối cùng họ tự chọn con đường chết cho họ.

Sau khi nói về việc sửa lỗi cho nhau, Chúa đề cập đến sự hiệp thông, hiệp nhất nên một. Nơi đâu có hai ba người họp nhau nhân danh thầy, thì có thầy ở đó, ở giữa họ; nơi đâu người ta đồng tâm nhất trí xin ơn, thì chính Chúa sẽ ban cho họ. Điều này giúp chúng ta thấy sự hiệp nhất nên một trong nhà Dòng, trong các gia đình, trong các nhóm, các hội đoàn là quan trọng biết bao. Bởi khi hiệp nhất với nhau, cùng nhau ca tụng Chúa, cầu nguyện thì khi đó, Chúa ở với chúng ta trong gia đình, trong các hội đoàn, các nhóm.

Ai có Chúa ở cùng là người có phúc. Mẹ Maria có Chúa ở cùng nên Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ; ông Môisen có phúc vì Chúa ở với ông, nhờ ông được nghĩa với Chúa và có Chúa ở cùng mà ông mới đưa dân thoát cảnh lưu đày ở Ai Cập và đưa dân vào Đất hứa.

Xin cho chúng ta luôn có Chúa ở cùng, để Ngài cùng chiến dấu và chiến thắng mọi gian truân. Xin cho chúng ta được có Chúa ở cùng để giúp nhau hoàn thiện bằng cách sửa lỗi cho nhau. Đây cũng là tinh thần của bài đọc 1: Chúa gọi con người là người canh gác nhà Israel. Chúng ta cũng là người canh gác nhau, không phải để xét đoán, lên án, nhưng xem xét để giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau nên trọn lành. Bài đọc 2 cũng nói việc chu toàn lề luật chính là yêu thương nhau. Đức bác ái là mối dây liên kết trọn hảo. Đạo Công giáo là đạo yêu thương.

Cha Phêrô cũng chia sẻ một kinh nghiệm về cách sửa lỗi : cha được cha Phêrô Phúc giúp từ thời sinh viên và sau đó giới thiệu vào Dòng Tên. Vào Dòng được vài tháng thì ngày 24-12-2009, bề trên đưa xe gắn máy nhờ đi mua đồ. Mua đồ xong, trở ra thì xe không cánh mà bay đâu mất. Cha căng thẳng, Noel năm đó chẳng vui chút nào. Cuối cùng, cha phải trình với cha bề trên. Cha bề trên nghe xong, ôm đầu một lúc rồi nói: “Ơn gọi mà còn mất huống hồ gì là chiếc xe gắn máy! Thôi, thầy báo với cha quản lý để cấp cho xe khác đi. Kinh nghiệm sửa lỗi và tha thứ nhẹ nhàng đó đã đề lại dấu ấn mạnh mẽ trong cha. Cha cảm nhận mình được Nhà Dòng, quý cha, anh em yêu thương, đón nhận và giúp sửa lỗi. Sự chân thành và cảm thức được đón nhận, giúp cha sống ơn gọi cách triển nở và tự tin, trong sáng trong quá trình huấn luyện.

Cha kết luận: Lời Chúa giúp ta rút ra hai bài học:

- Mỗi người có trách nhiệm sửa lỗi anh em mình trong tinh thần bác ái, yêu thương và tôn trọng nhau.

- Mỗi người cũng cần khiêm tốn, nhìn nhận sự giới hạn của mình, và chân thành để anh chị em giúp mình. Vậy, với lòng bác ái, chúng ta vâng theo ý Chúa, giúp sửa lỗi cho nhau, để nên hoàn thiện.

Sau bài giảng, Thánh lễ tiếp tục với phần lời nguyện tín hữu.

Cuối lễ, cha Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa, đại diện Nhà nguyện và giáo dân Đắc lộ lên chúc mừng và tặng hoa cho cha Phêrô. Đáp từ, cha Phêrô hứa sẽ luôn vui tươi và thánh thiện như lời chúc của cha Vinh sơn.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui lan tỏa trên mọi khuôn mặt hiện diện. Vui vì biết rằng, giờ đây cộng đoàn Đắc Lộ có thêm 1 linh mục trẻ, năng nổ, sẽ giúp ích nhiều cho giới trẻ và giáo hội.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top